Nhằm bình đẳng và hợp pháp với người chuyển đổi giới tính, mới đây Bộ Y tế đã đưa ra lấy ý kiến xung quanh định hướng xây dựng dự án Luật Chuyển đối giới tính (CĐGT). Mặc dù trước đó, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua năm 2015 thừa nhận quyền CĐGT, nhưng theo Bộ Y tế, cần xây dựng một luật riêng nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người chuyển giới.
Một người chuyển giới chia sẻ tại hội thảo định hướng xây dựng Luật CĐGT do Bộ Y tế tổ chức
Mới đây, lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) lần đầu tiên có bộ trưởng phụ trách chính sách kỹ thuật số là người chuyển giới cũng cho thấy xã hội có cái nhìn mới đối với người CĐGT.
Nhu cầu thực
Chia sẻ tại hội thảo định hướng xây dựng dự án Luật CĐGT do Bộ Y tế tổ chức mới đây ở TPHCM, ca sĩ Lâm Chí Khanh (đã được CĐGT nam thành nữ) cho biết đã phải qua Thái Lan nhờ đến các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ để đạt giới tính như mong muốn. “Phải chịu đau đớn, tốn kém nhưng sau đó là được sống thật với con người mình”, ca sĩ Lâm Chí Khanh tâm sự. Trong thực tế, nhiều người khác cũng đã thực hiện CĐGT và có nhu cầu CĐGT. Mặc dù sau chuyển giới gặp khó khăn trong việc xác định lý lịch tư pháp như thay đổi tên, giới tính nhưng điều mà hầu hết những người đã CĐGT trăn trở là chưa được đối xử công bằng, bình đẳng trong một số hoạt động xã hội, một bộ phận cộng đồng vẫn còn có sự kỳ thị…
Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), hiện nay chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng người chuyển giới nhưng theo nghiên cứu của các tổ chức khoa học uy tín, tỷ lệ người chuyển giới chiếm khoảng 0,3% – 1% dân số thế giới. Riêng tại Việt Nam, cũng chưa có con số chính thức về số người CĐGT, tuy rằng các cơ quan chuyên môn và quản lý đang tiệm cận đối tượng này. “Việc thu thập số liệu người chuyển giới gặp nhiều khó khăn do sự kỳ thị xã hội khiến người chuyển giới không thể hiện hoặc không công khai giới tính mong muốn của mình. Bản thân người chuyển giới gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống, việc làm, tiếp cận y tế, an sinh xã hội”, TS Nguyễn Huy Quang nhìn nhận.
Theo TS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, thực tế là các cơ sở y tế ở Việt Nam chưa được cơ quan chức năng cho phép thực hiện CĐGT nhưng đã có những cơ sở thẩm mỹ làm “chui”. Do đó, TS Nguyễn Đình Phú đề nghị bên cạnh việc cho phép CĐGT trong những điều kiện cụ thể thì tiêu chí, tiêu chuẩn đối với các cơ sở y tế thực hiện phẫu thuật phải nghiêm ngặt nhằm đảm bảo thẩm mỹ, tính mạng của người chuyển giới.
Sẽ chi tiết trong luật
Bộ luật Dân sự (sửa đổi) năm 2015 đã quy định cho phép việc CĐGT. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự không thể giải quyết những vấn đề cụ thể như điều kiện, cách thức chuyển giới, ai có quyền được chuyển giới, kỹ thuật chuyển giới, chăm sóc sức khỏe người chuyển giới như thế nào… Theo TS Nguyễn Đình Phú, cần phân biệt nhu cầu CĐGT ở các khía cạnh như do khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật tâm lý hay nhu cầu thẩm mỹ cá nhân. “Không loại trừ những trường hợp CĐGT để lảng tránh xã hội, trốn tránh trách nhiệm, thậm chí trốn lệnh truy nã”, ông Phú quan ngại. Một số chuyên gia y tế cũng đặt vấn đề chỉ cho phép xác định lại giới tính đối với người bị khuyết tật bẩm sinh về cơ quan sinh dục khiến việc xác định giới tính không rõ ràng, cần phẫu thuật để chỉnh sửa khiếm khuyết. “Người có cơ thể hoàn toàn bình thường, không bị dị tật nhưng về mặt tâm lý thì tự cho bản thân thuộc giới tính khác và tìm cách chuyển giới bằng phương pháp phẫu thuật và sinh hóa thì không nên cho phép”, một chuyên gia y tế chia sẻ.
Nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, nhân văn của pháp luật Việt Nam liên quan đến người chuyển giới, Bộ Y tế đang xây dựng dự án Luật CĐGT để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Theo bà Đinh Thị Thu Thủy, Vụ Pháp chế, đề cương của Luật CĐGT quy định điều kiện để cá nhân được phẫu thuật CĐGT gồm: Đủ 18 tuổi, quốc tịch Việt Nam, là người chuyển giới và đã được bác sĩ tâm lý xác nhận, đã sử dụng hoócmôn để thay đổi nội tiết theo giới tính mong muốn ít nhất một năm, được cơ sở khám chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật CĐGT xác nhận đủ sức khỏe… Còn TS Nguyễn Huy Quang cho rằng, những nội dung cơ bản trong dự thảo Luật CĐGT gồm quy định chung, điều kiện CĐGT, thực thi CĐGT, công nhận sau CĐGT. Trong đó, thực thi CĐGT sẽ rất quan trọng từ bao gồm hồ sơ, thủ tục đề nghị thực hiện kỹ thuật CĐGT, hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận giới tính, trách nhiệm tư vấn tâm lý và tư vấn thực hiện tiêm hoócmôn cho người chuyển giới, nội dung tư vấn tâm lý để xác định một người CĐGT, nội dung tư vấn về sử dụng hoócmôn…
Theo PGS-TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, việc luật hóa CĐGT là một bước tiến tiếp theo của Hiến pháp, của Bộ luật Dân sự trong việc đề cao quyền con người, mà cụ thể là người chuyển giới, thậm chí sẽ đặt ra vấn đề hôn nhân gia đình, nhận con nuôi… của người chuyển giới. “Hiện thế giới đã có 61 quốc gia hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên hồ sơ pháp lý, kể cả một số nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản… Do đó, đề cao quyền con người, nhân văn, Việt Nam hướng tới bảo đảm sự công bằng, hợp pháp của người chuyển giới”, PGS-TS Phạm Lê Tuấn cho biết
Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định: Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của pháp luật.
TƯỜNG LÂM/ SGGP
Nguồn: Giáo dục Online
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…