Lợn không có cằm. Chó không có cằm. Chẳng loài động vật nào có cằm, trừ chúng ta.
Phần hàm dưới của vượn hay tinh tinh dốc ngược lại từ răng cửa. Cũng như hàm của những loài vượn người khác như Homo erectus. Ngay cả hàm của loài Neanderthal cũng phẳng lì trên một mặt phẳng thẳng đứng. Chỉ có loài người hiện đại có hàm dưới kết thúc với một phần xương nhô ra khiêu khích. Một thứ lạ lẫm. Một cái cằm.
“Chỉ duy nhất loài người có cằm thực sự rất kì lạ,” trích lời Jame Pampush của Đại học Duke. “Khi bạn nhìn vào những thứ chỉ của riêng con người, ta không thể nhìn vào bộ não lớn hay đứng bằng hai chân vì những người họ hàng đã tuyệt chủng của ta cũng có nó. Nhưng chúng không có cằm. Và rõ ràng ai cũng có thứ này.” Thực sự, trừ những trường hợp hiếm hoi của dị tật bẩm sinh, ai cũng sẽ có cằm. Tất nhiên, có người cằm to, có người cằm nhỏ, có người nhiều hay ít thịt ở khu vực đó. Nhưng nếu bỏ chỗ thịt đó ra và nhìn vào xương hàm – mà có khi cũng chẳng cần làm vậy – bạn vẫn sẽ thấy một cái cằm.
Vấn đề nằm ở chỗ, cằm không đơn giản chỉ là “phần đáy của khuôn mặt” hay “phần phía trước của hàm dưới.” Nó là một cục xương đặc biệt nhô ra phía trước phần hàm dưới. Hãy thử Google hình ảnh với từ khóa “horse skull” hay “cat skull” và bạn sẽ thấy không có thứ như vậy tồn tại. Xương hàm trượt về phía sau rất nhiều từ phía hàm răng: không có cằm. Khi bạn vuốt ve “cằm” con mèo nhà mình, bạn đang vuốt hàm dưới của nó. Bạn có thể gọi đó là cằm, nhưng nó chẳng liên quan; và nó cũng không giải quyết được câu hỏi về tiến hóa vì sao chỉ duy nhất con người và một mình con người có phần nhô ra phía trước như vậy.
Đầu lâu của voi.
Với loài voi, sẽ phức tạp hơn chút. Hàm dưới của voi cũng có phần nhô ra phía trước nhìn cũng giống như cằm vậy. Nhưng, hàm dưới của chúng rất kì lạ. Voi có rất nhiều răng cửa tại hàm dưới bởi một vài nguyên do, tạo ra một khoảng trống nhìn vào giống như một phần xương nhô ra vậy. Chúng cũng có môi dưới rất dày và không khớp với đường viền của răng cửa như chúng ta, thay vào đó lại vều ra phía trước, thuôn vào một điểm. Bởi vậy phần phía trước của xương hàm có một chức năng rõ ràng: điểm tựa và nền tảng cho cái môi kì dị này.
Vậy, tại sao chúng ta lại có cằm?
Vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn, cũng không phải tại không ai nỗ lực. Các nhà sinh học tiến hóa đã đưa ra các giả truyết qua hàng thế kỉ, và Pampush cũng đã xem lại những ý tưởng lớn nhất, cùng với David Daeling. “Chúng tôi thấy rằng, vì một lí do nào đó, những giả thuyết này không ổn cho lắm,” ông nói.
Lời giải thích được phổ biến nhiều nhất là cằm chính là sự thích nghi của việc nhai – chúng làm giảm những áp lực khi hàm thực hiện hành động nghiền. Nhưng Pampush thấy rằng, thực ra, cằm còn khiến mọi thứ tệ hơn. Hàm dưới vốn gồm hai phần nối với nhau ở trung tâm; khi ta nhai, ta nén chặt phần xương phía ngoài tại điểm nối này (gần môi) và kéo những xương phía trong lên (gần lưỡi). Khi mà xương sẽ chắc khỏe hơn khi bị nén hơn là kéo giãn, ta sẽ muốn củng cố phía bên trong điểm nối chứ không phải bên ngoài. Nói cách khác, bạn sẽ muốn một thứ ngược lại với cái cằm.
Người khác thì gợi ý cằm là thích nghi của việc nói chuyện: Nó ngăn lại lực mà ta tạo ra khi nói. Sau cùng, ngôn ngữ chính là một đặc điểm khiến ta tách riêng khỏi những loài động vật khác. Nhưng chẳng có bằng chứng đầy đủ nào về việc lưỡi có thể tạo ra một lực đủ lớn để có thể sinh ra một cục xương gia cố dày như vậy. “Và bất cứ loài thú có vú nào giao tiếp bằng tiếng kêu hay có hành động ăn uống phức tạp cần đến lưỡi đều trải nghiệm những biến dạng và áp lực tương tự, và chúng chẳng hề có cằm,” Pampush nói.
Vậy thì có thể là do giới tính? Đàn ông thường có cằm lớn hơn phụ nữ, và chiếc cằm lực lưỡng thường đồng nghĩa với sự thu hút. Phải chăng cằm chính là một đồ trang sức cho tính dục, cũng giống như gạc của hươu đực và đuôi của công, một cách để thu hút bạn tình hay kể cả dấu hiệu của một bạn tình chất lượng và khỏe mạnh. “Nhưng nếu như vậy, ta chính là loài động vật duy nhất mà cả hai giới tính đều có cùng một loại trang sức,” Pampush nói. Nói cách khác, đàn bà cũng có cằm. Hình dáng của cằm có thể liên quan nhiều đến giới tính, những nó không lí giải cho sự hiện diện của cằm. “Chúng có lẽ đã ở đó vì một lí do nào đó trước khi ta bàn về hình dạng của chúng.”
Và, cũng có những giả thuyết cho rằng “tái hiện hình ảnh của chọn lọc tự nhiên,” Pampush nói. Lấy ví dụ, một ý tưởng từ thế kỉ trước nói rằng cằm là sự thích nghi của việc phản hồi lại những cú đấm thẳng vào mặt. “Nếu vậy, loài người sẽ phải bị đấm vào mặt liên tục, và phải chịu những hậu quả đau đớn khi bị đấm mà không có cằm… chẳng thực tế chút nào,” Pampush nói. Chúng chẳng hề phân tán lực đồng đều, và dẫn đến vỡ mồm (hàm) luôn. Ngay cả khi tổ tiên của ta suốt ngày chỉ có đập vào mặt nhau, chúng sẽ phải có xương hàm được củng cố tròn trịa hơn nhiều.
Pampush ngờ rằng cằm chẳng phải là sự thích nghi. Ông nghĩ rằng chúng dường như là một “tường lửng” – một đặc điểm ngẫu nhiên chẳng có lợi ích gì từ chúng cả, nhưng là sản phẩm phụ của quá trình tiến hóa dựa theo một thứ gì khác.
Lấy ví dụ, khi con người tiến hóa, khuôn mặt của chúng ta ngắn lại, dáng đứng thẳng hơn. Sự thay đổi này khiến miệng của ta trở nên chật chội hơn. Để có không gian cho lưỡi và những mô mềm khác, và tránh bịt đường hô hấp, hàm dưới đã phát triển dốc ra phía trước, và cằm chính là tác dụng phụ. Vấn đề của ý tưởng này ở chỗ phía bên ngoài cằm không hề tuân theo đường nét của phía bên trong, và có một núm xương đặc biệt rất dày. Chẳng có gì liên quan tới “phương pháp tiết kiệm không gian” cả.
Một cách giải thích khác cho rằng cằm chính là phần còn sót lại của xương hàm khi tất cả mọi thứ thu nhỏ lại. Khi mà loài người cổ xưa bắt đầu nấu nướng và chế biến thức ăn, ta không cần dùng nhiều đến răng nữa, và kết qua là mọi thứ thu nhỏ lại. Chúng dần dần rút lại về phía khuôn mặt, trong khi một phần của hàm dưới đang giữ chúng lại không hề (hay, ít nhất là, thực hiện chậm hơn nhiều). Và từ đó: Cằm.
Stephen Jay Gould và Richard Lewontin, người đặt ra hình tượng tường lửng tiến hóa, cũng tán thành với giả thuyết này. Cũng như Nathan Holton của Đại học Iowa, vốn nghiên cứu về tiến hóa khuôn mặt. “Dường như sự xuất hiện của cái cằm vốn đã liên quan tới việc thu nhỏ khuôn mặt của con người trong hồng tích kì Pleistocene,” ông nói. “Trong trường hợp này, hiểu rõ vì sao khuôn mặt trở nên nhỏ hơn rất quan trọng cho việc lý giải vì sao chúng ta có cằm.”
“Nhưng tại sao phần viền phía dưới của xương hàm cũng không thu lại?” Pampush nghi vấn. “Điều gì đã xảy ra và chỉ để lại một phần nhô ra như vậy?” Đây chính là vấn đề cơ bản của giả thuyết tường lửng: chúng rất khó để kiểm nghiệm.
Việc có rất nhiều giả thuyết không hoàn hảo đấu đá nhau chẳng hay ho gì, nhưng đấy chính là niềm vui của cái cằm: Chúng tiết lộ phần nào đấy về việc các nhà khoa học nghĩ về tiến hóa như thế nào. Một vài chỉ thấy được sức mạnh của chọn lọc tự nhiên, và nhìn nhận cái cằm chắc chắn là một thể loại thích nghi. Người khác thì coi chọn lọc tự nhiên chỉ là một trong những lực lượng tiến hóa, và từ đó bị hướng về cách giải thích dựa trên thuyết tường lửng. “Cái cằm là một trong những hiện tượng tiến hóa hiếm hoi mà thực sự cho thấy những khác biệt sâu sắc trong triết lí giữa các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này,” Pampush nói.
Và, kể cả, những người ngoại đạo. “Tôi luôn nhận được những email hay ho từ những giáo dân đang tìm cách giúp mình nên hãy để tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc cho những gì mình sắp nhận,” ông nói.
Bởi nếu như có đặc điểm nào thể hiện rõ con người hơn cái cằm, đó chính là có chính kiến.
Theo The Atlantic.
Nguồn: GenK
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…