Một trong những thứ ảnh hưởng lớn nhất đến tâm trạng là chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Serotonin được gọi là hóc môn "cảm thấy tốt" vì nó có khả năng tác động đến tâm trạng, lo lắng và hạnh phúc.
Dù hoóc môn serotonin được tạo ra và được sử dụng ở não, nhưng 80-90% hoóc môn này được tạo ra ở ruột. Có bằng chứng cho thấy các vi khuẩn đường ruột thậm chí có thể giúp ruột sản xuất serotonin nhiều hơn, theo tiến sĩ Erica Sonnenburg, nhà khoa học nghiên cứu cấp cao Khoa Vi sinh và Miễn dịch học của Đại học Y Stanford (Mỹ) và đồng tác giả của cuốn: “The Good Gut: Taking Control of Your Weight, Your Mood, and Your Long-Term Health” (Ruột khỏe: Kiểm soát trọng lượng, tâm trạng và sức khỏe lâu dài).
Bằng cách nào mà hoóc môn này đi từ ruột đến não? Nằm ở các mô lót của thực quản, dạ dày và ruột non và ruột già là một mạng lưới các tế bào thần kinh, dẫn truyền thần kinh và các protein gửi và nhận các xung động, trải nghiệm ghi lại và phản xạ với cảm xúc.
Hệ thống thần kinh ruột (ENS) trong đường ruột cũng thường được gọi là "bộ não thứ hai" của cơ thể và nó kết nối và giao tiếp với hệ thần kinh trung ương (CNS). Các nhà khoa học tin rằng não bộ có thể gửi tín hiệu cho đường ruột, vì vậy mà những căng thẳng có thể dẫn đến các vấn đề đường ruột như đau dạ dày, táo bón và tiêu chảy.
Nhiều nghiên cứu hiện đang tìm kiếm thêm bằng chứng rằng giao tiếp giữa ruột và não là một con đường hai chiều: Các hệ thần kinh trung ương có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh ruột trong ruột – và ngược lại. Vì vậy, trong ngắn hạn, khó chịu và mất cân bằng ở hệ tiêu hóa có thể gửi tin nhắn đến hệ thần kinh trung ương gây ra những thay đổi tâm trạng.
Vì vậy, theo các chuyên gia sức khỏe, điều trị đường ruột tốt mang đến tâm trạng hạnh phúc hơn.
Vậy làm thế nào bạn có thể xây dựng đường ruột mạnh mẽ và có thể cải thiện tâm trạng? Trong khi bổ sung lợi khuẩn là phương pháp nhanh chóng cho một số người, thì chế độ ăn uống nhiều thân thiện với ruột là thứ đơn giản nhất.
Khi tối ưu hóa tiêu hóa và chức năng ruột cần bổ sung các loại thực phẩm quan trọng trong chế độ ăn uống hằng ngày. Thức ăn cần có cho đường ruột là chất xơ từ trái cây, rau, các loại đậu, ngũ cốc, và các loại hạt; thực phẩm lên men như sữa chua, kim chi, dưa chua; thực phẩm chống viêm như cá, trà xanh, tỏi và hạt óc chó và các loại gia vị như quế và gừng.
Ngọc Lam (TNO)