Trong khi chưa có một phương thức nào trị ung thư một cách dứt điểm, tâm lý lạc quan, thoải mái được xem là một “thần dược” giúp bệnh nhân ung thư sống lâu hơn.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng (Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý lâm sàng, PGĐ Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Tâm lý, trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội): Đúng như ông bà ta nói, tâm khỏe thân mới khỏe. Ung thư thực chất cũng là một vấn đề sức khỏe. Yếu tố tinh thần được xem là một yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị căn bệnh nguy hiểm này, đồng thời cũng là một yếu tố tác động rất lớn đến thời gian sống cho bệnh nhân.
Cho đến nay các chuyên gia về bệnh ung thư vẫn luôn khẳng định rằng, căn bệnh này có thể tự khỏi nhờ sức mạnh nội tâm. Chính vì thế, ngày nay, yếu tố tâm lý của bệnh nhân ung thư được xem như là một phương cách điều trị xuyên suốt từ đầu đến cuối trong quá trình điều trị, đặc biệt là ở giai đoạn cuối.
Ảnh minh họa |
Trước hết, theo PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hằng, bất kể ai khi nhận được thông tin mắc bệnh ung thư cũng buồn, cũng sốc, và coi như đã nhận “giấy báo tử”. Không ít người ngay khi nghe tin bị bệnh đã ngã quỵ luôn, không thể cứu chữa, thậm chí có trường hợp lập tức quyên sinh ngay để trốn tránh hiện thực. Sở dĩ họ làm như vậy là do tâm lý không vững vàng, quá sốc và lo sợ. Tâm lý vững vàng sẽ giúp các bệnh nhân đón nhận căn bệnh một cách nhẹ nhàng hơn.
“Cần phải hiểu rằng, ung thư cũng như các căn bệnh mãn tính khác như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp… đó hoàn toàn không phải dấu chấm hết của cuộc đời. Có những người vẫn sống khỏe mạnh rất lâu sau khi biết mình bị bệnh, nhưng cũng có những người không trụ nổi quá 2 tháng sau đó. Sự khác biệt cốt lõi không phải do các yếu tố cơ sở vật chất chữa bệnh, điều kiện vật chất, mà chính là do từ tâm họ mà ra”, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Hằng nói.
Thứ hai, một tinh thần lạc quan, vui vẻ sẽ là hỗ trợ tốt nhất cho quá trình điều trị ung thư. Sự phản kháng về mặt tinh thần sẽ ảnh hưởng đến thể dịch, đến nội tiết trong cơ thể. Chẳng hạn như sự trầm uất, trầm cảm của bệnh nhân sẽ khiến một số hormone trong cơ thể tiết ra không đầy đủ hoặc tiết ra quá nhiều, gây rối loạn. Điều này khiến cơ thể không thể đáp ứng được tác dụng của các loại thuốc chữa bệnh, gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình và hiệu quả điều trị.
Tinh thần bi quan, dằn vặt, giận dữ, căm thù và cay nghiệt với mọi người, với cuộc sống sẽ khiến cơ thể luôn bị căng thẳng, yếu đuối, không có sức đề kháng với bệnh tật. Ngược lại, tinh thần lạc quan và sảng khoái sẽ giúp các bệnh nhân ung thư phát huy sức mạnh nội lực giành giật sự sống.
Cuối cùng, chính tâm lý lạc quan, ý chí của bệnh nhân giúp họ tin tưởng hơn vào các phương thức điều trị thay vì buông xuôi tất cả, họ cũng biết nỗ lực hơn trong quá trình điều trị.
“Chính niềm tin và sự vô tư, không màng đến cá chết đang lơ lửng trên đầu lại trở thành chìa khóa giúp các bệnh nhân ung thư tự giải thoát cho bản thân, giúp họ sống vui, khỏe và có ích, góp phần giúp cho tình trạng bệnh tiến triển tốt hơn. Bệnh nhân ung thư nên tự cứu mình trước tiên. Bởi nếu một khi đã buông xuôi tất cả, ngay cả những điều kiện y tế tốt nhất thế giới cũng không thể nào cứu họ khi mà chính họ không còn tha thiết sống nữa”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng nhấn mạnh.
Quẳng gánh lo đi mà sống
Bệnh nhân ung thư cần phải hiểu được rằng một khi bị ung thư không có nghĩa bạn sẽ chết vào ngay lập tức, bạn hoàn toàn có thể sống lâu hơn thế. Trên thế giới, rất nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư đã tự khỏi bệnh, hoặc chí ít cũng sống thêm ít nhất 10-15 năm.
Tất nhiên, cuộc sống khi mắc bệnh chắc chắn sẽ thay đổi. Bạn phải phân chia sức lực để chiến đấu với ung thư, để trả tiền viện phí và tiếp tục cuộc sống hàng ngày. Do đó, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm. Tuyệt đối không tư lự, trầm ngâm với các xét nghiệm chẩn đoán hoặc những điều trị không hiệu quả bởi chúng chỉ lấy đi sức lực của bạn. Bạn còn các mối quan hệ, gia đình, bạn bè, những việc phải làm ý nghĩa hơn thế. Cần phải nhớ rằng, muốn có sức khỏe để chống chọi với tất cả bệnh tật (không riêng gì ung thư) trước hết phải luôn cố gắng giữ cho mình tâm lý lạc quan, niềm tin vào cuộc sống.
Thêm vào đó, sự lão hóa và bệnh tật là quy luật. “Sinh- Lão- Bệnh – Tử”, không người nào có thể đi ngược lại. Tất cả mọi người sẽ đi và rồi cũng sẽ đến. Vì vậy, chúng ta không nên quá tư lự về điều đó. Hãy sống trọn vẹn mỗi ngày, với mỗi cơ hội mà bạn có. “Đây chính là lý do không phải ngẫu nhiên mà những bệnh nhân ung thư là Phật tử thường hay sống khá lâu” – PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng cho biết thêm.
Thanh Thanh
Hoa nhài sở hữu mùi hương độc đáo được trồng làm cây cảnh trong vườn…
Mạn sườn phải (hạ sườn) là vùng bụng dưới bờ sườn cũng chính là vị…
Các căn bệnh tiêu hoá thường gặp trong mùa thu đông như viêm loét dạ…
Bệnh gan nhiễm mỡ là một trong những nguy cơ dẫn đến xơ gan, suy…
Trong các loại hình thể thao, bơi phối hợp các động tác vận động toàn…
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể, đảm nhận chức năng…