Theo mẹo này, khi bé bị sốt kèm nổi ban thì dùng lươn sống (3 đến 5 con tùy bé lớn hay bé nhỏ) về nhà rửa sạch sẽ. Sau khi tắm rửa cho trẻ xong, lau khô người và đặt trẻ nằm sấp. Dùng lươn sống lăn qua lăn lại nhiều lần từ cổ xuống đến chân trẻ.
Cứ làm như thế trong khoảng 10 phút thì con lươn tự lăn ra chết. Lúc này con lươn chuyển sang màu đỏ. Theo lý giải của dân gian thì sở dĩ con lươn có màu đỏ là do nó hút hết chất độc trên cơ thể của trẻ. Kiên trì làm nhiều lần thì vết ban trên người trẻ sẽ bay đi, trẻ khỏi ốm mà không cần dùng đến thuốc.
Mới đây, trên mạng xã hội, có một mẹ cũng chia sẻ về việc dùng lươn lăn trên lưng để hạ sốt cho trẻ nhỏ. Bài viết đã thu hút rất nhiều lượt bình luận của các mẹ. Hầu hết mọi người đều tỏ ra khá ngạc nhiên và cho rằng phương pháp này thiếu căn cứ khoa học. Có rất nhiều mẹ còn cảm thấy ghê sợ với phương pháp này.
Trao đổi về vấn đề này, lương y đa khoa Vũ Quốc Trung khẳng định: “Trong Đông y, không có nguyên lý nào nói về việc dùng lươn sống lăn trên người trẻ để chữa khỏi sốt phát ban”.
Khi hỏi về hiện tượng lươn sau khi lăn trên người trẻ nhiều lần bị chết và chuyển sang màu đỏ, lương y Trung cho rằng đây hoàn toàn là chuyện không có thật.
Việc lươn chết không hề có chút liên quan nào đến việc trẻ hạ sốt và vết nổi ban bay đi cả. Lươn chết có thể là trong quá trình thao tác, người lớn đã cầm lươn lăn qua lăn lại, vần vò con lươn nhiều lần khiến nó tự chết. Lươn chuyển sang màu đỏ là do khi chết, máu của nó tích tụ dưới da nên chuyển sang màu đỏ – lương y Vũ Quốc Trung lý giải.
Dùng lươn sống lăn trên lưng để hạ sốt cho trẻ là một phương pháp phản khoa học – Lương y Vũ Quốc Trung chia sẻ
Không chỉ trong Đông y mà ngay cả Tây y, các bác sĩ khi được hỏi cũng giật mình vì phương pháp cực kỳ lạ này.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết việc dùng lươn sống tiếp xúc trực tiếp lên da trẻ có thể gây nhiễm trùng và dị ứng, đặc biệt là khi da đang bị phát ban thì điều này là cực kỳ không nên.
Bác sĩ Thái lý giải da của lươn rất nhớt, chứa nhiều vi khuẩn truyền nhiễm. Thêm vào đó trẻ đang sốt mà cho lươn bò lên người khiến trẻ hoảng sợ có thể lên cơn co giật, nguy hiểm đến tính mạng.
“Cha mẹ tuyệt đối không được làm theo phương pháp cực kỳ nguy hiểm và thiếu căn cứ khoa học này”. – Bác sĩ Thái khẳng định.
Trẻ bị sốt phát ban là do nhiễm virus thông thường, trong đó nhóm virus đường hô hấp luôn chiếm đa số và hầu hết là virus lành tính.
Sốt phan ban kèm theo cảm giác mệt mỏi, đau nhức cơ bắp, cơ thể nổi lên những nốt ban đỏ. Một số trường hợp trẻ kèm thêm biểu hiện tiêu chảy. Tuy nhiên, bệnh sẽ tự khỏi sau 5 – 7 ngày, vết ban cũng bay không để lại sẹo.
Thông thường, sốt phát ban thì nhiệt độ cơ thể cũng không quá cao, cha mẹ chỉ cần chú ý chườm hạ sốt cho trẻ hoặc cho trẻ uống hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
Theo Đời Sống Plus
Nguồn: Emdep
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…