Kate Baltrotsky là một giáo viên trung học dạy khoa học, hiện sống cùng hai cô con gái nhỏ. Cô cũng là một chuyên gia tư vấn nuôi dạy con cho các bậc cha mẹ, với nhiều bài viết đăng báo, tạp chí, xuất bản sách. Trong một bài viết mới đây trên tờ Huffingtonpost, Kate đã chia sẻ quan điểm của mình về việc cho trẻ được ngắt lời người lớn.
Sau khi đọc được một bài viết có tiêu đề: “Cách đơn giản để khiến trẻ thôi ngắt lời bạn”, tôi thầm nghĩ rằng: Ồ, thật tuyệt! Quả thật, bạn sẽ cảm thấy rất phiền nhiễu khi phải bỏ dở câu chuyện của mình chỉ vì đứa con đột nhiên từ đâu chạy tới rồi nói với bạn những thứ vô bổ, linh tinh.
Người viết bài báo đó có một cách thật đơn giản là dạy con đặt tay lên người mình khi có chuyện muốn nói mà không tự tiện cắt ngang câu chuyện của người lớn. Bạn dạy cho chúng hiểu rằng chúng sẽ không được chen ngang, chừng nào bố mẹ chưa sẵn sàng nghe. Trong lúc ấy, bạn vẫn nắm tay con mình để chúng biết rằng mình vẫn được để ý. Đó là một cách xử lý hết sức tế nhị, ít nhất là tôi cũng từng nghĩ như vậy.
|
Ảnh: Kidsactivities. |
Một vài ngày sau đó, khi đang đi dạo cùng bạn, cô con gái 4 tuổi rưỡi của tôi, Margo, như thường lệ lại xen ngang vào câu chuyện của tôi. Tôi đã nói với con bé rằng ngắt lời người lớn như vậy là không tốt, rồi cho nó biết một “kế hoạch mới”. Tôi nói rằng, lần sau khi con bé muốn nói gì đó nó phải cầm lấy tay tôi và đợi tôi nói xong câu chuyện của mình. Margo nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu và gần như muốn òa khóc ngay. Nhưng tôi vẫn rất quyết tâm vì mọi người đều cho rằng cách này rất tốt.
Tôi tiếp tục thử làm theo cách ấy thêm vài lần nữa. Bất cứ khi nào con bé lắc tay mình, tôi cũng nhìn thấy một vẻ mặt tuyệt vọng của nó. Nhưng con bé vẫn kiên nhẫn chờ tôi cả phút sau cho đến khi tôi kết thúc câu chuyện có phần dớ dẩn của mình.
Khi tôi quay sang nhìn con bé và nói: “Được rồi, thế bây giờ con muốn nói gì nào?”. Con bé nói: “À, chẳng có gì cả. Con quên mất rồi!”. Cũng có lần con bé kể lại điều muốn nói với tôi nhưng với vẻ kém hào hứng hơn hẳn thường lệ. Lúc này tôi đã tự hỏi rằng: Liệu những lời trò chuyện dớ dẩn của mình có thực sự quan trọng hơn con gái mình và những câu chuyện xen ngang kia không?
Thực sự, thì ai đang chịu đựng kiên nhẫn hơn: Một đứa trẻ 4 tuổi hay một người trưởng thành? Và chúng ta có mất quá nhiều thời gian để lắng nghe những câu chuyện (dù đôi khi ngớ ngẩn) của con cái mình? Nó chỉ mất vài giây đồng hồ. Đơn giản bạn chỉ cần lắng nghe và nói: “Ồ, bố (mẹ) hiểu rồi”, “Ôi, thế à, tuyệt nhỉ!”. Sau đó, con cái bạn sẽ lại quên ngay những gì vừa nói và ngoan ngoãn chơi như thường. Còn bạn sẽ lại tiếp tục câu chuyện của mình. Thế là ổn thỏa cho cả hai.
|
Ảnh: Popsugar. |
Nhưng khi bạn bắt con cầm tay mình và chờ đợi, mọi thứ sẽ không tốt như bạn nghĩ. Kể cả không đáp lời con mình ngay, bạn chắc chắn sẽ bị phân tâm và không thể tập trung vào câu chuyện của mình vì mải nghĩ rằng: không biết con mình muốn nói gì nhỉ? Như thế, thà rằng bạn đáp lời chúng ngay và mau chóng trở lại với câu chuyện của mình còn hơn là bắt chúng đợi chờ trong tuyệt vọng.
Trẻ em luôn cảm thấy rất hứng thú và tận hưởng triệt để khoảnh khắc hiện tại. Khi chúng đột nhiên xuất hiện một ý tưởng nào, chúng cần phải nói ra ngay chứ không phải là 30 giây hay 5 phút sau. Chúng cần phải bộc lộ sự hào hứng ngay lập tức. Điều ấy chẳng có gì sai cả.
Đương nhiên, đôi lúc chúng cũng trở nên hơi quá khích một chút. Nhưng các bậc cha mẹ chớ bao giờ đè nén sự hào hứng ấy. Trẻ sẽ học được cách giao tiếp lịch sự hơn khi đến độ tuổi thích hợp.
Rõ ràng, độ tuổi là nhân tố quan trọng quyết định các hành vi của một đứa trẻ. Cô con gái 5 tuổi của tôi có thể chờ một lát trước khi chia sẻ với tôi điều gì đó. Nhưng cô con gái 2 tuổi thì không, nó phải nói ra ngay.
Vậy, một đứa trẻ sẽ học cách tôn trọng và không cắt lời người lớn thế nào? Khi đang nói chuyện với chồng, bạn bè, đặc biệt là một người bạn có con, tôi thường để lũ trẻ xen ngang vào. Những gì chúng định nói có thể thực sự quan trọng. Nhưng nếu tôi đang nói dở một chuyện quan trọng, tôi sẽ bảo với con rằng chờ mình vài giây. Và chúng sẽ chờ.
Có một điều thú vị là, khi tôi nói chuyện với người lạ hoặc ai đó ở nhà hàng, lũ trẻ sẽ không bao giờ chen ngang vào. Chúng biết là mình không nên làm thế. Dù tôi chẳng dạy chúng gì nhưng chúng vẫn biết được lúc nào nên chen ngang và lúc nào không nên.
Thi thoảng mọi người trong nhà lại cùng nhau đến trước mặt tôi và hỏi han, nói chuyện cùng lúc. Mỗi khi ấy, tôi lại nhắc mọi người rằng tôi không thể nghe tất cả mọi người nói cùng lúc. Tôi nghĩ lũ trẻ đã cũng đã nghe được điều đó và nhận thức được một cách rất tự nhiên.
Tôi để lũ trẻ chen ngang lời mình và luôn khuyến khích sự hào hứng của chúng. Chúng cũng rất ngoan ngoãn, không hề thô lỗ hay ương bướng. Lũ trẻ cần phải được hiểu giá trị của sự hưng phấn. Chúng cũng cần được biết rằng mình có quyền phát biểu ra ý kiến của mình bất kể nó không quan trọng hay không đúng lúc. Và rồi, một ngày kia khi chúng phải đối mặt với một tình huống buộc phải xen ngang, can thiệp, tôi hy vọng chúng sẽ không bao giờ cảm thấy phải sợ hãi.
Minh Phương
Nguồn: VnExpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…