Không đồng ý trả hơn một tỷ đồng cước phí điện thoại sau năm ngày hòa mạng, cô gái bị khởi kiện.
Theo nội dung vụ án, đầu tháng 7/2013, Sỹ Truyền Hoàng Ngân (26 tuổi) ký hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông với chi nhánh của Viễn thông TP HCM (thuộc Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam – VNPT).
Nhà mạng cung cấp cho Ngân sim điện thoại thuê bao trả sau. Ngoài việc gọi trong nước, sim có thể gọi chuyển vùng quốc tế không giới hạn bởi vị trí của máy gọi, vị trí máy nhận cuộc gọi, loại máy… Cô gái phải ký quỹ 5 triệu đồng, khi nào không sử dụng dịch vụ này nữa sẽ được nhận lại tiền.
Trong năm ngày hòa mạng (1-6/7/2013) Ngân gọi và sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế làm phát sinh tiền cước phí cao bất thường – gần 1,1 tỷ đồng. Viễn thông TP HCM thông báo và yêu cầu cô thanh toán. Không đồng ý trả vì mức phí quá cao, Ngân bị VNPT khởi kiện ra tòa.
Trong phiên sơ thẩm hồi tháng 9/2014 của TAND quận 11, Ngân không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nhà mạng. Cô cho rằng, VNPT đã giải thích nội dung trong hợp đồng không đúng với nội dung hai bên đã giao kết. Thuê bao của cô không có việc gọi quốc tế mà không bị giới hạn bởi vị trí máy gọi cũng như máy nhận. Hơn nữa, 5 triệu đồng ký quỹ được giao dịch viên giải thích là “ngưỡng cước phí tối đa”, tức là cước phí quá số tiền này sẽ bị chặn cuộc gọi.
Quá trình giải quyết vụ án, cô gái thừa nhận đã cho người quen (quốc tịch Pakistan) sử dụng sim điện thoại này nhưng hiện không thể liên lạc được với người đó. Cô tố cáo sự việc với Công an TP HCM nhưng hiện chưa nhận được phản hồi.
TAND quận 11 lúc đó đã bác yêu cầu khởi kiện của VNPT. Theo HĐXX, trong việc giao kết hợp đồng VNPT là bên mạnh thế, hiểu biết hơn khách hàng về những vấn đề liên quan đến dịch vụ viễn thông. Phía nguyên đơn cũng là bên soạn thảo hợp đồng, nên việc giải thích nội dung thỏa thuận phải theo hướng có lợi cho khách hàng.
Tòa không chấp nhận quan điểm của VNPT khi cho rằng khi ký hợp đồng hai bên không quy định về giới hạn cước phí cuộc gọi quốc tế và chuyển vùng quốc tế, khoản 5 triệu đồng là ký quỹ khi nào chấm dứt hợp đồng thì trả lại… vì không phù hợp với nội dung hai bên đã thỏa thuận cũng như quy luật thông thường.
Mặt khác, trong 1,1 tỷ đồng cước phí có gần một tỷ là “cước chuyển cuộc gọi”, không phải cước gọi quốc tế. Nhưng VNPT không cung cấp được các số máy đã gọi cho thuê bao của khách hàng để thực hiện dịch vụ chuyển cuộc gọi.
HĐXX nhận định, phải hiểu hợp đồng giữa các bên là “khi tiền cước phí sử dụng dịch vụ roaming vượt quá 5 triệu đồng thì Viễn thông TP HCM phải chặn cuộc gọi”. Do đơn vị cung cấp dịch vụ không làm thế nên lỗi thuộc về VNPT, phải chịu hậu quả; còn khách hàng phải chịu tiền cước phí trong giới hạn đã ký kết.
Không đồng ý với phán quyết này, VNPT kháng cáo. Vụ việc đang được TAND TP HCM xem xét, dự kiến tuyên án vào ngày 21/8.
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW nhận định, các bên đã có sự giải thích không giống nhau về nội dung hợp đồng dịch vụ mà các bên đã ký. Đây cũng là nguyên nhân của nhiều tranh chấp dân sự khác.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Giám đốc Công ty TNHH Luật SBLAW
Không có chứng cứ chứng minh đã giải thích rõ
Cụ thể trong vụ việc trên, phía VNPT cho rằng trong hợp đồng đã ký, Viễn thông TP.HCM cung cấp cho bà Ngân sim điện thoại thuê bao trả sau số 0918.100.524. Ngoài việc gọi trong nước, bà Ngân còn được sử dụng sim điện thoại này để gọi chuyển vùng quốc tế không bị giới hạn bởi vị trí của máy gọi, vị trí máy nhận cuộc gọi, loại máy – luật sư Nguyễn Thanh Hà phân tích.
Tuy vậy, bà Ngân không đồng ý trả tiền và cho rằng phía VNPT đã giải thích hợp đồng không đúng nội dung đôi bên giao kết. Bà chỉ đăng ký sử dụng dịch vụ gọi chuyển vùng quốc tế trong trường hợp khi thuê bao ở nước ngoài, hoàn toàn không có việc gọi quốc tế mà không bị giới hạn bởi vị trí máy gọi, máy nhận như phía nguyên đơn trình bày. Hơn nữa, trong hợp đồng không có thỏa thuận về việc sử dụng dịch vụ gọi quốc tế. Trong khi đó, VNPT không có chứng cứ để chứng minh đã giải thích rõ ràng cho bà Ngân về những nội dung viết tắt trong hợp đồng.
Theo Điều 404 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, việc giải thích hợp đồng được quy định như sau: Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực hiện hợp đồng. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với mục đích, tính chất của hợp đồng. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng.
Cũng theo điều luật trên, các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng. Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia.
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 405 BLDS 2015 cũng quy định, trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.
Như vậy, theo các quy định trên, bên cung cấp dịch vụ nên có trách nhiệm giải thích cho khách hàng hiểu rõ những vấn đề liên quan đến việc ký kết và sử dụng dịch vụ viễn thông. Trong hợp đồng cũng phải giải thích nội dung hợp đồng theo hướng có lợi cho khách hàng.
Thiên Nhẫn (TH)
Nguồn: ĐKN
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…