Categories: Sức khoẻ

Hiện tượng ruồi bay trước mắt

Khi ra ngoài trời sáng, một số người thường gặp hiện tượng các đốm đen bay lòng vòng quanh mắt. Dưới góc nhìn y học, hiện tượng này được gọi là vẩn đục dịch kính.

PGS.TS.BS. Trần Hải Yến – Phòng khám Mắt HYEC, số 31A Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP HCM – đã có những giải đáp cụ thể cho trường hợp này.

– Độc giả Thanh Tâm (Biên Hòa): Em năm nay 35 tuổi. Dạo gần đây, đặc biệt là khi ra ngoài trời sáng, em thỉnh thoảng thấy có những đốm đen lơ lửng trước mắt như ruồi bay nhưng dụi mãi mà không hết. Bác sĩ có thể cho biết đó là bệnh lý gì và có cách nào điều trị hết được không?

– PGS.TS.BS. Trần Hải Yến: Mắt mỗi người đều có một khoang dịch trong suốt dạng keo sệt, được cấu tạo từ các sợi collagen, nằm phía sau tròng đen gọi là buồng dịch kính (hoặc pha lê thể). Bình thường ánh sáng từ ngoài sẽ phải đi xuyên qua khối dịch trong suốt này trước khi hội tụ lại trên võng mạc (nơi cảm thụ ánh sáng ở đáy mắt). Những đốm đen lơ lửng như ruồi bay mà bạn nhìn thấy chính là các biến đổi của dịch kính.

Các sợi dịch kính khi thoái hóa thường có khuynh hướng co cụm lại tạo thành những đám nhỏ có dạng hình chấm, hình sợi hoặc đôi khi kết nối lại thành hình dạng như mạng nhện. Trên nền sáng trơn, chẳng hạn như khi nhìn lên bầu trời hoặc nhìn vào bức tường, những chấm vẩn đục sẽ dễ nhận ra và chú ý hơn. Do ở trong môi trường lỏng nên đám vẩn đục thường sẽ có xu hướng lắng xuống bên dưới, mắt không nhìn thấy. Tùy theo tư thế đầu và các động tác liếc mắt, dịch kính bị khuấy lên, đám vẩn đục vô tình trôi ngang qua trục nhìn của mắt, khiến mắt sẽ nhìn thấy chúng lúc ở vị trí này, lúc ở vị trí khác, có lúc lại mất đi.

Đa số người bị vẩn đục dịch kính không cần can thiệp điều trị.

Những yếu tố gây tăng nguy cơ gặp tình trạng vẩn đục dịch kính bao gồm: tuổi trên 50; cận thị; đã từng bị chấn thương mắt; sau phẫu thuật bong võng mạc; cắt dịch kính; có bệnh lý võng mạc đái tháo đường hoặc mắt bị viêm ở bán phần sau.

Mặc dù giai đoạn đầu khi có tình trạng này, bạn sẽ cảm thấy rất phiền phức khi phải thường xuyên nhìn thấy chúng, nhưng hầu hết trường hợp vẩn đục dịch kính sẽ không cần phải can thiệp điều trị. Dần dần bạn sẽ quen và chung sống được với những đốm vẩn đục này. Ở một số trường hợp khi tầm nhìn bị ảnh hưởng đáng kể, tình trạng này có thể sẽ được giải quyết bằng phương pháp chiếu tia laser hoặc phẫu thuật nội nhãn.

Tuy vẩn đục dịch kính đa phần là lành tính nhưng bạn cần lưu ý khi thấy có bất kỳ thay đổi nào về mắt của mình. Chẳng hạn, khi thấy số lượng đốm vẩn đục đột ngột tăng lên hoặc mắt nhìn thấy mờ hơn, bạn cần phải đi khám kiểm tra ngay vì đó có thể là triệu chứng của một số bệnh lý khác nghiêm trọng hơn.

Để hướng dẫn cách chăm sóc và bảo vệ mắt phù hợp, báo Tri thức trực tuyến Zing.vn phối hợp với Hệ thống trung tâm Mắt Hải Yến thực hiện chương trình “Tư vấn các bệnh về mắt” trên chuyên mục Sức khỏe.PGS.TS.BS Trần Hải Yến – Bộ môn Mắt, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM, cố vấn cao cấp của Phòng khám Mắt Hải Yến cùng các bác sĩ, chuyên gia sẽ trả lời câu hỏi, thắc mắc của độc giả. Bạn đọc có thể gửi câu hỏi trực tiếp về địa chỉ emailsuckhoe@zing.vnhoặc fanpage , 0913 666 665 và Trung tâm Mắt Kỹ thuật cao An Sinh, 08 3845 3869 để được tư vấn.

Sơn Trà
Nguồn: Zing

adminyhoc

Recent Posts

SIBO liên quan đến tăng cân như thế nào?

SIBO có gây tăng cân không? SIBO (sự phát triển quá mức vi khuẩn tại…

13 mins ago

Mất cân bằng vi khuẩn đường ruột gây rối loạn tự kỷ

Theo các số liệu thống kê từ Liên Hợp Quốc cho thấy hiện có 1%…

1 day ago

Vi khuẩn đường ruột oxalobacter formigenes hỗ trợ điều trị sỏi thận

Cơ thể con người chứa đến hàng tỷ các vi sinh vật khác nhau bao…

2 days ago

Vai trò, ảnh hưởng của hệ vi sinh đường ruột đối với bệnh tiểu đường, béo phì, ung thư đại tràng

Hệ vi sinh đường ruột của con người là một cộng đồng vi sinh vật…

3 days ago

JARDIANCE, empagliflozin điều trị đái tháo đường týp 2

JARDIANCE viên nén bao phim chứa 10 hoặc 25 mg empagliflozin. Thành phần tá dược:…

4 days ago

Vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng đến não như thế nào?

Hơn một thế kỷ trước, chúng ta phát hiện ra rằng vi khuẩn sống trong…

4 days ago