Categories: Vợ chồng

Hành trình cùng vợ con ‘vượt cạn’ kinh hoàng của ông bố 9x

1h sáng, mưa xối xả, Tú run rẩy đưa con gái vừa chào đời đã tím tái ra xe cấp cứu, trong đầu vẫn vang tiếng máy báo nhịp tim vợ đang sốc phản vệ trên bàn đẻ…

Đến giờ ông bố trẻ Nguyễn Anh Tú (Hà Nội) vẫn không khỏi rùng mình khi nhớ lại giây phút kinh hoàng nhất trong đời mình, đêm 15/7 vợ đẻ. Tú kể, tối đó anh đưa vợ vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sinh. Bác sĩ khám và xác định Ngọc đã mở cổ tử cung 3 phân, sức khỏe tốt nên chỉ định đẻ thường. 22h đêm Tú bảo người nhà về nghỉ vì bác sĩ chẩn đoán khoảng 3h sáng Ngọc mới sinh.

23h30 đêm, Ngọc được tiêm mũi gây tê màng cứng (theo kỹ thuật đẻ không đau). Tú chờ bên ngoài phòng đẻ, bỗng thấy các y tá bác sĩ hốt hoảng chạy từ trong ra rồi người từ các khoa khác rầm rập đổ về khuân theo máy móc, dụng cụ y tế. Nhân viên y tế thông báo với Tú là vợ bị sốc phản vệ với thuốc gây tê màng cứng và đã lập tức suy tim, trụy thai, tim ngừng đập, các y bác sĩ phải mang thiết bị y tế từ phòng mổ xuống để mổ cấp cứu tại bàn đẻ. Ngọc hôn mê sâu và có thể tử vong tại chỗ.

Anh Tú lặng người, chờ đợi… 23h59, bác sĩ thông báo đã cứu được em bé nặng 3,2 kg nhưng con bị suy hô hấp nặng do đẻ ngạt, phải đặt ống nội khí quản ngay. “Giây phút ấy tôi hầu như không nghĩ được gì hết, cả người run lên, tay chân bủn rủn. Bao ngày tháng chuẩn bị, mong ngóng giây phút con chào đời, chưa bao giờ nghĩ có chuyện kinh hoàng như vậy lại có thể xảy đến”, ông bố trẻ chia sẻ sau giây phút khủng khiếp này vài tiếng đồng hồ.

Ngọc hôn mê sau khi bị sốc phản vệ với thuốc gây tê màng cứng (ảnh trên) và bình phục sau gần chục ngày hồi sức tích cực (ảnh dưới). Ảnh Facebook của Nguyễn Anh Tú.

Ông bố sinh năm 1991 cố gắng giữ bình tĩnh và quyết định xin cho con sang Viện Nhi trung ương. “Lúc đó là 1h sáng. Trời mưa tầm tã. Vợ vẫn trong tình trạng thập tử nhất sinh, con thì tím tái, liên tục phải hỗ trợ bóp bóng oxy. Trong lòng tôi ngổn ngang, sợ hãi đến cùng cực”, Tú nhớ lại.

Sang Viện Nhi trung ương, bé Cìu Bông được các bác sĩ áp dụng liệu pháp làm mát não để ngăn chặn phần nào tổn thương não do ngạt. Tú lập tức quay về Bệnh viện phụ sản và biết tin vợ đã bước đầu thoát nguy hiểm nhưng vẫn phải điều trị tích cực tại phòng hồi sức cấp cứu.

Không biết phải diễn tả sao nữa về những cảm giác trải qua trong vòng mấy tiếng đồng hồ ấy, tất cả ngấm sâu vào não và cứ liên tục quay lộn tùng phèo trong đầu, tiếng hò hét, tiếng người chạy rầm rập ở hành lang, tiếng máy móc kêu lẫn lộn hết tít ngắn rồi đến tít dài. Cứ khi nào máy tít dài tim em nó nghẹt lại, cứ đứng ở cửa phòng khóc đến tê dại cả người, khủng khiếp và nặng nề”, ông bố trẻ chia sẻ trên một diễn đàn.

Nhật ký những ngày vợ đẻ kinh hoàng của ông bố 9X

Suốt mấy ngày sau đó, Tú chạy đi chạy lại như con thoi giữa hai viện sản – nhi để theo dõi, chăm nom cho vợ và con. Ngoài lúc được vào thăm vợ thì anh vạ vật đợi tin con, ngày 8 lần đưa sữa vào cho bé. Ông bố trẻ kể, mỗi ngày ở khu con nằm điều trị đều có 1-2 bạn phải xin về vì không thể cứu chữa được, khiến anh luôn sợ hãi, ám ảnh.

“Đêm con chuyển đến, có bạn cũng chuyển lên từ Nghệ An, sau 2 tiếng cấp cứu thì mất. Bố bạn ấy không khóc, chỉ ôm chặt con trong chăn đưa về. Có bé nằm điều trị một tháng 17 ngày cũng không qua khỏi. Bà nội lần giở trong túi chỉ còn vài nghìn đồng, phải giao hẹn taxi đưa về đến nhà sẽ vay tiền trả… Những cảnh đời ấy đập vào mắt làm mình càng xót xa, lo sợ nhưng nó cũng khiến mình thấy gia đình mình còn may mắn khi con vẫn còn cơ hội và xung quanh có biết bao người thân, bạn bè sẵn sàng trợ giúp”.

Anh cho biết, trong những ngày vợ con nằm viện, bạn bè, gia đình đã luôn động viên, giúp đỡ anh cả về vật chất và tinh thần. Cô em họ mới sinh sẵn sàng cho bé Cìu sữa, nhiều người bạn ngỏ ý cho mượn tiền rồi giới thiệu người thân, bạn bè đang làm trong bệnh viện để trợ giúp, thậm chí mang đồ ăn đến cho vợ anh, nhắn tin khích lệ tinh thần… Tất cả đều là nguồn động lực để ông bố trẻ vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của đời mình.

Bé Cìu Bông thời điểm sau khi được cai máy thở. Ảnh: Facebook của bố Tú. 

Hiện tại, vợ anh, chị Ngọc đã bình phục sức khỏe. Những ngày vợ mới tỉnh lại, Tú và cả gia đình không ai dám cho biết về tình hình của bé.

“Ngay khi vừa tỉnh dậy, Ngọc hỏi ‘con em đâu’, Tú ngồi cạnh cố kìm nước mắt bảo vợ ‘Em còn yếu nên con đang được bác sĩ chăm sóc’. Ngọc hỏi tiếp ‘Con khỏe không, con ăn được gì chưa, con có khóc không…’ làm cả nhà ai cũng muốn khóc nhưng phải cố kìm lại, sợ biết tình trạng con ngàn cân treo sợi tóc sẽ khiến nó sốc, ảnh hưởng tới sức khỏe”, chị gái Ngọc kể lại.

Mãi tới khi Ngọc xuất viện, được về nhà, Tú mới dám kể hết cho vợ nghe về tình trạng của con. Ngọc cũng rất sốc nhưng được chồng động viên nên lấy lại sức mạnh để tiếp tục chăm bé. Người mẹ trẻ cho biết chị không hề nhớ chút gì về những việc đã qua, kể cả chuyện tỉnh dậy và hỏi về con. Những ngày nằm trong khoa hồi sức cấp cứu, cứ đêm đến Ngọc chỉ nghĩ đến con, tủi thân trào nước mắt khi nghe tiếng những đứa trẻ khác khóc gần đó.

Xuất viện hôm trước, hôm sau Ngọc vào viện nhi nằm ghép với con để chăm bé. “Đêm đầu tiên đoàn tụ đó, hai vợ chồng vừa hạnh phúc vừa lo lắng, lóng ngóng. Con sau 10 ngày không khóc, bỗng cả đêm đó khóc vang như muốn làm nũng bù những ngày xa bố mẹ. Trộm vía giờ cháu đã có phản xạ ăn, giật mình, khóc… tốt. Bố mẹ cháu chỉ mong con mau khỏi viêm phổi để về nhà thôi”, người mẹ trẻ nở nụ cười hạnh phúc.

Anh Tú và Bích Ngọc trên một cung đường phượt thủa yêu đương. Ảnh: Facebook bố Tú. 

Thạc sĩ Lê Thị Thu Hà, Phó khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, những trẻ bị ngạt khi sinh như bé Nguyễn Linh Anh (Cìu Bông) thường có tiên lượng xấu. Cháu nhập viện trong tình trạng rất nặng, phải liên tục hỗ trợ hô hấp bằng bóp bóng. Sau khi nhập viện Nhi, bé được sử dụng phương pháp làm mát não trong 72 giờ, sau đó làm ấm trở lại và thở máy hoàn toàn kết hợp với hỗ trợ dinh dưỡng, thuốc men. Bé được cai máy thở 6 ngày sau, hiện tỉnh táo, phản xạ khá, không có cơn co giật, tình trạng tương đối ổn định. Bé đang điều trị viêm phổi và có diễn biến tích cực, có thể xuất viện vào vài ngày tới.

Tuy nhiên, kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy, bé có tổn thương nhu mô não do thiếu oxy lúc sinh. Theo bác sĩ, những trẻ bị ngạt khi sinh dễ để lại di chứng trên não với tổn thương mức độ nặng nhẹ khác nhau như bại não, ảnh hưởng tinh thần, vận động, khả năng học hành… Bé cần được theo dõi sát sao suốt quá trình phát triển để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và có thể tìm cách khắc phục.

“Nuôi một đứa con bình thường đã vất vả, chưa nói tới trẻ có tổn thương não. Tôi cũng xác định rồi, chắc chắn sẽ phải cùng con chiến đấu lâu dài. Dẫu sao, sự sống của cháu đã là một điều kỳ diệu. Còn từ nay, dù phải làm gấp đôi, gấp ba, bố mẹ cháu cũng sẽ cố gắng để dành cho con những điều tốt nhất. Con còn đỏ hỏn đã kiên cường như siêu nhân vậy, có cớ gì bố mẹ lại gục ngã được”, ông bố trẻ có nụ cười hiền Nguyễn Anh Tú bộc bạch.

Vương Linh

Nguồn: VnExpress

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

3 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

3 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

5 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

6 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

1 week ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

2 weeks ago