Thai nhi đi lạc vị trí, không phát triển trong tử cung như bình thường là những trường hợp nguy hiểm phụ nữ có thể gặp phải khi mang bầu. Biện pháp tốt nhất là phải đình chỉ thai kỳ để bảo vệ tính mạng cho người mẹ và khả năng sinh sản sau này.
Mang thai ngoài tử cung là trường hợp thai không nằm trong tử cung mà nằm ở những nơi khác bên ngoài. Ảnh minh họa: Getty Images.
Chị Nguyễn Thị Ninh (Hậu Lộc, Thanh Hóa) bị chậm kinh 19 ngày, thử que thử thai thấy có 2 vạch nên cả nhà vui mừng vì vợ chồng chị có em bé sau 2 năm cưới nhau. Tuy nhiên, khi bác sĩ siêu âm không nhìn thấy hình ảnh túi thai.
Sang tuần thứ 4, chị Ninh bắt đầu đau bụng dữ dội nên được người nhà đưa đi cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán chị mang thai ngoài tử cung, lúc này máu vỡ ồ ạt trong ổ bụng, tình trạng rất nguy hiểm. Để cứu bệnh nhân, bác sĩ buộc phải cắt vòi trứng của chị Ninh, đồng nghĩa chị có nguy cơ không được làm mẹ trong tương lai.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Tạ Việt Cường, Khoa D4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, mang thai ngoài tử cung là trường hợp thai không nằm trong tử cung mà nằm ở những nơi khác.
Khi đó, phụ nữ cũng có những dấu hiệu như mang thai bình thường như trễ kinh hoặc rong huyết, một số người bị đau bụng, đôi khi âm ỉ, đôi khi có những cơn đau nhói.
Đây là một trong những nguyên nhân gây vô sinh. Nhiều trường hợp tương tự như chị Ninh, phát hiện thai ngoài tử cung hoặc đến cơ sở y tế muộn, khi đã có hiện tượng chảy máu trong ổ bụng và khối chửa ở vòi tử cung giãn to, nên khó bảo tồn vòi tử cung. Để xử lý, bác sĩ phải cắt vòi tử cung, một phần nguyên nhân gây vô sinh về sau.
Thạc sĩ Cương lưu ý nếu có những dấu hiệu bất thường, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm thai ngoài tử cung và điều trị bằng những phương án nhẹ nhàng hơn như điều trị nội khoa, hoặc phẫu thuật để bảo tồn vòi tử cung.
Do đó, chị em cần lắng nghe cơ thể để có ý thức thăm khám ngay khi chậm kinh một tuần, hoặc chậm kinh kèm dấu hiệu đau bụng hoặc ra máu.
Bên cạnh đó, chị em nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần. Đây là biện pháp hữu hiệu nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý, giảm nguy cơ mang thai ngoài tử cung ở phụ nữ.
Bên cạnh việc mang thai ngoài tử cung, phụ nữ từng mổ đẻ còn có nguy cơ thai bám vào vết mổ cũ.
Thông thường, trứng sau khi được thụ tinh sẽ di chuyển vào buồng tử cung để làm tổ. Hầu hết phôi sẽ bám vào vùng đáy của tử cung, nơi có những điều kiện tốt nhất để phát triển. Tuy nhiên, một số phôi nằm lạc chỗ ở vị trí eo tử cung, nơi có vết sẹo của lần sinh mổ trước để lại.
“Eo tử cung không phải là nơi phù hợp để thai có thể bám vào. Vì ở vị trí này niêm mạc và cơ tử cung mỏng nên không đủ khả năng để nuôi dưỡng cho phôi thai phát triển. Các mạch máu nuôi phôi thai sẽ có xu hướng đâm xuyên qua lớp cơ tử cung, bám vào các cơ quan lân cận”, thạc sĩ Cường giải thích.
Thai bám vào sẹo tử cung nếu không phát hiện sớm khi thai còn nhỏ để kịp thời xử lý sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho sản phụ. Khi thai đã to rất dễ xảy ra trường hợp rau tiền đạo và rau cài răng lược.
Đối với trường hợp rau cài răng lược bị chảy máu, bác sĩ buộc phải chỉ định cắt bỏ tử cung. Nhiều trường hợp không may mắn dù cắt bỏ tử cung, tính mạng của mẹ vẫn khó giữ được do máu mất quá nhiều.
“Thai ở vị trí sẹo mổ cũ thường phát triển rất kém, có hiện tượng thai ngừng phát triển và sảy thai. Nếu sảy thai, hầu hết là chảy máu dữ dội, nhiều trường hợp đã phải cắt tử cung vì không cầm được máu, sản phụ dễ sốc và trụy tim mạch”, thạc sĩ Cường cho biết.
Theo chuyên gia này, quá trình điều trị cho những bệnh nhân thai bám vào sẹo tử cung tương đối phức tạp. Mỗi bệnh nhân sẽ có một phác đồ điều trị khác nhau. Quan trọng là phát hiện bệnh sớm hay muộn, có hay chưa chảy máu.
Hiện chưa có phương pháp điều trị ưu việt cho thai bám vào vết sẹo tử cung. Cách duy nhất là chấm dứt thai kỳ sớm để tránh biến chứng cho người mẹ. Các bác sĩ có thể điều trị nội khoa, hút thai, phẫu thuật…
Chuyên gia cũng cho biết thêm tỷ lệ thai bám vào vết sẹo cũ chỉ dưới 1% ở những ca sinh mổ. Tuy nhiên, hiện tượng này đang có xu hướng gia tăng do các ca sinh mổ tăng và siêu âm phát triển.
Do đó, các sản phụ có tiền sử vết mổ cũ khi chậm kinh một tuần nên đi khám để biết được thai đã nằm đúng vị trí hay chưa. Trong trường hợp có thai bám vào sẹo tử cung, người mẹ cần làm theo những tư vấn bác để đảm bảo tính mạng và khả năng sinh sản về sau.
Hà Thanh
Nguồn: Zing
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…