Categories: Mẹ và bé

Giết mổ, tiếp xúc với lông gia cầm dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cúm

Các thắc mắc của độc giả về phòng chống cúm gia cầm được đại diện Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Bệnh viện nhiệt đới giải đáp trực tiếp từ Zing.vn

Trước nguy cơ cùng lúc phải đối mặt với 2 dịch cúm (H5N1 và H7N9), người dân nói chung và các hộ chăn nuôi nói riêng đang vô cùng lo lắng. Để góp phần giải quyết những băn khoăn ấy, 15h ngày 29/3, Bộ Y tế phối hợp với Báo điện tử Zing.vn và trang Zalo của Bộ Y tế tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về chủ đề “Phòng chống dịch cúm gia cầm”.

Cụ thể, các vấn đề tư vấn bao gồm: nguyên nhân/cơ chế lây nhiễm, các biến chủng virus cúm lây nhiễm sang người, biểu hiện của bệnh nhân mắc cúm gia cầm, các biện pháp ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm gia cầm sang người, cách phòng chống đại dịch…

Đại diện cơ quan chức năng và chuyên gia trả lời trực tuyến độc giả Zing.vn về “Phòng chống dịch cúm gia cầm”.

Trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phòng chống cúm gia cầm”, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế – ông Trần Đắc Phu, Tiến sĩ – bác sĩ Ngũ Duy Nghĩa -Phó trưởng khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương và ông Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sẽ có những tư vấn bổ ích, để người dân hiểu rõ hơn về dịch bệnh nguy hiểm này, cũng như chủ động phòng tránh để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Chiều 29/3, đại diện Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Bệnh viện nhiệt đới sẽ có mặt tại tòa soạn Zing.vn để giao lưu trực tuyến về phòng chống cúm gia cầm. Độc giả đọc quan tâm tới vấn đề cúm gia cầm có thể đặt câu hỏi trước cho các khách mời tại đây.

  • 2017-03-29 15:00+0700

  • Hà Nội

Tự động cập nhật sau 30 giây

  • Bạn Đinh Thị Hồng Hoa hỏi:

    Cúm gia cầm lây lan qua những con đường nào?

    Ông Trần Đắc Phu

    Hiện nay, cúm A H5N1 và H7N9 lây truyền từ gia cầm sang người. Chúng lây truyền qua đường tiếp xúc đường chất thải, nấu ăn không chín, chưa thấy chứng minh lây truyền từ người sang người. Nếu cúm A H5N1 lây truyền trong đàn gia cầm thì đàn gia cầm có thể chết. Với cúm A H7N9 đàn gia cầm sẽ không chết, song dịch vẫn lây truyền sang người cũng như lây gia cầm sang gia cầm khiến dịch bùng phát.

    Ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế giải đáp thắc mắc của độc giả trong chương trình phỏng vấn trực tuyến về “Phòng chống cúm gia cầm”.

  • Bạn Nguyễn Thành Luân hỏi:

    Tôi có nguy cơ mắc cúm gia cầm nếu tiếp xúc với các loài chim nuôi tại công viên hoặc chim sống trong tự nhiên không?

    Ông Ngũ Duy Nghĩa

    Bệnh cúm gia cầm là bệnh có nguồn gốc từ động vật lây sang người, bao gồm các loại chim hoang dã, đặc biệt là gia cầm, thuỷ cầm. Như vậy các loại chim, nhiễm virus, mắc bệnh đề có khả năng truyền bệnh sang cho con người. Nếu bạn có tiếp xúc trực tiếp với chim bị nhiễm virus hoặc mắc bệnh thì bạn có khả năng bị nhiễm virus từ các loại chim này.

  • Bạn Bích Thủy hỏi:

    Thưa bác sĩ, nếu không tiêm phòng cúm mà tiêm mũi phòng viêm phổi, viêm tai có thể thay thế được không?

    Ông Nguyễn Trung Cấp

    Vắc-xin tiêm phòng cúm có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ lây truyền virus cúm, trong khi vắc-xin phòng viêm phổi, viêm tai nhằm ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh do vi khuẩn phế cầu và HI. Bởi vậy, hai loại vắc-xin này không thể thay thế cho nhau.

  • Bạn Diệu Linh hỏi:

    Đối với các ổ dịch hiện nay, Chính phủ và cơ quan chức năng khác đã thi hành chính sách hỗ trợ người dân như thế nào?

    Ông Trần Đắc Phu

    Hiện tại ở nước ta chưa phát hiện ca nhiễm cúm A/H7N9 trên người. Bên cạnh đó, từ 2014 đến nay, không ghi nhận ca cúm A/H5N1 trên người.

    Từ đầu năm đến nay, trên gia cầm có ghi nhận một số ổ dịch tại 11 tỉnh, thành phố. Việc xử lý ổ dịch cũng như thực hiện các chính sách hỗ trợ, đền bù và tiêu hủy gia cầm thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Để biết cụ thể thông tin, độc giả có thể liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại địa phương.

  • Bạn Hoàng Minh hỏi:

    Gia đình tôi đang nuôi gà đẻ trứng thương phẩm, trứng ăn, con giống được mua nơi tin cậy, gà có giấy chứng nhận tiêm chủng rõ ràng, hiện gà đẻ trứng mạnh, nuôi theo quy trình khép kín đã được cách ly bên ngoài. Liệu gà có khả năng bị cúm không? Cách phân biệt nhanh và biểu hiệu khi ở giai đoạn ủ bệnh như thế nào? Liệu có cần tiêm ngừa thêm chủng cúm không và chủng nào là hợp lý nhất?

    Ông Ngũ Duy Nghĩa

    Gia đình bạn chăn nuôi và kinh doanh các sản phẩm của gia cầm theo mô hình khép kín và được cách ly với bên ngoài sẽ hạn chế được khả năng lây nhiễm bệnh cúm từ bên ngoài. Tuy nhiên nhiều báo cáo cho thấy các đàn gia cầm, trang trại chăn nuôi có thể bị nhiễm bệnh từ chim hoang dã, do vậy bạn nên quan tâm phòng lây nhiễm từ nguồn truyền nhiễm này. Các thông tin kỹ thuật về phòng chống bệnh cho gia cầm, bạn liên hệ với cơ quan thú y tại địa phương để được hướng dẫn thực hiện đúng quy định.

  • Bạn Đào Thị Hoài An hỏi:

    Trên đường phố có rất nhiều xe máy chở gia cầm sống trong lồng, sọt. Nếu trong số đó có gia cầm nhiễm bệnh, liệu tôi đi đằng sau và hít phải không khí hoặc các sợi lông gà, vịt thì có nguy cơ bị lây nhiễm không?

    Ông Ngũ Duy Nghĩa

    Bệnh cúm gia cầm là bệnh có nguồn gốc từ động vật lây sang người bao gồm các loại chim hoang dã, đặc biệt là gia cầm, thuỷ cầm. Nguy cơ nhiễm bệnh khi có tiếp xúc, đặc biệt là tiêp xúc trực tiếp với gia cầm, sản phẩm gia cầm sống hoặc môi trường bị nhiễm virus. Trường hợp bạn hỏi, về mặt lý thuyết khi hít phải virus từ các lồng sọt này thì con người có khả năng nhiễm bệnh. Tuy nhiên việc phát tán virus cúm gia cầm qua không khí vẫn chưa được chứng minh đầy đủ. Do vậy nếu bạn có nghi ngờ tiếp xúc với nguồn bệnh, cần theo dõi sức khoẻ chặt chẽ trong vòng 14 ngày. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

  • Bạn Trần Trọng Hải hỏi:

    Nếu gia cầm bị nhiễm dịch bệnh này thì phải xử lý như thế nào?

    Ông Ngũ Duy Nghĩa

    Đối với gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc mắc cúm, cách xử lý đúng nhất là thông báo và liên hệ với cơ quan thú y tại địa phương để được hướng dẫn xử lý theo quy định.

  • Bạn Mỹ Khuê hỏi:

    Khi tiêu hủy đàn gà cúm, tôi cần trang bị những gì để tránh việc nhiễm virus từ nguồn bệnh?

    Ông Nguyễn Trung Cấp

    Những người tham gia tiêu hủy gà cúm cần trang bị các phương tiện phòng hộ lây truyền qua đường hô hấp và tiếp xúc như: khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ… Sau khi thực hiện tiêu huỷ, cần rửa tay bằng nước xà phòng hoặc các loại dung dịch sát trùng khác.

  • Bạn Đào Minh Thủy hỏi:

    Làm thịt và chế biến gà có thể bị nhiễm cúm gia cầm hay không?

    Ông Ngũ Duy Nghĩa

    Khi giết mổ, chế biến gia cầm hoặc các sản phẩm gia cầm nhiễm virus mà không sử dụng các phương tiện bảo hộ đúng quy định sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.

  • Bạn Nguyễn Trọng Hưng hỏi:

    Xin bác sĩ chỉ ra một số biện pháp phòng chống cúm gia cầm hiệu quả, có thể thực hiện tại gia đình?

    Ông Nguyễn Trung Cấp

    Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe. Những người tham gia tiêu huỷ, vận chuyển gia cầm ốm chết cần trang bị phòng hộ cá nhân.

  • Bạn Phan Thùy Dương hỏi:

    Cúm gia cầm có lây nhiễm qua đường hô hấp hay không?

    Ông Nguyễn Trung Cấp

    Bệnh cúm gia cầm lây sang người qua đường hô hấp và tiếp xúc. Những người tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, sản phẩm gia cầm sống hoặc hít phải các dịch tiết đường hô hấp của gia cầm nhiễm virus đều có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh.

  • Bạn Bích Nguyễn hỏi:

    Ong mật có thể bị nhiễm cúm gia cầm không?

    Ông Ngũ Duy Nghĩa

    Hiện chưa có báo cáo về trường hợp này.

  • Bạn Trần Bích Ngân hỏi:

    Cúm H5N1 và H7N9 thường xuất hiện vào thời gian nào? Làm sao để phòng ngừa dịch bệnh bùng phát?

    Ông Trần Đắc Phu

    Bệnh cúm A/H5N1 và bệnh cúm A/H7N9 là bệnh cúm trên gia cầm có thể lây nhiễm sang người và gây bệnh trên người với biểu hiện lâm sàng là viêm đường hô hấp cấp tính nặng, có thể dẫn đến tử vong. Do là bệnh lây từ động vật sang người, nên khi có dịch bệnh trên gia cầm thì mới xuất hiện ca bệnh trên người, thông thường xảy ra nhiều vào mùa đông xuân, đặc biệt tăng nguy cơ lây bệnh vào các dịp sử dụng, tiêu thụ gia cầm lớn như dịp Tết, mùa lễ hội sau Tết âm lịch.

    Để chủ động phòng tránh lây nhiễm và mắc bệnh cúm gia cầm người dân cần thực hiện một số khuyến cáo của Bộ Y tế như sau: thường xuyên rửa tay với xà phòng, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm ốm chết, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn, khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời, người trở về nước từ khu vực có bệnh, nếu có những triệu chứng của bệnh cúm phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe và điều trị kịp thời.

  • Bạn Phạm Thị Hằng hỏi:

    Đại dịch này có thể lây từ người sang người hoặc gây chết người không?

    Ông Trần Đắc Phu

    Hiện nay bệnh cúm gia cầm là bệnh lây truyền từ động vật sang người, chưa có bằng chứng về việc lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên vi rút cúm là loại vi rút có sự biến đổi liên tục, chúng ta cần phải giám sát chặt chẽ, liên tục để phát hiện sớm những biến đổi về độc lực cũng như khả năng lây truyền, dự báo về khả năng gây đại dịch để có kế hoạch sẵn sàng đáp ứng, hạn chế tối đa những tác động đến sức khỏe cộng đồng cũng như an sinh xã hội khi đại dịch xảy ra.

    Hiện có 3 chủng vi rút cúm gia cầm tuýp A có thể lây sang người là H5N1, H7N9 và H5N6. Trong đó, đặc biệt nguy hiểm là các chủng cúm A/H5N1 và H7N9 lây sang người và gây tử vong với tỷ lệ tử vong trung bình 50%.

  • Bạn Lê Thị Hồng Nhung hỏi:

    Hiện dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở những tỉnh thành nào?

    Ông Trần Đắc Phu

    Hiện tại ở Việt Nam chưa phát hiện cúm A/H7N9 trên gia cầm cũng như trên người. Tuy nhiên, tình hình dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang diễn biến rất phức tạp với số lượng người mắc bệnh tăng cao đột biến trong một thời gian ngắn, từ tháng 10/2016 đến nay, Trung Quốc ghi nhận hơn 511 trường hợp mắc, 153 trường hợp tử vong, bằng 1/3 số ca mắc kể từ 2013 đến nay. Đặc biệt đáng quan ngại, một số tỉnh giáp biên giới Việt Nam như Quảng Tây và Vân Nam đều ghi nhận các trường hợp mắc bệnh trong thời gian gần đây. Vì vậy, nguy cơ cúm gia cầm A/H7N9 xâm nhiễm vào nước ta là cao.

    Nước ta đã đã khống chế thành công cúm A/H5N1 trên người. Từ năm 2014 đến nay, nước ta không ghi nhận trường hợp mắc mới ở người. Tuy nhiên, ổ dịch cúm trên gia cầm vẫn tiếp tục xuất hiện rải rác ở một số địa phương trên các đàn gia cầm. Theo thông tin từ cục Thú y – bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từ đầu năm đến nay đã phát hiện 11 địa phương có ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm, bao gồm: Cao Bằng, Bắc Ninh, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Tây Ninh, Cần Thơ, Bạc Liêu, An Giang, Sóc Trăng. Do đó, nguy cơ lây nhiễm sang người vẫn có thể xảy ra.

  • Bạn Trần Quang Minh hỏi:

    Xin Bộ Y tế cho tôi biết cách phòng chống dịch cúm gia cầm để đề phòng bệnh lây lan?

    Ông Trần Đắc Phu

    Để chủ động phòng chống dịch cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:

    1.Không ăn, giết mổ gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng thường xuyên.

    2.Không vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

    3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

    4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

  • Bạn Duy Dương hỏi:

    Xin các chuyên gia y tế phân biệt cúm thường và cúm gia cầm?

    Ông Trần Đắc Phu

    Vi rút cúm thuộc nhóm Orthomyxoviridae và được phân thành 3 tuýp A, B và C. Trong 3 tuýp vi vút cúm thì chỉ có vi rút cúm tuýp cúm A gây bệnh cho cả người và động vật, còn vi rút cúm tuýp B, C chỉ có thể gây bệnh trên người.

    Virus cúm A có rất nhiều phân tuýp được phân loại, dựa trên kháng nguyên H và N, trong đó các vi rút cúm A gây bệnh cho người gồm vi rút cúm mùa như cúm A/H1N1, cúm A/H3N2. Ngoài ra còn có các vi rút cúm gia cầm thuộc nhóm vi rút cúm A cũng gây bệnh cho người được ghi nhận như cúm A/H5N1, A/H5N6, A/H7N9, A/H10N8 thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, sản phẩm gia cầm và chất thải gia cầm nhiễm bệnh.

    Bệnh cúm mùa thông thường diễn biến nhẹ, khỏi trong vòng 7-10 ngày, hiện có vắc xin phòng bệnh. Bệnh cúm gia cầm lây sang người thường có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính nặng, có thể dẫn tới tử vong (tỷ lệ tử vong trung bình đến 50% đối với cúm A/H5N1). Bệnh nhân mắc cúm lây từ gia cầm sang người thường có những biểu hiện sau:

    • Sốt cao liên tục trên 39 độ C, đau đầu.

    • Đau mỏi cơ, đặc biệt là đau tăng khi ho.

    • Ho, đau họng, một số bệnh nhân có triệu chứng khó thở.

    • Đau nhức cơ bắp.

    • Ngoài ra, bệnh nhân có thể tức ngực, tim đập nhanh, nhịp thở thanh, dần dần bệnh nhân bị suy hô hấp dẫn đến suy đa phủ tạng, dẫn đến tử vong.

    Do diễn biến nhanh và tính chất nghiêm trọng của bệnh, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, suy các phủ tạng và tử vong.

  • Bạn Cao Thiên Hạo hỏi:

    Cho tôi hỏi, trong H5N1 và H7N9 thì chữ H và N có nghĩa gì? Có bao nhiêu chủng HN?

    Ông Trần Đắc Phu

    Dựa trên các kháng nguyên H và N của vi rút cúm, Vi rút cúm A có rất nhiều phân típ, trong đó các virus cúm A gây bệnh cho người gồm virus cúm mùa như cúm A/H1N1, cúm A/H3N2. Ngoài ra còn có các virus cúm gia cầm thuộc nhóm virus cúm A cũng gây bệnh cho người được ghi nhận như cúm A/H5N1, A/H7N9, A/H10N8…

  • Bạn Bùi Minh Khả Doanh hỏi:

    Nhà tôi ở Hà Nội, không nuôi gà, gia đình cũng không ai làm nghề liên quan đến chăm sóc gà, nhà tôi chỉ ăn thịt gà ở quê gửi lên có nguồn gốc tin tưởng. Liệu gia đình tôi có nguy cơ bị lây cúm gia cầm hay không? Bệnh này lây nhiễm như thế nào?

    Ông Ngũ Duy Nghĩa

    Dựa trên các kháng nguyên H và N của vi rút cúm, Vi rút cúm A có rất nhiều phân típ, trong đó các vi rút cúm A gây bệnh cho người gồm vi rút cúm mùa như cúm A/H1N1, cúm A/H3N2. Ngoài ra còn có các vi rút cúm gia cầm thuộc nhóm vi rút cúm A cũng gây bệnh cho người được ghi nhận như cúm A/H5N1, A/H7N9, A/H10N8… Bệnh cúm mùa thông thường diễn biến nhẹ, khỏi trong vòng 7 – 10 ngày, hiện có vắc xin phòng bệnh. Bệnh cúm gia cầm thường có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính nặng, có thể dẫn tới tử vong (tỷ lệ tử vong từ 30 – 40 %).

  • Bạn Nguyễn Quỳnh Khả Doanh hỏi:

    Loại gà đã sơ chế, đóng hộp đông lạnh nhập khẩu có khả năng lây cúm nữa không nếu con gà đó bị nhiễm virus gây bệnh?

    Ông Ngũ Duy Nghĩa

    Gia cầm và các sản phẩm gia cầm sống nhiễm vi rút chưa được nấu chín hoặc xử lý tiệt trùng đúng quy định đều có thể là nguồn truyền nhiễm bệnh.

  • Bạn Đoàn Vân Liên hỏi:

    Nếu tôi chỉ tiếp xúc với lông mà không ăn thịt gia cầm thì có nguy cơ nhiễm bệnh hay không?

    Ông Ngũ Duy Nghĩa

    Bệnh lây nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, sản phẩm gia cầm sống bị nhiễm virus. Do vậy bạn có nguy cơ nhiễm bệnh khi tiếp xúc với lông của gia cầm bị nhiễm virus.

  • Bạn Trần Văn Tân hỏi:

    Mức độ nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm như thế nào? Hiện nay đã có loại vắc-xin nào đặc trị virus này chưa?

    Ông Nguyễn Trung Cấp

    Hiện nay mới chỉ có vắc-xin phòng cúm mùa, chưa có vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm ở người. Bệnh nhân bị nhiễm cúm gia cầm có nguy cơ diễn biến nặng và tỷ lệ tử vong rất cao, ví dụ người nhiễm cúm A (H5N1) tỷ lệ tử vong trung bình khoảng 60%, với cúm A (H7N9) thì tỷ lệ này vào khoảng 40-50%. Ngoài nguy cơ tử vong cao, người bệnh thường có tình trạng suy đa phủ tạng nên việc điều trị rất khó khăn và tốn kém.

  • Bạn Hà Bách Việt hỏi:

    Trứng và thịt gia cầm mắc bệnh có thể truyền nhiễm virus gây bệnh hay không?

    Ông Ngũ Duy Nghĩa

    Đối với bệnh cúm gia cầm, gia cầm và các sản phẩm gia cầm mắc bệnh hoặc nhiễm virus đều có thể là nguồn truyền bệnh cúm gia cầm. Để phòng tránh bệnh, bạn nên tránh tiếp xúc với gia cầm nghi mắc bệnh; sử dụng sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc, nấu chín để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

  • Bạn Vũ Nam Sơn hỏi:

    Bác sĩ vui lòng cho biết các triệu chứng để phát hiện bệnh cúm gia cầm ở người?

    Ông Nguyễn Trung Cấp

    Người bị mắc cúm gia cầm thường có biểu hiện khởi đầu như sốt cao, tiêu chảy, đau mỏi người…, tương tự bệnh cúm mùa. Tuy nhiên, người bệnh thường có diễn biến nặng rất nhanh, một số triệu chứng cơ bản gồm khó thở, viêm phôỉ, suy sụp đa phủ tạng… Yếu tố quan trọng nhất để xác định nguy cơ nhiễm cúm gia cầm là tiền sử người bệnh có tiếp xúc với gia cầm ốm, chêt hoặc ăn các sản phẩm từ gia cầm không rõ nguồn gốc.

  • Bạn Quang Huy hỏi:

    Trẻ em khi bị nhiễm cúm gia cầm triệu chứng có khác với người lớn hay không? Và nếu có thì khác như thế nào?

    Ông Nguyễn Trung Cấp

    Biểu hiện của trẻ em bị nhiễm cúm gia cầm nhìn chung không khác biệt so với người trưởng thành. Nhưng nếu trẻ nhỏ bị nhiễm gia cầm, tình trạng bệnh có thể diễn biến nhanh hơn.

  • Bạn Nguyễn Thị Hồng hỏi:

    Cúm gia cầm sau khi chữa trị liệu có nguy cơ bị nhiễm lại hay không?

    Ông Nguyễn Trung Cấp

    Có nhiều chủng virus cúm gia cầm khác nhau như: H5N1, H7N9… nên một người khi bị nhiễm cúm gia cầm vẫn có thể có nguy cơ nhiễm tuýp virus khác. Hơn nữa, miễn dịch với bệnh cúm thường không bền vững và virus thường xuyên biến đổi, bởi vậy, một người từng mắc bệnh cúm vẫn có thể bị mắc lại.

  • Bạn Hoàng Thu Trang hỏi:

    Khi có dịch xảy ra, cơ sở y tế nào là nơi ưu tiên nhận bệnh?

    Ông Nguyễn Trung Cấp

    Tuỳ theo mức độ dịch bệnh mà Bộ Y tế quy định các tuyến tiếp nhận và điều trị bệnh nhân cúm khác nhau. Nếu số ca bệnh ở mức độ rải rác, bệnh nhân sẽ được điều trị tại viện chuyên khoa truyền nhiễm hoặc khoa truyền nhiễm của bệnh viện đa khoa. Nếu số ca mắc bệnh nhiều hơn, có thể Bộ Y tế sẽ huy động những đơn vị điều trị khác tham gia vào việc chống dịch.

  • Bạn Nguyễn Vũ Phong hỏi:

    Thưa bác sĩ, các bước để chữa trị khi nhiễm cúm gia cầm là gì? Trong thời gian đó có phải kiêng cữ gì hay không ạ?

    Ông Nguyễn Trung Cấp

    Các bệnh nhân nghi ngờ bị nhiễm cúm gia cầm cần được cách ly ở cơ sở y tế. Tại đây, bác sĩ sẽ làm những xét nghiệm cần thiết để xác định bệnh nhân có bị nhiễm cúm gia cầm hay không. Từ đó, chỉ định thuốc diệt virus cúm và các biện pháp cấp cứu hồi sức khác đối với bệnh nhân.Việc cách ly và các chế độ kiêng cữ sẽ do bác sĩ hướng dẫn cụ thể.

  • Bạn Lưu Khải Tâm hỏi:

    Sau khi tiêu hủy đàn gà cúm, tôi vẫn khỏe mạnh và ăn uống bình thường. Nhưng sang hôm sau, tôi bị cảm sốt và buồn nôn. Đây có phải là dấu hiệu của bệnh cúm hay không? Tôi cần xử lý thế nào?

    Ông Nguyễn Trung Cấp

    Các dấu hiệu như trên có thể do nhiễm cúm hoặc nhiều nguyên nhân khác gây ra. Muốn xác định chính xác, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh.

  • Bạn Hoàng Xuân Kính hỏi:

    Những lưu ý dành cho người thân khi gia đình có người mắc cúm là gì?

    Ông Nguyễn Trung Cấp

    Khi người thân trong gia đình có biểu hiện bị bệnh cúm, cần thực hiện việc cách ly để tránh lây lan. Người bệnh nên được đeo khẩu trang, hạn chế đến những nơi công cộng để tránh lây lan cho người khác. Những người tiếp xúc gần nên có phương tiện phòng hộ cá nhân như: khẩu trang, rửa tay thường xuyên…

    Nếu có yếu tố nghi ngờ cúm gia cầm như: địa phương đang có dịch cúm trên đàn gia cầm, bản thân có tiếp xúc, vận chuyển, tiêu huỷ, giết mổ gia cầm ốm chết, hoặc sử dụng các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc… thì người bệnh cần đến cơ sở y tế khám và thực hiện các biện pháp cách ly theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

  • Bạn Hoàng Thị Xuân Mai hỏi:

    Nếu bị lây cúm từ gia cầm thì bệnh nhân có cần cách ly hoặc hưởng chế độ chăm sóc đặc biệt nào không ạ?

    Ông Nguyễn Trung Cấp

    Bệnh nhân bị nhiễm cúm gia cầm cần được cách ly tại cơ sở y tế. Vì bệnh nhân cúm gia cầm thường có diễn biến nặng, nên việc chăm sóc, điều trị sẽ do bác sĩ chỉ định căn cứ vào tình trạng cụ thể của từng người bệnh.

  • Bạn Bùi Vĩnh Vi Vi hỏi:

    Cách nhanh và hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm gia cầm nhiễm sang người là gì ạ?

    Ông Nguyễn Trung Cấp

    Cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm gia cầm nhiễm sang người là hạn chế tối đa việc tiếp xúc với gia cầm hoặc những sản phẩm gia cầm mang bệnh.

    Về phía cộng đồng, cần phát hiện sớm, tiêu huỷ những đàn gia cầm mang virus cúm, tuyệt đối không vận chuyển, bán chạy, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc…

    Về phía cá nhân, tuyệt đối khôngăn gia cầm ốm/chết. Những người tham gia việc vận chuyển, tiêu huỷ gia cầm mang bệnh cần có các phương tiện phòng hộ cá nhân như: khẩu trang, găng tay…

    Với những người có yếu tố nghi ngờ nhiễm cúm gia cầm cần đến cơ sở y tế để được thực hiện các biện pháp cách ly, chẩn đoán và điều trị phù hợp.

  • Bạn Đoàn Lan Khuê hỏi:

    Những nguồn nào dễ dàng phát sinh dịch bệnh nhất?

    Ông Nguyễn Trung Cấp

    Ổ bệnh cúm gia cầm trong tự nhiên thường là các loài chim hoang dã, từ đó lây sang đàn gia cầm. Do các gia cầm gần gũi với con người, vì thế xem như nguồn lây bệnh quan trọng.

  • Bạn Nguyễn Hoàng Thảo hỏi:

    Xin Bộ Y tế cho tôi biết, UBND xã điều cán bộ y tế đi tiêm phòng cho gia súc, gia cầm là đúng hay sai? Đơn vị nào chịu trách nhiệm tiêm vắc-xin cho gia súc, gia cầm tại các địa phương?

    Ông Trần Đắc Phu

    Việc tiêm vắc-xin cho gia súc, gia cầm tại các địa phương thuộc chức nặng nhiệm vụ của ngành Thú y – Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn.

    Thực hiện Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn trong các lĩnh vực:

    – Giám sát dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người (chia sẻ thông tin dịch bệnh).

    – Điều tra và xử lý ổ dịchlây truyền từ động vật sang người theo chức nặng, nhiệm vụ của từng ngành.

    – Truyền thông phòng chống dịchlây truyền từ động vật sang người

    – Đào tạo và nghiên cứu khoa họclây truyền từ động vật sang người

  • Bạn Trần Tú Bình hỏi:

    Trước nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm như hiện nay, Bộ Y tế đã chỉ thị như thế nào tới các cấp cơ sở để phòng ngừa dịch bệnh lan rộng?

    Ông Trần Đắc Phu

    Trước tình hình dịch cúm gia cầm A/H7N9 diễn biến phức tạp và có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, cũng như dịch bệnh cúm trên gia cầm ở nước ta vẫn tiếp tục diễn ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 427/CĐ-TTg ngày 27/3/2017 về việc tập trung phòng chống vi rút cúm A(H7N9) và các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây sang người xâm nhiễm vào Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo thực hiện quyết liệt một số nội dung sau:

    1.Triển khai tốt công tác kiểm dịch y tế biên giới, phối hợp giám sát chặt chẽ khách nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu và đặc biệt chú ý những người đến từ vùng có dịch cúm A(H7N9) và các chủng vi rút cúm gia cầm khác; xử lý y tế kịp thời đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

    2. Triển khai diễn tập liên ngành phòng chống dịch cúm gia cầm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 427/CĐ-TTg và theo Kế hoạch phòng chống cúm A(H7N9) của tỉnh/thành phố, đặc biệt tại các tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc, Cam-pu-chia và các địa phương có nguy cơ cao.

    3. Tăng cường lấy mẫu giám sát các trường hợp viêm phổi nặng tại cộng đồng, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh và hệ thống giám sát trọng điểm cúm quốc gia nhằm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9), cúm A(H5N1) và các chủng vi rút cúm khác; tổ chức thu dung, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp nghi ngờ; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan rộng, kéo dài.

    4. Tăng cường công tác truyền thông hướng dẫn người dân sử dụng gia cầm rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân phòng chống dịch bệnh. Cung cấp kịp thời thông tin tới cộng đồng để người dân không hoang mang, khi người dân có triệu chứng nghi ngờ đến cơ sở y tế để được khám phát hiện và điều trị kịp thời.

    5. Tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh, đặc biệt là tại các tỉnh trọng điểm có nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm và các tỉnh có biên giới giáp với Trung Quốc và Campuchia.

    6. Thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người

    7. Khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

  • Bạn Đoàn Vĩnh Trường hỏi:

    Nhà tôi không nuôi gia cầm, tôi chỉ có mặt lúc mọi người nhổ lông gà thì có nguy cơ nhiễm virus cúm không?

    Ông Nguyễn Trung Cấp

    Virus cúm có thể tồn tại trong dịch tiết đường hô hấp của gia cầm. Nếu gia cầm làm phát tán các giọt dịch tiết này ra môi trường và người hít phải có thể có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, trong tình huống bạn chỉ có mặt lúc nhổ lông gà, tức là khoảng thời gian ngắn và gà đã chết, không làm phát tán các giọt dịch tiết thì nguy cơ nhiễm bệnh là rất thấp.

  • Bạn Lê Minh Hải hỏi:

    Bác sĩ có thể tư vấn một phác đồ cụ thể điều trị cúm gia cầm lây sang người?

    Ông Nguyễn Trung Cấp

    Bệnh nhân bị cúm gia cầm có thể diễn biến rất nặng và nhanh chóng. Bởi vậy, bệnh nhân bắt buộc phải điều trị, cách ly tại bệnh viện. Phác đồ điều trị phải do bác sĩ quyết định căn cứ vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân cũng như giai đoạn bệnh.

  • Bạn Nguyễn Duy Khoa hỏi:

    Nếu bị nhiễm bệnh và có nhu cầu được chăm sóc, cách ly tại nhà thì có được bác sĩ cho phép hay không? Tôi cần lưu ý gì không?

    Ông Nguyễn Trung Cấp

    Bệnh cúm gia cầm diễn biến rất nặng và phức tạp, nên bệnh nhân không thể điều trị tại nhà mà bắt buộc phải điều trị và cách ly tại bệnh viện.

  • Bạn Văn Quý Nhớ hỏi:

    Nhà tôi không nuôi gia cầm, nhưng nhà hàng xóm (cách khoảng 50 m) thì nuôi nhiều. Vì vậy tôi và gia đình có khả năng nguy cơ bị nhiễm virus cúm không? Những biểu hiện gì dễ nhận biết nhất khi bị nhiễm virus cúm?

    Ông Nguyễn Trung Cấp

    Nguy cơ bị nhiễm virus cúm phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc với nguồn bệnh. Nếu nhà hàng xóm nuôi gia cầm nhưng bạn và gia đình không tiếp xúc trực tiếp với đàn gia cầm nói trên thì nguy cơ nhiễm virus là không đáng kể. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm có thể gia tăng nếu bạn đi qua và hít phải bụi hoặc giọt dịch tiết do đàn gia cầm này thải ra. Đàn gia cầm này nếu thả rông, sau đó chạy sang nhà bạn, nguy cơ lây nhiễm cũng có thể tăng cao hơn.

  • Bạn Bảo Nam hỏi:

    Trong thời gian tới, Cục Y tế Dự phòng sẽ làm gì để ngăn chặn dịch cúm gia cầm lan rộng ra các tỉnh thành khác ở trong nước?

    Ông Trần Đắc Phu

    Trước tình hình diễn biến phức tạp dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc và cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 tại Việt Nam; Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 427/CĐ-TTg ngày 27/3/2017 về việc tập trung phòng chống vi rút cúm A(H7N9) và các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây sang người, Cục Y tế dự phòng triển khai một số hoạt động trọng tâm cụ thể sau:

    – Cập nhật, ban hành Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại Quyết định số 567/QĐ-BYT ngày 21/02/2017 của Bộ Y tế để các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện; rà soát sơ đồ kiểm dịch tại cửa khẩu. Hiện đang cập nhật sửa đổi Hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh cúm A/H7N9.

    – Chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm; xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo các kịch bản để chủ động ứng phó một cách hiệu quả, huy động sự hỗ trợ một cách tích cực các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế.

    – Kích hoạt Văn phòng Đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế (Văn phòng EOC) nhằm tăng cường sự tham gia của các đơn vị liên quan trong việc ứng phó với dịch cúm A/H7N9, thường xuyên tổ chức họp để đánh giá nguy cơ, đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời và phù hợp.

    – Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo kịp thời trên website của Bộ Y tế. Cung cấp thông tin dịch cúm gia cầm cho các cơ quan báo đài truyền thông khuyến cáo cho người dân, cho các hành khách nhập cảnh, khách du lịch đến các vùng có dịch. Thực hiện việc việc truyền thông đa dạng như đăng website, tờ rơi, poster, truyền hình, trả lời trực tuyến trên đài báo.

    – Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh trên gia cầm và ở người; phối hợp kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm.

    – Tổ chức diễn tập công tác phòng chống cúm A(H7N9). Triển khai tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, phòng chống dịch, điều trị bệnh cúm nói chung và cúm A(H7N9) nói riêng.

    – Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành (y tế, nông nghiệp và các ngành liên quan) kiểm tra, giám sát, đánh giá sự sẵn sàng phòng chống dịch và chỉ đạo việc thực hiện phòng chống dịch cúm gia cầm tại địa phương.

    – Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đặc biệt là cơ quan thú y để chia sẻ thông tin về tình hình dịch cúm trên gia cầm để chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm sang người và xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra.

  • Bạn Hoàng Thị Minh Thư hỏi:

    Bác sĩ nói, con trai tôi bị cúm A. Tôi không hiểu cúm A là như thế nào? Mong các chuyên gia y tế giải đáp. Tôi xin cảm ơn.

    Ông Nguyễn Trung Cấp

    Virus cúm có 3 loại: A, B và C. Trong đó, cúm C thường gây bệnh ở động vật. Cúm B thường nhẹ và có miễn dịch ổn định nên mỗi người chỉ có nguy cơ mắc một lần trong đời. Riêng virus cúm A có 2 loại kháng nguyên là H (18 loại) và N (11 loại). Chúng tổ hợp với nhau thành rất nhiều tuýp virus như: H1N1, H3N2, H5N1… Một số tuýp ít nguy hiểm như H1N1, nhưng cũng có tuýp rất nguy hiểm như H5N1. Việc xác định bệnh nhân bị nhiễm tuýp cúm nào cần phải thực hiện các xét nghiệm chuyên biệt.

Bạn Đinh Thị Hồng Hoa hỏi:Ông Trần Đắc Phu Bạn Nguyễn Thành Luân hỏi:Ông Ngũ Duy NghĩaBạn Bích Thủy hỏi:Ông Nguyễn Trung CấpBạn Diệu Linh hỏi:Ông Trần Đắc Phu Bạn Hoàng Minh hỏi:Ông Ngũ Duy Nghĩa Bạn Đào Thị Hoài An hỏi:Ông Ngũ Duy NghĩaBạn Trần Trọng Hải hỏi:Ông Ngũ Duy NghĩaBạn Mỹ Khuê hỏi:Ông Nguyễn Trung Cấp Bạn Đào Minh Thủy hỏi:Ông Ngũ Duy NghĩaBạn Nguyễn Trọng Hưng hỏi:Ông Nguyễn Trung Cấp Bạn Phan Thùy Dương hỏi:Ông Nguyễn Trung Cấp Bạn Bích Nguyễn hỏi:Ông Ngũ Duy Nghĩa Bạn Trần Bích Ngân hỏi:Ông Trần Đắc Phu Bạn Phạm Thị Hằng hỏi:Ông Trần Đắc Phu Bạn Lê Thị Hồng Nhung hỏi:Ông Trần Đắc Phu Bạn Trần Quang Minh hỏi:Ông Trần Đắc Phu Bạn Duy Dương hỏi:Ông Trần Đắc Phu Bạn Cao Thiên Hạo hỏi:Ông Trần Đắc Phu Bạn Bùi Minh Khả Doanh hỏi:Ông Ngũ Duy NghĩaBạn Nguyễn Quỳnh Khả Doanh hỏi:Ông Ngũ Duy Nghĩa Bạn Đoàn Vân Liên hỏi:Ông Ngũ Duy NghĩaBạn Trần Văn Tân hỏi:Ông Nguyễn Trung Cấp Bạn Hà Bách Việt hỏi:Ông Ngũ Duy NghĩaBạn Vũ Nam Sơn hỏi:Ông Nguyễn Trung Cấp Bạn Quang Huy hỏi:Ông Nguyễn Trung Cấp Bạn Nguyễn Thị Hồng hỏi:Ông Nguyễn Trung Cấp Bạn Hoàng Thu Trang hỏi:Ông Nguyễn Trung Cấp Bạn Nguyễn Vũ Phong hỏi:Ông Nguyễn Trung Cấp Bạn Lưu Khải Tâm hỏi:Ông Nguyễn Trung Cấp Bạn Hoàng Xuân Kính hỏi:Ông Nguyễn Trung Cấp Bạn Hoàng Thị Xuân Mai hỏi:Ông Nguyễn Trung Cấp Bạn Bùi Vĩnh Vi Vi hỏi:Ông Nguyễn Trung Cấp Bạn Đoàn Lan Khuê hỏi:Ông Nguyễn Trung Cấp Bạn Nguyễn Hoàng Thảo hỏi:Ông Trần Đắc Phu Bạn Trần Tú Bình hỏi:Ông Trần Đắc Phu Bạn Đoàn Vĩnh Trường hỏi:Ông Nguyễn Trung Cấp Bạn Lê Minh Hải hỏi:Ông Nguyễn Trung Cấp Bạn Nguyễn Duy Khoa hỏi:Ông Nguyễn Trung Cấp Bạn Văn Quý Nhớ hỏi:Ông Nguyễn Trung Cấp Bạn Bảo Nam hỏi:Ông Trần Đắc Phu Bạn Hoàng Thị Minh Thư hỏi:Ông Nguyễn Trung CấpHà Mỹ Giang
Nguồn: Zing

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

2 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

2 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

5 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

5 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

7 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

2 weeks ago