Categories: Tin tức

Dùng kháng sinh không đúng cách có thể gây nguy hiểm tới tính mạng trẻ nhỏ

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thu Phương, Phó trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, kháng sinh sử dụng bừa bãi sẽ gây hại cho trẻ và cộng đồng. Trẻ có thể chịu các tác dụng phụ như tiêu chảy, nôn, dị ứng, thậm chí sốc phản vệ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ mắc các bệnh đường hô hấp. Cha mẹ lạm dụng kháng sinh là tước mất cơ hội để hệ miễn dịch của trẻ được huấn luyện và trưởng thành. Nhiều trẻ lạm dụng kháng sinh thường xuyên, thậm chí 2-3 đợt một tháng, mỗi đợt kết hợp 2-3 loại khác nhau.

Trong 2 tiếng tư vấn trực tuyến giải pháp hạn chế lạm dụng kháng sinh cho trẻ, hai chuyên gia là Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương – Phó trưởng khoa hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai); Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy – Trưởng bộ môn nhi (Đại học Y Hà Nội) đã trả lời những thắc mắc xoay quanh việc sử dụng kháng sinh, cách phòng bệnh và nâng cao miễn dịch cho trẻ…

Dưới đây là nội dung buổi tư vấn trực tuyến:

– Xin chào bác sĩ! Cháu có câu hỏi như sau:
Con cháu năm nay 2 tuổi. Cháu bị viêm amidan, cứ thay đổi thời tiết là cháu ho rồi sổ mũi. Cho cháu đi viện lần nào bác sĩ cũng kê kháng sinh. Bác sĩ cho cháu hỏi bệnh của em bé nhà cháu có cách nào trị mà không cần kháng sinh không ạ?
Cháu cảm ơn bác sĩ.
(Nguyễn Thị Hồng Phương, 30 tuổi)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy – Trưởng bộ môn nhi, Đại học Y Hà Nội:

Viêm amidan do nhiều nguyên nhân gây ra, như virus, vi khuẩn, thay đổi thời tiết, tùy các nguyên nhân khác nhau mà có hướng xử trí khác nhau. Nếu nguyên nhân do vi khuẩn gây những triệu chứng toàn thân như sốt cao, đau họng, có bằng chứng của nhiễm khuẩn thì mới có chỉ định dùng kháng sinh. Còn các nguyên nhân khác như virus, thay đổi thời tiết, bệnh nhân có thể sưng đỏ amidan, nhưng không có bằng chứng nhiễm khuẩn thì không cần dùng kháng sinh. Trong trường hợp này, trẻ chỉ cần uống nhiều nước, nghỉ ngơi, tăng cường chế độ dinh dưỡng tốt, bệnh sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày.

Nếu trẻ có nhiều đợt viêm amidan, có thể dùng một số sản phẩm làm tăng sức đề kháng của cơ thể.

Việc lạm dụng kháng sinh không những không có lợi, thậm chí còn có hại, vì gây tình trạng kháng kháng sinh.

– Dùng kháng sinh như thế nào cho đúng? (Ngô Thị Trang Nhung)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương – Phó trưởng khoa hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), Phó trưởng bộ môn nội tổng hợp (Đại học Y Hà Nội):

Chào bạn,

Chỉ được sử dụng kháng sinh khi bệnh nhân thực sự mắc bệnh nhiễm khuẩn; cần lựa chọn kháng sinh phù hợp với vị trí nhiễm khuẩn, vi khuẩn gây bệnh, cơ địa bệnh nhân.

Trường hợp dùng kháng sinh không đúng chỉ định sẽ gây hại, nên cần do bác sĩ có chuyên môn chỉ định. Khi có chỉ định kháng sinh, cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian.

– Bé nhà em hơn một tuổi, thi thoảng thay đổi thời tiết là ho sổ mũi. Em hay dùng những phương pháp dân gian để chữa ho cho con. Em muốn hỏi bác sĩ trong những trường hợp nào mình có thể kiên trì chữa ho cho con theo phương pháp dân gian mà không dùng đến kháng sinh? Nhiều lần bé phải chữa cả tháng mới khỏi, em rất sốt ruột (Hồng Nhung, 30 tuổi, Từ Liêm)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Ở lứa tuổi dưới một tuổi là giai đoạn cơ thể trẻ chưa hoàn thiện về hệ thống miễn dịch, trẻ rất hay bị các triệu chứng đường hô hấp như ho, hắt hơi, sổ mũi khi thay đổi thời tiết. Trong những trường hợp này, nguyên nhân chủ yếu thường do virus, bệnh có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể sử dụng các phương pháp Đông y để điều trị các triệu chứng của đường hô hấp.

Tuy nhiên, khi trẻ có các triệu chứng về đường hô hấp kéo dài trên 10 ngày, trẻ bỏ ăn, mệt nhiều, thì cần phải đưa đến các bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị phù hợp.

Nếu con ho trên một tháng, chị cần mang cháu đến các cơ sở y tế để các bác sĩ chuyên khoa khám và tư vấn phù hợp.

– Bé nhà em bị hen phế phản co thắt từ khi 2 tháng tuổi. Cứ mỗi lần thay đổi thời tiết là phải dùng đến kháng sinh mới khỏi. Nay con đã được gần 3 tuổi nhưng tình trạng vẫn thế. Em muốn nhờ bác sĩ tư vấn cách chăm sóc và phòng bệnh cho những bạn có bệnh giống bé nhà em? (Nguyễn Thị Hồng, 29 tuổi, Từ Liêm)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Hen phế quản là một bệnh dị ứng, bệnh hay xảy ra khi chuyển mùa, thay đổi thời tiết. Hen phế quản đơn thuần không có chỉ định sử dụng kháng sinh mà phải sử dụng các thuốc chống viêm và thuốc giãn phế quản. Kháng sinh chỉ được chỉ định khi trẻ có bội nhiễm thêm vi khuẩn. Vì thế cháu nhà chị mỗi khi thay đổi thời tiết mà có cơn hen phế quản cấp thì không cần sử dụng kháng sinh. Bạn chỉ nên cho con sử dụng kháng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

– Bác sĩ cho em hỏi dấu hiệu nhận biết viêm đường hô hấp do virus và do vi khuẩn? (Nguyễn Thị Nga, Hà nội)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương:

Chào bạn, đường hô hấp gồm có đường hô hấp trên và dưới. Nhiễm khuẩn ở đường hô hấp là nhiễm khuẩn cấp tính, căn nguyên có thể do virus hoặc vi khuẩn. Ở trẻ em, có khoảng 80% nhiễm khuẩn đường hô hấp là do virus. Bệnh nhân nhiễm khuẩn đường hô hấp do virus thường có biểu hiện viêm long đường hô hấp, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, sốt, kèm theo các triệu chứng đau mỏi người, nhức mắt, mệt mỏi…

Nếu nhiễm khuẩn hô hấp do vi khuẩn, có thể nguyên phát do vi khuẩn hoặc thứ phát sau nhiễm virus. Bệnh nhân thường có dấu hiệu mệt mỏi, sốt cao, ăn uống kém, ho khạc đờm đục, xanh hoặc vàng.

Đối với trường hợp nhiễm khuẩn do virus, không có chỉ định dùng kháng sinh. Nếu dùng có thể gây thêm các tác dụng phụ của thuốc. Thông thường, bệnh sẽ khỏi sau 7-10 ngày. Đây cũng là cơ hội tốt để cơ thể tự rèn luyện hệ miễn dịch.

– Con em được 2 tuổi, đã bị sổ mũi xanh cả tuần nay. Con ho buổi sáng, đôi lúc hơi khò khè một tý, cũng như những lần trước em để tự khỏi nhưng lần này hơn một tuần chưa khỏi. Mũi chảy nhiều vậy cho em hỏi trường hợp này có nên dùng thuốc kháng sinh không ạ. Cách đây 2 ngày em có cho uống 2 liều rồi lại thôi vì con cũng không chịu uống. Bé đi cầu vẫn bình thường. Em cám ơn. (Vi Cao, 28 tuổi)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Con nhà chị có nhiều đợt bị chảy mũi, ho về sáng, khò khè và thường khỏi không cần điều trị. Đấy là bằng chứng của các đợt nhiễm virus đường hô hấp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đợt này cháu đã bị hơn một tuần, chảy mũi nhiều, không rõ cháu có các triệu chứng khác kèm theo như sốt, biếng ăn, ho tăng không.

Bạn đã cho cháu sử dụng kháng sinh 2 ngày, tuy nhiên lại tự dừng thuốc. Kháng sinh chỉ nên được sử dụng khi có bằng chứng nhiễm khuẩn và được bác sĩ chỉ định. Nếu bạn tự dùng rồi tự ngừng sẽ gây tăng tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ nhỏ.

Như vậy, ở những lần sau, nếu trẻ phải sử dụng kháng sinh, hiệu quả sẽ không được như mong muốn. Với tình trạng hiện nay của cháu, chị nên đưa cháu đến cơ sở y tế để các bác sĩ chuyên khoa khám, chỉ định các xét nghiệm phù hợp và quyết định có dùng kháng sinh hay không.

– Một số trường hợp lạm dụng kháng sinh phổ biến trong hô hấp cần tránh là gì? (Lê Châu, Hà Nội)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương:

Một nghiên cứu tại TP HCM cho thấy, hơn 40% trẻ sử dụng kháng sinh không đúng cách khi đến bệnh viện. Đây cũng là sai lầm phổ biến của nhiều ông bố bà mẹ hiện nay. Trẻ nhiễm khuẩn hô hấp do virus có các triệu chứng ho, quấy khóc, nghẹt mũi, biếng ăn… chỉ cần điều trị triệu chứng để cảm thấy thoải mái hơn. 

Trẻ chỉ được dùng kháng sinh khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Có đến 80% trẻ ho là do virus gây nên, nên kháng sinh không có hiệu quả trong trường hợp này.

Kháng sinh sử dụng bừa bãi sẽ gây hại cho trẻ và cộng đồng. Trẻ có thể chịu các tác dụng phụ như tiêu chảy, nôn, dị ứng, thậm chí sốc phản vệ gây nguy hiểm đến tính mạng. Trẻ có nguy cơ đề kháng kháng sinh do dùng không đúng liều, không đúng thời gian, không đúng bệnh.

– Bác sĩ ơi giúp mình với. Con mình nay 4 tuổi, bé hay bị khàn tiếng, có đờm. Hiện không thấy ho nhưng bé hay tằn hắn khi bé nói. Vậy nhờ bác sĩ tư vấn mình với. (Phan Thị Mỹ Xinh, 35 tuổi, 31 Chu Mạnh Trinh, Gia Lai.)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Cháu nhà chị bị khàn tiếng, đây là bằng chứng của viêm thanh quản cấp. Nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp thường do virus, do dị ứng. Trong những trường hợp này, bệnh thường khỏi tự nhiên sau 3-5 ngày. Chị chỉ cần cho cháu súc miệng nước muối hàng ngày, ăn đồ ăn ấm, tránh nhiễm lạnh, bệnh sẽ tự khỏi.

– Bác sĩ cho em hỏi các biện pháp để phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp?
Em cảm ơn ạ
(Đinh Anh Ngọc, HN)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương:

Các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp cho trẻ, mà bố mẹ nào cũng nên nhớ gồm:

– Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, duy trì cho đến 2 tuổi

– Đảm bảo dinh dưỡng cho bé thông qua bữa ăn hàng ngày

– Giữ ấm cơ thể trẻ, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi thất thường

– Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ

– Cha mẹ không được hút thuốc trong phòng có trẻ nhỏ

– Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch

– Phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm khuẩn đường hô hấp để điều trị kịp thời, đúng cách

– Tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho trẻ

– Chào 2 bác. Cháu muốn hỏi 2 bác là bé nhà cháu con gái 22 tháng nặng 9kg có tiền sử viêm phế quản, viêm phổi, cứ tháng 2 tháng lại xuống viện tiêm kháng sinh, cả tuần mới khỏi và rất hay bị tái. Bé nhà cháu hay phải dùng kháng sinh nên cứ ăn được tăng cân ốm lại giảm. Khám người ta nói bị thiếu máu. Cháu muốn hỏi 2 bác là làm thế nào để bé nhà cháu hạn chế bị ốm và phải tiêm kháng sinh ạ? (Phạm thị hằng, 26 tuổi)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương:

Chào bạn,

Việc tái ốm nhiều lần, sử dụng phác đồ kháng sinh, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Điều quan trọng nhất là phòng ngừa cho trẻ tránh các đợt nhiễm khuẩn hô hấp, phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, khám tại bác sĩ chuyên khoa nhi có kinh nghiệm để tìm được phác đồ điều trị phù hợp và các biện pháp tránh tái phát các đợt tiếp theo.

Ngoài ra, cần đảm bảo dinh dưỡng cho bé thông qua bữa ăn hàng ngày; giữ ấm cơ thể trẻ, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi thất thường; đảm bảo môi trường sống sạch sẽ; tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Chúc bé luôn khỏe mạnh!

– Xin chào Bác sĩ!

Bé nhà tôi hiện gần 16 tháng, nặng 10kg. Bé đã mọc 16 răng, tuy nhiên cách một tuần bé lại bị sốt (trên dưới 39 độ), chảy nước mũi, tiêu chảy nhẹ (ngày 2, 3 lần), ho về đêm, hay nôn trớ, biếng ăn (gia đình đang cho bé ăn cháo, cơm mềm). Mỗi ngày uống khoảng 500ml sữa công thức. Mỗi lần sốt kéo dài khoảng 3 – 4 ngày, bé sốt cao gia đình thường cho uống Hapacol 250, 1/2 gói một lần. Không biết bé có bị mắc bệnh đường ruột hay về hô hấp gì không, mong bác sĩ tư vấn cho gia đình.
Cám ơn Bác sĩ! (Đào Anh Phúc, 30 tuổi, 37 Hoàng Diệu, phường 12, quận 4, TP HCM)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Bé nhà chị 16 tháng, cân nặng 10kg, mọc 16 răng là đứa trẻ phát triển bình thường. Tuy nhiên, bé nhà chị hay bị sốt, chảy nước mũi, ho về đêm, nôn chớ, biếng ăn, chứng tỏ cháu có sức đề kháng yếu, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Sốt, ho, chảy mũi là dấu hiệu của bệnh lý đường hô hấp. Trẻ ho nhiều cũng thường gây nôn trớ.

Cháu 16 tháng tuổi, khả năng ho khạc đờm kém nên thường nốt đờm, vì vậy có thể gây rối loạn tiêu hóa, đi ngoài ngày 2-3 lần, phân nát hơn bình thường. Cháu nhà chị có khả năng mắc các bệnh lý đường hô hấp trên. Chị nên cho cháu đến cơ sở y tế để các bác sĩ tư vấn về cách phòng tránh các bệnh lý hô hấp.

– Con trai tôi năm nay 4 tuổi. Bé bị bệnh ho cũng hơn 6 tháng nay. Bé bị ho nhưng vẫn ăn được, ngủ được, đùa giỡn bình thường. Tôi có đi khám bệnh cho bé. Một đợt uống khi 3 tuần, khi 4 tuần, rồi ngưng thuốc bé vẫn bị lại. Hiện tại, bé vẫn đang bị ho, bé không ho nhiều lần, mà khi ho vài tiếng, khi thì ho cơn. Bây giờ tôi sợ uống kháng sinh nhiều nên chỉ cho bé uống siro ho Ong Vàng, và uống mật ong ngâm chanh đào thêm, nhưng hoàn toàn không hết hẳn ho. Bé giờ đi cầu rất khó khăn, mót rặn, muốn đi ngoài nhưng không đi được. Tôi phải làm sao cho bé hết ho mà không kháng sinh, và giúp bé đi cầu dễ dàng. (Nguyễn Phi Phụng, 33 tuổi, 89 Nguyễn Huệ, phường 1, Đồng Tháp)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Con chị ho tái đi tái lại trong 6 tháng, cháu vẫn sinh hoạt bình thường, cho thấy cháu bị ho do các nguyên nhân không phải nhiễm khuẩn. Trong trường hợp này, kháng sinh không có tác dụng. Chị nên cho cháu đến các cơ sở y tế để khám và kê đơn phù hợp.

Nhiều khả năng cháu bị ho liên quan đến thay đổi thời tiết, tình trạng dị ứng. Trong trường hợp này thường phải sử dụng các thuốc chống viêm, chống dị ứng, tránh tiếp xúc với yếu tố gây dị ứng thì mới khỏi ho.

Ngoài ra, chị cần cho cháu vệ sinh mũi họng hàng ngày, có chế độ dinh dưỡng tốt để tăng sức đề kháng và hạn chế các nguy cơ nhiễm khuẩn.

Cháu bị táo bón, chị cần xem lại chế độ ăn của cháu. Ở lứa tuổi này, trẻ phải đảm bảo lượng nước tối thiểu là một lít nước một ngày, tăng cường chế độ rau và hoa quả. Cháu nên được bổ sung sữa chua 2 cốc một ngày. Mẹ nên xoa bụng 15 phút một ngày và tập cho trẻ đi ngoài vào một giờ nhất định trong ngày.

– Xin hỏi với tình hình các bác sĩ cũng kê toa kháng sinh một cách tùy tiện như hiện nay thì các bậc phụ huynh phải làm gì?
Xin cảm ơn.
(Trang, 30 tuổi, quận 3, TP HCM)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương:

Chào bạn,

Theo tôi, các bậc bố mẹ nên tự trang bị kiến thức về sức khỏe nhi khoa, các bệnh lý trẻ thường gặp, đặc biệt là bệnh hô hấp; dấu hiệu nhận biết sớm bệnh… Khi có kiến thức, phụ huynh nên thẳng thắn trao đổi, đưa ra các câu hỏi để bác sĩ tư vấn và trả lời.

– Thưa bác sĩ, nhờ bác sĩ chỉ dẫn giúp: Phụ huynh làm sao nhận biết được trong thuốc bác sĩ cho có chứa kháng sinh và thường điều trị bằng kháng sinh thì trẻ uống liên tục bao nhiêu ngày thì khỏi bệnh. Uống thuốc có kháng sinh không liên tục có được không vì trẻ nhỏ thường khó uống thuốc.
Xin cám ơn bác sĩ.
(Trương Diệu, 31 tuổi)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Nếu chị mong muốn hỏi trong đơn thuốc có kháng sinh không, chị nên hỏi thầy thuốc kê đơn. Thông thường, kháng sinh là thuốc được kê đầu tiên trong đơn. Nếu bạn quên hỏi thầy thuốc, khi đi mua thuốc bạn có thể hỏi các dược sĩ xem trong các thành phần trong đơn có kháng sinh hay không.

Liều kháng sinh điều trị thông thường từ 7-10 ngày, đây là thời gian giúp điều trị khỏi bệnh và không gây tình trạng kháng kháng sinh. Nếu tự ý ngừng thuốc sớm, bệnh có thể không khỏi và gây tình trạng kháng kháng sinh. Nếu dùng một loại kháng sinh trên 10 ngày mà bệnh không thuyên giảm thì cần đưa bé đến bác sĩ khám lại và cho thuốc phù hợp. Hoặc có thể kháng sinh không phải là thuốc điều trị chủ yếu của loại bệnh này. Ví dụ, hen phế quản.

– Thưa bác sĩ, viêm phế quản thường điều trị thế nào ạ? (Nguyễn Thị Hương, 27 tuổi)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương:

Chào bạn,

Viêm phế quản ở trẻ nhỏ thường có triệu chứng sốt, ho có đờm, khò khè… Căn nguyên gây viêm phế quản đại đa số do nhiễm virus với biểu hiện cấp tính (đột ngột ho, sốt, hắt hơi….), vì vậy trẻ cần điều trị các triệu chứng kèm theo như uống hạ sốt khi sốt cao trên 38,5 độ C; rửa mũi nếu sổ mũi; uống đủ nước giúp loãng đờm…

Nếu viêm phế quản nguyên phát do vi khuẩn hoặc bội nhiễm sau nhiễm virus, bệnh thường kéo dài với triệu chứng sốt, ho lọc sọc, ho hoặc nôn ra đờm có màu xanh, vàng, trắng đục… Lúc này, cha mẹ nên sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, các bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh phù hợp, cần tuân thủ phác đồ điều trị để phòng nguy cơ biến chứng (viêm phổi, áp xe phổi…).

– Em xin chào bác sĩ,
Con nhà em năm nay được 29 tháng nhưng cháu rất hay bị ho, và viêm phế quản (cứ mỗi đợt thay đổi thời tiết cháu lại bị ốm). Xin bác sĩ tư vấn giúp em có biện pháp nào cho cháu tăng cường sức đề kháng không ạ?
(Chu thị thu Hằng, 31 tuổi, số 5 đường Ngô Thì Nhậm, phường Lộc Hạ, Thành phố Nam Định)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Con của chị rất hay bị ho, viêm phế quản khi thay đổi thời tiết, điều này cho thấy khả năng đề kháng của cháu với môi trường chưa tốt. Chị cần cho cháu tăng cường sức đề kháng cả bằng phương pháp trực tiếp và gián tiếp.

Cháu cần được ăn uống đầy đủ, giữ ấm khi thay đổi thời tiết, vệ sinh mũi họng hàng ngày. Cháu cần được tiêm phòng đầy đủ các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng. Vì cháu bé dưới 3 tuổi, khả năng đề kháng còn kém, cháu có thể bổ sung một số hoạt chất làm tăng sức đề kháng như beta (1.3-1.6) D glukan, đã được kiểm chứng lâm sàng. Chất này phù hợp cho trẻ đề kháng phòng các bệnh, nhất là bệnh nhiễm khuẩn, từ đó góp phần giúp trẻ không phải sử dụng kháng sinh.

– Xin chào các chuyên gia. Hai đứa nhỏ nhà tôi một đứa 6 tuổi, một đứa 3 tuổi. Thỉnh thoảng lại bị viêm họng, tôi chỉ khám bác sĩ ở thôn hoặc tự ra hiệu thuốc kể bệnh hoặc soi họng và lấy thuốc. Mỗi một nơi điều trị khác nhau. Vậy để tránh kháng thuốc tôi nên làm gì cho đúng. Cảm ơn các chuyên gia. (Nguyễn Mạnh Hùng, 32 tuổi, Vĩnh Phúc)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Theo như anh tả, hai cháu nhà anh đã ở lứa tuổi tương đối lớn. Một cháu đã ở lứa tuổi đi học. Ở lứa tuổi này, khả năng đề kháng của trẻ đã tốt hơn rất nhiều. Nếu cháu chỉ ho đau họng trong 2, 3 ngày thì hoàn toàn có thể khỏi tự nhiên. Hoặc dùng các phương pháp dân gian như quất hấp mật ong, húng chanh, bổ phế. Nếu trẻ không có các triệu chứng khác kèm theo như sốt cao, amidan có mủ thì hoàn toàn không cần sử dụng kháng sinh. Anh không nên tự ý mua thuốc về uống vì điều này đôi khi còn có hại hơn là có lợi cho trẻ.

– Xin bác sĩ cho biết các dấu hiệu phân biệt viêm đường hô hấp trên, viêm phôi do virus và vi khuẩn? (Nguyễn Bảo Trâm)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em được phân làm 2 loại: Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên gặp ở 70% các bệnh lý đường hô hấp như viêm mũi họng cấp, viêm tai giữa, viêm amidan. Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới gồm các bệnh như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản.

Nhiễm khuẩn hô hấp trên thường gặp nhưng không nặng, trẻ có thể sốt, ho, chảy mũi nhưng nhịp thở bình thường, không có dấu hiệu khó thở, trẻ sinh hoạt bình thường. Bệnh thường khỏi sau 7-10 ngày.

Nhiễm khuẩn hô hấp dưới thường là bệnh nặng, trẻ có tình trạng nhiễm trùng, nhịp thở nhanh, co kéo cơ hô hấp nhiều, chụp phim phổi có thể có tổn thương tại nhu mô phổi. Những trường hợp này thường phải điều trị phối hợp nhiều thuốc và điều trị tại bệnh viện.

– Xin chào tiến sĩ Phan Thu Phương,
Cháu muốn hỏi tiến sĩ là con cháu năm nay tròn 5 tuổi, nhưng cháu hay bị ho có đờm và sổ mũi. Gia đình cho cháu uống thuốc theo cách dân gian như là mật ong, gừng… nhưng không khỏi, mà cứ phải dùng đến kháng sinh thì cháu mới khỏi. Vậy xin hỏi tiến sĩ làm cách nào để cháu đỡ phải dùng kháng sinh nhiều mà bệnh lại mau khỏi. Xin cảm ơn tiến sĩ.
(Nguyễn Thị Hà, 34 tuổi, công ty cp tư vấn đầu tư than uông bí)

–  :

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương 

Nhiễm trùng đường hô hấp thường do đường virus. Bạn phải tuân thủ các phương pháp để phòng bệnh. Nếu cháu hay bị tái phát, bạn nên đưa cháu nên các cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để được chuẩn đoán, điều trị thích hợp vì có nhiều trường hợp bố mẹ bỏ sót những bệnh mãn tính có các triệu chứng như sổ mũi, ho đờm như hen phế quản.

– Làm cách nào để hạn chế việc sử dụng kháng sinh cho trẻ ạ (Lương thị mỵ, 30 tuổi)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương :

Đầu tiên, bố mẹ phải có kiến thức về bệnh thường gặp và cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên có những biện pháp để phòng tránh nhiễm khuẩn đặc biệt là nhiễm khuẩn đường hô hấp cho con. Thứ 3 là chỉ dùng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn.

– Em chào bác sĩ. Bé nhà em 4 tháng nặng 8kg. Bé bị viêm phế quản và tự khỏi nhưng sau đó một tuần bé lại ho và bác sĩ kết luận bé bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm. Bác sĩ chỉ định bé phải dùng kháng sinh. Vậy bác sĩ cho em hỏi trường hợp của bé có thể không dùng kháng sinh hay không? Và sau khi điều trị cần làm gì để bé không tái phát? Em cảm ơn ạ! (Trần Thị Giang)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Viêm tiểu phế quản là một bệnh do virus hợp bào hô hấp gây nên. Đây là bệnh hay gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Bé nhà chị 4 tháng đã được chẩn đoán viêm tiểu phế quản, ở lứa tuổi này, trẻ dễ có biến chứng thành viêm tiểu phế quản bội nhiễm. Vì vậy, bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh trong trường hợp này là phù hợp. Tuy nhiên, viêm tiểu phế quản là bệnh ít khi bị tái đi tái lại. Chị nên cho cháu vệ sinh mũi họng hàng ngày, tiêm chủng đầy đủ, chế độ dinh dưỡng tốt sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp.

– Xin chào bác sĩ. con cháu đc 2 tuổi nhưng cân nặng 11kg, bé lại hay bị táo bón và ốm vặt ( trở trời là ho sổ mũi nóng sốt ) xin nhờ bác sĩ tư vấn giúp ạ. xin cảm ơn (Hoàng Miên, 27 tuổi)

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương

Con bạn bị táo bón, bạn cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng (tăng cường chất xơ, uống nhiều nước…) và tập cho con thói quen đi vệ sinh đúng giờ. Con bạn bị triệu chứng ho, sổ, mũi, nóng sốt cần áp dụng các biện pháp phòng tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp…

– Bé nhà em được 9 tháng tuổi. Lúc được hơn 1 tháng cháu bị viêm phổi sau khi chữa khỏi đến nay hầu như tháng nào cháu cũng bị viêm phế quản. Bác sĩ cho em hỏi làm thế nào để hạn chế sử dụng kháng sinh cho cháu. (Dương thanh Tuyền, 28 tuổi)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương :

Con bạn 9 tháng tuổi tháng nào cũng bị viêm phế quản, nếu không theo dõi kỹ, có phương pháp điều trị đúng, sẽ rất ảnh hưởng tới sức khỏe của cháu sau này. Theo tôi, bạn nên đưa bé đến các cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để các bác sĩ tìm các nguyên nhân khiến tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp tái phát.

– Con gái e được 7 tháng rưỡi, bé đang bị đi ngoài phân lỏng và sệt, đi khám bác sĩ bảo bị viêm hô hấp trên dẫn tới rối loạn tiêu hoá. Bác sĩ cho thuốc viên uống trong vòng 5 ngày, em mới cho con uống 2 liều, thấy trên người con nổi mẫn hột nhỏ li ti, có pải do uống thuốc nóng quá không ạ. E thấy thuốc bác sĩ kê dạng viên giống như cho ng lớn uống vậy. Nhờ bác sĩ tư vấn giải pháp giúp em ạ.
Em cảm ơn
(trần thị hưởng, 27 tuổi)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương :

Con bạn 7 tháng rưỡi sau khi dùng thuốc được các bác sĩ kê, xuất hiện các nổi mẩn hạt nhỏ li ti đây có thể là biểu hiện của dị ứng thuốc. Bạn phải đưa con bạn đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

– Chào bác sĩ! Em có vài câu hỏi xin được tư vấn giúp:
Bé hiện được 18 tháng, nặng 11,5kg, cao 75cm. Bé hay bị viêm tiểu phế quản cấp, điều trị xong ngưng thuốc một tuần là tái lại, cứ như vậy trong vài tháng trời. Giờ thì bác sĩ Nhi Đồng 2 chẩn đoán là hen suyễn, đang điều trị uống thuốc và xịt thuốc cắt cơn bằng Ventolin và dụng cụ baby trị suyễn ngày 4 lần, mỗi lần 4 nhát. Bé đờm nhiều và khò khè, nước mũi đặc vàng. Bác cho em hỏi là trong lúc điều trị viêm tiểu phế quản cấp uống kháng sinh thường xuyên liên tục trong hơn 2 tháng, như vậy ảnh hưởng gì đến bé về sau. Hồi bé mới 3 tháng đã bị nhiễm trùng đường ruột điều trị bằng thuốc kháng sinh đặc trị cho nhiễm trùng. Có phải do uống thuốc kháng sinh đặc trị đó là bé chậm lớn và thấp còi không? Bé vẫn lanh lẹ, nghe hiểu. Và điều trị hen suyễn như thế nào để dứt điểm? Chân thành cảm ơn Bác sĩ!
(Nguyễn Thị Thu Tâm, 34 tuổi, Km9, Xa Lộ Hà Nội, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP HCM.)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Trẻ 18 tháng nặng 11kg, cao 75cm là trong giới hạn bình thường, mặc dù trẻ không bụ bẫm như các trẻ cùng lứa tuổi. Viêm tiểu phế quản là bệnh ít khi có tính tái đi tái lại. Trong trường hợp này, các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 2 chẩn đoán hen suyễn là phù hợp. Trẻ được sử dụng các thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng hàng ngày.

Tuy nhiên, liều lượng thuốc phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Bạn nên cho trẻ đến khám định kỳ để bác sĩ chỉnh liều thuốc dự phòng hen cho phù hợp với giai đoạn tiến triển của bệnh. Bạn khá lo lắng vì cháu được sử dụng kháng sinh điều trị các bệnh hô hấp và tiêu hóa khi dưới 3 tháng tuổi. Điều này cho thấy trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn ở giai đoạn nhỏ tuổi. Tuy nhiên, hiện cháu đã 18 tháng và tình trạng thể lực tương đối ổn định. Bạn không cần lo lắng nhiều về tình trạng này.

Hiện cháu được điều trị dự phòng hen là một bệnh không cần sử dụng kháng sinh, tuy nhiên, cháu cần phải điều trị đều đặn, thường xuyên vì nếu bỏ thuốc trẻ sẽ có các cơn khó thở, điều này ảnh hưởng đến phát triển thể lực của trẻ sau này. Hen là bệnh có khả năng tự điều chỉnh và bệnh có xu hướng thuyên giảm sau 5 tuổi. Bạn cần tư vấn của các thầy thuốc chuyên khoa hô hấp, dị ứng nhi và tuân thủ điều trị để trẻ vừa được quản lý hen, vừa có sức khỏe tâm thần vận động bình thường như các trẻ khỏe mạnh.

– Con cháu năm nay 32 tháng, bị hội chứng thận hư tiêm phát đơn thuần được 10 tháng, điều trị ngoại trú tại bệnh viện Nhi Trung ương. Cháu đã được ngừng thuốc 3 tháng nay, rất hay và mồ hồi trộm, cháu cũng bổ sung thêm các loại canxi nhưng không ăn thua, gần như tuần nào cháu cũng bị hắt hơi sổ mũi. Bác có biện pháp nào để cháu mỗi lần ốm đỡ phải dùng kháng sinh không ạ. Chân thành cảm ơn bác sĩ. (lưu thị chúc, 27 tuổi)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương :

Con bạn bị mắc bệnh thận hư. Những thuốc điều trị bệnh này có thể làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Do đó, việc thực hiện những biện pháp phòng tránh nhiễm khuẩn hô hấp rất quan trọng. Bạn nên chú ý, phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm khuẩn để điều trị kịp thời.

– Con nhà em hay bị nổi mẩn mụn đỏ nhỏ ở mặt. Xin bác sĩ tư vấn giúp e lên dùng thuốc gì ạ. Đầu cháu bi cứt trâu nhà e có lấy bồ kết nương lên đắp vào cây ra hết nhung chỉ được mấy hôm thôi ạ.cháu được 3 tháng 20 ngày (Lê kim liên, 30 tuổi)

–  :

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương

Con bạn 3 tháng nổi các mụn li ti ở mặt. Với triệu chứng này, thường bệnh hay gặp là viêm da cơ địa (chàm). Bạn nên đưa con đến cơ sở y tế da liễu để bác sĩ kê đơn và hướng dẫn các biện pháp phòng biến chứng.

– Bé nhà em năm nay 3 tuổi rưỡi, cân nặng 14kg, cao 98cm. Con rất hay ốm cứ trở trời là mũi lại tịt rồi chảy nước mũi, tối ngủ cứ phải thở bằng miệng, uống thuốc khỏi rồi lại bị lại nản quá, mà uống nhiều hại cơ thể. Em phải làm gì để tăng sức đề kháng của con mà không bị tác hại của thuốc kháng sinh và kháng sinh là con dao hai lưỡi. Mong chuyên gia giải đáp giúp em? (Nguyễn Thúy Hạnh, Hà Nội.)

– Con nhà em năm nay 18 tuổi, cháu hay bi viêm mũi di ứng. Nói chung cháu bị lâu rồi, cũng đã đi khám chuyên khoa nhiều rồi, đến bây giờ cháu rất sợ uống thuốc, sợ đi khám.
Nên mỗi lần cháu bị hắt xì hơi, tôi mua viên thuốc dị ứng, nặng thì mua kháng sinh uống 3-5 ngày, nếu không khỏi nữa thì đi bác sĩ chuyên khoa.
Nay cháu học trong sài gòn, tôi nghĩ thời tiết trong đó ổn định hơn, nên ít bị, nhưng không phải vào trong đó cháu cũng bị nhiều hơn, do phải ngồi máy lạnh, vừa rồi đi khám bs, họ noi cuông mũi cháu phình to hơn, phải giữ không bị viêm mũi dị ứng, thi may ra hẹp lai. Đến nay cháu cung hay bị nhất la buổi sáng, hay ngồi phòng máy lạnh( do học trong hội trường). Giờ cháu phải làm sao ?
(Võ Tuệ Minh, 43 tuổi, 55 Thi Sách Quy Nhơn Bình Định)

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương:

Con bạn được chẩn đoán viêm mũi dị ứng. Đây là bệnh mạn tính liên quan nhiều tới các yếu tố nguy cơ từ môi trường. Thực hiện các biện pháp phòng tránh các yếu tố nguy cơ (như ngồi phòng điều hòa với nhiệt độ quá lạnh; thuốc, thức ăn gây dị ứng…) là rất quan trọng. Bạn không nên tự ý mua thuốc dị ứng về điều trị, mà cần phải đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn về điều trị và phòng tránh các yếu tố nguy cơ.

– Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Con nhà chị 3 tuổi rưỡi, nặng 14kg, cao 98cm là phát triển tốt. Trẻ hay bị các bệnh đường hô hấp trên như chảy mũi, ngạt mũi. Chính vì vậy, trẻ phải há miệng để thở. Nếu trẻ không có tình trạng nhiễm khuẩn thì không cần phải sử dụng kháng sinh. Cách tốt hơn là bạn làm tăng sức đề kháng của trẻ như giữ ấm cho trẻ khi thay đổi thời tiết, cho trẻ ăn đồ ấm, vệ sinh mũi họng hàng ngày. Thực hiện tiêm chủng đầy đủ, dùng một số hoạt chất tăng cường miễn dịch như beta (1.3-1.6) D glukan, sản phẩm đã được kiểm định lâm sàng.

Cách ly trẻ khi trẻ mắc các bệnh viêm hô hấp cấp để hạn chế bệnh lây thành các vụ dịch.

Vì thời lượng có hạn, độc giả có thắc mắc vui lòng gửi email vào tuvannuoiconkhongkhangsinh@gmail.com.

Nguồn: VnExpress

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

20 hours ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

20 hours ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

3 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

4 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

5 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago