Thuốc giãn phế quản được dùng trong hai rối loạn hô hấp là hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Tuy nhiên, cần phải sử dụng thận trọng nhóm thuốc này…
Hen suyễn còn gọi là hen phế quản, là bệnh về hệ hô hấp với đường hô hấp đột ngột bị thu hẹp thường do phản ứng bị kích thích bởi sự tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Triệu chứng thu hẹp đường hô hấp tạo nên những cơn thở rít, thở nhanh, thở khò khè, ngực bị co ép và ho, đó cũng là những dấu hiệu của suyễn. Sự thu hẹp đường hô hấp khi hen suyễn là do quá trình viêm xảy ra ở các phế quản, kèm theo tăng tính phản ứng phế quản với tác nhân kích thích gây nên sự co thắt phế quản.
Còn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (thường viết tắt COPD: Chronic Obstructive Pulmonary Disease) là một bệnh có đặc điểm bị tắc nghẽn sự thông khí hay giới hạn lưu lượng không khí ở hệ hô hấp. Sự tắc nghẽn, giới hạn này không hồi phục hoàn toàn. Phần lớn các bệnh này là do hút thuốc lá hay do ô nhiễm môi trường. Trong giai đoạn nặng của COPD, lòng phế quản bị chít hẹp nhiều, niêm mạc phế quản viêm đưa đến sự tắc nghẽn ngày càng tăng làm bệnh nhân rất khó thở.
Hình ảnh co thắt phế quản trong bệnh cảnh hen.
Như vậy, cả hai rối loạn hô hấp kể trên đều liên quan đến hiện tượng viêm và sự co thắt phế quản. Cũng vì thế, trong điều trị hen suyễn và COPD, người ta phải dùng hai loại thuốc cơ bản là thuốc chống viêm (glucocorticoid dùng dạng hít hay uống tùy vào tình trạng bệnh) để giảm viêm phù nề và thuốc giãn phế quản để giảm sự co thắt, chít hẹp phế quản. Bài viết xin đề cập đến thuốc giãn phế quản là loại thuốc phải dùng thật thận trọng.
Các loại thuốc giãn phế quản
Thuốc giãn phế quản là những thuốc có tác dụng chủ yếu làm giãn cơ trơn bao bọc xung quanh các phế quản, từ đó giúp làm giãn phế quản, tăng khẩu kính đường thở, do đó, không khí dễ dàng đi qua đường thở để tới các phế nang làm nhiệm vụ trao đổi khí cho hệ hô hấp. Thuốc giãn phế quản hiện nay đang dùng bao gồm 3 nhóm:
Thuốc giãn phế quản nhóm xanthine: nhóm thuốc này có hoạt chất theophylline dùng lâu đời, đây là thuốc có tác dụng nhanh, ngắn, tuy nhiên hiện nay, thuốc được sản xuất dưới dạng phóng thích chậm, do đó tạo thuận lợi hơn cho người sử dụng.
Thuốc giãn phế quản nhóm cường beta 2 adrenergic (gồm 2 nhóm nhỏ hơn: các thuốc tác dụng nhanh, ngắn như fenoterol, salbutamol, terbutaline; các thuốc tác dụng chậm, kéo dài như: salmeterol, bambuterol, formoterol).
Thuốc giãn phế quản nhóm kháng cholinergic (thuốc tác dụng nhanh, ngắn: ipratropium bromide, oxitropium bromide; thuốc tác dụng chậm, kéo dài: tiotropium bromide, aclidinium bromide).
Các thuốc giãn phế quản nhìn chung được chỉ định cho những trường hợp có co thắt phế quản gây khó thở cho người bệnh. Các bệnh lý thường được chỉ định thuốc giãn phế quản bao gồm: hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản trong đợt cấp (thường có co thắt cơ trơn phế quản). Nhiều thuốc giãn phế quản được sản xuất ở dạng đơn chất, tuy nhiên, hiện có nhiều thuốc được sản xuất dưới dạng kết hợp 2 thuốc giãn phế quản, thông thường là sự kết hợp giữa một thuốc nhóm kháng cholinergic với một thuốc nhóm cường beta 2 adrenergic nhằm làm gia tăng tác dụng giãn phế quản như (kết hợp albuterol+ipratropium hay fenoterol+ipratropium). Thuốc giãn phế quản thường được dùng để cắt cơn nhưng có khi được dùng dự phòng (tức để ngừa, không để các cơn xảy ra, thường dùng thuốc giãn phế quản dạng hít kéo dài và kết hợp với glucocorticoid dạng hít).
Lưu ý khi sử dụng
Để dùng thuốc đúng trong điều trị hen suyễn và COPD, tình trạng bệnh phải được chẩn đoán chính xác, phân loại 4 mức độ từ nhẹ đến nặng nhờ bác sĩ xem xét triệu chứng các cơn hen hay khó thở và cho dùng lưu lượng đỉnh kế để đo lượng khí thở ra tối đa PEF. Thuốc giãn phế quản dạng hít, tác dụng ngắn được dùng đơn lẻ để cắt cơn khi ở bước 1 (nhẹ). Từ bước 2 trở đi, để cắt cơn phải kết hợp với glucocorticoid từ hít sang uống từ mức độ nặng dần.
Dùng thuốc giãn phế quản khá phức tạp, cho nên người bệnh cần đi khám bác sĩ và khi cho đơn thuốc thì theo đúng cách dùng mà bác sĩ chỉ định. Khi dùng thuốc giãn phế quản, cũng cần lưu ý các tác dụng phụ có hại (ADR) có thể xảy ra.
ADR thường gặp thuốc giãn phế quản: đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, run nhẹ (đặc biệt ở đầu ngón tay). ADR hiếm gặp: nhức đầu, mất ngủ, giãn mạch ngoại biên, loạn nhịp tim, hạ kali máu, tăng glucose và acid béo tự do trong máu, phản ứng quá mẫn (dị ứng). Dùng đường khí dung có thể gây co thắt phế quản.
Dùng nhiều lần sẽ có hiện tượng quen thuốc nhanh do số lượng thụ thể beta 2 adrenergic của phế quản giảm dần (cơ chế điều hòa giảm), bệnh nhân có xu hướng phải tăng liều.
Thận trọng khi dùng thuốc này với người: cường tuyến giáp, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, đái tháo đường…
PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…