Categories: Nuôi dạy trẻ

Đừng để trẻ cảm thấy cha mẹ bất công

Ảnh minh họa

Không phải con chưa bao giờ bị ba đánh, nhưng từ bé đến giờ, cái tát của ba hôm vừa rồi là làm con đau nhất. Rõ ràng em Bo vào phòng con, lục lọi, phá phách đủ thứ.

Con đã dặn Bo, tuyệt đối không được bắt con chuột hamster ra khỏi chuồng. Vậy mà Bo vẫn không nghe, lén vào phòng, mở chuồng để con mèo Mimi vật chết chuột. Ba có biết con thương con hamster lắm không?

Đã vậy, khi con hỏi, Bo còn vênh mặt lên: “Mèo của chị giết chuột của chị chứ mắc mớ gì đến em?”. Con tức quá mới đánh em một cái.

Em nhào vào đánh lại túi bụi, miệng thì gào lên: “Ba mẹ ơi, chị Hai đánh con”… Vậy mà ba mẹ tin là thật, vừa bước vào là ba đã tát con, còn mẹ thì chì chiết: “Con là chị mà sao không biết nhường em?”.

Con muốn gào lên với ba mẹ câu hỏi “Tại sao?”. Tại sao Bo lục phá đồ, làm chết chuột của con, những cái sai đó sao ba mẹ không xử, lại đánh con?

Dẫu con 14 tuổi, Bo 11 tuổi nhưng nó là con trai, cao bằng con, nặng hơn con 10 kg, khỏe hơn rất nhiều. Con bầm mặt bầm mày, tay chân bị Bo cào trầy trụa; còn Bo thì chẳng bị sao, chỉ giả bộ khóc.

Vậy mà ba mẹ nỡ lòng nào nói ra câu: “Sao con đánh em con như vậy?”. Mẹ còn dỗ dành Bo: “Thôi ba đánh chị Hai rồi, con nín đi. Tối nay ba mẹ dắt con đi ăn kem”. Con buồn nằm trong phòng khóc cả buổi tối, cũng chẳng ai thèm ngó đến…

Câu hỏi “Tại sao?” cứ ám ảnh con. Tại sao cùng là con, mà ba mẹ lúc nào cũng thương em nhiều hơn thương con? Tại sao cái gì Bo cũng được nhiều hơn con? Tại sao ba mua cho Bo ba-bốn món đồ chơi, thì mới mua cho con một món?

Tại sao mẹ mua cho Bo hai – ba bộ quần áo, con mới được một bộ? Tại sao cũng cùng một thứ, em muốn là được, còn con thì năn nỉ xin, nhiều lần không được? Thí dụ như vụ cái máy vi tính.

Con xin ba mẹ mua cho con từ mấy năm trước, ba mẹ cứ từ chối hoài, nói: “Còn nhỏ mua máy về toàn để chơi game chứ học hành gì”.

Vậy mà Bo 11 tuổi, bằng tuổi con lúc ấy, xin là ba mẹ gật đầu ngay. Khi con nhắc lại chuyện mua máy, ba mẹ lại nói: “Xài chung máy với em đi!”. Con vừa đụng vô máy tính, Bo đã gào thét phản đối. Rồi ba mẹ lại nói: “Nhường em đi con!”.

Càng nghĩ con càng thấy tủi thân. Buổi tối Bo được mẹ dạy học, còn con từ nhỏ đến lớn đều tự học. Biết ba mẹ cưng, nên Bo toàn kiếm chuyện với con. Hễ cãi nhau, thì ba mẹ lại nói câu quen thuộc: “Chị phải nhường em”.

Con cứ thắc mắc hoài vì sao ba mẹ đối xử với hai đứa khác nhau như vậy? Tại con là con gái, còn Bo là con trai – cháu đích tôn của dòng họ?

Con cứ hỏi “tại sao” mà không tìm thấy câu trả lời cho sự bất công của ba mẹ. Càng ngày con càng thấy mình là người thừa trong nhà này. Con buồn và tủi thân lắm, ba mẹ biết không?

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

2 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

2 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

5 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago