Học sinh tiểu học sẽ được uống sữa theo chương trình sữa học đường.Ảnh: Khánh Vy.
Theo công bố của Viện Dinh dưỡng quốc gia, hiện ở nước ta tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nhẹ cân là 14,5%, suy dinh dưỡng thấp còi là 24,9%. Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, trẻ em suy dinh dưỡng do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ các quan điểm sai lầm trong nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, vận động và trí thông minh của trẻ.
Nguyên nhân thì nhiều, nhưng một trong những sai lầm nghiêm trọng trong chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ là việc không cho con bú sữa mẹ. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, sữa mẹ là nguồn thức ăn tự nhiên tốt nhất cho trẻ. Trong sữa mẹ có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối phù hợp hệ tiêu hóa và hấp thụ của trẻ.
Sữa mẹ còn có kháng thể giúp trẻ tăng cường sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm trùng. Việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giảm nguy cơ suy dinh dưỡng hoặc thừa cân (béo phì), các bệnh mãn tính không lây khi trưởng thành, đặc biệt là bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường,..
Kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia tại huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) cho thấy, tỷ lệ bà mẹ cho con bú sau sinh 1 giờ đầu là 55,2% và chỉ có 20,2% bà mẹ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Bên cạnh đó, ăn bổ sung là hình thức bổ sung thêm thức ăn khác cho trẻ ngoài sữa mẹ. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, thời điểm cho trẻ ăn bổ sung (ăn sam, ăn dặm) là khi trẻ tròn 6 tháng tuổi. Do nhu cầu của trẻ tăng cao, sữa mẹ không đáp ứng đủ vì vậy cần bổ sung thêm thức ăn cho trẻ. Nếu cho trẻ ăn bổ sung muộn, sữa mẹ không đủ đáp ứng nhu cầu thì trẻ sẽ chậm tăng cân.
Chính vì tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở nước ta hiện nay khá cao nên Chính phủ đã ban hành Quyết định 1340 với mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
Theo đó, chương trình sữa học đường phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt các chỉ tiêu cơ bản: 90% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng; 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa theo chương trình sữa học đường; 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo chương trình sữa học đường;… Đặc biệt, đến 2020, nâng chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5cm – 2cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.
Để đạt được các tiêu chí nêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, nhất là Bộ Y tế, Giáo dục cần triển khai đồng bộ các giải pháp: Ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường đến năm 2020; quy định về nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối và sử dụng; quy định về định mức sữa phù hợp với lứa tuổi nhằm đáp ứng các chỉ tiêu của chương trình sữa học đường. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chương trình để đảm bảo nguồn lực, sự bền vững của chương trình sữa học đường, đặc biệt tại các huyện nghèo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Cùng với đó, đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ cho đội ngũ cán bộ y tế, giáo viên tham gia chương trình sữa học đường trong quá trình uống sữa, kịp thời phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình cho trẻ em uống sữa.
Hải Phong
Nguồn: Đại đoàn kết
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…