Ông Đinh La Thăng và em trai Đinh Mạnh Thắng sẽ đối diện với khung hình phạt nào theo tội danh vừa bị khởi tố?
Ông Đinh La Thăng bị khởi tố tội danh gì?
Như báo VietnamFinance đã đưa tin, ngày 8/12, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng.
Quyết định Khởi tố bị can số 522/C46 và Lệnh bắt tạm giam số 134/C46 của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn nêu rõ ông Đinh La Thăng bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165 – Bộ luật Hình sự liên quan đến 2 vụ án, gồm:
Vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (OceanBank).
Vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.
Ông Đinh La Thăng đã bị miễn nhiệm đại biểu Quốc hội, mất chức Phó ban Kinh tế Trung ương và hiện đang bị cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố
Theo Điều 165, Bộ Luật Hình sự năm 1999, tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sẽ bị xử lý theo các mức:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 – 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 – 12 năm: Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; Có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 – 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.
Tuy Bộ luật Hình sự 2015 không còn Điều 165 nêu trên nhưng theo Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Bộ luật Hình sự 2015 thì các vụ án khởi tố trước 1/1/2018 vẫn xét xử theo Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999. Theo điều này, mức phạt tù cao nhất lên tới 20 năm.
Ông Đinh Mạnh Thắng đối diện khung hình phạt nào?
Cũng trong ngày 8/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định Khởi tố bị can về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278 – Bộ luật Hình sự, bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Đinh Mạnh Thắng nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà (PVSD).
Ông Đinh Mạnh Thắng bị khởi tố về tội Tham ô tài sản.
Điều 353 Bộ luật hình sự số 100/2015 quy định rõ về tội “Tham ô tài sản” như sau:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Bắt Ông Đinh La Thăng tại chung cư
Theo Vietnam Finance
Nguồn: ĐKN
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…