Luật sư Giang Hồng Thanh cho biết, hành vi bạo hành cháu bé 10 tuổi của người bố đẻ và mẹ kế là không thể chấp nhận, có thể sẽ bị kết tội hành hạ trẻ em hoặc cố ý gây thương tích.
Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang tạm giữ hình sự Trần Hoài Nam (34 tuổi, ở phường Nghĩa Đô) để điều tra, làm rõ việc người này có dấu hiệu hành hạ con trai 10 tuổi là bé Trần Gia K.
Cơ quan công an cũng triệu tập Phạm Thị Tú Trinh (mẹ kế K.) tới trụ sở công an để phục vụ công tác điều tra, làm rõ việc có hay không người này bạo hành con riêng của chồng.
Luật sư Giang Hồng Thanh.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với chúng tôi, luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trong suốt một thời gian dài họ đã có hành vi hành hạ, ngược đãi con gây tổn hại rất lớn về sức khỏe, tâm lý của cháu bé.
Hành vi này không những vi phạm nghiêm trọng pháp luật mà còn gây bàng hoàng trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống đạo lý.
“Hành vi của đối tượng đã có dấu hiệu phạm 2 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và Tội ngược đãi hoặc hành hạ người khác. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 104 và Điều 151 Bộ luật hình sự 1999”, luật sư Thanh nói.
Theo luật sư, để xử lý hành vi phạm tội của đối tượng thì cần căn cứ vào tỉ lệ thương tật của cháu bé. Nếu cháu bé được xác định là có thương tích thì dù tỉ lệ thương tật là bao nhiêu đi chăng nữa, cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố người cha về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật hình sự 1999. Mức hình phạt phụ thuộc vào tỉ lệ thương tật, càng cao thì hình phạt càng lớn. Còn nếu không xác định được tỉ lệ thương tật, cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố về tội Hành hạ con theo Điều 151 Bộ luật hình sự 1999 với mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù.
Bé trai 10 tuổi bị cha ruột và mẹ kế bạo hành.
Tuy nhiên để xử lý các đối tượng về Tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS thì người đại diện hợp pháp cho người bị hại (mẹ đẻ cháu bé) cần thiết phải có đơn yêu cầu xử lý đối tượng theo quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự 2003.
Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại: Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”.
Nếu trong trường hợp, người đại diện hợp pháp cho người bị hại chưa thành niên không yêu cầu xử lý và không đưa cháu bé đi giám tỷ lệ thương tật thì các Cơ quan tố tụng hoàn toàn có thể xử lý đối tượng về Tội hành hạ con theo quy định tại Điều 151 Bộ luật hình sự 1999, với tội này mức án cao nhất là 3 năm tù.
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Điều 151. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Clip: Bé trai 10 tuổi bị bạo hành dã man kể lại quá trình chạy trốn khỏi nhà bố đẻ, mẹ kế
“Mẹ kế hay dùng đũa, guốc, muôi canh để đánh con… Con đã có ý định đi khỏi nhà từ lâu rồi nhưng chưa thành công”, bé K. kể lại.
2 năm không được tiếp xúc người lạ
Gần một ngày qua, dư luận đang xôn xao trước sự việc bé trai Trần G.K. (10 tuổi, từng ở cùng bố đẻ tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) bị chính bố đẻ và mẹ kế bạo hành dã man.
Sau khi thoát khỏi căn nhà của bố đẻ và mẹ kế, cháu G.K. đã bắt xe buýt về nhà ông bà nội và được mẹ đẻ cùng mọi người trong gia đình đưa đi Bệnh viện E thăm khám.
Qua kết quả thăm khám tại bệnh viện, cháu G.K. bị rạn xương sọ não và gãy xương sườn số 7 và 8.
Sau khi khám, điều trị các vết thương tại Bệnh viện E, ngay trong đêm 6/12, cháu K. đã đươc mẹ đẻ là chị Nguyễn Thị Ngân (34 tuổi, ở đường Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đưa về nhà chăm sóc.
Để hiểu rõ hơn về quá trình cháu G.K. bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành, trưa 7/12, PV đã tìm về nhà chị Ngân để tìm hiểu.
Thời điểm PV có mặt, cũng có rất đông người thân và bà con hàng xóm tới hỏi thăm sức khỏe bé G.K.
Trong câu chuyện với mọi người, bé G.K. rất lễ phép chào hỏi. Trên khuôn mặt trắng trẻo của cậu bé là chi chít những thương tích cũ và mới, trên đầu, toàn thân…, những vết thương đó chắc hẳn cứa sâu vào lòng cậu bé mới 10 tuổi.
Chỉ trong thời gian ngắn trò chuyện cùng PV, cháu G.K. đã uống hết hai hộp sữa
K. cho biết, suốt gần 2 năm nay, kể từ khi chuyển về chỗ trọ cùng với bố đẻ và mẹ kế, cháu không được ra ngoài tiếp xúc với mọi người cũng như không được cắp sách đến trường cùng với chúng bạn.
Thay vào đó là những trận đòn roi bằng những chiếc móc quần áo, thậm chí là guốc từ mẹ kế và bố đẻ là Trần Hoài Nam.
Không chỉ bị đánh đập dã man, hàng đêm cháu G.k. phải ngủ sàn nhà trong giá lạnh và không biết mùi vị những bữa ăn sáng.
“Mỗi khi bị đánh cháu khóc và có xin, nhưng càng khóc cháu càng bị đánh đau hơn nên cháu không dám khóc nữa, cô (mẹ kế – PV) thường dùng muôi canh và móc sắt đánh cháu”, K. kể lại.
Cháu G.K. cho biết, trước đây khi còn ở với ông bà nội, cháu thường xuyên được ông bà dẫn đi ăn bún, phở…, nhưng từ khi ra ở với bố và mẹ kế, thỉnh thoảng mới được ăn sáng và chủ yếu là ăn mỳ tôm khô, còn bữa chính buổi trưa và tối là cơm nguội chan canh.
“Đến bữa ăn, bố và cô (mẹ kế) thường bê mâm vào trong phòng ăn, còn cháu thì ăn ở phòng ngoài”, G.K. nhớ lại.
Nói về lần bị đánh gần đây nhất, cháu G.K. kể, vào ngày 4/12, mẹ kế và bố đẻ nghi ngờ cháu ăn cắp miếng thịt bò nên đã tra khảo và đánh rất dã man. Vào ngày hôm ấy (4/12), cháu G.K. đã bị bố dùng móc quần áo để đánh nhiều lần.
“Mẹ kế hay dùng đũa, guốc, muôi canh để đánh con. Hiện con bị gãy hai xương sườn số 7,8.
Con đã có ý định đi khỏi nhà từ lâu rồi nhưng chưa thành công. Đã nhiều lần con muốn liên lạc với ông bà nội nhưng không có cách nào liên lạc được…”, cháu G.K kể.
Rất nhiều những vết thương cả cũ và mới trên mặt cháu G.K.
Hành trình thoát khỏi nhà bố đẻ
Kể lại thời điểm thoát khỏi căn nhà bị bố đẻ và mẹ kế giam hãm suốt 2 năm qua, cháu G.K. cho biết, trong thời gian ở cùng bố đẻ và mẹ kế cháu không hề được đi học, không được đi ra ngoài.
Do cửa nhà có khoá mã số nên cháu G.K. đã lén nhìn trộm mật khẩu mà bố, mẹ kế mở cửa và ghi nhớ lại.
Đến ngày 5/12, lợi dụng lúc bố, mẹ kế đi làm, cháu G.K. đã tìm cách mở cửa rồi bỏ trốn và bắt xe buýt về nhà ông bà nội.
“Ngày hôm kia (5/12), bố và mẹ kế đều đi làm, con đã nhớ được mã số khoá cửa nên khi thấy mọi người ra ngoài con mở được cửa.
Sau đấy, con chạy xuống khu cửa chính của toà nhà nhưng cửa này lại khoá. Con đứng nấp vào đằng sau cánh cửa nhà vệ sinh của nhà chủ để đợi xem có ai ra ngoài mở cửa không thì trốn ra.
Một lúc sau, có một cô ở tầng trên đi xuống, con đợi cô ấy mở cửa chính ra thì liền chạy ra ngoài.
Con chạy thật nhanh đến chỗ có ông xe ôm bảo ông ấy chở về nhà bà nội ở đường Hoàng Hoa Thám, nhưng lúc ấy trong người con chỉ có 6000 đồng nên ông ấy bảo là không đủ tiền để chở đến chỗ nhà ông bà nội.
Rồi ông xe ôm chở con ra đến chỗ có điểm bắt xe buýt tuyến 90 để về nhà ông bà nội.
Khi ra đến điểm xe buýt, ông xe ôm bảo tuyến 90 đã không còn chạy ở đây nữa, nhưng có tuyến xe số 14 hoặc 45 cũng đi về khu nhà ông bà nội con.
Lúc này, cũng có một bác đang đứng đợi xe buýt số 45 thì con bảo bác ấy cho cháu đi theo bác với. Khi con lên xe buýt, bác thấy thương cảm quá nên đã cho con 2.000 đồng, đi tới chỗ công viên Bách Thảo thì bác đi cùng xe buýt bảo tới nơi rồi nên con xuống xe và đi bộ về nhà ông bà…“, cháu G.K. kể lại giây phút thoát khỏi căn nhà của bố đẻ và mẹ kế.
Cháu G.K. bên ông Đỗ Xuân Tuấn.
Vết sẹo lâu ngày trên đầu gối cháu G.K.
Chia sẻ thêm với PV, cháu G.K. cho biết, ước muốn lớn nhất của cháu lúc này đó là được đến trường tiếp tục học tập.
Ông Đỗ Xuân Tuấn (anh trai của bà ngoại cháu N.G.K.) cho biết, sau khi biết tin cháu bị đánh, mọi người có hỏi thì cháu G.K. nói phải làm tất cả mọi việc trong nhà, bếp gas cũng bật thành thạo.
Còn tối thì không được ngủ trong nhà mà phải ngủ ở nhà ngoài không có giường, bên dưới có một chiếc chăn lót, ba mẹ ngủ trong phòng, bé không được vào phòng xem tivi. Thức ăn ngon thì ba mẹ không cho ăn.
“Sau khi đưa đi viện, kết quả chụp chiếu cho thấy, cháu bị đánh rạn xương sọ não, gãy 2 xương sườn”, ông Tuấn nói về những vết thương trên người cháu G.K.
Ông Tuấn cũng chia sẻ, thời điểm cháu G.K. đứng trước nhà ông bà nội gõ cửa và bảo cháu là G.K. cháu nội của ông bà đây nhưng lúc đó chưa ai nhận ra đấy là K.
Phải lúc sau nhìn kĩ, ông bà nội mới nhận ra đúng là cháu K., vì lúc đó tóc cháu dài qua mang tai, trên người chằng chịt vết thương.
Theo Gioitreviet.net
Nguồn: ĐKN
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…