Mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc kháng sinh lần thứ 2 tại Việt Nam. Ảnh: Trần Ngọc Kha.
Đây là những thông tin được đưa ra trong Tuần lễ Nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc kháng sinh lần thứ 2 đang diễn ra tại Việt Nam.
Điều đáng nói là mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng tăng- ông Lương Ngọc Khuê cho biết. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng do chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội.
Hàng năm có hàng triệu người chết cho kháng thuốc, trong đó 1,4 triệu trẻ em và phải chi hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc, theo báo cáo năm 2013 của World Crisis, trung bình mỗi nước mất từ 04-1,6% GDP quốc gia cho phòng chống kháng thuốc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên phụ thuộc kháng sinh và yêu cầu toàn cầu có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau.
Cũng theo cảnh báo của WHO, một phụ nữ ở tiểu bang Pennsylvania (Mỹ) đã được phát hiện dương tính với một loại vi khuẩn có khả năng kháng tất cả các loại kháng sinh, thậm chí cả những loại thuốc cuối cùng, mạnh nhất mà loài người đang có. Các ca bệnh này sau đó đã xuất hiện cả ở Trung Quốc, Canada và một số nước châu Âu.
Các nhà khoa học cũng đã lo ngại các loại vi khuẩn kháng kháng sinh có thể “trao đổi gen” và trở nên “bất khả xâm phạm”. Còn “vũ khí” kháng sinh lại đang ngày càng trở nên lạc hậu và các phát minh thuốc thế hệ mới cũng khó lòng theo kịp với sự “tiến hóa” của vi khuẩn kháng thuốc.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới tới năm 2050, tình trạng kháng kháng sinh sẽ làm giảm từ 1,1-3,8% GDP toàn cầu do phải bỏ tiền để ứng phó với kháng kháng sinh và rất có thể nó sẽ làm cho nhiều người bị bệnh kháng kháng sinh phải rơi vào nghèo đói.
Bác sĩ Lokky Wai – Đại diện WHO tại Việt Nam mới đây đã cảnh báo: Trong vài chục năm nữa, khi các phương pháp điều trị như hóa trị bệnh ung thư và phẫu thuật đơn giản sẽ không thể thực hiện được do phụ thuộc vào thuốc kháng sinh để bảo vệ bệnh nhân chống nhiễm trùng. Trong tương lai nếu kháng sinh không còn tác dụng thì triệu chứng ho hay một vết cắt cũng có thể gây tử vong.
Việt Nam: Gánh nặng lao kháng đa thuốc
Theo đánh giá của WHO, ở Việt Nam, dịch tễ lao còn diễn biến phức tạp. Năm 2015, Việt Nam vẫn đứng thứ 12 trong 22 nước có số người bệnh lao cao và đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc. Tỷ lệ lao kháng đa thuốc là 2,7% trong số bệnh nhân lao mới (khoảng 4.800 bệnh nhân) và chiếm 19% trong số bệnh nhân lao điều trị lại (khoảng 3.400 bệnh nhân).
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay: Đáng báo động là ở Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng đặc biệt ở nhóm vi khuẩn gram âm, thường xuất hiện trong các bệnh viện đã có vi khuẩn biến đổi gen đa kháng với carbapenem thế hệ mới. WHO xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới.
Nguyên nhân của tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam theo nhận định của ông Lương Ngọc Khuê là tình trạng sử dụng kháng sinh tùy tiện ngay cả khi không có chỉ định, không có đơn của bác sĩ, người dân có thể tự ý mua kháng sinh ở các hiệu thuốc.
Không ít dược sỹ bán thuốc không đúng quy định. Nhận thức về kháng sinh tùy tiện ngay cả trong ngành y. Các bác sĩ điều trị kê đơn thuốc lạm dụng kháng sinh, chỉ định kháng sinh không phù hợp hoặc lạm dụng kháng sinh đắt tiền, thế hệ mới.
Có một nguyên nhân trầm trọng nữa, theo ông Khuê, là do việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích kích thích tăng trưởng đã làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả.
Điều này, cũng được bà Socorro Escalate- Trưởng nhóm Phát triển Hệ thống y tế Văn phòng WHO tại Việt Nam- đánh giá, tình trạng sử dụng kháng sinh của Việt Nam đứng ở mức cao, người dân có thể dễ dàng mua thuốc kháng sinh mà không cần kê đơn, bác sĩ kê hơn 2 thuốc kháng sinh trong 1 đơn thuốc.
Đừng để “ngày mai không còn thuốc chữa”
Nhiều năm trước, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc.
Tuy nhiên, do việc chống kháng thuốc còn liên quan đến vấn đề sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… cho nên kế hoạch phòng chống kháng thuốc là kế hoạch liên ngành, đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các bộ ngành, các cấp chứ không chỉ riêng trong ngành y tế.
Năm 2016, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống kháng thuốc đã được thành lập. Chương trình quản lý kháng sinh đã được triển khai tại các BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân Gia Định…
Bộ Y tế cũng đã ban hành các văn bản pháp quy về hoạt động dược lâm sàng; kê đơn, sử dụng thuốc trong điều trị; thông tin thuốc; kiểm chuẩn xét nghiệm; kiểm soát nhiễm khuẩn BV…
Tuy nhiên, việc quan trọng để cả xã hội thấy được mức độ nghiêm trọng của kháng thuốc, thay đổi nhận thức về sử dụng thuốc. Nói như các chuyên gia y tế, kháng sinh vốn coi là phát minh có giá trị nhất, “vũ khí” tối tân nhất của con người trong điều trị bệnh. Nhưng nay kháng sinh dường như đang quay lại “phản bội” loài người.
Vì khi việc sử dụng kháng sinh bị đơn giản hóa, sử dụng tùy tiện thì vi khuẩn sẽ nhờn thuốc, kháng thuốc. Và vì kháng thuốc, vi khuẩn khó bị tiêu diệt, bệnh tật sẽ nặng hơn, chi phí tốn kém hơn…
Điều trầm trọng là các loại kháng sinh thế hệ cũ, ra đời vài chục năm đương nhiên sẽ có nhiều vi khuẩn kháng lại đã đành, đến nay không ít kháng sinh vừa ra đời đã trở nên mất tác dụng với nhiều loại vi khuẩn.
Bác sĩ Lokky Wai cảnh báo: Kháng thuốc kháng sinh không chỉ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người Việt Nam, mà còn đe dọa môi trường cũng như tính bền vững của hệ thống sản xuất thực phẩm.
Ngọc Linh
Từ khóa
Nguồn: Đại đoàn kết
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…