Categories: Tin tức

Cuộc sống tận cùng khốn khổ của mẹ già yếu hơn 90 tuổi và 3 con điên dại ở Phú Thọ

Cụ Vũ Thị Thả (SN 1925) đã không còn lao động được để nuôi 3 người con điên dại, cuộc sống của cụ rơi vào tận cùng của khốn khó.

Ông Trần Văn Thọ, trưởng khu 1 (Liên Phương – Hạ Hòa – Phú Thọ) đưa chúng tôi đến thăm một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã trong một ngày mưa to gió lớn. Con đường đất chi chít ổ gà, ổ vịt lầy lội khiến việc đi lại càng trở nên khó khăn.

Lúc chúng tôi vừa đến, ông Nguyễn Văn Long (SN 1966) và bà Nguyễn Thị Thơm (SN 1974), hai người con ngây dại của cụ Thả đã đi đâu từ sáng. Trong nhà chỉ có cụ Thả và người con trai thứ hai ông Nguyễn Văn Luân (SN 1968) đón khách.

Hai mẹ con cụ Vũ Thị Thả. (Ảnh: Hoàng Duy)

Nhìn từ phía bên ngoài, căn nhà không có cửa mà được phủ một tấm bạt để tránh những ngày mưa lớn, gió lốc sẽ cuốn bay mái nhà. Ngôi nhà thấp lè tè, cửa sổ đóng quanh năm nên dù thời điểm giữa trưa nhưng bên trong vẫn tối om như mực.

Chúng tôi phải cúi thấp người mới có thể chui qua mái hiên bước chân vào nhà. Thấy người lạ bước vào, cụ bà đang nằm trên giường cố gượng dậy chào khách. Mấy năm nay, sức khỏe cụ đi xuống trầm trọng, tai đã điếc đặc, trí nhớ sa sút, chẳng nhớ nổi ai ngoài 3 đứa con dại bên cụ quanh năm.

Ông Thọ phải hét rất to vào bên tai nhưng cụ vẫn không nghe được lời nào. Nhìn quanh nhà chẳng có thứ gì có giá trị ngoài chiếc nồi cơm điện. Muốn nhìn rõ mọi thứ phải bật đèn pin mới thấy được.

Chút sức lực cuối cùng của cụ bà cả đời nuôi 3 con ngây dại. (Ảnh: Hoàng Duy)

Ông Thọ cho biết: “Có nồi cơm điện nhưng làm gì có điện mà dùng. Trước đây, có người tạo điều kiện miễn phí cho gia đình cụ tiền điện mỗi tháng nhưng không ai dám kéo điện về. Bởi vì, có ai dám khẳng định lúc lên cơn 3 người con dại của cụ sẽ không hành động dại dột mà gây chết người. Cái nhà này, ông Long đã từng đốt hai lần. Trước đây, mái nhà lợp bằng lá cọ, ông Long đốt nên mái nhà cháy hết. May không ai bị sao. Lần thứ hai ông ấy đốt cột nhà cháy rụi nhưng cũng may được người dân phát hiện kịp thời mà kêu người giải cứu”.

Nói chuyện với khách được vài ba câu, ông Luân bất ngờ chui vào gầm giường lôi một con chó ra ngoài chơi cùng. Theo ông Thọ, người bạn duy nhất và làm bạn với ông Luân suốt những năm qua không ai khác ngoài con chó. Ăn ông cũng cho ăn cùng bát với ông, ngủ ông cũng ôm nó ngủ cùng một ổ nơi xó bếp.

Ông Nguyễn Văn Luân (SN 1968), một trong 3 người con của cụ Thả. (Ảnh: Hoàng Duy)

Hỏi ông Luân sao không lên giường nằm ngủ, ông thản nhiên đáp: “Ở đâu chẳng ngủ được, nằm dưới đất cùng với con chó cho vui, ngủ trên giường một mình buồn lắm”.

Hôm nào đi làm thuê, được người ta cho ăn cơm và uống rượu say, ông Luân chẳng đi nổi về nhà mà ngủ ngay ngoài vệ đường. Bất kể ngày hay đêm thì con chó cũng luôn bên cạnh ông. Nói là đi làm thuê nhưng sức khỏe của ông yếu, làm việc không hiệu quả nên thỉnh thoảng có nhà bảo đi nhổ lạc, bẻ ngô giúp. Cả tuần thu nhập mà ông kiếm được cũng chỉ từ 30 ngàn đến 50 ngàn đồng. Nói rồi ông lại ôm con chó vào xó bếp tối thui ngồi đó vuốt ve nó.

Nơi xó bếp tối om, tôi nhìn lờ mờ một góc là chiếc chăn vứt trên nền đất đầy rác bẩn, một góc là những chiếc xoong nồi cáu bẩn, trong nồi chỉ vài tảng cơm cháy từ hôm nào chưa rửa khiến mùi chua bốc lên nồng nặc.

Cụ Thả không thể ngồi lâu để trò chuyện vì quá yếu. (Ảnh: Hoàng Duy)

Ông Thọ lại hét lớn vào tai cụ Thả, lúc này cụ mới nghe thấy thều thào trả lời. Trong hơi thở yếu, khó khăn cụ bảo: “Yếu lắm rồi, chắc chẳng sống được mấy chốc nữa đâu. Chân tay có làm được gì, bưng bát cơm không nổi. Con cái cho gì thì ăn nấy. Tôi chết đi, chỉ thương ba đứa con dại này…”, chưa nói hết câu đôi mắt của cụ đã nhòa đi trong nước mắt.

Tương lai mờ mịt

Lúc này, cụ Thả chỉ ngồi một chỗ nói, một lát mệt lại nằm xuống nghỉ ngơi. Ông Thọ tâm sự: “Trong ba người con của cụ có cô Thơm là tinh khôn hơn một chút, nhưng so với người bình thường thì cũng dại lắm.

Cô này biết chăm sóc mẹ. Biết mỗi bữa nấu cơm cho cả nhà ăn. Nhưng nếu ai thương tình mà cho tiền, không cần biết nhiều hay ít nhưng chỉ tiêu từ 1 đến 2 ngày là hết. Có lần người ta thương, cho 500 ngàn, cô Thơm đi chợ mua thịt trong 2 ngày hết tiền. Hôm trước ai lại cho tiền, đi mua ngay cái nồi cơm điện mà nhà có điện để dùng đâu”.

Con chó là người bạn thân của ông Luân. (Ảnh: Hoàng Duy)

Nghe ông Thọ kể chuyện, ông Luân cũng hùa thêm kể tội ông Long: “Ông Long dở hơi lắm. Đi nhổ lạc cho nhà người ta, người ta cho bánh chưng về không cho ai ăn, mẹ cũng không cho ăn. Ăn không hết ông ấy bỏ vào cái nồi thiu rồi cũng không cho ai ăn cùng. Hôm qua cái Thơm mua cho mẹ ít thịt rang, để ở trong bếp, lão Long ăn hết rồi bảo chó ăn. Thế có điên không hở ông?”.

Nghe ông Luân kể chuyện ông Thọ tặc lưỡi: “Đây là những câu nói khôn ngoan hiếm hoi mà ông Luân nói được”.

Nói đến gia cảnh nhà cụ Thả, ông Thọ chia sẻ thêm: “Cụ Nguyễn Văn Nhiễu (SN 1925) lấy cụ bà Vũ Thị Thả là người ở huyện Phong Châu. Những năm kháng chiến chống Pháp, cụ Nhiễu tham gia công tác liên lạc. Sau ngày giải phóng cụ vẫn tiếp tục công việc của mình. Hai cụ sống rất hiền lành, nhưng số không may có ba người con không ai khôn ngoan.

Ông Thọ trưởng thôn tới thăm gia đình cụ Thả. (Ảnh: Hoàng Duy)

Sau này khi về già, chẳng hiểu sao cụ cũng không được hưởng chính sách gì cả. Đúng ngày 30 Tết năm 2016, cụ Nhiễu qua đời, trong khi gia đình chẳng có nổi một đồng để làm tang lễ. Họ hàng chẳng có ai. Trước đây hai cụ cũng chẳng đi đám hiếu, đám hỉ ở làng nên bây giờ cụ mất chẳng ai phúng viếng”.

“Chúng tôi phải đứng lên vận động bà con trong làng đến viếng cũng như ủng hộ để gia đình cụ có tiền làm ma chay. Sau đám ma, trừ tất cả chi phí, gia đình còn lại hơn hai chục triệu. Số tiền ấy mang gửi nhà một người hàng xóm bởi vì nhà cũng không ai có thể giữ tiền. Mỗi lần đau ốm hay có việc gì thì người ta lại đưa cho một ít để tiêu”, ông Thọ cho biết thêm.

Cả ba người con của hai cụ đều bị thiểu năng bẩm sinh. Năm ông Long 20 tuổi, vô tình ông uống chai thuốc sâu bà treo dưới bếp, nhưng may được người dân phát hiện và cứu kịp thời nên sống sót. Tuy vậy, sức khỏe của ông bây giờ rất yếu.

Bà Thơm, người con gái út thì ốm đau bệnh tật liên miên. Năm 2016 bà Thơm mổ u buồng trứng. Cách đây vài tháng bà lại thấy đau, đi kiểm tra, bác sỹ chẩn đoán bị u gan. Lúc ấy, bác sỹ giới thiệu bà về bệnh viện Bạch Mai nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên không điều trị được.

Bản thân bà Thơm cũng không biết chữ, thần kinh không được bình thường, người thân trong gia đình thì không ai tỉnh táo nên chẳng đi lại được đành phải chịu. Vì vậy, bệnh của bà Thơm ngày một nặng, khối u ngày một to nhưng không biết làm thế nào. Sau khi đi khám, các bác sỹ chỉ kê cho bà thuốc giảm đau về uống.

Chúng tôi đang hướng mắt về phía bà cụ đang nằm trên giường thì ông Luân buột miệng: “Chả biết bà ấy có qua được hết năm nay không?”. Đó chỉ là câu nói ngây ngô của ông Luân nhưng cũng là suy nghĩ của tất cả chúng tôi, của những người khi chứng kiến gia cảnh khốn khó của cụ bà hơn 90 tuổi. Nếu có nhắm mắt xuôi tay, có lẽ cụ Thả cũng không thể yên lòng khi bỏ lại giữa cuộc đời ba người con thần kinh không ổn định này.

Video: Cô gái thoát khỏi địa ngục Triều Tiên kể lại cuộc chạy trốn kinh hoàng

Theo VTC

 

Nguồn: ĐKN

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

3 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

3 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

5 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

6 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

1 week ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

2 weeks ago