Gia Khánh đế, tức Ái Tân Giác La Ngung Diễm là con trai thứ 15 của Càn Long Hoàng đế. Năm 13 tuổi, vị a ca này được Càn Long bí mật chọn làm người kế thừa ngôi vị.
Tháng 10 năm 1795, Càn Long tuyên bố thoái vị. Ngung Diễm lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Khánh, sử cũ thường gọi là Gia Khánh đế. Trong thời gian tại vị, Gia Khánh đế từng nhiều lần bị ám sát bất thành. Năm 1820, ông đột ngột băng hà ở tuổi 60 tại sơn trang Thừa Đức.
Cho tới ngày nay, lý do khiến Gia Khánh đế qua đời đột ngột vẫn là một điều bí ẩn chưa được lý giải trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, một trong những giải thoại nổi tiếng nhất về cái chết của vị vua này lại đưa ra lý giải: Hoàng đế Gia Khánh đột tử vì bị…”trời đánh”!
Bị ám sát vì lý do không ai ngờ tới
Sử cũ từng ghi nhận hai lần Gia Khánh Hoàng đế bị ám sát hụt vào năm 1803 và 1813. Tuy nhiên, lần ám sát đầu tiên lại khiến cho hậu thế không khỏi “ngã ngửa” vì lý do không ai nghĩ tới.
Vào năm Gia Khánh thứ 8 (1803), quân đội triều đình dẹp yên thế lực của Bạch Liên giáo. Để ăn mừng thắng lợi này, Hoàng đế đã tổ chức yến tiệc thết đãi quần thần tại Viên Minh Viên.
Ngày 20 tháng 12 năm đó, trên đường từ Viên Minh Viên trở lại Tử Cấm Thành, Gia Khánh Hoàng đế bất ngờ bị một kẻ lạ mặt ra tay ám sát.
Vụ việc xảy ra ở cửa Thần Vũ Môn, khi Gia Khánh đang đổi kiệu để tiến đến cổng Thuận Chinh Môn, đi vào Tử Cấm Thành.
Ngay lúc đó, trong gian phòng phía Tây sau cổng Thần Võ Môn có một thích khách với thân hình vạm vỡ vụt chạy ra. Kẻ này trong tay cầm đoản đao, lao thẳng về phía Gia Khánh.
Lúc đó, thị vệ xung quanh đều hoảng hồn. Sau một màn tranh đấu kịch liệt, các hộ vệ không dễ dàng gì mới bắt được thích khách, áo bào của Định Thân vương lúc đó còn bị kẻ này đâm rách.
Chân dung Hoàng đế Gia Khánh – con trai thứ 15 của Càn Long..
Vụ việc Hoàng đế bị ám sát đã gây chấn động cả nước lúc bấy giờ. Gia Khánh từ hốt hoảng chuyển sang phẫn nộ, quyết tâm điều tra tới cùng.
Trong quá trình tra khảo, thích khách khai nhận mình tên là Trần Đức, xuất thân trong gia đình có bố mẹ đều đi làm thuê cho nhà giàu, sau này cả nhà lưu lạc tới Sơn Đông kiếm sống.
Do vụ việc xảy ra trong cung cấm, Gia Khánh Hoàng đế nghi ngờ có hoàng thân quốc thích giật dây đằng sau. Nhưng dù chịu tra khảo tới chết đi sống lại, Trần Đức vẫn một mực khai nhận hành động một mình.
Khi tra hỏi về lý do hành thích Hoàng đế, Trần Đức chỉ nói một câu: “Chết được minh bạch, tự mình vui vẻ!”
Nguyên do là bởi trước khi vụ việc xảy ra, Trần Đức vốn làm thuê cho một gia đình làm nghề nấu nướng. Vợ của họ Trần này không may bị bệnh qua đời, để lại một mẹ già hơn 80 tuổi nằm liệt giường và một người em đang tuổi ăn tuổi lớn.
Không lâu sau đó, Trần Đức bị đuổi việc. Trong tay không có tiền bạc, trên vai lại phải gánh thêm hai miệng ăn, bạn bè, người quen đều cùng cảnh ngộ, không ai giúp đỡ.
Bản thân bị dồn tới chân tường, Trần Đức dần mất đi hy vọng sống. Túng quá làm liều, kẻ họ Trần này liền tìm cách sát hại Hoàng đế để được “chết một cách minh bạch”!
Bí ẩn xoay quanh cái chết “trời đánh”
Mười năm sau vụ việc của Trần Đức, Gia Khánh Hoàng đế lại bị thích khách ám sát thêm một lần, nhưng nhà vua may mắn thoát nạn.
Mặc dù hai lần thoát khỏi lưỡi đao của đám sát thủ nhưng tới năm 1820, vị Hoàng đế này lại chết bất đắc kỳ tử một cách đầy bí ẩn.
Về cái chết của Gia Khánh, các tài liệu chính sử chỉ ghi chép rất chung chung rằng Hoàng đế đột ngột qua đời ở sơn trang Thừa Đức vào ngày 2 tháng 9 năm 1820.
Tuy nhiên, hậu thế lại lưu truyền không ít những giai thoại về việc Gia Khánh đế chết vì bị… sét đánh!
Sự thật về cái chết của Gia Khánh cho tới nay vẫn là bí ẩn hoàng tộc gây nhiều tranh cãi. (Tranh minh họa).
Có giai thoại truyền lại rằng, tối hôm đó ở sơn trang Thừa Đức, Gia Khánh ăn cơm xong liền lên giường nằm nghỉ ngơi. Đột nhiên vùng trời phía trên tẩm điện của nhà vua có sấm chớp rền vang.
Khi đó, một tia sét bất ngờ giáng thẳng xuống cung điện nơi Gia Khánh đang nằm nghỉ, khiến vị Hoàng đế này vong mạng trong tích tắc.
Một giả thuyết khác lại cho rằng, Gia Khánh lúc đó đang trên đường đi săn thú, nhưng liên tục để xổng mất con mồi, liền quyết định quay về kinh đô. Trên đường hồi kinh, trời đổ mưa tuôn xối xả. Ngay lúc ấy xuất hiện một tiếng sét vang rền, Gia Khánh vì giật mình ngã ngựa mà qua đời.
Liệu có phải Gia Khánh qua đời vì bị sét đánh trong lúc đi săn? (Tranh minh họa).
Bên cạnh hai giả thiết trên, có một giai thoại khác càng khó tin hơn liên quan đến việc nhà vua bị sét đánh.
Tương truyền rằng, Gia Khánh Hoàng đế năm ấy có sủng ái một tiểu thái giám. Tại sơn trang Thừa Đức, trong lúc nhà vua đang vui vẻ cùng sủng nam của mình, bầu trời bỗng xuất hiện một tia sét đánh thẳng xuống tẩm điện, thiêu cháy tòa nhà cùng vị Hoàng đế đang ở trong đó.
Cả ba giả thiết trên đều có điểm chung là tin vào việc Hoàng đế Gia Khánh băng hà đột ngột do bị sét đánh. (Ảnh minh họa).
Sau này, nhiều nhà sử học giải thích rằng Gia Khánh đột tử qua đời rất có thể là do bệnh tim tái phát. Một số tài liệu lịch sử khác cũng ghi lại: Khi Hoàng đế đi du ngoạn các hành cung, thân thể bắt đầu xuất biểu hiện dị thường, tới sơn trang Thừa Đứcthì bệnh tình đột ngột trở nặng.
Tuy nhiên, không ít người vẫn tin rằng vị vua này qua đời vì sét đánh. Cho tới ngày nay, sự thật đằng sau cái chết của Gia Khánh vẫn là bí ẩn gây nhiều tranh cãi đối với hậu thế.
Về cái chết của Gia Khánh, chính sử Trung Hoa chỉ ghi rằng Hoàng đế đi du ngoạn khắp các hành cung, thân thể bắt đầu xuất hiện bệnh dị thường, khi tới Sơn Trang Thừa Đức, bệnh tình trở nặng, sau bất đắc kỳ tử mà chết.
Ngày nay, nhiều nhà sử học tin rằng Gia Khánh chết vì bệnh tim mạch nhưng không ít người vẫn tin vào cái chết bị “trời đánh” của vị Hoàng đế này.
Theo Trí Thức Trẻ
Nguồn: ĐKN
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…