Categories: Nuôi dạy trẻ

Con cần bố mẹ, thay vì bảo mẫu

Bảo mẫu được xem như trợ thủ đắc lực của những gia đình mà cả vợ lẫn chồng quá bận rộn công việc, không có đủ thời gian chăm con.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa bạn giao tất cả trách nhiệm làm cha mẹ lên vai bảo mẫu, để rồi đến lúc nhận ra vai trò của mình trong gia đình quá mờ nhạt.

Mới đây, một số bảo mẫu ở Anh dũng cảm thừa nhận một số điều họ đã cố tình làm trái ý “bà chủ” vốn chẳng có thời gian chăm lo cho gia đình.

Charlotte (30 tuổi), từng giúp việc sáu tháng cho một gia đình ở Hampshire. Điều khiến cô ray rứt là đã bao che cho ông chủ vụng trộm với nhân tình.

Chủ nhà của Charlotte là một cặp ngoài 30 tuổi, rất thành đạt, vợ chồng đều có công ty riêng. Họ có với nhau hai con chỉ mới 6 tháng và 2 tuổi.

Người vợ thường xuyên đi công tác. Mỗi lần như thế, Charlotte phải nói dối với bọn trẻ rằng bố chúng cũng bận việc để anh ta thoải mái vi vu cùng người tình.

Charlotte kể, lũ trẻ đang trong “giai đoạn vàng” phát triển, rất cần sự chăm chút của bố mẹ nhưng chúng lại được “bù đắp” bằng những thứ đồ chơi vô cảm như súng, thiết bị di động.

Người mẹ nói với Charlotte là mình không yêu trẻ con. Khi ở nhà, chị cũng chẳng buồn ngó ngàng đến con mà luôn tìm một góc để tự do buôn chuyện trên điện thoại.

Charlotte nhận ra, vấn đề của ông bà chủ chính là sự vô tâm và vô trách nhiệm đối với con trẻ. Charlotte nhận ra mình cũng sai, vì đã để ông bà chủ thoái thác trách nhiệm, ỷ lại vào bảo mẫu. Khi thôi không làm việc nữa, điều khiến cô luyến tiếc nhất là tình cảm với những đứa trẻ vốn không phải máu mủ, ruột thịt của mình.

Chị Andrea (47 tuổi) làm việc cho một nhà chủ giàu có, trong căn biệt thự triệu đô ở London. Nhiệm vụ của chị là chăm bé gái 18 tháng của ông chủ là thương nhân ngành dầu khí, vợ là giám đốc nhân sự của một công ty công nghệ lớn.

Dù cả hai là người Anh nhưng họ thường nói chuyện bằng tiếng Pháp để chị không hiểu. Chính điều này đã tạo bức tường ngăn cách, làm cho Andrea ngày càng khó chịu và nghĩ mình không được tôn trọng nên không việc gì phải giữ gìn phép tắc.

Khi ông bà chủ vắng nhà, Andrea ngang nhiên mời bạn bè đến nhậu nhẹt, ăn uống. Chị tự ý di dời đồ vật trong nhà theo chủ quan của mình. Chị còn lén lút lục lọi giấy tờ của ông bà chủ vì tò mò muốn biết họ kiếm được bao nhiêu tiền.

Helen (27 tuổi) thì “giúi” thức ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên, xúc xích nướng cho các “cậu ấm cô chiêu” chỉ mới ba, bảy và chín tuổi, dù đây là những món người mẹ luôn ngăn cấm các con.

Chúng không được phép xem ti vi quá 15 phút mỗi ngày nhưng Helen luôn cho chúng tha hồ xem phim hoạt hình khi bố mẹ chúng vắng nhà.

Những đứa trẻ thỉnh thoảng vẫn hồn nhiên khoe với mẹ trải nghiệm được “vượt rào” của mình nhưng đáng buồn là mẹ chúng chẳng buồn lắng nghe con mình. Mẹ chúng chỉ biết áp đặt con theo những chuẩn mực có thể đong đếm mà quên rằng trẻ rất cần sự ân cần và gần gũi.

Vài năm trước, vụ án chấn động ở Mỹ liên quan đến người giúp việc khiến nhiều người bàng hoàng. Cô giúp việc Yoselyn Ortega đã đâm chết hai bé sáu và hai tuổi vì bị bố mẹ chúng ngược đãi.

Trong phiên tòa, Ortega đã khóc, kể rằng cô quá căng thẳng khi phải làm tất cả việc nhà cũng như chăm bọn trẻ mà không được chủ nhà san sẻ.

Họ đẩy hết việc cho cô, xem đó là điều hiển nhiên, xứng đáng với số tiền lương họ trả. Ortega thương yêu hai đứa trẻ nhưng sự căm tức đã khiến cô có hành động mù quáng.

Riêng bố mẹ của hai cháu bé đã rơi vào khủng hoảng vì nỗi ám ảnh mình đã bỏ mặc con cho người lạ. Marina Krim, mẹ của hai bé, đã bấu víu vào đứa con gái duy nhất còn lại tên Nessie để tiếp tục sống.

“Tôi dành nhiều thời gian hơn cho Nessie vì tôi hiểu, chính sự vô tâm của vợ chồng tôi đã đẩy con và chính chúng tôi vào hoàn cảnh đau đớn như thế”, Marina cho biết.

Bố mẹ bận rộn không phải lúc nào cũng nhận ra mình đã “đi vắng” bao lâu trong chính căn nhà và trái tim của con. Chị Jenny Davis là một trong số những người may mắn sớm nhận ra sự xa cách giữa con và mình.

Nếu chị thường áp đặt những điều chị nghĩ sẽ tốt cho con thì người giúp việc Sarah lại có thể xoa dịu và tâm sự với con gái bé bỏng Kate Davis của chị.

Jenny từng có cảm giác ganh tị với Sarah vì chị nhận ra, mỗi khi ở bên Sarah, con gái chị mới cười đùa hồn nhiên. Thế là Jenny thay đổi bản thân, dành nhiều thời gian hơn cho Kate thay vì cho rằng đó là nhiệm vụ của Sarah.

Chuyên gia tâm lý người Mỹ Elizabeth Lombardo khuyến cáo các bậc phụ huynh bận rộn: “Người giúp việc có thể thân thiết với những đứa trẻ hơn bố mẹ của chúng. Họ cho chúng ăn, dỗ chúng ngủ và trò chuyện cùng chúng.

Nếu bạn khoán trắng việc nhà, kể cả việc chăm sóc, dạy dỗ, vui đùa cùng con cho người giúp việc, sẽ đến lúc bạn ngậm ngùi nhận ra rằng, chính mình trở thành người lạ trong mắt các con hoặc với chính người chồng, vợ của mình”.

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

2 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

2 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

5 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago