Hàng năm, ngành dược sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó dược liệu nhập khẩu chiếm 80%, chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Việc nhập khẩu dược liệu không rõ nguồn gốc đang là vấn nạn trong những năm gần đây. Thông tin này được đề cập tại Hội thảo “Phát triển dược liệu bền vững” do Bộ Y tế và Báo Nhân dân phối hợp tổ chức sáng 8/6, tại Hà Nội.
Nhiều dược liệu bị làm giả
Tại hội thảo, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã đưa ra những thông tin báo động về chất lượng dược liệu. Liên tục từ 2012 – 2015, qua kiểm tra chất lượng dược liệu trên thị trường và trong bệnh viện đã phát hiện nhiều dược liệu bị giả, dược liệu kém chất lượng. Năm 2015, cơ quan này đã lấy 227 mẫu dược liệu kiểm nghiệm thì có tới 60% mẫu không đạt chất lượng về hàm lượng, hoạt chất, làm giả dược liệu. Đây chủ yếu là các mẫu với các vị thuốc gồm ý dĩ, hoàng kỳ, thăng ma, thiên ma, hoài sơn – những mẫu dược liệu này nằm trong “tầm ngắm” của cơ quan chức năng bởi nhiều năm nay đã được phát hiện làm giả. Chính vì thế, Cục từng có công văn yêu cầu các Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện tạm dừng sử dụng 5 vị thuốc trên vì bị làm giả rất nhiều và yêu cầu phải có phiếu kiểm nghiệm đạt chất lượng mới được sử dụng.
Dược liệu khi sử dụng phải đảm bảo chất lượng. Ảnh: Trần Minh
Kết quả giám sát tại Viện Kiểm nghiệm thuốc TW với gần 400 mẫu dược liệu phát hiện tới 60% chưa đạt chất lượng. Trong đó, 20% bị trộn rác, cát, xi măng, lẫn tạp chất, thậm chí tẩm ướp cả hóa chất độc hại.
Thông tin từ hội thảo cũng cho biết, tình trạng nhập khẩu theo con đường tiểu ngạch đang bị thả nổi nên dược liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu hành trôi nổi ngày càng nhiều trên thị trường và không đảm bảo chất lượng để làm thuốc. Trong khi đó, dược liệu thông qua cửa khẩu thì không có bao bì, nhãn mác theo đúng quy định, phần lớn được đóng gói trong bao dứa, thùng giấy, không kiểm tra được cụ thể các mặt hàng. Cán bộ hải quan chỉ kiểm tra được về số lượng, trọng lượng các bao hàng, không kiểm tra được chất lượng của dược liệu. Do vậy, đa phần những dược liệu nhập khẩu thường kém chất lượng hoặc đã bị chiết xuất một phần hoạt chất.
Tiến tới hình thành chuỗi cung ứng dược liệu trong nước
PGS.TS. Phạm Vũ Khánh cho biết, từ năm 2014, Bộ Y tế đã triển khai tiếp nhận và xét duyệt đơn hàng của doanh nghiệp xin nhập khẩu dược liệu để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, dược liệu thông quan qua cửa khẩu còn nhiều tồn tại. Đó là dược liệu không có bao bì, nhãn mác theo quy định, phần lớn được đóng gói ở bao dứa, thùng giấy; dược liệu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lưu hành trôi nổi trên thị trường, không đảm bảo chất lượng để làm thuốc. Tại các cửa khẩu, cán bộ chỉ kiểm tra được số lượng, trọng lượng bao hàng, không kiểm tra được chất lượng dược liệu, trong khi đó kiểm tra chất lượng dược liệu lưu hành trên thị trường phần lớn là kém chất lượng hoặc đã bị chiết xuất một phần hoạt chất.
Kiểm nghiệm thuốc Đông dược tại Viện kiểm nghiệm thuốc TW. Ảnh: TM
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đã tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp Trung Quốc mới phân phối đạt chất lượng cao, có nguồn gốc, có kiểm định đàng hoàng, giá hơi cao nhưng một số bệnh viện lại chấp nhận. Trong khi đó, dược liệu của các doanh nghiệp chúng ta làm ăn tốt nhưng giá cao không cạnh tranh được với thuốc trôi nổi, tiểu ngạch sản xuất manh mún.
Khái quát về các vấn đề ngành dược liệu Việt Nam đang gặp phải, Bộ trưởng thẳng thắn nêu: Cái khó hiện nay của Việt Nam là việc ung ứng thuốc cả Đông y và Tây y, cả nước mới đạt được 50% yêu cầu. Trong đó, y học dược liệu mới đáp ứng được 20%, nhập khẩu 80%. Thứ hai các thuốc dược liệu chưa được công bố theo GACP – WHO tiêu chuẩn hóa để ưu tiên trong danh mục đấu thầu. Thứ ba, nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng chất lượng không đạt bằng con đường tiểu ngạch. Trong khi đó, Việt Nam là một trong bốn nước có truyền thống Đông y và dược liệu. Hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh từ Trung ương đến trạm y tế xã, đến các lương y là nơi tiêu thụ nguồn dược liệu nhiều nhất.
Vì thế, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có một hội nghị riêng về vấn đề này để đánh giá kỹ lại nhu cầu, chất lượng, về phương thức ưu tiên dùng các thuốc này ở cơ sở khám chữa bệnh; cũng như các nhà tân dược, các nhà sản xuất thuốc tây nhưng từ nguồn dược liệu. Ngoài ra các thuốc hoàn toàn từ Đông y, từ dược liệu để thấy cung và cầu gặp nhau như thế nào. “Thời gian tới cần hình thành chuỗi doanh nghiệp cung ứng bao gồm nuôi trồng, thu gom, chuỗi phân phối dược liệu để nguồn dược liệu trong nước được phát triển quy mô hơn, nhằm phát huy thế mạnh 4.000 loài cây thuốc, hơn 50 loài tảo biển làm thuốc vốn có của Việt Nam” – Bộ trưởng nêu rõ.
Thái Bình
Nguồn: SKDS
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…