Bạn có nằm trong số những người thắc mắc rằng bao giờ con người mới tìm thấy một giống loài khác đến từ không gian vũ trụ? Vậy thì các nhà khoa học đã có câu trả lời cho bạn: nếu người hành tình có tồn tại trên những hành tinh xa xôi thì rất có thể họ đã bị tuyệt chủng và chúng ta có thể sẽ không bao giờ tìm thấy một nền văn minh cụ thể nào đó bên ngoài Trái Đất.
Sự sống khác ngoài vũ trụ rất có thể đã bị tiêu diệt?
Cụ thể, các nhà sinh học thiên văn ở Đại học quốc gia Australia (ANU) cho biết sự sống ở các hành tinh khác có lẽ rất đơn giản và tiến tới tuyệt chủng rất nhanh. Họ đã tiến hành một nghiên cứu tập trung vào việc tìm hiểu cách thức phát triển của sự sống và đã phát hiện ra rằng sự sống mới thường sẽ chết do sự thay đổi nhiệt độ một cách bất thường trên những hành tinh còn non trẻ.
Tác giả chính của nghiên cứu này, Tiến sĩ Aditya Chopra ở trường nghiên cứu khoa học Trái Đất thuộc ANU, cho biết: “Bên ngoài không gian vũ trụ, rất có thể tồn tại nhiều hành tinh có thể sống được, vậy nên nhiều người trong giới khoa học cho rằng sự hiện diện của những giống loài ngoài hành tinh khác là một điều hoàn toàn có thể xảy ra. Mặc dù vậy sự sống sơ khai rất mong manh, nên chúng tôi tin rằng rất hiếm khi nó tiến hoá đủ nhanh để tồn tại”. Tiến sỹ Chopra lý giải thêm rằng môi trường của hầu hết các hành tinh sơ khai là không hề ổn định và để tạo nên một hành tinh sống được thì các dạng sống cần điều chỉnh được các khí nhà kính chẳng hạn như nước và carbon dioxide để giữ cho nhiệt độ bề mặt ổn định. Bên cạnh đó, Tiến sỹ Chopra cũng cho rằng vào khoảng 4 tỷ năm trước Trái Đất, Sao Kim và Sao Hoả có lẽ đều đã có thể sống được, mặc dù vậy, sau 1 tỷ năm phát triển thì Sao Kim trở nên quá nóng còn Sao Hoả lại đóng băng.
Bổ sung cho lý thuyết của đồng nghiệp, Phó giáo sư Charley Lineweaver ở Viện khoa học hành tinh của ANU khẳng định sự sống vi sinh vật sơ khai ở Sao Hoả và Sao Kim nếu như từng có thì chúng đã thất bại trong việc giữ ổn định cho một môi trường thay đổi quá nhanh. “Sự sống trên Trái Đất có thể đã đóng vai trò chính trong việc ổn định khí hậu của hành tinh” – ông nói. Tiến sĩ Chopra cũng cho biết rằng bí ẩn của việc tại sao con người chưa tìm thấy dấu hiệu của các sinh vật đến từ các hành tinh khác có thể không liên quan mấy đến nguồn gốc của sự sống hay trí thông minh mà liên quan nhiều hơn tới độ hiếm của sự phát triển nhanh cơ chế sinh học của các chu kì phản hồi trên bề mặt hành tinh. Ông đã lấy ví dụ như các hành tinh đá có chứa nước, với các thành phần và nguồn năng lượng cần thiết cho sự sống dường như có ở khắp nơi, tuy nhiên, theo nhà vật lý Enrico Fermi đã nhấn mạnh năm 1950, không có dấu hiệu nào của sự sống ngoài Trái Đất đang tồn tại được phát hiện.
Chính lý luận này của Fermi cùng với cuộc tranh cãi giữa ông và nhà vật lý Michael Hart đã trở thành nghịch lý Fermi nổi tiếng, nội dung chính của nó là là kích thước và tuổi thực của vũ trụ cho thấy nhiều nền văn minh ngoài Trái Đất có trình độ kỹ thuật cao phải tồn tại nhưng lý thuyết này dường như mâu thuẫn với sự thiếu hụt bằng chứng quan sát ủng hộ nó. Hiểu một cách đơn giản hơn nữa, thiên hà Milky Way của chúng ta có khoảng 400 tỷ ngôi sao với khoảng 100 tỷ trong số đó là tương đương kích cỡ Mặt Trời – điều này đồng nghĩa với việc sẽ có hàng triệu hành tinh khác có điều kiện duy trì được sự sống giống như Trái Đất. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn chưa hề thu nhận một tín hiệu hay thông tin bất kỳ liên quan đến một nền văn minh vũ trụ cụ thể.
Nghịch lý Fermi đã trờ thành một đề tài tranh cãi của giới khoa học học trong suốt mấy chục năm qua. Một lời giải hợp lý cho nghịch lý của Fermi theo các nhà nghiên cứu cho biết ở gần những cuộc tuyệt chủng sớm, được họ gọi là Nút cổ chai Gaia. Cụ thể hơn, Phó giáo sư Lineweaver cho biết: “Một dự đoán đáng chú ý của mô hình Nút cổ chai Gaia là một lượng lớn hoá thạch trong vũ trụ sẽ đến từ sự sống vi sinh vật tuyệt chủng, không phải từ các loài đa bào như khủng long hay con người – những sinh vật đã mất hàng tỷ năm để tiến hoá”.
Dù thế nào đi nữa. các nhà khoa học vẫn khẳng định rằng việc loài người còn tồn tại là một điều kỳ diệu thực sự cho dưới mọi góc độ của khoa học. Nhưng, liệu chúng ta có cô đơn trong vũ trụ này?
Tham khảo ScienceAlert
Nguồn: GenK
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…