Categories: Tin tức y học

Chuyện ở nơi bác sĩ giành giật sự sống cho bệnh nhân

Các bác sĩ, y tá làm việc tại khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện không chỉ căng thẳng mà còn phải đưa ra những quyết định chính xác để cứu bệnh nhân.

Công việc của y, bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực các bệnh viện luôn bận rộn, căng thẳng và đòi hỏi những quyết định chính xác, đúng đắn chỉ trong vài phút. Với những người ngoài nghề, khó ai có thể hiểu và cảm nhận hết được sự vất vả ở bộ phận này.

Channel New Asia ở Singapore đã ghi lại hình ảnh làm việc của đội ngũ 20 bác sĩ, y tá tại khoa Hồi sức tích cực ở Bệnh viện Nhi và Phụ sản KK (Singapore). Họ đang làm việc và nỗ lực để chăm sóc các trẻ em trong tình trạng cấp cứu, giải quyết những nỗi lo lắng của cha mẹ và cố gắng cứu sống các em bé đang đứng bên bờ vực nguy hiểm tính mạng.

Bé Xie Xinlin mắc bệnh hiếm nên phải nhập viện nhiều lần từ khi chào đời. Ảnh: Channel News Asia.

Xie Xinlin, 3 tuổi, sống ở Singapore, bị chứng teo cơ tủy sống bẩm sinh. Từ lúc chào đời, cô bé đã phải nhập viện liên tục. Suốt 2 năm qua, Xie được cha mẹ đưa đến khoa Hồi sức tích cực nhiều lần nhưng quá trình chữa trị vẫn đang tiếp tục.

Chứng teo cơ tủy sống mà Xie mắc phải là căn bệnh di truyền hiếm gặp. Nó khiến các cơ bị suy yếu và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Mỗi lần có dấu hiệu của bệnh tái phát, Xie sẽ bị ho, khó thở và dị ứng. Ngay lập tức, cha mẹ phải đưa bé đến khoa Hồi sức tích cực để thở máy.

“Chúng tôi không biết khi nào con bé sẽ tái phát. Tôi và vợ đau đớn khi nhìn thấy con gái như vậy”, cha của Xie Xinlin nói. Theo người cha, các bác sĩ nói sức khỏe của Xinlin yếu hơn trước và không ai biết được liệu bệnh nhi này có thể sống sót sau khi rút nội khí quản hay không.

Mok Yee Hui, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhi, Bệnh viện Nhi và Phụ sản KK, cho hay các bác sĩ phải giữ được sự bình tĩnh trong mọi tình huống. Tuy nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm và không thể có chỗ cho những sai lầm.

Mohd Haris Dzulkarnein, 3 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh trước khi nhập viện. Khi đang chơi cùng bạn bè, Haris đột ngột sốt cao và bị khó thở. Trước khi vào viện, Haris đã được cha mẹ đưa đến một bệnh viện khác. Đây là nơi mà cha của bé đang chuẩn bị phẫu thuật tim. Tuy nhiên, khi nhìn thấy tình trạng nguy hiểm của con, người cha này đã vội tháo tất cả dây sợi trên người để đưa con đi cấp cứu. Bé trai này cần được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực Nhi tiên tiến nhất của Singapore.

Các bác sĩ, y tá của bệnh viện phải nỗ lực rất nhiều để cứu chữa cho các bệnh nhi nặng. Ảnh: Channel News Asia.

Bác sĩ nội trú Chowdhury cho hay: “Ban đầu, chúng tôi nghĩ Haris bị viêm phổi hoặc hen suyễn nghiêm trọng, vì bé có tiền sử bệnh hen. Nhưng sau đó, huyết áp của Haris giảm dẫn đến suy gan, thận”. Trường hợp như Haris rất hiếm gặp ở khoa.

Nhiều đứa trẻ đã xuất viện vẫn phải quay lại bệnh viện nhiều lần. Aulia Sofea Arwin là một ví dụ. Bé được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu từ khi 2 tuổi. Hiện, bệnh nhi này phải quay lại bệnh viện để phẫu thuật để đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm nhằm đưa thuốc vào cơ thể. Bởi nhiễm trùng đã làm cho ống thông tĩnh mạch hiện tại bị nhiễm bẩn và sau 4 đợt hóa trị, hệ thống miễn dịch của bé đã bị tổn thương.

Các bác sĩ có thể phải tiến hành một cuộc đại phẫu để tạo túi hậu môn nhân tạo cho bé. Cha mẹ của Aulia phải quyết định giữa hai lựa chọn: không tiến hành ca đại phẫu hoặc chấp nhận rủi ro để đẩy nhanh quá trình chữa bệnh. Tuy nhiên, đôi khi các bác sĩ cũng không dễ dàng đưa quyết định dù cha mẹ của bệnh nhi đã đồng ý với phương án của nhân viên y tế.

Marcus, 9 tuổi, được đưa vào nhập viện sau khi bị đau ngực dữ dội. Sau khi vào khoa Hồi sức tích cực, huyết áp của cậu bé giảm nhanh. “Chức năng tim của bé suy yếu dần trước mắt chúng tôi, đến mức độ mà quả tim không còn hoạt động”, bác sĩ cho hay.

Ngay lúc đó, các bác sĩ phải nhanh chóng quyết định có nên tiến hành phẫu thuật hay không.

Cha mẹ phải đưa ra quyết định khó khăn, chấp nhận rủi ro để cứu con. Ảnh: Channel News Asia.

Với bác sĩ nội trú Chowdhury, tuần đầu tiên trong 3 tháng học lâm sàng tại khoa Hồi sức tích cực có rất nhiều thách thức. Các bác sĩ và y tá ở đây làm việc suốt 24 tiếng để chăm sóc cho các em bé mắc bệnh nặng. Tại những bệnh viện khác, mỗi y tá chăm sóc cho 5 bệnh nhân, còn y tá ở khoa Hồi sức tích cực chỉ chăm sóc cho 1 hoặc 2 em bé.

Annabelle Zhang, y tá đang làm việc tại đây, cho hay: “Các cha mẹ rất căng thẳng và lo lắng. Chúng tôi cần ở bên họ để an ủi”. Ngoài ra, các gia đình sẽ có một nhân viên xã hội giúp cha mẹ đối diện với những căng thẳng khi đưa con vào cấp cứu.

Với các bác sĩ trong đó có Chowdhury, việc bệnh nhân tử vong là chuyện có thể gặp trong khi làm việc. Tuy nhiên, họ xác định phải tìm mọi cách để điều đó không xảy ra. “Một số người nghĩ chúng tôi quen với điều đó, nhưng tôi không nghĩ vậy. Các bác sĩ phải biết cách ứng phó với nó”, bác sĩ Chowdhury nói.

Quang Minh
Nguồn: Zing

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

9 hours ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

9 hours ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

3 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

3 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

5 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago