Dù xế trưa, tại Khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (B7), rất đông bệnh nhân và người nhà ngồi đợi ở hành lang. Bên trong là những tấm biển chỉ dẫn các phòng: phòng chờ thủ thuật, phòng thủ thuật, phòng sau thủ thuật,…
Bên trong phòng chờ, nhiều phụ nữ đang đợi đến lượt mình. Các ông chồng hoặc bạn trai chờ bên ngoài. Cũng có những cô gái đi một mình. Trong tiết trời rét của những ngày cuối tháng 2, họ mặc kín mít, mặt bịt khẩu trang, lặng lẽ và sợ tiếp xúc với người khác cũng như sợ người khác nhận ra mình.
Theo tiếng gọi của bác sĩ, từng người vào phòng thủ thuật. Chưa đầy 5 phút sau, họ được đưa ra phòng sau thủ thuật. Nhiều người lộ vẻ đau đớn, đau khổ.
Họ đều đến để bỏ những đứa con đang mang trong bụng. Mỗi người một câu chuyện, và không phải ai cũng muốn chia sẻ.
Bên ngoài phòng đợi làm thủ thuật phá thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: HQ.
Trong vai một cô gái sơ sẩy có bầu, tôi bắt chuyện với cô gái ngồi bên cạnh. Cô bảo 19 tuổi, đang là sinh viên, lỡ có thai với người yêu quen được 3 tháng. Người yêu chối bỏ, cô phải một mình tới đây “giải quyết”.
“Em sợ lắm chị ơi. Nhưng nếu bố mẹ, gia đình ở quê biết chuyện, họ sẽ chết mất. Em không còn cách nào khác”, cô gái bịt khẩu trang tâm sự.
11h, bác sĩ Lương Tâm Phúc, Phó khoa Kế hoạch hóa Gia đình, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, từ phòng thủ thuật bước ra. Anh chia sẻ buổi sáng anh bận họp giao ban, nên 9h mới bắt đầu công việc. Chỉ trong 2 tiếng, anh đã làm thủ thuật hút thai cho 18 trường hợp, và vẫn còn rất đông bệnh nhân đang chờ anh.
Anh cho biết: “Hôm nay, lượng bệnh nhân như vậy là ít. Đây chỉ là một trong 3 khu của bệnh viện chuyên về kế hoạch hóa gia đình. Hai khu kia từ sáng chắc đã có 40-50 ca rồi. Riêng chỗ tôi, bình quân mỗi ngày có thể lên tới 50 ca, hai chỗ kia cộng lại ít nhất gấp đôi. Những hôm đông, cả ba khu giải quyết phải tới 150 ca một ngày”.
Điều đó đồng nghĩa mỗi ngày tại đây có chừng ấy đứa trẻ bị bố mẹ chối bỏ ngay từ trong trứng nước. Theo bác sĩ Phúc, khoa Kế hoạch hóa gia đình chủ yếu tiếp nhận các trường hợp chủ động đến nạo phá thai. Những trường hợp cấp cứu ít khi được đưa vào đây.
Trong số những người chủ động bỏ thai, mỗi người có một lý do. Họ có nhiều câu chuyện như bị vỡ kế hoạch, sơ sẩy uống thuốc gây dị tật…
Điều ám ảnh bác sĩ nhất là những đứa trẻ vị thành niên đến xin được “giải quyết”. Những bé gái quá nhỏ được mẹ đưa đi. Học sinh, sinh viên thường đi theo đôi, bạn trai dẫn bạn gái vào để phá thai. Hoặc nhiều trường hợp được bạn bè đưa đi. Thậm chí, nhiều cháu bé 13 tuổi chưa nhận thức được khó khăn, cương quyết giữ lại bào thai trong khi người mẹ đi cùng ép phải bỏ bằng mọi cách.
“Mỗi năm, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận xử lý 15.000-20.000 ca nạo phá thai, nhiều nhất cả nước, trong đó có tới 15-20% trường hợp các bé gái vị thành niên. Nhiều cháu mới chỉ 12-13 tuổi”, bác sĩ Phúc cho biết.
Bảng giá dịch vụ tự nguyện sinh đẻ kế hoạch tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: HQ.
30 năm trong nghề sản khoa, bác sĩ Phúc cho biết anh thấy tỷ lệ nạo phá thai ở các bé gái vị thành niên không hề giảm. Con số 15.000-20.000 ca chỉ là con số ghi nhận tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Cả nước còn nhiều bệnh viện phụ sản khác, chưa kể các cơ sở, phòng khám chui. Điều bác sĩ Phúc thấy khác biệt giữa những người đến để phá thai hiện nay và trước đây chính là thái độ dửng dưng, bình thường hết sức.
“Họ không có sự e dè, mà tương đối mạnh dạn. Dường như cả xã hội không còn ác cảm với việc có thai ngoài ý muốn và ở trẻ vị thành niên. Hơn nữa, việc phá thai hiện nay khá an toàn, nên các em, các cháu đến giải quyết rất bình thường, không e ngại hay sợ hãi.. Các em cứ có thai, rồi lại bỏ như một điều rất tự nhiên”, bác sĩ bần thần khi nói với tôi.
Anh nhớ mãi một trường hợp cô gái 18 tuổi ở tỉnh Hà Giang cách đây 20 năm, khi công tác trên đó. “Tôi nhớ rất rõ, khoảng 5 tháng liên tục, tháng nào cô gái cũng đến để phá thai, dù tôi khuyên cô phải cẩn thận hơn. Sau tháng thứ 5, tôi không thấy cô ấy đến. Bẵng đi một thời gian, một ngày, tôi gặp lại cô ấy trong tình trạng cấp cứu. Cô được gia đình đưa vào viện do đau bụng dữ dội. Qua thăm khám, tôi phát hiện cô đang chuyển dạ, vỡ ối và sắp sinh. Tôi đỡ đẻ cho chính cô gái ấy. Điều ngạc nhiên là gia đình không hề biết cô có thai và cả những lần phá thai trước đó”, bác sĩ Phúc kể lại.
Anh cảnh báo sự thiếu quan tâm của bố mẹ đến con cái, đặc biệt con gái trong tuổi dậy thì. Bác sĩ cho rằng hiện các dụng cụ tránh thai không có sẵn và do tâm lý e ngại, các em không mạnh dạn mua để sử dụng. Kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, an toàn tình dục chưa được chú trọng. Những kiến thức này nên được đưa bài bản vào giáo dục nhà trường, không nên chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” như bây giờ.
Bác sĩ khuyến cáo việc phá thai ở tuổi vị thành niên dẫn đến rất nhiều hệ lụy. “Với xã hội hiện đại, việc cấm trẻ quan hệ tình dục rất khó. Thay vào đó, bố mẹ nên trang bị cho trẻ cách tránh thai an toàn để tránh những câu chuyện đáng tiếc. Đó là điều nên làm ngay lập tức”, bác sĩ Phúc nhắn nhủ trước khi quay lại phòng thủ thuật – nơi có nhiều người đang chờ.
Hà Quyên
Nguồn: Zing
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…