Categories: Tin tức

Cảnh giác viêm não cấp

4 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận 152 ca mắc viêm não virus, 2 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca giảm gần 24%. Song theo các chuyên gia y tế, nắng nóng gia tăng cũng là thời điểm bệnh vào mùa. Bệnh thường xảy ra đột ngột, có trẻ đang khỏe mạnh bỗng dưng sốt cao, co giật, lờ đờ rồi hôn mê. Diễn biến bệnh nặng lên rất nhanh, hay gặp ở trẻ trên một tuổi, gặp nhiều nhất ở trẻ 3-15 tuổi.

Ảnh minh họa.

Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc viêm não cấp

Từ ngày 19/4 đến ngày 25/5, theo Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, đã ghi nhận 27 trường hợp mắc bệnh do virus đường ruột Coxsackie. Bộ Y tế đã cử các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương đến Cao Bằng hỗ trợ điều tra giám sát.

Theo đó, chiều 27/5, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có thông báo chính thức trong tổng số 27 bệnh nhân có triệu chứng viêm não cấp tại địa phương này, 7 trẻ tử vong đều do virus Coxsackie A6- một loại enterovirus ở đường tiêu hóa rất nguy hiểm cho trẻ em. Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) mới đây cũng ghi nhận một ca tử vong do viêm não, biểu hiện ban đầu chỉ có ho, sốt.

PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Virus Coxsackie là một chủng siêu vi ở đường tiêu hóa, có khả năng gây nhiều loại bệnh cho trẻ em như hội chứng viêm não vô khuẩn, bệnh cúm mùa hè, bệnh tay – chân – miệng, viêm cơ tim…

Căn bệnh này ghi nhận rải rác quanh năm nhưng thường số ca mắc tăng cao trong những tháng hè, cao điểm từ tháng 6 đến tháng 8. Nếu không được phát hiện sớm, chữa kịp thời, bệnh sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như bại não, liệt chân, tay, bị mắc động kinh, điếc, trí nhớ kém, ảnh hưởng đến kết quả học tập…

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Sơn- Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An), trong tháng 5/2016 khoa ghi nhận 24 trường hợp nhập viện điều trị do viêm não, so với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhi viêm não nhập viện thời điểm này tại bệnh viện tăng khoảng 30%. “Bệnh nhi hầu hết ở lứa tuổi từ 2 đến 14 tuổi, đều có chung biểu hiện ban đầu là sốt cao liên tục, đau đầu, buồn nôn và nôn, có trẻ bị co giật, rối loạn tri giác, hôn mê.

Nguyên nhân là do vi rút, viêm não có nhiều loại như viêm não Nhật Bản, viêm não do quai bị biến chứng. Đặc biệt, số bệnh nhi viêm não do quai bị biến chứng chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20- 30%. Nhiều trường hợp mắc bệnh không được chữa trị kịp thời hoặc do bệnh nặng dẫn đến biến chứng yếu chi, liệt nửa người, nặng hơn là tàn phế, sống đời sống thực vật, thậm chí tử vong”, bác sĩ Nguyễn Văn Sơn cho hay.

Về triệu chứng của căn bệnh này, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng- nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, biểu hiện lâm sàng ở trẻ rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng đơn giản như sốt (sốt rất cao, dai dẳng), nôn không giải thích được (không phải do thức ăn, chán ăn, không có tiêu chảy kèm theo), đau đầu có khi hết sốt mà vẫn đau đầu. Cũng có trường hợp trẻ nôn nhiều hoặc không đáng kể, thậm chí kèm theo tiêu chảy. Đặc biệt, khi trẻ kêu đau đầu nhiều thì cha mẹ cần nghĩ ngay đến bệnh viêm não, màng não và đưa con đi khám gấp.

Trường hợp nặng bé co giật, rối loạn thần kinh như lờ đờ, mệt, li bì, nặng hơn thì hôn mê. Những triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, sốt cao rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý viêm đường hô hấp, sốt virus khác. Vì vậy việc theo dõi trẻ là rất quan trọng.

Vì thế, trong thời điểm vào hè, bất kể trường hợp nào sốt, viêm đường hô hấp kèm theo triệu chứng đau đầu, buồn nôn cần phải được theo dõi để phát hiện sớm bệnh viêm não virus, điều trị sớm phòng nguy cơ các di chứng thần kinh để lại cho trẻ do virus viêm não tấn công.

Bệnh nguy hiểm, diễn tiến nhanh

Bác sĩ Nguyễn Bá Tùng- Viện Vệ sinh y tế công cộng cho biết, virus Coxsackie A6 diễn tiến rất nhanh, ban đầu chỉ là một virus đường tiêu hóa thông thường nhưng chỉ trong thời gian ngắn, có thể chưa đến 24 giờ đầu trẻ đã có những triệu chứng của viêm não và các bệnh liên quan khác, dẫn đến tử vong. Mặt khác, do virus này sinh sản nhanh trong đường tiêu hóa, không bị tiêu diệt bởi môi trường acid của dịch dạ dày nên trẻ em thường dễ bị nhiễm virus Coxsackie hơn người lớn do lây nhiễm qua đường ăn uống, tiếp xúc…

Theo bác sĩ Tùng, mặc dù mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm virus nhưng đa số bệnh nhân xác định nhiễm Coxsackie thường là trẻ em, riêng sản phụ có thể truyền virus gây bệnh nghiêm trọng cho con.

“Các bậc phụ huynh nên chú ý, khi các bé có biểu hiện sốt, rối loạn tiêu hóa, khó thở… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Trong trường hợp nghi ngờ, để khẳng định bệnh, bác sĩ sẽ phải tiến hành chọc dịch não tủy để xác định căn nguyên, điều trị sớm, tránh tình trạng phát hiện muộn, trẻ có nguy cơ để lại di chứng thần kinh”- bác sĩ Tùng khuyến cáo.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, đường lây nhiễm virus Coxsackie chủ yếu là qua phân và miệng mặc dù trong một số trường hợp virus có thể lây qua nước bọt và đờm rãi li ti bay trong không khí từ bệnh nhân khác. Các vật dụng cá nhân như dụng cụ, vị trí mà trẻ nằm thay tã lót, đồ chơi trẻ em đã tiếp xúc với dịch tiết từ cơ thể bệnh nhân có chứa virus cũng có thể là nguyên nhân truyền bệnh.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng dự báo bệnh sẽ gia tăng trong các tháng hè. Viêm não do virus xuất hiện quanh năm, mùa dịch vào các tháng hè và đỉnh điểm là tháng 6-8.

Bệnh nguy hiểm ở chỗ nếu không được phát hiện sớm, chữa kịp thời thì sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như bại não, liệt chân, tay, bị mắc động kinh, điếc, trí nhớ kém, ảnh hưởng đến kết quả học tập…, và có tỉ lệ tử vong từ 10% đến 15%.

Ông Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo người dân phải giữ gìn vệ sinh chung; thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường vệ sinh cá nhân.

Vi Linh

Nguồn: Đại đoàn kết

adminyhoc

Recent Posts

Vai trò, ảnh hưởng của hệ vi sinh đường ruột đối với bệnh tiểu đường, béo phì, ung thư đại tràng

Hệ vi sinh đường ruột của con người là một cộng đồng vi sinh vật…

9 hours ago

JARDIANCE, empagliflozin điều trị đái tháo đường týp 2

JARDIANCE viên nén bao phim chứa 10 hoặc 25 mg empagliflozin. Thành phần tá dược:…

1 day ago

Vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng đến não như thế nào?

Hơn một thế kỷ trước, chúng ta phát hiện ra rằng vi khuẩn sống trong…

1 day ago

Mối liên hệ giữa hệ vi sinh đường ruột và trí thông minh

Hệ vi sinh đường ruột đảm nhiệm vai trò quan trọng trong cuộc sống của…

1 day ago

Vai trò, ảnh hưởng của hệ vi sinh đường ruột đối với bệnh lý của cơ thể

Hệ vi sinh đường ruột của con người là một cộng đồng vi sinh vật…

1 day ago

Vai trò, cơ chế ảnh hưởng của hệ vi sinh đường ruột với các bệnh thoái hóa thần kinh

Hệ vi sinh đường ruột của con người là một cộng đồng vi sinh vật…

2 days ago