Categories: Tin tức y học

Cảnh báo những nguy hiểm từ việc tự ý chữa bệnh theo thông tin trên mạng

Thời gian qua, nảy sinh một hiện tượng, nhìn tưởng như đơn gian nhưng nhiều người lại cho rằng đây là một vấn đề khá nghiêm trọng, đó là không ít người đã tự chữa bệnh cho mình hoặc người thân bằng cách thực hành theo những kinh nghiệm được lan truyền trên các mạng xã hội.

 

Không ai muốn kết luận một cách chủ quan rằng các cách chữa bệnh được lan truyền trên mạng có đúng hay là có ý đồ xấu gì không. Nhưng trên thực tế thì không phải tất cả các thông tin trên mạng đều có độ tin cậy cao và chính xác. Thậm chí, có những kiến thức rất đúng với người này nhưng khi áp dụng với người khác thì lại phản tác dụng. Bởi, chúng ta đã quá biết việc khi điều trị bệnh thì các cơ địa khác nhau sẽ cho các phản ứng khác nhau. Chính vì thế, trong thời gian qua đã có rất nhiều người đã phải lãnh chịu hậu quả này.

Cụ thể, trên một trang mạng xã hội đã lan truyền cách hướng dẫn cứu người đột quỵ bằng cách dùng kim chích đầu ngón tay. Cụ thể, theo hướng dẫn thì chỉ cần dùng một cây kim may chích vào đầu ngón tay, cách ngón tay khoảng 1mm cho đến khi có máu rỉ ra và khi máu đã chảy cả 10 đầu ngón tay thì chỉ chờ vài phút thì bệnh nhân sẽ tỉnh dậy. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế thì điều này hoàn toàn phản khoa học.

Mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần giải quyết tình trạng người dân tự tìm cách chữa bệnh cho mình.         Ảnh: Nhật Minh

Theo TS. BS Nguyễn Đình Phú (Phó GĐ BV Nhân dân 115 TP HCM) khuyến cáo, người bệnh nên đến dớm các cơ sở y tế để được cứu chữa kịp thời trong trường hợp xảy ra những vến đề liên quan đến sức khỏe. Nếu người bệnh cứ vận dụng các phương pháp chữa bệnh bằng kinh nghiệm hay các phương pháp chữa bệnh không có cơ sở khoa học chứng minh thì chắc chắn sẽ ảnh hướng xấu đến sức khỏe.

Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ thường chăm sóc hay chữa những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ bằng những kiến thức thu lượm được trên internet. 

Chị Nguyễn Kim Anh (ở Đan Phượng) kể: “Tôi cũng hay tìm hiểu trên mạng những kiến thức tự chữa bệnh đơn giản cho con như ho, sốt, viêm họng. Thật sự thì nhiều bài thuốc được lan truyền trên mạng khi áp dụng để chữa cho con tôi thì cũng thấy hiệu quả”.

Điều này còn thực sự nguy hiểm hơn đối với nhiều bà mẹ còn tự chăm sóc sức khỏe cho mình trong thời gian thai kỳ, đặc biệt là đối với những phụ nữ mang thai lần đầu.

Chị Lê Thùy Dương (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: “Khi tôi mang thai được 35 tuần, khi đi khám thì biết thai bị ngược. Sau khi đọc thông tin trên mạng hướng dẫn xoay thai bằng cách xoa bụng, nhưng vì xoa bụng quá nhiều nên tôi bị đau bụng mấy ngày trời nên phải vội vàng đến cơ sở y tế khám và xin tư vấn của bác sĩ”.

Việc tiếp thu những kinh nghiệm hay từ dân gian hay trên mạng là một kênh thông tin tốt để chúng ta có thể tự chăm sóc sức khỏe của chính mình và gia đình. Tuy nhiên, với một thế giới thông tin phong phú và đa dạng thì hơn lúc nào hết việc tham khảo ý kiến của các bác sĩ và chắt lọc các thông tin đáng tin cậy là một cách ứng xử thông minh để tránh việc lợi bất cập hại.

Nói vế việc tự bắt bệnh và lấy thuốc cho mình đang tồn tại nhiều ở các nơi từ thành thị đến nông thôn, Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP HCM khuyến cáo, mọi người không nên tự ý chữa bệnh qua mạng vì lợi bất cập hại. Bệnh nhân nên đến các BV hoặc cơ sở y tế để được thăm khám, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bày bán trên mạng. Bác sĩ Trương Thế Dũng, trưởng đoàn từ thiện Niềm Tin, quận Tân Bình thì chia sẻ, hiện có quá nhiều trang mạng đưa thông tin chữa trị về sức khỏe không chính xác. Người bệnh nên được bác sĩ tham vấn trực tiếp, tránh dùng thuốc không rõ nguồn gốc để rồi tiền mất tật mang. Thông tin trên mạng chỉ là tham khảo, người đọc nên đọc những trang mạng của Bộ Y tế, Sở Y tế…

Còn bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, BV Nhiệt đới Trung ương, thì lo ngại rằng internet và mạng xã hội phát triển trở thành mảnh đất màu mỡ cho các lang băm quảng cáo việc khám chữa bệnh bằng những bài thuốc “bí truyền”, “thần dược”. Nhiều thầy lang quảng cáo rầm rộ về những bài thuốc chữa khỏi từ bệnh ung thư đến xơ gan, thậm chí cả HIV.

Tại BV gặp rất nhiều nạn nhân của việc sử dụng thuốc tràn lan thậm chí chỉ là thực phẩm chức năng nhưng được quảng cáo như thần dược và người bệnh tin vào điều đó sử dụng nó như cứu cánh cho căn bệnh của mình mà quên đi việc tìm đến BV khám rõ ràng, bác sĩ tư vấn.

Vấn đề tìm đơn thuốc, tìm bác sĩ ảo đang xảy ra hàng ngày, thậm chí có người đã tử vong vì thấy thuốc ảo kê đơn. Các bác sĩ ảo này có thể là những người từng là bệnh nhân, khi họ bị bệnh và được chữa hết bệnh, họ muốn phổ biến cách chữa của mình cho cộng đồng với mong muốn giúp những người cùng cảnh ngộ. TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho rằng, tâm lý của người dân khi có bệnh thường vái tứ phương, do vậy đôi khi người dân lại tìm hiểu thông tin không chính thức và chưa được kiểm chứng. Hiện nay, ngành y tế đã có những thành công hết sức lớn lao trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, từ những kỹ thuật cao được áp dụng ở tuyến Trung ương đến hệ thống y tế cơ sở đã bao phủ toàn bộ công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Do vậy, những người mà khi gặp vấn đề về sức khỏe lại tìm đến những cách chữa bệnh chưa được kiểm chứng là những trường hợp hết sức cá biệt.

Cũng theo TS. Nguyễn Ngô Quang, trên thực tế thì việc người dân tự chữa bệnh và tìm hiểu các thông tin từ trên mạng của người dân đã để lại những hậu quả hết sức khôn lường. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã có những quy định chặt chẽ trong việc áp dụng những phương pháp mới và kể cả những khuyến cáo của WHO thì cũng yêu cầu tất cả các phương pháp lần đầu tiên chữa trị cho người bệnh đều phải có những bằng chứng khoa học để làm sao đảm bảo độ an toàn cũng như hiệu quả cho người bệnh.

Hiện nay, để hạn chế tình trạng người dân tự ý chữa bệnh cho mình thì Bộ Y tế cũng đã có giải pháp cụ thể. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế thì Bộ Y tế đang đẩy mạnh y tế cơ sở và đặc biệt là gắn y học gia đình, bác sĩ gia đình vào hệ thống y tế cơ sở để làm sao việc chăm sóc cho người dân không chỉ là chăm sóc ở cộng đồng, mà là chăm sóc ngay tại hộ gia đình. Nói rõ hơn, bác sĩ gia đình không phải là người bác sĩ được gia đình đó trả tiền để chăm sóc sức khỏe, mà là một bác sĩ có thể quản lý một số hộ gia đình, người bác sĩ này có thể nắm rõ lịch sử bệnh của các hộ gia đình mà mình quản lý để có những lời khuyên hay chữa trị kịp thời. Và mô hình y tế gia đình sẽ gắn kết người dân với bác sĩ, tạo sự gần gũi giữa người dân và hệ thống y tế. Bộ Y tế đã phối hợp với các địa phương để thí điểm tại 8 tỉnh, thành và trong thời gian tới sẽ có sự triển khai rộng rãi trên cả nước.

Nếu như chúng ta phát huy được mô hình bác sĩ gia đình thì giữa người bệnh, người dân với người thầy thuốc là hết sức gần gũi và người dân có thể được tư vấn, phát hiện sớm, sàng lọc sớm và quản lý bệnh tật của họ ở ngay tại gia đình. Góp phần giải quyết tình trạng người dân tự tìm cách chữa bệnh cho mình.

Nhật Minh

phapluatxahoi.vn

Nguồn: Báo Tầm Nhìn

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

2 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

2 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

5 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago