Categories: Tin tức

Cẩn trọng khi cho trẻ đội mũ len gắn hộp âm thanh

Trẻ em đội mũ len phát ra âm thanh có thể dẫn đến tổn thương thính giác, giảm thính lực, nếu sử dụng liên tục thường xuyên dễ bị điếc.

Gần đây thông tin về loại mũ len trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc có gắn thiết bị lạ, phát ra âm thanh thu hút sự quan tâm của nhiều người. Anh Hoàng, chủ một cửa hàng đồ trẻ em ở Hà Nội cho biết “thiết bị lạ” trong chiếc mũ len bịt tai là một hộp hình chữ nhật màu ghi, bên trong có chứa thiết bị màu đen được đấu với 3 cục pin, một vi mạch, cùng chiếc loa phát ra âm thanh khoảng 90 dB. Ngoài hộp có chữ “Made in China”. Khi ấn mạnh, thiết bị này phát ra âm thanh xì xèo chói tai. Chiếc hộp âm thanh được đặt ở vị trí bông len bịt 2 tai chống gió.

Chiếc mũ len có gắn hộp âm thanh 2 bên tai. Ảnh: Linh Nga.

Tại Hà Nội, mặt hàng này được bày bán nhiều ở các chợ cóc. Anh Hoàng, chủ một quầy bán hàng tại chợ Xanh, phố Phan Văn Trường, Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết loại mũ len này được nhiều phụ huynh ưa chuộng nên cửa hàng liên tục nhập về các mẫu mã mới đẹp mắt. Giá sản phẩm dao động từ 50.000 đến 100.000 nghìn đồng một chiếc.

Bác sĩ Đỗ Hồng Giang, Trưởng khoa Thính học, Bệnh viện Tai mũi họng TP HCM, cảnh báo âm thanh 90 dB phát ra từ chiếc mũ len khi áp sát vào tai tương đương với tiếng ồn từ động cơ xe máy. Nếu sử dụng thường xuyên và liên tục có thể gây mỏi thính giác, ù tai, nhức đầu, tổn thương thính giác, giảm thị lực. Đặc biệt đây là sản phẩm dành cho trẻ em, các bé có thể tò mò rút pin trong mũ ra nghịch rồi nuốt vào miệng hoặc nhét vào mũi gây nghẹn, tổn thương thực quản, dị vật đường hô hấp dẫn đến tắt thở.

Bác sĩ Giang từng điều trị nhiều trường hợp trẻ nuốt phải pin tiểu gắn trong đồ chơi hoặc nhét pin vào mũi một thời gian dài, khi phát hiện đã bị gỉ sét làm tổn thương vách ngăn mũi, viêm mũi, tổn thương thực quản, thậm chí tử vong… Do vậy bác sĩ khuyên phụ huynh không nên cho trẻ đội mũ phát ra âm thanh dù ở mức âm lượng nào. Hơn nữa các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc có nguy cơ chứa nhiều hóa chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ khi tiếp xúc. 

Bác sĩ Nguyễn Quốc Hưng, chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, giải thích cấu trúc của tai người gồm có tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai trong là cơ quan chính tiếp nhận âm thanh, tai ngoài và tai giữa chủ yếu để dẫn truyền âm thanh. Tai trong bao gồm ốc tai và thần kinh sau ốc tai dẫn đến thân não và vỏ não thính giác. Cấu trúc ốc tai có hệ thống tế bào lông để nhận âm thanh và chuyển tín hiệu âm thanh thành tín hiệu điện. Tín hiệu điện sẽ truyền vào dây thần kinh thính giác để đi vào thân não và vỏ não thính giác. 

Tế bào lông rất nhạy cảm với âm thanh của môi trường. Ở trẻ mới sinh, tế bào lông còn nguyên vẹn nên tai rất nhạy với âm thanh. Theo thời gian và tuổi tác, tai bị tác động bởi âm thanh môi trường, thực phẩm, thuốc men, hóa chất, các bệnh lý, viêm nhiễm, quá trình lão hóa… làm cho tế bào lông bị hư hại từ từ khiến người lớn không còn nghe thính như trẻ nhỏ. Khi đo thính lực, trẻ nhỏ có thể nghe được âm thanh ở mức -5 hoặc -10 dB so với sức nghe bình thường là từ -10 dB đến 25 dB. Càng lớn tuổi, sức nghe càng giảm đi theo sinh lý bình thường, đến trên 40 tuổi giảm nghe từ từ, trên 60 tuổi giảm nghe nhiều hơn và tai bắt đầu hơi lãng. Đến 80 tuổi gần như bị điếc.

Nhiều nghiên cứu cho thấy tế bào lông rất dễ bị tổn thương khi có tác động âm thanh kéo dài với cường độ quá lớn. Người thường nghe nhạc, tiếng Anh, chơi game điện tử, người chỉnh nhạc DJ hoặc thường xuyên đến vũ trường nghe âm thanh lớn rất dễ bị điếc sớm do tế bào lông bị tổn thương bởi các âm thanh dồn dập, liên tục nhiều giờ. Trường hợp trẻ đội mũ len giữ ấm mà phải nghe một âm lạ liên tục, thính lực của em bé sẽ bị giảm và mất dần sự nhạy cảm với âm thanh, tương tự như hiện tượng một số công nhân bị bệnh “điếc nghề nghiệp” do tiếng ồn gây ra.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cho biết cục đang phối hợp với các đơn vị liên quan để điều tra về thiết bị lạ này.

Trần Ngoan – Linh Nga

Nguồn: VnExpress

adminyhoc

Recent Posts

JARDIANCE, empagliflozin điều trị đái tháo đường týp 2

JARDIANCE viên nén bao phim chứa 10 hoặc 25 mg empagliflozin. Thành phần tá dược:…

9 hours ago

Vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng đến não như thế nào?

Hơn một thế kỷ trước, chúng ta phát hiện ra rằng vi khuẩn sống trong…

13 hours ago

Mối liên hệ giữa hệ vi sinh đường ruột và trí thông minh

Hệ vi sinh đường ruột đảm nhiệm vai trò quan trọng trong cuộc sống của…

13 hours ago

Vai trò, ảnh hưởng của hệ vi sinh đường ruột đối với bệnh lý của cơ thể

Hệ vi sinh đường ruột của con người là một cộng đồng vi sinh vật…

20 hours ago

Vai trò, cơ chế ảnh hưởng của hệ vi sinh đường ruột với các bệnh thoái hóa thần kinh

Hệ vi sinh đường ruột của con người là một cộng đồng vi sinh vật…

2 days ago

Hệ vi sinh đường ruột bị thay đổi khi sử dụng thuốc như thế nào?

Các nhà nghiên cứu cho biết các loại thuốc thông thường, bao gồm thuốc kháng…

2 days ago