Categories: Tin tức

Các hiện tượng thiên văn có thể quan sát tại Việt Nam trong năm 2016

Hầu hết các hiện tượng này có thể được quan sát bằng mắt thường hoặc các dụng cụ quang học nghiệp dư.

Mỗi năm, người yêu thích quan sát bầu trời đều có thể chứng kiến khá nhiều hiện tượng thiên văn gồm những hiện tượng định kì như các trận mưa sao băng và các hiện tượng không có chu kì theo năm như nhật thực, nguyệt thực, sao chổi, … Hầu hết các hiện tượng này có thể được quan sát bằng mắt thường hoặc các dụng cụ quang học nghiệp dư. Dưới đây là các hiện tượng mà bạn có thể quan sát tại Việt Nam trong năm 2016

1. Mưa sao băng Quadrantids có cực điểm vào đêm mùng 3, rạng sáng mùng 4 tháng 1.

Đây là trận mưa sao băng trung bình có nguồn gốc từ các mảnh vụn của sao chổi 2003 EH1, mật độ lúc cực điểm khoảng 40 sao băng mỗi giờ. Nó có vùng trung tâm là chòm sao Bootes.

2. Sao Thủy tới điểm xa nhất về phía Tây so với Mặt Trời vào rạng sáng ngày mùng 7 tháng 2.

Đây là thời điểm hành tinh này ở xa Mặt Trời nhất về phía Tây, có nghĩa là vào rạng sáng ngày này nó sẽ nằm cao nhất trên bầu trời phía Đông trước lúc Mặt Trời mọc. Với một chiếc kính thiên văn nhỏ hay ống nhòm bạn có thể quan sát hành tinh này. Đối với người quan sát bằng mắt thường, hiện tượng này sẽ khó quan sát và không thực sự đáng chú ý.

3. Sao Mộc tới vị trí trực đối ngày 8 tháng 3.

Đây là thời điểm hành tinh lớn nhất Hệ Mặt Trời này nằm ở vị trí đối diện với Mặt Trời qua Trái Đất, đó là lúc lý tưởng nhất để quan sát hành tinh này. Một chiếc kính thiên văn nhỏ hay ống nhòm sẽ là dụng cụ tốt để quan sát Sao Mộc và các vệ tinh Galilei của nó.

4. Nhật thực một phần sáng mùng 9 tháng 3.

Trên thực tế, đây là hiện tượng nhật thực toàn phần, nhưng ở Việt Nam chúng ta sẽ chỉ có thể quan sát nhật thực dưới dạng một phần (tỷ lệ che khuất khi quan sát tại miền Nam và miền Trung sẽ lớn hơn so với tại miền Bắc). Bạn có thể quan sát hiện tượng này qua các biện pháp an toàn được hướng dẫn.

5. Nguyệt thực nửa tối ngày 23 tháng 3.

Nguyệt thực nửa tối này Mặt Trăng không đi hoàn toàn vào bóng nửa tối của Trái Đất nên chỉ có một phần khá lớn của nó chuyển sang màu đỏ nhạt, một phần còn lại vẫn sáng. Tuy vậy đây cũng là hiện tượng thú vị để bạn có thể quan sát. Bạn hoàn toàn an toàn khi sử dụng mắt thường. Việt Nam có thể quan sát được một phần của hiện tượng này.

6. Sao Thủy ở điểm xa nhất về phía Đông so với Mặt Trời vào chiều tối 18 tháng 4.

Ngược lại với sự kiện ngày 8 tháng 3 nêu trên, vào ngày này người quan sát có thể hướng kính thiên văn hoặc ống nhòm về phía Sao Thủy khi nó ở vị trí cao nhất trên bầu trời phía Tây ngay sau khi Mặt Trời lặn.

7. Mưa sao băng Lyrids có cực điểm vào đêm 22 và 23 tháng 4.

Đây là mưa sao băng nhỏ có nguồn gốc từ các mảnh vụn của sao chổi C/1861 G1 Thatcher. Vào thời gian cực điểm nó có thể đạt khoảng 20 sao băng mỗi giờ. Trung tâm của hiện tượng này là chòm sao Lyra.

8. Mưa sao băng Eta Aquarids có cực điểm vào đêm mùng 6, rạng sáng mùng 7 tháng 5.

Đây là mưa sao băng cỡ trên trung bình với khoảng 30 tới 60 sao băng mỗi giờ vào cực điểm. Nó có trung tâm là chòm sao Aquarius.

9. Sao Thủy lướt qua Mặt Trời ngày 9 tháng 5.

Đây là hiện tượng thiên văn thú vị và rất hiếm gặp, nó chỉ xảy ra lần tiếp theo vào năm 2019 và sau đó là tới năm 2039. Sao Thủy sẽ lướt qua đĩa sáng của Mặt Trời và với các dụng cụ cho phép để quan sát Mặt Trời bạn có thể thấy bóng đen của nó đi ngang qua che khuất một phần nhỏ ánh sáng Mặt Trời. Hầu hết khu vực miền Bắc Việt Nam sẽ quan sát được hiện tượng này, khu vực từ miền Trung trở vào không thể quan sát.

10. Sao Hỏa tới vị trí trực đối ngày 22 tháng 5.

Đây là thời điểm hành tinh đỏ ở đối diện với Mặt Trời qua Trái Đất, do đó nếu bạn có một chiếc kính thiên văn thì đây là lúc lý tưởng nhất trong năm để quan sát nó.

11. Sao Thổ tới vị trí trực đối ngày 3 tháng 6.

Giống như đối với Sao Mộc và Sao Hỏa đã nêu trên, đây là thời điểm tốt nhất trong năm để bạn quan sát hành tinh này qua kính thiên văn.

12. Mưa sao băng Delta Aquarids có cực điểm đêm 28, 29 tháng 7.

Đây là mưa sao băng cỡ trung bình/dưới trung bình với chỉ 20 sao băng mỗi giờ. Tuy vậy nó là sự bổ sung thú vị cho mưa sao băng Perseids có cực điểm diễn ra vào giữa tháng 8. Trung tâm của hiện tượng này là chòm sao Aquarius.

13. Mưa sao băng Perseids đạt cực điểm vào đêm 12, rạng sáng ngày 13 tháng 8.

Có nguồn gốc từ sao chổi Swift-Tuttle, đây là một trong những mưa sao băng lớn nhất hàng năm với mật độ lên tới trên 60 sao băng mỗi giờ và thường có nhiều sao băng dài và sáng. Năm 2016, rạng sáng 13/8 Mặt Trăng lặn sớm là thời điểm rất tốt để quan sát Perseids nếu thời tiết cho phép.

14. Sao Kim và Sao Mộc giao hội vào tối 27 tháng 8.

Hai điểm sáng nhất bầu trời (sau Mặt Trời và Mặt Trăng) sẽ gặp nhau và gần như hợp lại làm một khi bạn quan sát vào buổi tối này.

15. Nguyệt thực nửa tối đêm 16, rạng sáng 17 tháng 9.

Lần nguyệt thực nửa tối này, một phần lớn của Mặt Trăng đi vào bóng nửa tối của Trái Đất sẽ chuyển sang màu đỏ nhạt. Việt Nam có thể quan sát toàn bộ hiện tượng này diễn ra từ tối 16 đến rạng sáng 17 tháng 9. Bạn hoàn toàn có thể theo dõi hiện tượng này bằng mắt thường.

16. Mưa sao băng Draconids đạt cực điểm đêm mùng 7 tháng 10.

Đây là một mưa sao băng nhỏ với mật độ cực điểm chỉ 10 sao băng mỗi giờ ngay cả khi thời tiết lý tưởng. Khu vực trung tâm của nó là còm sao Draco.

17. Mưa sao băng Orionids có cực điểm đêm 21, 22 tháng 10.

Đây là một mưa sao băng cỡ trung bình với mật độ khoảng 20 hoặc hơn 20 sao băng mỗi giờ. Nếu thời tiết cho phép bạn sẽ có thể quan sát hiện tượng này khi nhìn về phía chòm sao Orion, thời điểm thích hợp nhất là đêm 21, rạng sáng ngày 22 tháng 10.

18. Mưa sao băng Leonids đạt cực điểm đêm 17, 18 tháng 11.

Đây là mưa sao băng trung bình với mật độ khoảng 15-20 sao băng mỗi giờ vào cực điểm. Bạn có thể quan sát nó lý tưởng nhất vào đêm 17, rạng sáng 18/11 khi nhìn về phía chòm sao Leo. Tuy vậy, lần này sự xuất hiện của Mặt Trăng sẽ gây cản trở không nhỏ cho việc quan sát Leonids.

19. Mưa sao băng Geminids đạt cực điểm đêm 13, 14 tháng 12.

Đây là trận mưa sao băng lớn nhất trong năm với cực điểm có thể lên tới 120 sao băng mỗi giờ. Trung tâm của mưa sao băng này là chòm sao Gemini; thời điểm lý tưởng nhất để quan sát sẽ là đêm 13, rạng sáng 14 tháng 12. Trăng gần tròn sẽ là cản trở lớn đối với việc quan sát, tuy vậy nếu thời tiết lý tưởng và ở các khu vực ít ô nhiễm thì đây vẫn là hiện tượng thiên văn rất đáng chú ý.

Xin lưu ý:

– Tất cả các hiện tượng liệt kê phía có thể được quan sát tại bất cứ nơi nào ở Việt Nam, trừ một vài hiện tượng đặc biệt được chú thích riêng.

– Các hiện tượng này đều không yêu cầu các thiết bị kĩ thuật phức tạp để quan sát. Tuy vậy để có thể nhìn rõ hiện tượng đều cần nhiều yếu tố về thời điểm, thời tiết và mức độ ô nhiễm khí quyển.

Theo Hội thiên văn học trẻ Việt Nam VACA

Nguồn: GenK

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

3 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

3 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

5 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

6 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

7 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

2 weeks ago