Vợ chồng

Các bà vợ cao tay ‘trị’ chồng hay dỗi vặt

Thấy chồng nằm quay lưng lại, hỏi không trả lời, vợ đụng vào người thì hắt ra, Trà lôi máy tính ra chat rồi khúc khích cười khiến anh xã tức tối.

Trà cho biết, anh xã hơn cô 6 tuổi, tốt tính, yêu vợ thương con nhưng có một tật khó chịu là hơi tí lại dỗi. Ban đầu, Trà cũng thấy khổ sở, lần thì gặng hỏi chồng xem có chuyện gì, khi thì cố tìm cách để làm hòa vì sợ không khí căng thẳng trong nhà. Nhưng sau ba năm chung sống, Trà đã nghĩ ra cách trị tính này của chồng.

“Mình nhận ra tính hễ không được như ý là giận dỗi của chồng đều là sản phẩm của việc được gia đình quá nuông chiều từ bé. Mình thì không thể tiếp tục chạy theo nịnh nọt anh xã mãi được nên chọn cách… phớt lờ những lúc chồng dỗi. Nếu cãi nhau xong mà chồng làm mặt lạnh, không thèm nói chuyện, rủ đi đâu cũng lắc đầu, là mình bơ luôn, rủ con xem phim, hát hò, đi chơi… Còn đến lúc lên giường rồi mà anh xã vẫn cố thủ quay lưng, mình cứ mặc mát mẻ, mở máy tính vừa chat Facebook vừa cười rúc rích hoặc mở phim nóng có âm thanh khiêu gợi”, Trà giải thích.

Bà mẹ một con cho biết, cách này thực sự hiệu quả. Anh xã sau nhiều lần thấy một mình thui thủi còn vợ con vẫn cứ ríu rít, vui tươi thì cũng tự động tới nhập cuộc. “Những khi vui vẻ mình cũng phân tích thêm để chồng hiểu con cái sẽ ảnh hưởng tính cách và thái độ của bố mẹ thế nào nên trong nhà đừng ai mặt nặng mày nhẹ với ai”, Trà chia sẻ.

Có ông chồng hay dỗi vặt, chị Thanh (Kim Giang, Hà Nội) đúc kết “tính chồng hơi… đàn bà thì vợ phải ‘đàn ông’ một tí”. Chị kể, hồi mới cưới, có khi chỉ vì cái áo chồng nhờ giặt mà vợ quên là anh ôm gối ra sofa ngủ cả tuần, không thèm nói với chị một câu, thậm chí nhiều lần anh giận người khác nhưng cũng dỗi lây sang vợ.

Ban đầu còn bực bội tính này của chồng, về sau chị toàn phớt lờ, thậm chí trêu anh tức thêm. Có lần, khi hai vợ chồng vào siêu thị, chị đòi mua một chiếc cân, anh xã hỏi “để làm gì” thì chị bảo “mang về cân thử mỗi lần chồng mặt nặng, có khi phải được cả tạ ấy chứ” làm anh tức tím mặt nhưng không nói lại được gì.

“Khi nhận ra, mỗi lần chồng làm mặt lạnh là để vợ phải nhận sai hoặc nghe theo ý anh ấy, tôi quyết ‘không mắc mưu’. Những lúc chồng dỗi, tôi cứ kệ, vẫn vui vẻ hát ca, gọi đồ ngon về ăn (vì chồng không ăn cùng thì cũng chẳng tội gì nấu). Coi chồng như người vô hình. Cứ thế đến khi nào anh ấy muốn làm hòa thì thôi, còn không, thích giận tới bao giờ mặc kệ”, chị Thanh kể.

Còn chị Hảo (Pháp Vân, Hà Nội) lại dùng chiêu “vỏ quýt dày có móng tay nhọn” để cải tạo ông chồng hay giận.

Chị Hảo kể, nhiều lần chị còn chẳng hiểu lý do gì khiến chồng cả nửa tháng không nói năng câu gì. Có khi, anh còn đùng đùng “lên cơn dỗi”, bỏ về giữa chừng khi hai vợ chồng đang ở nơi công cộng, đi chơi với bạn bè hay ở bên nhà nội, nhà ngoại… khiến chị khó xử.

Một hôm, gia đình chị đi nghỉ mát cùng nhà nội, khi bị anh mắng, bình thường chị sẽ làm hòa cho xong để không ảnh hưởng đến cuộc vui của mọi người nhưng hôm đó chị thể hiện rõ sự giận dỗi, mặt nặng trình trịch, đòi đi về. “Thực ra mình chẳng giận, nhưng cố ‘đóng kịch’ thế. Ông chồng vừa tức vừa ngạc nhiên vì bình thường vợ rất biết nhịn ở nơi đông người, để giữ sĩ diện cho cả hai. Sau đó, chồng trách móc thì mình bình tĩnh nói: ‘Em chỉ muốn anh hiểu em đã nhiều lần phải khó xử thế nào khi anh cư xử y như vậy’. Mình cũng kể lại lần lượt những lần đó và nói với chồng rằng, cách xử sự kiểu ấy khiến mình thấy mệt mỏi, không còn kính trọng chồng như trước”, chị Hảo kể.

Chị cho biết, hiện tại anh xã chị vẫn thi thoảng dỗi nhưng sau đó lại tự chủ động làm lành với vợ vì chị chẳng bận tâm và coi việc lạnh lùng của chồng chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc sống của mình và các con.

Từng là một người hay làm mặt nặng với vợ, anh Quảng (Hoài Đức, Hà Nội) kể, anh đã phải chịu thua vợ vì nhiều lần, chị còn giận lại anh lâu hơn. “Tôi phục cô ấy một điều là, những lúc có lỗi, cô ấy không ngại chủ động làm hòa và xin lỗi ngay. Nhưng nếu tôi giận dỗi vô lý, vợ chẳng bao giờ thèm hỏi han tới, thậm chí khi tôi quay ra làm lành, vợ còn không thèm đáp lại. Tuy nhiên, lúc cả hai đã vui vẻ, cô ấy phân tích rõ cho tôi thấy hành động kiểu dỗi vặt của tôi khiến vợ buồn thế nào và nhìn về tôi ‘kém nam tính’ ra sao”, anh Quảng kể lại.

Bà Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết, xưa nay, người ta vẫn hay mặc định ‘hay giận dỗi’ hoặc gây ‘chiến tranh lạnh’ là đặc tính của phụ nữ nhưng thực tế không ít đấng mày râu cũng dùng cách này. Phụ nữ nói chung thường không thích tính cách này và thấy phiền phức, khó chịu.

“Khi người đàn ông dùng cách cư xử kiểu hơi ‘phụ nữ’, thì các bà vợ nên chọn cách đáp lại kiểu ‘quân tử’ như không thèm chấp, không quan tâm, không đôi co… để người kia hiểu ra rằng giận dỗi kiểu làm mặt nặng, không nói năng chi sẽ chẳng đạt được hiệu quả gì”, bà Hà bày tỏ.

Thông thường, các bà vợ có thể đoán xem lý do gì khiến chồng cư xử như vậy, và bình tĩnh hỏi han như “Anh đang giận chuyện đó à”, “Chuyện đó có gì đâu” rồi giải thích rõ lý do. Cũng nên chọn lựa thời điểm thích hợp để bày tỏ cho chồng biết cách cư xử như vậy của anh ấy gây cảm xúc tiêu cực cho bạn thế nào.

Nhà tâm lý cho rằng, có hai phản ứng hay gặp ở các bà vợ khi chồng giận dỗi đều không giúp cải thiện tình hình là : Sử dụng lại chiến tranh lạnh với chồng, hoặc cố truy xét, bắt anh ta phải nói ra bằng được là giận chuyện gì, tại sao. Cách “đo gan” kiểu anh mặt nặng tôi cũng mặt lạnh thường khiến không khí gia đình nặng nề và nếu cả hai cố làm găng, sẽ tạo khoảng cách, gây bất hòa thêm. Còn nếu vợ cố truy hỏi, đàn ông thường có xu hướng càng im lặng, cố thủ.

Theo bà Hà, thực sự, cách dùng sự giận dỗi, chiến tranh lạnh với vợ khi có sự bất đồng có thể sẽ làm mất đi sự nam tính của các ông chồng trong mắt vợ. Thậm chí, nếu mức độ nặng nề thêm, đó có thể trở thành sự bạo hành tinh thần và gây bất hòa, đổ vỡ cho gia đình.

“Phụ nữ thường hay ngưỡng mộ sự phóng khoáng của nam giới. Việc hay dỗi vặt vô hình trung đã khiến bạn ‘mất điểm’ trong mắt bạn đời”, nhà tâm lý chia sẻ với phái mày râu.

Vương Linh

Nguồn: VnExpress

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

2 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

2 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

5 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago