Bệnh thủy đậu có xu hướng gia tăng vào những tháng mùa xuân, thường bắt đầu vào tháng 1, tăng mạnh và đỉnh điểm vào tháng 3. Với khả năng lây lan rất cao, dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng, Bộ Y Tế cảnh báo người dân cần đề phòng bệnh thủy đậu trong đầu năm mới 2018.
Thống kê
Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, trong năm 2017, cả nước đã ghi nhận gần 39.000 ca mắc bệnh thủy đậu, tăng 45,9% so với năm 2016 trên khắp cả nước. Thủy đậu có xu hướng gia tăng vào những tháng mùa xuân, thường bắt đầu vào tháng 1, tăng mạnh và đỉnh điểm vào tháng 3. Với khả năng lây lan rất cao, bệnh dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng.
PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa (Viện Pasteur TP.HCM) cho biết thủy đậu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người trưởng thành. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra với những đối tượng có hệ miễn dịch yếu hoặc chưa hoàn thiện, điển hình nhất là trẻ nhỏ, người già và phụ nữ đang mang thai. Thống kê của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy 90% bệnh nhân nhiễm thủy đậu là trẻ trong độ tuổi 2-7 tuổi.
Không để bùng phát thành dịch
Virus Varicella Zoster gây bệnh thủy đậu có thể tồn tại vài ngày trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan từ người này sang người khác qua đường hô hấp (do hít phải chất dịch chứa virus khi người bệnh ho, nói chuyện…), qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.
Theo GS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa bệnh thủy đậu nếu không phát hiện sớm sẽ rất nguy hiểm “Mụn nước do thủy đậu có thể gây viêm da “bội nhiễm”, để lại các vết sẹo lõm trên da về sau. Biến chứng thứ hai có thể gặp phải là viêm phổi với triệu chứng như đau ngực, khó thở, tím tái, ho ra máu. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể dẫn đến viêm não, rối loạn tâm thần, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong”.
Phụ nữ mang thai, đặc biệt là khi thai kỳ trong khoảng 13-20 tuần, do hệ miễn dịch suy giảm nên khi mắc thủy đậu có thể dẫn đến sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi (dị dạng ở sọ, đa dị tật ở tim, trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ…). Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu lây truyền từ mẹ diễn biến cũng rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong lên đến 30%.
Do đó, khi một người trong gia đình mắc bệnh, các thành viên còn lại cũng cần cách ly. Tỷ lệ lây truyền thủy đậu giữa các anh em cùng nhà có thể lên đến 87%, cao hơn cả các bệnh nhân nằm cùng khoa, cùng phòng trong bệnh viện (70%).
Qua đó, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:
– Tiêm ngừa vắc xin đủ liều, đúng lịch.
– Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
– Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
– Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7-10 ngày từ kể từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
Lời kết
Thủy đậu hiện chưa có thuốc đặc trị, do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm vắc xin ngừa thủy đậu là cách phòng bệnh hiệu quả.
PGS Nghĩa nhấn mạnh “Đối với thủy đậu, tiêm vắc xin là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất. Hơn 90% người đã tiêm phòng sẽ tránh hoàn toàn được căn bệnh này. Khoảng 5-10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu (dưới 50 nốt), thường không gặp biến chứng”.
Ngoài ra, trẻ từ 1-12 tuổi cần được tiêm một liều vắc xin để ngừa thủy đậu. Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm 2 liều, cách nhau ít nhất 6 tuần để hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng. Riêng phụ nữ trong thời kỳ mang thai không được tiêm vắc xin này.
Theo zing.vn
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…