Categories: Tin tức

Bộ trưởng Y tế: ‘Giám đốc bệnh viện không cần là tiến sĩ y học’

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ngày 12/9 cho biết, với cơ chế tự chủ tài chính, giám đốc bệnh viện không cần phải giỏi chuyên môn mà cần khả năng quản trị tốt.

Phát biểu tại Hội nghị tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện tại TP HCM ngày 12-13/9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết bệnh viện Việt Nam thường chọn bác sĩ giỏi chuyên môn để đưa lên vị trí quản lý. Trong bối cảnh các bệnh viện công lập tiến tới hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, nếu giám đốc chỉ giỏi về thực hành lâm sàng nhưng không hiểu về báo cáo tài chính, đấu thầu quy hoạch, xử lý rác thải, quan hệ xã hội… thì sẽ khó đảm đương tốt cương vị quản lý.

“Yêu cầu giám đốc bệnh viện hạng một phải là tiến sĩ để làm gì. Chúng ta đang lẫn lộn giữa hàn lâm, quản lý và thực hành, khác nhau hoàn toàn. Quản lý là quản trị, hàn lâm là đi dạy, đi nghiên cứu thì mới cần tiến sĩ, thạc sĩ còn thực hành là tay nghề hàng ngày của bác sĩ”, Bộ trưởng Y tế chia sẻ.

Các bệnh viện công lập bắt đầu đầu tư những đơn vị, khoa phòng khang trang để đáp ứng yêu cầu của người bệnh. Ảnh minh họa: Lê Phương.

Theo bà Tiến, sắp tới Việt Nam sẽ tăng cường các khóa đào tạo về quản lý bệnh viện. Ở nhiều nước, giám đốc bệnh viện sẽ được học nội trú, thạc sĩ… về quản lý bệnh viện. Việt Nam hiện có 2 bệnh viện đạt chuẩn quốc tế JCI là Vinmec và FV. Đây đều là bệnh viện tư nhân, do người nước ngoài quản lý điều hành theo kiểu doanh nghiệp và có riêng bộ phận giám đốc phụ trách về chuyên môn. Các bệnh viện công lập Việt Nam cần phấn đấu nếu chưa đạt chuẩn cả bệnh viện thì trước mắt phải tập trung những khoa phòng có ưu thế như xét nghiệm sinh hóa, huyết học, chống nhiễm khuẩn…

Trong 3 năm qua, Bộ Y tế ban hành thí điểm 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện trên toàn quốc. Bên cạnh tăng cường chất lượng khám chữa bệnh, điều cần thiết là hướng tới xây dựng bệnh viện xanh sạch đẹp, thân thiện. Dù khám chữa bệnh tốt, thái độ tốt nhưng nhà vệ sinh bẩn, không có xà phòng rửa tay, rác thải khắp nơi trong bệnh viện là không được. Vấn đề chất thải bệnh viện đang rất nổi cộm, cần được đầu tư xử lý. “Bệnh viện chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cộng đồng mà thải nguồn bẩn ra cho dân chịu là không thể chấp nhận được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong năm 2015-2018, Liên minh châu Âu tại Việt Nam tài trợ 100 triệu euro theo hình thức hỗ trợ ngân sách để giảm thiểu sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo, tập trung vào 10 tỉnh nghèo của Việt Nam hỗ trợ Bộ Y tế nâng cao chất lượng dịch vụ tại tuyến cơ sở và bệnh viện. Bên cạnh đó, một phần hỗ trợ được sử dụng để mua bảo hiểm y tế cho người cận nghèo nhằm nâng cao tiếp cận với các dịch vụ y tế cho các nhóm dễ bị tổn thương.

Lê Phương

Nguồn: VnExpress

adminyhoc

Recent Posts

2 loại men vi sinh giúp giảm tình trạng tăng huyết áp

Các yếu tố gây ra huyết áp cao hoặc tăng huyết áp bao gồm ăn…

5 hours ago

Phương pháp cân bằng hệ vi sinh đường ruột sau kỳ nghỉ lễ

Sau guồng quay với những công việc bận rộn dịp nghỉ lễ là thờ gian…

5 hours ago

Mối liên hệ giữa bệnh suy tim và hệ vi sinh đường ruột

Bệnh suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm, là tình…

8 hours ago

Các loại đậu có tốt cho sức khỏe đường ruột không?

Nhìn chung, đậu và các cây họ đậu rất tốt cho sức khỏe, sức khỏe…

2 days ago

12 thực phẩm chứa enzyme tiêu hóa tự nhiên

Một số thực phẩm, bao gồm một số loại trái cây như dứa và thực…

2 days ago

Độc đáo hệ vi sinh đường ruột tác động đến tính cách con người

Vai trò của hệ vi sinh đường ruột là tạo ra tính ổn định và…

3 days ago