Câu chuyện thứ nhất xảy ra đầu giờ sáng, cậu bé được mệnh danh là nhà bác học của lớp, tâm sự:
– Cô đừng lấy chồng nhé! Lấy chồng khổ lắm.
– Tại sao lại khổ hả con?
– Vì bố con đánh mẹ con.
Cậu bé không còn thích học hay làm bất cứ gì khác, cậu chỉ ngồi một mình và buồn thẫn thờ trong một thời gian dài sau đó cho dù tất cả mọi người đều an ủi động viên.Chẳng ai làm cậu bé vui được cả vì mẹ đã bỏ về bà ngoại.
Câu chuyện thứ hai từ một cậu bé khác bố mẹ đã quyết định bỏ nhau, chỉ đợi đến hết kỳ để chuyển trường. Cậu bé đang ngồi xếp hình
– Con không xếp được.
– Xếp gì hả con?
Bé khóc vì bị ức chế, khóc vì ai cũng mắng mình, khóc vì lo sợ, mình bé quá chẳng làm được gì, giá mình đã lớn thì đã không bị hoàn toàn phụ thuộc vào người khác để hạnh phúc. Cậu bé càng khóc bố mẹ càng mắng “Sao mà hơi một tí là khóc nhè. Con trai gì mà lại yếu đuối thế?”. Điều đáng sợ là họ không hề biết đến sự thay đổi về tâm lý và tính cách của con mình hay nhận ra rằng chính họ là người chịu trách nhiệm về việc đó.Nghe và nhìn vẻ bất lực trên mặt bé, nước mắt tôi muốn trào ra. Con ơi, con không cần phải xếp nhà, càng không phải lo đến việc đó ở tuổi của mình, bố mẹ con mới là những người cần tạo nên một mái ấm cho con. Cậu bé thay đổi tính cách từ khi gia đình lục đục, co lại trong vỏ ốc của mình và câu cửa miệng trước mọi việc là “Con không làm được”.
Hằng ngày, hằng giờ có bao nhiêu cặp vợ chồng xung đột, ly thân, ly dị? Trong khi bố mẹ bận nghĩ đến những vấn đề của mình, đứa trẻ trở thành nạn nhân. Theo Tiến sĩ tâm lý Judith S. Wallerstein, người đã có công trình nghiên cứu về ly dị và ảnh hưởng lên những đứa trẻ trong 25 năm thì “Ly dị là một trải nghiệm thay đổi cả cuộc đời. Sau khi bố mẹ ly dị, tuổi thơ trở nên khác. Thời niên thiếu trở nên khác. Đến khi trưởng thành, quyết định kết hôn hay không kết hôn, có con hay không có con trở nên khác. Cho dù nó có ảnh hưởng ở mức độ nào, việc chứng kiến bố mẹ ly dị làm thay đổi cả cuộc đời một con người”.
Trẻ em trong gia đình lục đục bị ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn lên sự phát triển tính cách, cách ứng xử trong xung đột và cách ra quyết định trong mọi việc. Trẻ nhỏ có thể bị trầm cảm, mất hay giảm khả năng tập trung, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ và mơ ác mộng.
Những cháu đang trong độ tuổi dậy thì thường cảm thấy cô đơn, mất lòng tin vào cả bố và mẹ, đôi khi nghĩ đến tự tử, quan hệ tình dục sớm do nhu cầu tìm kiếm yêu thương, không kiểm soát được cảm xúc của mình dẫn đến phụ thuộc vào các chất kích thích như thuốc là, rượu, ma túy hay trở nên hiếu chiến.
Mức độ ảnh hưởng sẽ còn nặng nề hơn với những trẻ trong độ tuổi 0-6 tuổi vì mọi hành vi, câu nói của bố mẹ sẽ tác động lên sự định hình tính cách của trẻ.
Sau này bạn sẽ yêu, sẽ lấy và sẽ có con với bao nhiêu người nữa? Chắc không nhiều thế nên cho dù quyết định chia tay hãy tôn trọng nhau, vì tình cảm trong quá khứ và vì những đứa con bạn sẽ cùng chăm sóc suốt cả cuộc đời. Đứa trẻ không thể ly dị bố hay mẹ của mình.
Ở bất cứ độ tuổi nào, trẻ không nên biết bố mẹ cãi nhau, ghét nhau vì những lý do này nọ của người lớn. Hãy nghĩ đến một ngày, đề bài cho giờ văn là hãy viết về bố hay mẹ của mình. Đừng tước đi quyền được nhìn nhận bố mẹ như những tấm gương của mình trong mắt trẻ. Bạn cần làm điều đó vì lợi ích của chính con mình. Chẳng phải bố mẹ nào cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho mình hay sao?
Hãy xử lý mọi việc nhanh gọn để đứa trẻ không bị tổn thương trong thời gian dài hơn cần thiết. Cho dù bạn không để trẻ biết mình đang cãi nhau, cách cư xử của bạn cũng thể hiện điều đó và thường khi bị ức chế hay cáu giận bạn khó mà kiên nhẫn hay kiểm soát được lời nói hay hành động của mình, dẫn đến ảnh hưởng lên trẻ.
Đôi khi chính đứa trẻ lại là nơi bố mẹ trút hết tất cả thất vọng, bực tức và cáu giận. Trẻ với tất cả sự nhạy cảm của mình, biết và cảm nhận được tất cả mọi điều đang xảy ra. Lo lắng vì chuyện của bố mẹ dẫn đến phản ứng tiêu cực cả về thể chất lẫn tâm lý của trẻ.
Hãy chọn thời điểm hợp lý để nói cho con biết dù thế nào bố mẹ vẫn rất yêu con nhưng bố mẹ không còn yêu nhau nữa. Khi không yêu nhau người ta không còn ở chung nhà và bố mẹ nghĩ tốt nhất chúng ta sẽ làm a rồi b rồi c. Trẻ cần biết chuyện gì đang và sẽ xảy ra để chuẩn bị tâm lý, không lo sợ có phải bố mẹ ly dị vì không còn yêu mình nữa hay tự buộc tội vì mình mà bố hay mẹ bỏ đi, hay tự dằn vặt tại sao bố hay mẹ lại bỏ mình đi như thế. Trẻ con nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn người lớn.
Những vết thương trên cơ thể lành thành sẹo, những vết thương tâm lý cũng vậy, để lại hậu quả suốt cả cuộc đời, chỉ có điều không ai nhìn thấy nên họ coi thường. Sau ly hôn, bạn mất bao nhiêu thời gian để lấy lại chính mình? Một năm, hai năm hay mười năm? Trẻ mất nhiều thời gian hơn thế, thậm chí với một số bé sẽ là không bao giờ nếu cả hai bố mẹ đã biến thành kẻ thù của nhau trước ly hôn.
Đừng tranh nhau hay đùn đẩy trách nhiệm nuôi con trước mặt trẻ hay dồn trách nhiệm ra quyết định lên vai đứa trẻ để trẻ phải tự quyết định ở với ai. Bạn biết con ở với ai tốt hơn là một đứa trẻ. Nhưng cho dù con ở với ai hãy cố dành thời gian với con càng nhiều càng tốt để con vẫn lớn lên cùng với cả hai người. Một mình bạn không thể vừa là bố vừa là mẹ cho dù bạn có giỏi đến đâu. Trừ trường hợp sự có mặt của người đó chỉ mang đến những ảnh hưởng xấu lên con bạn.
Là người lớn, bạn có thể xử lý được mọi vấn đề của mình, con bạn phụ thuộc vào duy nhất bạn để cảm thấy an toàn, thấy được mình vẫn có gia đình có cả bố và mẹ dù họ không ở với nhau, thấy được rằng tương lai vẫn còn ở phía trước và cho dù có thế nào mọi chuyện sẽ ổn thỏa cả thôi. Con bạn cần bạn giúp đỡ vì bố mẹ là những người duy nhất có thể giúp được con mình vượt qua đổ vỡ. Chính bạn, hơn bao giờ hết, khi chỉ còn một mình, cần phải làm nhiều hơn để bù đắp yêu thương chứ không phải vật chất và hỗ trợ về tinh thần để giúp những đứa con của mình vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Lê Mai Hương
Nhà giáo Montessori
Nguồn: vnexpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…