Bệnh viêm mủ tuyến mồ hôi (Hydradenitis, Hydrosadenite) là một nhiễm trùng mủ ở ngoài hậu môn. Năm 1859, trong tờ Arch. Gen. Med, Verneuil A, đã mô tả các u trong một số bệnh của tuyến mồ hôi nên bệnh còn có tên bệnh Verneuil.
Bệnh viêm mủ tuyến mồ hôi, thường ở nhiều nơi. Bệnh chiếm 2% các nhiễm trùng mủ của vùng hậu môn. Tuy không phải là bệnh của riêng hậu môn nhưng đôi khi đi kèm với các bệnh khác của vùng hậu môn như bệnh viêm xoang lông, ung thư hậu môn trực tràng, bệnh rò hậu môn, nhất là ở những bệnh nhân đã có tiền sử mổ rò hậu môn nhiều lần.
Trong tiền sử của bệnh nhân có các bệnh nhiễm trùng ở da, với tỷ lệ khá cao. Nhận xét này làm thay đổi những quan niệm về sinh bệnh học.
SINH BỆNH HỌC
Nơi xuất phát của bệnh là các tuyến mồ hôi, chính xác hơn là các tuyến đỉnh tiết (apocrine gland). Tuyến đỉnh tiết là một loại tuyến mồ hôi, chỉ có ở một số vùng ở cơ thể như nách, núm vú, quanh hậu môn, vùng sinh dục, ống tai ngoài, mi mắt. Khác với tuyến toàn tiết, tuyến đỉnh tiết ở sâu hơn, tế bào cơ-thượng mô thường to hơn. Tế bào tuyến chứa acid phosphataza và beta gluco-ronidaza. Tuyến chế tiết theo cách riêng. Các hạt chế tiết tập trung ở vùng đỉnh tế bào và được phóng thích vào trong lòng ống tuyến cùng với những mảnh bào tương do vỡ màng tế bào ở vùng đỉnh (nên có tên là tuyến đỉnh tiết). Lỗ ống tuyến đổ vào nang lông, tuyến bã chứ không đổ ra ngoài da.
Tuyến chỉ hoạt động ở tuổi dậy thì, dưới ảnh hưởng của hormon giới tính. Tuyến đỉnh tiết được hình thành từ nụ mầm thượng mô của nang lông, tuyến bã nên tuyến có liên quan mật thiết với nang lông.
Thương tổn
Thương tổn nằm ở sâu, lan rộng, chằng chịt những thương tổn mới cũ, phức tạp. Đôi khi có những sẹo hay những di tích mổ cũ. Thường hiện diện một u hạt viêm với nhiều di tích của các tuyến bị viêm nên khó nhận định.
Sự hiện diện các xoang lông bệnh lý, nằm sâu trong lớp bì gợi ý tới bệnh viêm mủ tuyến mồ hôi nhiều hơn là chỉ thương tổn đơn thuần ở các tuyến mồ hôi. Thường không có những triệu chứng điển hình về mô học nhưng những triệu chứng gợi ý cộng với những dữ liệu lâm sàng và quá trình diễn biến của bệnh giúp cho chẩn đoán.
Nhiều nghiên cứu cho thấy sự hiện diện của tụ cầu trùng kỳ khí ngay từ đầu. Các vi khuẩn được coi như bội nhiễm.
DỊCH TỄ HỌC
Bệnh viêm mủ tuyến mồ không phải là bệnh di truyền như trước kia vẫn tưởng.
Bệnh gặp nhiều ở nam hơn ở nữ, với tỷ lệ 7/3. Tuổi trung bình lúc đầu của bệnh là 30. Bệnh nhân thường đã bị mổ nhiều lần. Điều đáng chú ý là trong tiền sử, có khi từ lúc nhỏ, thường có các bệnh nhiễm trùng ở da như trứng cá, nhọt, hậu bối, nang tuyến bã ở vùng quanh hậu môn.
Không giải thích được một cách thỏa đáng về sự phối hợp với các bệnh khác nhưng chắc chắn không phải hoàn toàn ngẫu nhiên. Bệnh diễn tiến thành mãn tính. Sau 10-20-30 năm hay hơn nữa, bệnh có những đợt tái phát. Mỗi đợt tái phát lại xuất hiện những thương tổn mới với những đường rò mới. Sự tồn tại thường xuyên hay sự tái phát luôn ám ảnh người bệnh.
LÂM SÀNG
Các triều chứng lâm sàng thường rõ rệt.
Lúc đầu, thương tổn là những hòn, những cục nhỏ di động nằm ở lớp hạ bì, ở trên là lớp thượng bì tim tím. Những hòn, những cục này có thể tự biến mất nhưng thường thì mở ra ngoài da. Khi sờ nắn không thấy các dấu hiệu lùng nhùng mà thấy hơi cứng. Ở miệng mở ra ngoài của những hòn này có ít mủ loãng đôi khi còn dính tí máu. Bệnh nhân không sốt, không đau. Thông thường có vài cục chụm lại với nhau làm da nổi gồ lên và thông với nhau bởi những đường vằn vèo, đào ở trong mô tế bào dưới da những đường hầm. Những đường hầm này mở ra da bằng nhiều lỗ. Những áp xe và những xoang này để lại những sẹo dẹt hay những sẹo lồi.
Về sau, sờ thấy có những đường xơ dài. Có thể luồn một que thông dưới những đường mô xơ này.
Cuối cùng, các sẹo xen kẽ với các đường xơ là cho bệnh có một hình ảnh riêng biệt. Tại chỗ, chúng có thể lan ra vùng bẹn, tầng sinh môn, mông, phía sau tới vùng xương cùng, phía trước tới bìu, mu và môi lớn
Một tính chất nữa của bệnh là sự phối hợp với thương tổn ở các vị trí khác, hoặc đồng thời hoặc trong tiền sử, hoặc có những vết tích của sẹo. Vị trí thường thấy là mặt, gáy, tai, ít khi ở nách, núm vú.
Các vị trí khác
Bẹn-bìu-mông 40%
Mặt 20%
Tai 10%
Nách 10%
Vú 5%
Các nơi khác 15%
CHẨN ĐOÁN
Các tính chất của hiện tượng mưng mủ, hình thái điển hình của thương tổn, sự lây lan tại chỗ và trong vùng, thương tổn ở những vị trí khác giúp cho chẩn đoán bệnh. Nhưng trong chẩn đoán cũng có thể nhầm lẫn với các thương tổn khác.
Cần phân biệt với:
· Nhọt và hậu bối thì dễ phân biệt vì hai bệnh rất khác nhau về lâm sàng, tiến triển, vị trí và tính hiệu quả của điều trị.
· Bệnh trứng cá và bệnh u nang bã nhờn (sebaceous cyst), có thể bị chẩn đoán nhầm. Sự nhầm lẫn này không có tác hại vì cách điều trị của chúng giống nhau, đều là phẫu thuật.
· Bệnh xoang lông, dễ chẩn đoán. Hai bệnh này khá giống nhau, đôi khi cùng có, lại có chung môt hình ảnh mô học.
· Rò hậu môn, rất dễ chẩn đoán lầm. Điểm xuất phát của hai thương tổn này rất khác nhau. Rò hậu môn xuất phát từ khe của đường lược, bệnh viêm mủ tuyến mồ hôi không bao giờ xuất phát từ đây.
· Bệnh Crohn, một số nhiễm trùng mủ lan tỏa ở vùng quanh hậu môn và mông của bệnh Crohn có thể được chẩn đoán lầm với bệnh viêm mủ tuyến mồ hôi.
ĐIỀU TRỊ
Từ khi hiểu biết về nguyên nhân sinh bệnh, việc điều trị bệnh có hiệu quả hơn.
Nội khoa
Điều trị nội khoa với sulfamid, kháng sinh, vaccin được sử dụng trong giai đoạn viêm nhiễm.
Ngoại khoa
Điều trị bệnh viêm mủ tuyến mồ hôi chủ yếu là bằng ngoại khoa, dưới sự che chở của thuốc sát khuẩn. Thuốc sát khuẩn được dùng mổ và ngay sau mổ.
Cắt bỏ thương tổn
Bơm chất màu vào lỗ rò ở da, không thấy thông với ống hậu môn, chỉ thấy có sự thông thương giữa các xoang nhiễm mủ với nhau. Dùng dao điện cắt bỏ toàn bộ một khối những thương tổn. Để tìm mặt phẳng bóc tách, dùng kềm kéo vào mảnh mô xơ, dao mổ tách mặt phẳng cơ. Nên cắt bỏ tất cả các mô bệnh cho tới cân hay ít nhất cũng tới mô mỡ lành. Vết thương để hở, tự nó sẽ lành. Thương tổn có thể rộng nhưng nên mổ một lần, không nên mổ nhiều lần.
Sau mổ, chính phẫu thuật viên phải chăn sóc vết mổ đều đặn. Ngày hai lần rửa vết mổ bằng nước muối sinh lý, có thể pha thêm thuốc sát trùng. Băng khô hay băng dầu với thuốc mỡ có thể thêm vitamin. Khi tại vết thương có nụ xùi có thể chấm nitrate. Khi hai mép vết mổ gần khép kím, nên cắt xét bớt mép để vết sẹo hình thành nhanh hơn và đẹp hơn.
Ghép da
Phương pháp ghép da đem lại hiệu quả tốt nhưng so với phẫu thuật cắt bỏ để mở thì phức tạp hơn nhiều. Ghép da đòi hỏi nhiều phương tiện và phẫu thuật viên phải được đào tạo về phẫu thuật tạo hình. Thời gian nằm viện kéo dài.
· Thì đầu, chuẩn bị vô trùng vùng thương tổn bằng kháng sinh. Chọn kháng sinh thích hợp, căn cứ vào kháng sinh đồ.
· Thì hai, cắt lấy bỏ thương tổn bằng dao mổ thông thường. Phải lấy hết thương tổn bệnh. Về chiều rộng, lấy xa thương tổn. Về chiều sâu, lấy lớp cơ-cân.
· Thì ba, ghép da. Trước khi ghép, băng vùng mổ bằng gạc tẩm dung dịch Dakin. Ghép khi đáy chỗ khoét bỏ có mô hạt mọc, đã dầy dần lên. Mảnh da ghép lấy ở đùi, phải mỏng và đủ rộng. Sẹo lành sau 3 tuần.
Phương pháp điều trị thường được sử dụng là Cắt bỏ rộng thương tổn và để mở, vết mổ sẽ lành tự nhiên. Phẫu thuật an toàn và có hiệu quả, nhưng không đảm bảo lành hoàn toàn. Bệnh có thể tái xuất hiện ở những vị trí khác. Vì vậy cần phải theo dõi lâu dài.
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…