Bệnh viêm gan E: đường lây nhiễm, chẩn đoán, phòng và điều trị virus
Viêm gan E là bệnh gan do virus viêm gan E (HEV) gây nên. HEV là một loại virus chuỗi đơn RNA, dương và không có vỏ bọc.
Virus viêm gan E lây truyền chủ yếu qua nước uống bị ô nhiễm. Viêm gan virus E là một bệnh thường tự giới hạn và khỏi trong vòng 4-6 tuần. Đôi khi, bệnh phát triển thành dạng kịch phát (suy gan cấp), có thể dẫn đến tử vong.
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 20 triệu người bị nhiễm bệnh viêm gan E, với hơn 3 triệu trường hợp có biểu hiện triệu chứng của bệnh viêm gan E và có 56.600 trường hợp tử vong liên quan đến viêm gan E (Lozano R 2012 [8]). Tỷ lệ hiện nhiễm HEV cao (số người trong dân số có xét nghiệm HEV dương tính) thường được thấy ở những vùng có tiêu chuẩn vệ sinh thấp, điều này làm tăng nguy cơ lây truyền của virus.Vùng Đông và Nam Châu Á bị ảnh hưởng bởi HEV nhiều nhất với tỷ lệ bùng phát viêm gan virus E cao, thường xảy ra trong mùa mưa, khi nguồn nước bị ô nhiễm bởi phân.
Việt Nam được xếp vào một trong số các nước có tỷ lệ nhiễm HEV vào loại cao. Thực hiện nghiên cứu một cách ngẫu nhiên ở 646 người khỏe mạnh trong cộng đồng, Hau CH và cộng sự năm 1999 [4] thấy rằng tỷ lệ người có anti-HEV IgG dương tính là 9% (ở nam là 7%, ở nữ là 11%) và tỷ lệ này tăng theo tuổi.
Viêm gan E (HEV) lây truyền qua đường nào?
Virus viêm gan E lây truyền chủ yếu qua đường phân-miệng do ô nhiễm phân của nước uống. Các đường lây khác của HEV đã được xác định, bao gồm:
– Truyền từ thực phẩm do ăn các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật bị nhiễm bệnh
– Truyền từ các sản phẩm máu bị nhiễm bệnh
– Truyền mẹ sang con trong quá trình thai nghén.
Mặc dù con người được xem là vật chủ tự nhiên của virus viêm gan E, kháng thể chống lại virus viêm gan E hoặc các virus có liên quan chặt chẽ cũng đã được phát hiện ở các loài linh trưởng và một số loài động vật khác.
Viêm gan E là một bệnh lây truyền theo đường nước, các nguồn nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm có liên quan đến các dợt dịch lớn. Việc ăn các hải sản có vỏ còn sống hoặc chưa nấu chín cũng đã được xác định là nguồn gốc của các trường hợp nhiễm HEV lẻ tẻ trong vùng dịch lưu hành.
Các yếu tố nguy cơ đối với nhiễm viêm gan E có liên quan đến sự kém vệ sinh trong những khu vực rộng lớn của thế giới có sự phát tán virus viêm gan E có trong phân.
Chẩn đoán nhiễm viêm gan E
+ Các triệu chứng nhiễm viêm gan E
Thời kỳ ủ bệnh sau khi phơi nhiễm với virus viêm gan E là khoảng 3-8 tuần, trung bình là 40 ngày. Các giai đoạn của thời gian lây nhiễm là không rõ ràng.
Virus viêm gan E gây viêm gan cấp một cách rời rạc và thành dịch. Sự nhiễm HEV có triệu chứng thường gặp nhất ở người trẻ tuổi từ 15-40. Sự nhiễm viêm gan E thường gặp ở trẻ em, hầu như không có triệu chứng hoặc bệnh chỉ rất nhẹ, không có vàng da nên rất khó chẩn đoán.
+ Các dấu hiệu và triệu chứng điển hình của viêm gan E gồm:
– Vàng da (vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu và phân nhạt màu);
– Biếng ăn (ăn mất ngon)
– Gan to, ấn đau
– Đau vùng thượng vị
– Buồn nôn và nôn
– Sốt.
Những triệu chứng của viêm gan virus E rất khó phân biệt với giai đoạn cấp của các viêm gan do virus khác và thường kéo dài trong 1-2 tuần.
Trong trường hợp hiếm gặp, viêm gan E cấp tính có thể dẫn đến viêm gan tối cấp (suy gan cấp) và có thể gây tử vong. Viêm gan tối cấp thường hay xảy ra hơn ở phụ nữ trong thờ kỳ mang thai. Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị biến chứng sản khoa và tử vong do viêm gan virus E. HEV có thể gây ra tỷ lệ tử vong 20% ở phụ nữ mang thai trong quý ba của thai kỳ.
Viêm gan virus E mạn hiếm gặp và thường hay gặp ở những người bị kìm hãm miễn dịch (immunosuppressed people), đặc biệt là hay gặp ở bệnh nhân được ghép tạng. Sự tái hoạt động của viêm gan virus E mạn cũng chỉ gặp ở những bệnh nhân bị kìm hãm miễn dịch. Đôi khi viêm gan E mạn có thể gây xơ hóa hoặc xơ gan (Behrendt P, 2014 [1]).
+ Các xét nghiệm chẩn đoán nhiễm bệnh viêm gan virus E
Vì những triệu chứng của viêm gan virus E cấp rất giống với triệu chứng của các viêm gan do virus khác nên không thể chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng để có thể chẩn đoán phân biệt viêm gan E với các loại viêm gan virus khác. Chẩn đoán nhiễm viêm gan E thường dựa vào việc phát hiện kháng thể IgM và IgG đặc hiệu với virus này trong máu (Hoofnagle JH, 2012 [5]).
Ngoài ra, một xét nghiệm nữa là phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược (reverse transcriptase polymerase: RT-PCR) có thể được thực hiện để phát hiện RNA của virus viêm gan E (HEV-RNA) trong máu và/ hoặc trong phân. Tuy nhiên, xét nghiệm HEV-RNA chỉ có thể được thực hiện ở các cơ sở xét nghiệm chuyên ngành.
Viêm gan E nên được nghi ngờ khi bùng phát bệnh viêm gan do nguồn nước bị ô nhiễm, thường xảy ra ở các nước đang phát triển, đặc biệt bệnh có thể nặng hơn ở phụ nữ mang thai.
Điều trị bệnh viêm gan E
Vì viêm gan E thường tự giới hạn mà không cần điều trị nên nói chung bệnh nhân nhiễm HEV không cần được nhập viện. Tuy nhiên, việc nhập viện là cần thiết đối với những người bị viêm gan virus E tối cấp và việc nhập viện cũng cần được xem xét đối với phụ nữ mang thai có triệu chứng nhiễm HEV.
Đối với viêm gan E cấp, cho đến nay, không loại thuốc nào có khả năng điều trị để làm thay đổi quá trình viêm gan E cấp tính. Các bác sĩ nên tư vấn các liệu pháp hỗ trợ. Bệnh nhân thường được khuyên nên nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng và chất lỏng, tránh uống rượu và cần xin tư vấn bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc có thể gây tổn thương gan, đặc biệt là acetaminophen.
Đối với viêm gan E mạn, mặc dù ribavirin không phải là thuốc được quy định để điều trị viêm gan E, một số tác giả cho rằng nó có thể sử dụng để điều trị viêm gan E mạn. Việc sử dụng liều lượng thấp của ribavirin trong khoảng ba tháng có khả năng làm sạch HEV trong máu ở khoảng hai phần ba số trường hợp viêm gan E mạn. Các phương pháp điều trị khác có thể gồm peginterferon hoặc kết hợp giữa peginterferon và ribavirin.
Sự nhiễm HEV mạn thường có liên quan đến liệu pháp kìm hãm miễn dịch, tuy nhiên, người ta còn biết rất ít về ảnh hưởng của các thuốc ức chế miễn dịch khác nhau trên sự nhiễm HEV mạn. Ở một số người được ghép tạng rắn, sự thải sạch vius có thể đạt được bằng cách làm giảm tạm thời mức độ kìm hãm miễn dịch (Ribaverin Kamar N, 2014 [6)
Phòng bệnh viêm gan E
– Phòng ngừa là phương pháp hiệu quả nhất để chống lại nhiễm viêm gan E (HEV)
– Ở mức độ quốc gia, nguy cơ lây nhiễm viêm gan E (HEV) có thể được làm giảm bằng cách:
+ Duy trì tiêu chuẩn chất lượng cho các nguồn nước công cộng
+ Xây dựng hệ thống xử lý thích hợp để loại bỏ các chất thải vệ sinh.
– Ở mức độ cá nhân, nguy cơ nhiễm HEV có thể làm giảm bằng cách:
+ Duy trì thói quen vệ sinh như rửa tay với nước sạch, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn;
+ Tránh nước hoặc nước đá mà chưa biết độ sạch.
+ Tôn trọng những yêu cầu về an toàn thực phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
– Về vấn đề sử dụng vaccin trong phòng chống viêm gan E (HEV):
+ Năm 2011, vaccin đầu tiên để phòng ngừa viêm gan virus E đã được đăng ký tại Trung Quốc (Li SW, 2015 [7]). Mặc dù vaccin này không có sẵn trên toàn cầu nhưng nó có khả năng có thể trở thành có sẵn ở một số quốc gia khác.
+ Nhóm tư vấn chiến lược của WHO về Miễn dịch đã ban hành một văn bản về viêm gan E trong năm 2015 đã đánh giá về gánh nặng của viêm gan E và về độ an toàn, miễn dịch, hiệu quả và giá cả của vaccin viêm gan E để cấp phép. Về việc sử dụng vaccin viêm gan E:
+ WHO ghi nhận tầm quan trọng của bệnh viêm gan E như là một vấn đề sức khỏe cộng đồng ở nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là ở các quần thể đặc biệt như phụ nữ và các cá nhân sống trong các trại dành cho người di tản và trong những tình huống bùng phát dịch bệnh.
+ WHO không đưa ra đề nghị về việc giới thiệu vaccin để sử dụng thường xuyên ở các chương trình quốc gia trong các cộng đồng, nơi dịch và bệnh viêm gan E chỉ xuất hiện lẻ tẻ. Tuy nhiên, nhà chức trách từng nước có thể quyết định sử dụng vaccin dựa vào tình hình dịch tễ cụ thể của địa phương.
+ Do còn thiếu thông tin đầy đủ về sự an toàn, khả năng tạo miễn dịch và hiệu quả của vaccin HEV, WHO khuyến cáo không nên sử dụng vaccin HEV một cách lan tràn (routine use) ở các nhóm nhỏ dân cư sau: các trẻ em <16 tuổi, phụ nữ có thai, bệnh nhân bị bệnh gan mạn tính, bệnh nhân đang trong danh sách chờ được ghép tạng và các khách du lịch.
+ WHO cũng cho rằng, không nên ngăn cản việc sử dụng vaccin trong những tình huống cụ thể , chẳng hạn trong những huống đặc biệt như nơi có nguy cơ bùng phát dịch viêm gan E, nơi có các biến chứng hoặc tử vong của viêm gan E là đặc biệt cao.
+ Ngoài ra, để ngăn ngừa và kiểm soát bệnh viêm gan virus E, WHO còn đề nghị các quốc gia: nâng cao nhận thức, xây dựng chính sách, thúc đẩy quan hệ đối tác, huy động các nguồn lực, phòng ngừa lây truyền, thực hiện tốt việc sàng lọc, quản lý, chăm sóc và điều trị những người bị nhiễm HEV.
Kết luận:
1, Virus viêm gan E (HEV) là một chuối đơn RNA có độ dài xấp xỉ 7,5 kilobase. Viêm gan E là thường tự giới hạn nhưng có thể phát triển thành viêm gan tối cấp, gây suy gan cấp.
2, Hàng năm trên thế giới có khoảng 20 triệu người bị nhiễm HEV và gây nên 56.600 ca tử vong.
3, Virus viêm gan E lây truyền qua đường phân-miệng, chủ yếu qua nguồn nước bị ô nhiễm.
4, Vì các triệu chứng của viêm gan virus E cấp rất giống với triệu chứng của các viêm gan do virus khác nên việc chẩn đoán viêm gan virus E cần dựa vào HEV IgM, HEV IgG và HEV RNA.
5, Về điều trị: viêm gan E là thường tự giới hạn và khỏi trong vòng 4-6 tuần nhưng có thể phát triển thành viêm gan tối cấp, gây suy gan cấp. Các thuốc điều trị viêm gan E mạn có thể được xem xét là ribavirin, peginterferon hoặc kết hợp peginterferon và ribavirin.
6, Phòng ngừa là phương pháp hiệu quả nhất để chống lại nhiễm HEV.
PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật – Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Mẩn ngứa là hiện tượng tự nhiên gây ra những phiền toái ảnh hưởng đến…
Trong hệ thống tiêu hoá, gan nằm gần hạ sườn bên phải vì vậy loại…
Đột nhiên thấy phân nhạt màu và lặp lại thường xuyên thì đây có thể…
Theo thống kê của Bộ Y Tế có đến khoảng 10-20% dân số cả nước…
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…