Y học Thể thao

Bệnh nhân hen nên tập luyện thể thao thế nào?

Bệnh hen suyễn là gì?

Hen suyễn là bệnh viêm mạn tính ở phế quản, quá trình viêm này có sự tham gia của nhiều tế bào và nhiều thành phần của tế bào. Viêm mạn tính đi kèm với sự nhạy cảm quá mức của đường dẫn khí làm cho người bệnh khó thở, nặng ngực và ho.

Hàng năm cứ đến đầu năm học, có không ít phụ huynh đưa con em đến các phòng khám để xin được cấp giấy miễn tập thể dục vì trẻ mắc bệnh hen. Sự lo lắng của các bậc cha mẹ này không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, gắng sức (khi tập thể dục thể thao chẳng hạn) có thể làm cơn hen bộc phát. Hiện tượng này đã được John-Floyer ghi nhận từ năm 1698 và được goị là hen gắng sức. Điều này không chỉ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển thể chất mà còn tác động không nhỏ đến phát triển tâm sinh lý cuả trẻ khi chúng không thể gắng sức, vui đùa như bạn bè cùng trang lứa.

Vậy câu hỏi đặt ra là: người mắc bệnh hen có thể tập luyện thể dục thể thao hay không?

Các yếu tố ảnh hưởng đến hen gắng sức :

Hen gắng sức là tình trạng rất thường gặp ở bệnh nhân hen: khoảng 70-90% bệnh nhân hen có tình trạng này. Người ta cũng ghi nhận là 50% bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng cũng có thể bị lên cơn hen khi gắng sức. Điều đặc biệt là khoảng 10-14 % trẻ bình thường cũng có thể đột nhiên bị lên cơn hen khi gắng sức dù trước đó có vẻ hoàn toàn khoẻ mạnh.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự khởi phát và mức độ nặng cuả hen gắng sức. Đó là :

1 – Bệnh hen được kiểm soát ở mức độ nào?

Nếu bệnh hen được điều trị phòng ngừa tốt, khi gắng sức bệnh nhân sẽ ít bị lên cơn hen hơn và ngược lại.

2 – Điều kiện môi trường xung quanh: các yếu tố thúc đẩy cơn hen xuất hiện khi gắng sức là: không khí lạnh, độ ẩm không khí thấp, các chất gây ô nhiễm không khí, bụi bặm, khói thuốc lá, khói bụi, khói xe và khí thải công nghiệp (đặc biệt là sulfure dioxide, nitrogen dioxide, ozone), các chất gây dị ứng bằng đường hít, các chất dạng hạt nhỏ li ti lơ lửng trong không khí, nhiễm trùng đường hô hấp, mệt mỏi, xúc cảm mạnh

3 – Đặc điểm của gắng sức:

Loại gắng sức: nếu gắng sức liên tục hoặc gần như liên tục thì hen gắng sức dễ xuất hiện hơn. Đó là trường hợp của các môn thể thao: thể dục nhịp điệu, chạy đua, đua xe đạp.

Cường độ gắng sức: Thường nếu chơi môn thể thao càng mạnh mẽ, thì khả năng lên cơn hen khi gắng sức càng lớn

Thời gian gắng sức

Cách phòng chống hen gắng sức :

Tránh gắng sức khi đang có triệu chứng hen.

1- Phòng ngừa bằng thuốc:

a – Điều trị ngay trước khi gắng sức (dùng 10-20 phút trước khi gắng sức)

Các thuốc dãn phế quản tác dụng nhanh bằng đường hít dưới dạng bình hít định liều (MDI) (Salbutamol): là thuốc hiệu quả nhất (hiệu quả đạt 80-95%) và là thuốc được lựa chọn hàng đầu. Đây cũng là loại thuốc được Tổ chức Olympic quốc tế (IOC) cho phép các vận động viên sử dụng trong thi đấu thể thao. Thời gian thuốc bắt đầu có tác dụng sau 5 phút, tác dụng đạt tối đa sau 15 phút, kéo dài 1-2 giờ , cũng có khi đạt được đến 3-4 giờ. Tuy nhiên, thuốc chỉ có hiệu quả nếu được sử dụng đúng kỹ thuật. Vì vậy, bệnh nhân cần phải được thầy thuốc hướng dẫn sử dụng cẩn thận. Thuốc dùng dưới dạng uống hiện không được khuyến cáo sử dụng vì kém hiệu quả.

Thuốc dãn phế quản tác dụng kéo dài (Salmetérol, Formotérol có trong các loaị thuốc phòng ngưà hen thế hệ mới loại “hai trong một“) cũng có hiệu quả nhưng thời gian tác dụng kéo dài hơn. Tuy nhiên, đối với vận động viên chuyên nghiệp thì cần lưu ý là các thuốc này có trong danh sách “doping“ và không được IOC chấp nhận sử dụng.

Thuốc đối kháng Leukotrien (Montelukast, Zafirlukast, Zileuton): có lợi điểm là dùng được bằng đường uống. Trong đó, Montelukast là thuốc có thể dùng an toàn cho trẻ em từ 6 tháng tuổi và được FDA cho phép sử dụng ở trẻ nhỏ.

b – Điều trị hen lâu dài: các loại corticoid dạng hít (Beclométhasone, Budesonide, Fluticasone). Bệnh nhân cũng cần được thầy thuốc hướng dẫn sử dụng cẩn thận để đạt được hiệu quả. Các loại thuốc này được IOC cho phép sử dụng nhưng phải có báo cáo trước.

2 – Làm nóng đúng mức: khởi đầu bằng đi bộ và các động tác nhẹ nhàng, mềm dẻo , sau đó chạy nhanh từng đoạn ngắn khoảng 30 giây, rồi nghỉ 60 giây. Có thể lập lại 2-3 lần. Thời gian khởi động trung bình từ 5 – 10 phút, người lớn tuổi thường cần khởi động kéo dài hơn. Cường độ gắng sức cần bắt đầu từ cường độ thấp, và tăng dần lên từ từ.

3 – Thay đổi môn thể dục thể thao phù hợp: Chìa khóa là chọn lựa môn thể thao mà người bệnh yêu thích và cảm thấy thoải mái, không bị lên cơn khi chơi.

Các môn thể dục – thể thao mà bệnh nhân suyễn thường chịu đựng được tốt là : các môn thể dục nhẹ nhàng, yoga, đi bộ, chạy cự ly ngắn.

Các môn chơi đồng đội (như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền) cũng thường phù hợp cho bệnh nhân hen

Các môn thể thao có những giai đoạn gắng sức ngắn (khoảng 10 giây) kèm giai đoạn nghỉ dài hơn (khoảng 30 giây) nối tiếp nhau (như quần vợt, cầu lông, bóng bàn) hiếm khi đưa đến hen gắng sức.

Trong khi đó, chạy cự ly dài (marathon, chạy băng đồng), đua xe đạp và đặc biệt là thể dục nhịp điệu dễ gây hen gắng sức hơn.

Bơi lội: tập bơi trong điều kiện trời ấm là phù hợp và rất tốt cho bệnh nhân hen vì họ được vận động trong môi trường ấm và ẩm vốn có lợi cho bệnh nhân hen. Tuy nhiên, nếu bơi khi trời lạnh, bơi trong các hồ bơi không đảm bảo vệ sinh hoặc có quá nhiều chất sát trùng (Chlor) lại làm bệnh nhân dễ lên cơn hơn.

Môn thể thao duy nhất mà bệnh nhân hen phải rất thận trọng khi chơi là môn lặn biển (scuba diving) vì có thể sẽ gặp nguy hiểm

4 – Tránh các yếu tố bất lợi từ môi trường: không nên tập luyện thể dục – thể thao ở nơi không khí ô nhiễm, nhiều buị bặm, phấn hoa, cỏ cũng như nơi có không khí lạnh, khô

5 – Làm nguội đúng mức: tránh ngưng gắng sức đột ngột vì có khi sẽ nguy hiểm với một số người. Nên làm nguội trong 10 phút , đôi khi lâu hơn

Kết luận

Tuy gắng sức là yếu tố có thể làm cơn hen khởi phát nhưng không vì thế mà bệnh nhân hen không được gắng sức, không được tập luyện, thi đấu thể dục – thể thao. Ngược lại, nhiều nghiên cưú gần đây lại cho thấy rằng việc tập luyện thể lực lâu dài sẽ góp phần giúp kiểm soát bệnh hen tốt hơn và giảm được tỷ lệ nhập viện vì hen.

Nếu thực hiện được những lời khuyên kể trên, người mắc bệnh hen có thể phòng ngừa cơn hen gắng sức một cách rất hiệu quả và còn có thể đạt được nhiều thành tích trong tập luyện, thi đấu. Thật vậy, gần 30% vận động viên Hoa Kỳ tham dự các kỳ Thế Vận Hội 1996 là những bệnh nhân hen và không ít người đã giành được những huy chương Olympic quý giá.

BS.Trần Anh Tuấn

Trưởng khoa Hô hấp –  BV Nhi Đồng 1 – TP. HCM

Bệnh nhân hen nên tập luyện thể thao thế nào

Bài liên quan: Leo cầu thang bộ giải pháp tuyệt vời cho sức khỏe có thể bạn chưa biết

Yhocvn.net

adminyhoc

Recent Posts

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

2 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

2 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

4 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago

Căng thẳng và sức khỏe đường tiêu hóa có liên quan như thế nào?

Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…

1 week ago

Sức khỏe đường ruột, mức năng lượng tối ưu với chúng ta

Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…

1 week ago