Bé đi viện ngày nắng gắt
Nhận số thứ tự khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương là 40, chị Dung bế con ngoài cửa phòng khám chờ lượt. 15h ngày 5/6, trời vẫn nắng gay gắt, mồ hôi mồ kê cả mẹ và con nhễ nhại, thi thoảng chị Dung lại nhỏm dậy nhìn bảng điện tử nhảy số, gương mặt lộ vẻ mệt mỏi. Ngồi một lúc, chị lại bế con đứng ngó nghiêng trước cửa phòng khám, sốt ruột. Cầm chiếc khăn xô, thỉnh thoảng chị lại lau lưng lau gáy cho con vì sợ ra mồ hôi nhiều thấm vào người nhiễm lạnh. Bên cạnh hai mẹ con, bà nội vẫn đội nguyên nón, mặc áo chống nắng, trên tay cầm chiếc quạt nhựa thổi mát cho cháu.
“Trời nắng gắt, thương con đi lại vất vả nhưng cháu sốt ngày thứ 2, có đờm, lại mới được 7 tháng tuổi nên tôi vẫn phải đưa đi khám”, chị Dung cho biết. Sáng chị sợ đông bệnh nhi nên đưa con đi khám vào buổi chiều, song không thể tránh cái nóng. Nhà cách Bệnh viện Nhi Trung ương khoảng 30 km, hai mẹ con chị phải thuê taxi đi khám.
“Bác sĩ nói cháu chỉ bị sốt virus, không viêm họng, viêm tai nên không có gì quá lo lắng, có thể do thời tiết mấy ngày vừa rồi nắng nóng quá”, chị Dung mừng vui chia sẻ sau khi bác sĩ thăm khám cho bé.
Cách chỗ mẹ con chị Dung không xa, chị Huyền (Hà Đông) vừa tranh thủ lúc đợi khám đã bù nước cho cậu con trai 15 tháng tuổi bằng cách dùng xilanh bơm nước orezol vào miệng bé. Hai mẹ con chị đi từ giữa trưa nên đến viện sớm, song cũng phải đợi gần một tiếng đồng hồ mới đến giờ bác sĩ làm việc.
Bé Minh Tuấn được mẹ đưa đi khám chiều 5/6 vì bị sốt ngày thứ 2. Ảnh: Nam Phương.
“Cháu bị nôn 3 ngày nay, chỉ uống được nước orezol. Bác sĩ nghi cháu bị rối loạn tiêu hóa”, chị Huyền chia sẻ khi cậu con ngồi xe đẩy cứ khó chịu nên khóc lóc ngằn ngặt.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những ngày nắng gắt vừa qua số trẻ đến khám, điều trị nội trú tăng nhẹ. Mỗi ngày bệnh viện có khoảng hơn 2.700 trẻ đến khám, gần 1.500 cháu nhập viện. Theo bác sĩ Trương Thúy Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), trẻ con đến khám chủ yếu do các bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy, suy nhược, sốt, không được cung cấp đủ nước. Thậm chí có nhiều cháu chuẩn bị đi viện thì bị ngất.
Bác sĩ khuyên, khi thời tiết quá nóng, nhà có điều hòa thì không nên để nhiệt độ chênh lệch quá 8 độ C so với nhiệt độ ngoài trời. Thông thường nhiệt độ phòng điều hòa 27-28 độ C là hợp lý nhất. Cha mẹ cần chú ý không nên cho trẻ chạy ra vào phòng điều hòa vì nhiệt độ trong và ngoài phòng thay đổi đột ngột có thể ảnh hưởng tới hệ thống hô hấp, thậm chí là da, hệ tiêu hóa của trẻ.
“Cha mẹ cần đảm bảo trẻ không bị nóng, không bị thấm mồ hôi; mũi miệng thông thoáng khi nằm điều hòa, mũi ẩm, miệng sạch”, bác sĩ Vinh khuyên. Để phòng bệnh, cho trẻ uống thêm nước orezol hoặc nước dừa thêm vài giọt chanh rất tốt cho sức khỏe.
Nam Phương
Nguồn: VnExpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…