Khi trẻ ngỗ ngược, làm trái những điều người lớn dạy, bố thường bày tỏ sự tức giận. Điều này không phải là xấu, cha mẹ cần làm để con cái hiểu chúng đã vượt giới hạn và phải điều chỉnh hành vi.
Tuy vậy, không phải người bố nào cũng biết bày tỏ sự tức giận một cách đúng đắn và chính đáng. Có người ”lên cơn điên”, miệt thị, thậm chí đánh đập con cái – dẫn đến hiềm khích giữa con trẻ và bố. Lại có người bố nhu nhược, chỉ đưa ra vài lời dọa dẫm, không có tính thuyết phục để răn đe trẻ. Thực chất, để bày tỏ sự tức giận một cách hữu hiệu đòi hỏi người bố phải rất bình tĩnh và suy nghĩ cẩn thận.
Giận dữ là gì?
Những người có khả năng điều khiển cơn giận có điểm chung: họ hiểu được tính chất của sự giận dữ. Về cơ bản, cơn giận của bố là phản ứng bất bình trước một hành động xấu của con: không nghe lời, quậy phá, hỗn hào, hay chỉ đơn giản là trẻ quấy… Người bố nên để ý xem điều gì thường châm ngòi cơn giận của mình, và yếu tố nào từ trẻ làm ông bực mình nhất. Xác định được yếu tố kích thích, người cha sẽ có khả năng lên kế hoạch trước để phản ứng một cách thích đáng khi giận dữ.
Khi cơn giận bắt đầu bùng nổ, con người sẽ trải qua một số phản ứng tâm lý và thể hiện qua các dấu hiệu trên cơ thể: tim đập nhanh dần, cảm thấy người nóng lên, cơ thể căng thẳng,… Nếu người bố nhận biết được các dấu hiệu này, họ có thể bắt đầu học kiềm chế cơn nóng giận trước con cái.
Kiềm chế
Một trong những điều hiếm người nhận ra, đó là chúng ta có khả năng can thiệp vào quá trình phản ứng của cảm xúc trước một yếu tố kích thích. Nói đơn giản, việc có nổi cơn nóng giận hay không, và đến mức nào, đều nằm trong sự kiểm soát của bản thân. Khi đã xác định được các yếu tố kích thích và dấu hiệu của sự nóng giận, người bố sẽ nắm được quyền lựa chọn cách bày tỏ cơn thịnh nộ của mình.
Thông thường, một người đàn ông nóng giận hay bày tỏ bằng các cử chỉ cơ thể bên ngoài, như la hét, quơ tay chân, tệ hơn là miệt thị con trẻ và các hành động bạo lực. Người bố phải hiểu rằng, phản ứng như thế sẽ đem đến hậu quả tai hại và phải lựa chọn cách thức kiềm chế cơn giận. Một lời khuyên rất phổ biến để giúp kiềm chế là khi ta nhận thấy các yếu tố kích thích cơn giận dữ, hãy dừng lại và đếm nhẩm từ 1 đến 10, rồi sau đó hãy nghĩ đến cách bày tỏ cảm xúc.
Bày tỏ thông điệp
Khi đã kiểm soát được cơn giận, ông bố phải điều chỉnh cách bày tỏ để chuyển thông điệp răn đe cho trẻ. Nhưng trước hết, hãy đặt bản thân mình vào vị trí của trẻ nhằm tìm hiểu tại sao con làm thế. Hiểu rồi, bố có thể đặt ra một hình phạt tương xứng, giúp trẻ nhận thức được làm như vậy là sai, và lần sau phải cư xử sao cho đúng. Cách tốt nhất để bộc lộ sự bất bình là sử dụng những câu nói bằng ngôi thứ nhất, với cấu trúc: “Bố cảm thấy rất giận/thất vọng/buồn vì lý do….”. Như thế trẻ sẽ vừa hiểu rõ được mình đã làm sai điều gì mà không cảm thấy bị đe dọa và sợ hãi.
Nhưng không phải lúc nào người cha cũng có thể dễ dàng điều khiển được những cơn giận bất chợt, nhất là khi họ đang chịu áp lực từ cuộc sống. Những lúc như thế, bố có thể tự tách mình ra khỏi tình huống gây giận dữ, như bỏ ra ngoài đi bộ vài vòng, không suy nghĩ nhiều về sự kiện khó chịu này. Khi đã “hạ nhiệt”, bố có thể bắt đầu suy nghĩ về cách phản ứng tiếp theo.
Việc kiềm chế cơn giận không dễ chút nào, nhưng đó là quyết tâm cần có cho những ông bố có con ngỗ nghịch. Đây là một trong những thử thách lớn nhất đối với người đàn ông, nhưng chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích.
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…