BS Nguyễn Trung Cấp, Phụ trách khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, bệnh nhân này vừa tái khám hôm 31/8, sau gần 2 tháng xuất viện. Tình trạng bệnh nhân ổn định khiến các bác sĩ rất vui mừng. Bởi cứu được bệnh nhân này thực sự là một “kỳ tích”. May mắn nữa là vì bệnh nhân có thẻ BHYT, nếu không gia đình người bệnh sẽ rất khó khăn trong lo trang trải ôố viện phí khổng lồ.
Theo đó, trước khi sinh con 3 tuần, bệnh nhân S đã xuất hiện đau đầu, buồn nôn, tri giác lơ mơ. Sinh xong thì chị S hôn mê hẳn và được chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới trung ương. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm màng não do nấm Cryptococcus Neoformans, bệnh lý chỉ xảy ra ở những người bị HIV giai đoạn cuối hoặc những người không mắc HIV nhưng hệ miễn dịch bị suy giảm rất trầm trọng.
Chị S không có bệnh lý HIV nên việc nhiễm căn bệnh này là vô cùng hiếm gặp. Theo BS Cấp, từ trước đến nay, những người không bị nhiễm HIV mà mắc bệnh viêm màng não do nấm Cryptococcus Neoformans như chị NTCS hầu như tử vong gần 100% bởi bệnh lý trầm trọng.
“Bệnh lý nặng đã đành, chi phí điều trị cũng khiến bác sĩ, người nhà bệnh nhân đau đầu bởi thời gian nằm viện lâu trong khi chi phí hằng ngày bao gồm kháng sinh chống bội nhiễm, các vật tư y tế và biện pháp kỹ thuật hồi sức lên đến 4-5 triệu đồng/ngày”, BS Cấp nói.
May mắn, bệnh nhân này lại có thẻ BHYT và được sự động viên của các y bác sĩ, gia đình quyết tâm điều trị cho người bệnh. Ròng rã hơn gần 4 tháng trời điều trị tích cực cộng với sự chăm sóc tận tâm của gia đình và nhân viên y tế, chị đã hồi phục trở về với gia đình. Toàn bộ quá trình điều trị với chi phí gần 500 triệu đã được BHYT thanh toán 80%. Nếu không có BHYT, bệnh nhân sẽ không thể chi trả chi phí điều trị khổng lồ như vậy.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện trong tổng số hơn 70% dân số tham gia BHYT, rất nhiều người là những bệnh nhân mắc bệnh nan y. Thực tế những năm qua, quỹ BHYT đã thanh toán, đảm bảo việc được điều trị cho hàng chục triệu người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi. Có những trường hợp được BHYT thanh toán vài trăm triệu, cá biệt có trường hợp thanh toán đến gần tỷ.
Tuy nhiên tỷ lệ gần 30% còn lại không có thẻ BHYT là nhóm người lao động tự do, hộ cận nghèo, nông dân, diêm dân… Hiện nay đây là đối tượng khó khăn nhất để ta có thể bao phủ BHYT. Bởi những người nghèo đã được nhà nước mua thẻ BHYT, viên chức thì đã có bảo hiểm xã hội. Với đối tượng này làm sao có thể bao phủ được là một thách thức lớn không chỉ của Việt Nam mà trên thế giới và họ cũng chính là những người phải chịu nhiều rủi ro nhất nếu không may bệnh trọng phải đi viện mà không có BHYT.
“Trong khi đó, người dân chưa hiểu hết ý nghĩa của việc tham gia BHYT. Khi tham gia BH, đóng mức rất thấp nhưng lợi rất lớn như những trường hợp bệnh nhân ung thư, suy thận, mắc các bệnh lý hiểm nghèo. Còn không tham gia BHYT, khi bị bệnh trở thành thảm họa với gia đình bởi chi phí y tế quá lớn mà không có BHYT chi trả. Nhất là những gia đình lao động nhỏ, thủ công, ở mức trung bình”, bà Tiến phân tích.
Theo nữ Bộ trưởng, BHYT toàn dân là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng và là nguồn tài chính vững bền để giúp cho chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vì thế, cần hướng tới việc thực hiện BHYT toàn dân để đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh của người dân. Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2015 BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 75% dân số và đến năm 2020 BHYT bao phủ 80% dân số.
Hồng Hải
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…