Thạc sĩ Trần Thanh Vinh, Trưởng Khoa Sinh hoá Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết hệ thống xét nghiệm tự động hoàn toàn vừa đi vào hoạt động sau 4 tháng chuẩn bị. Hệ thống có đủ công đoạn từ tiền phân tích, phân tích và hậu phân tích, tích hợp, đồng bộ hoá các máy lại với nhau dưới sự điều khiển và kiểm soát của một phần mềm chuyên dụng. Khi có kết quả hệ thống này sẽ tự lưu mẫu theo quy định.
“Điều này giúp rút ngắn một nửa thời gian thực hiện xét nghiệm, cho kết quả có độ chính xác cao, lượng máu phải lấy từ bệnh nhân cũng được giảm thiểu. Vận hành hệ thống xét nghiệm tự động này, bệnh viện chỉ cần từ 2-3 kỹ thuật viên”, bác sĩ Vinh phân tích. Đây là hệ thống máy có tốc độ băng chuyền nhanh nhất hiện nay, lên đến 3600 mẫu mỗi giờ. Hiệu suất xét nghiệm của hệ thống có khả năng thực hiện lên đến 200 loại xét nghiệm.
|
Hệ thống máy có tốc độ băng chuyền nhanh nhất hiện nay, lên đến 3600 mẫu/ giờ. Ảnh: T.P |
Với tình trạng quá tải của bệnh viện, mỗi ngày phải thực hiện khoảng hơn 4.000 mẫu xét nghiệm. Mỗi mẫu xét nghiệm trung bình có 10 chỉ số. Tức là các kỹ thuật viên của khoa cần thực hiện khoảng 40.000 xét nghiệm mỗi ngày cho cả bệnh nhân nội trú lẫn ngoại trú. “Đây là một khối lượng công việc khổng lồ. Dù đã huy động nhiều nhân viên nhưng khoa luôn trong tình trạng quá tải, đặc biệt là trong giờ cao điểm (8-11h) khiến người bệnh phải chờ đợi lâu”, bác sĩ Vinh nhận định.
Theo quy trình cũ, sau khi nhận mẫu, tuỳ từng chỉ định xét nghiệm của bác sĩ, người kỹ thuật viên phải kiểm tra, xử lý mẫu và chuyển đến máy xét nghiệm phù hợp. Thông thường sẽ có khoảng 3-4 máy: máy dành cho các xét nghiệm sinh hoá, máy điện giải đồ, máy làm các xét nghiệm về miễn dịch… Thời gian làm một mẫu xét nghiệm qua hết các quy trình kể trên phải mất trung bình từ 2-3 giờ đồng hồ. Vì các công đoạn chuyển tiếp làm thủ công, các loại máy hoạt động độc lập nên tốn kém nhân lực, thời gian và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
|
Vận hành hệ thống xét nghiệm tự động này, bệnh viện chỉ cần từ 2-3 kỹ thuật viên. Ảnh: T.P |
Theo bác sĩ Vinh, để lắp đặt được một hệ thống đầy đủ như vậy không đơn giản. Các đơn vị thường gặp phải trở ngại về cơ sở vật chất, vì hệ thống xét nghiệm liên hoàn này đòi hỏi một mặt bằng đủ rộng và các điều kiện kỹ thuật tốt. Mặt khác với các đơn vị ít bệnh nhân thì việc lắp đặt vận hành một hệ thống như vậy sẽ có nguy cơ không dùng hết công suất, kém hiệu quả. Vấn đề nhân lực để vận hành hiệu quả và chuẩn hóa các hệ thống hiện đại như vậy cũng cần được chú trọng đào tạo liên tục.
Phó giáo sư Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, dù hệ thống xét nghiệm được nâng cấp nhưng giá thành chi phí xét nghiệm cho người bệnh vẫn không đổi. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho gần 10.000 lượt bệnh nhân nội và ngoại trú, gây tình trạng quá tải. Việc đưa vào ứng dụng hệ thống xét nghiệm tự động hiện đại sẽ giúp giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân đồng thời góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị tại bệnh viện.
Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…