Hướng dẫn các bài tập cho bệnh cơ xương khớp, tim mạch với bàn nghiêng
Bàn nghiêng được sử dụng như một phương tiện trợ giúp cho người bệnh thực hiện các thay đổi tư thế từ nằm sang đứng thẳng. Kỹ thuật này được áp dụng rộng rãi không chỉ trong phục hồi chức năng mà còn trong nhiều chuyên khoa khác nhau với mục đích cung cấp cho người bệnh bài tập chịu trọng lượng giai đoạn sớm trước khi có thể tự mình đứng lên, đặc biệt trong những bệnh lý thần kinh, cơ xương khớp. Đồng thời bàn nghiêng còn được sử dụng trong phòng và điều trị hạ huyết áp tư thế (huyết áp hạ đột ngột khi chuyển từ tư thế nằm sang ngồi).
© Tác dụng sinh lý
– Phòng ngừa và điều trị co cứng/co rút các khớp háng, gối, cổ chân.
– Tăng sức mạnh cơ chi dưới.
– Phòng chống loãng xương thông qua các bài tập chịu trọng lực.
– Phòng chống huyết khối tĩnh mạch, ngăn ngừa hình thành cục máu đông.
– Tăng cường cảm giác, cảm thụ bản thể.
– Chức năng nhận thức được cải thiện khi người bệnh ở tư thế đứng thẳng.
– Tăng thông khí, cải thiện chức năng hô hấp.
– Tạo thuận lợi cho người bệnh thực hiện các bài tập vận động vùng đai vai, hai tay và tập hô hấp.
– Nếu đặt người bệnh ở tư thế nằm sấp hoặc đầu dốc xuống trên bàn nghiêng, có tác dụng trợ giúp thực hiện các kỹ thuật dẫn lưu tư thế và kéo dãn cơ vùng cột sống.
– Phòng tránh loét do giảm áp lực tì đè lên vùng da nếu người bệnh phải ngồi lâu.
– Phòng và điều trị tình trạng hạ huyết áp tư thế. Kỹ thuật này giúp người bệnh thay đổi tư thế từ từ, do đó các mạch máu co và dãn nở đáp ứng một cách thích hợp với sự thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi hoặc đứng dậy.
– Tạo thuận cho hoạt động bài xuất nước tiểu của thận, bàng quang.
Chỉ định tập với bàn nghiêng
– Bệnh lý thần kinh: các bệnh lý gây liệt vận động như liệt nửa người, liệt tủy, viêm đa rễ, dây thần kinh, xơ cứng rải rác…hoặc các bệnh lý gây rối loạn thăng bằng.
– Bệnh lý cơ xương khớp: co cứng hoặc co rút cơ khớp ở chi dưới, gãy xương đã bó bột hoặc phẫu thuật…
– Bệnh lý hô hấp: viêm phổi, viêm phế quản mạn tính…
– Bệnh lý tim mạch: hạ huyết áp tư thế…
– Người bệnh mắc các bệnh mạn tính, nằm bất động lâu.
Chống chỉ định tập với bàn nghiêng
– Người bệnh suy đa phủ tạng.
– Người bệnh đang trong giai đoạn cấp của các bệnh như thiếu máu cơ tim, suy hô
hấp, tai biến mạch máu não…
– Các chấn thương cấp chưa được xử trí như gãy xương, trật khớp, tổn thương phần mềm cấp.
Chuẩn bị con người và phương tiện
© Ngƣời thực hiện
Bác sĩ, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, điều dưỡng
© Phƣơng tiện
– Thực hiện kỹ thuật này ngay tại phòng bệnh, cạnh giường người bệnh.
– Kiểm tra lại toàn bộ hệ thống trục quay, dây đai cố định chắc chắn, đảm bảo hoạt động tốt.
© Ngƣời bệnh
– Kiểm tra lại các thông tin về tình trạng bệnh lý, đo mạch, huyết áp, nhịp thở, đánh giá tri giác nhận thức.
– Lượng giá trước điều trị bao gồm tình trạng đau, mức độ co cứng, tầm vận động khớp, cơ lực…
© Hồ sơ bệnh án: Đối chiếu lại người bệnh và chỉ định điều trị
Các bước tiến hành
+ Giải thích cho người bệnh rõ về mục đích và các bước tiến hành kỹ thuật. Hướng dẫn người bệnh cách tự theo dõi các biến chứng hoặc tác dụng phụ không mong muốn, hoặc các biểu hiện bệnh lý cần cấp cứu ngay trong khi thực hiện kỹ thuật.
+ Đặt người bệnh nằm ngửa trên bàn nghiêng, hai bàn chân đặt sát giá đỡ phía cuối. Cố định người bệnh chắc chắn trên bàn bằng cách sử dụng các dây đai vòng qua ngang qua ngực, hông và cẳng chân. Lưu ý không cố định quá chặt gây đau cho người bệnh hoặc cản trở lưu thông tuần hoàn máu.
+ Từ từ nâng bàn nghiêng theo hướng cho người bệnh từ từ đứng thẳng. Những lần đầu thực hiện kỹ thuật chỉ nâng bàn nghiêng dốc khoảng 10°-20°, sau đó trong những lần sau tăng dần lên 30°- 45° – 60° – 75° cho đến khi người bệnh có thể đứng thẳng. Thời gian thực hiện kỹ thuật cũng tăng dần từ 10 phút cho đến 30-45 phút tùy thuộc vào khả năng chịu đựng (thích nghi) của người bệnh nhưng không quá 45 phút.
+ Trong suốt quá trình thực hiện kỹ thuật này phải theo dõi huyết áp, mạch, đồng thời nhận định sự thích ứng hoặc phản ứng của người bệnh. Nếu người bệnh cảm thấy đau, khó chịu, chóng mặt hoặc nghi ngờ có hạ huyết áp tư thế thì phải giảm độ nâng của bàn nghiêng (góc quay).
+ Hết thời gian điều trị, từ từ hạ bàn nghiêng xuống trở lại vị trí nằm ngang. Lưu ý vẫn phải theo dõi phản ứng của người bệnh .
+ Tháo các dây đai cố định, để người bệnh tiếp tục nằm ngửa trên bàn nghiêng trong vòng 5 phút, sau đó mới đưa người bệnh trở lại vào giường nằm. Kết thúc một quy trình điều trị.
+ Có thể sử dụng kỹ thuật này 1- 2 lần/ngày.
+ Lượng giá lại thông số về mạch, huyết áp, nhịp thở, tình trạng đau, mức độ co cứng, tầm vận động khớp, cơ lực…sau điều trị
+ Ghi chép hồ sơ, phiếu theo dõi điều trị đầy đủ.
Theo dõi bệnh nhân với tập với bàn nghiêng
Trong suốt quá trình thực hiện kỹ thuật này phải theo dõi huyết áp, mạch, nhịp thở, sắc mặt, tình trạng tri giác của người bệnh nhằm phát hiện sớm các biến chứng hoặc tác dụng phụ không mong muốn xảy ra cho người bệnh.
Tai biến và xử trí trong khi tập với bàn nghiêng
– Tụt huyết áp tư thế: ngay lập tức đưa bàn nghiêng về vị trí nằm ngang ban đầu hoặc tư thế đầu dốc 10 độ. Đo lại huyết áp, có thể truyền dịch để nâng huyết áp.
– Người bệnh đau: kiểm tra lại hệ thống dây đai cố định, tư thế người bệnh trên bàn nghiêng, vị trí hai bàn chân đặt trên giá đỡ có đúng không. Nêu không có sai sót gì, có thể hạ thấp bàn nghiêng xuống một chút.
Yhocvn.net (trích theo hướng dẫn tập với bàn nghiêng cho bệnh cơ xương khớp, tim mạch của Bộ Y tế)
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…