Chia sẻ trong buổi Tư vấn trực tuyến “Bí quyết sống vui khỏe tuổi 50” diễn ra trên Báo điện tử VnExpress, chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai khuyên lứa tuổi cao niên nên duy trì những hoạt động thể chất như: tập thể dục, yoga, thiền; các hoạt động về trí lực: đọc một vài trang sách, xem một bộ phim hay, nghe bản nhạc yêu thích, viết hồi ký, tham gia các hoạt động thiện nguyện… để thêm yêu đời, thấy bản thân còn có ích cho gia đình, xã hội.
Tuổi 50 cũng là lúc cơ thể giảm khối cơ xương, tăng khối mỡ và thiếu vi chất dinh dưỡng, gây ra các hiện tượng mệt mỏi, cảm cúm khi thời tiết thay đổi, ăn không ngon miệng. Do đó, Tiến sĩ, bác sĩ Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy khuyên, chế độ ăn của tuổi trung niên cần ít tinh bột, tăng lượng thịt, cá, đậu, đỗ, cá.
Dưới đây là phần tư vấn của chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai và bác sĩ Lưu Ngân Tâm.
– Tôi năm nay 58 tuổi, đã về hưu và đang sống cùng với con trai và con dâu. Các con tôi bận cả ngày nên tôi cũng muốn thi thoảng làm việc nhà và trông con giúp các cháu. Tôi cũng vui vẻ và có việc gì làm cho chân tay bận rộn bớt buồn. Tuy nhiên, cháu đã hơn một tuổi, khá nghịch ngợm nên tôi ngày càng cảm thấy mệt mỏi. Tôi muốn bàn với các con tìm cách nào khác nhưng cũng khó mở lời với chúng nó, mà thuê người giúp việc hoặc gửi cháu đi trẻ thì cũng cảm thấy không yên tâm. Nhờ chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai cho tôi lời khuyên. (Nguyễn Thị Vinh)
– Thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai:
Chào chị,
Về hưu, được sống với con cháu là một niềm hạnh phúc. Tuy nhiên, giai đoạn này, sức khỏe của chúng ta đã có nhiều thay đổi, vì thế đôi khi lực bất tòng tâm. Làm công việc nhà và chơi với cháu là một hoạt động khiến chị cảm thấy vui hơn. Song, ông bà ta có câu “trẻ nuôi con, già chơi với cháu”, vì thế, chị nên cân đối giữa việc chăm sóc và chơi với cháu cho phù hợp. Nếu cảm thấy sức khỏe không thoải mái, chị đừng ngại đặt vấn đề thẳng thắn với các con. Việc tìm người giúp việc cũng là một giải pháp phù hợp cho hoàn cảnh của chị hiện tại, người giúp việc chia sẻ những công việc mà chị không đảm đương được, để chị có thời gian giữ gìn sức khỏe và chơi đùa với cháu.
Khi thấy bà cháu đều khỏe mạnh, vui vẻ, nhà cửa sạch sẽ thì các con sẽ yên tâm và ủng hộ giải pháp của chị.
|
Tiến sĩ, bác sĩ Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy (bên trái) và chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai (bên phải). Ảnh: Hà Mai. |
– Tôi đã về hưu được một năm, trước đây tôi làm giáo viên Anh ngữ. Tôi muốn hẹn hò bạn bè cùng đi cà phê để có người chia sẻ, chuyện trò nhưng các con không cho vì sợ xe cộ, đường sá và sức khỏe không cho phép nên cứ bảo tôi ở nhà. Tôi cảm thấy buồn và tâm trạng cô đơn vì con cái đi làm cả ngày, tôi nên làm gì để tâm trạng mình vui hơn? (Trần Thị Oanh)
– Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai:
Chào chị,
Với tuổi của chị, nếu có chế độ dinh dưỡng phù hợp thì vấn đề sức khỏe chưa có gì đáng phải bận tâm. Việc gặp gỡ bạn bè, chia sẻ vui buồn cuộc sống là một nhu cầu chính đáng, chỉ cần chị lưu ý chọn cho mình phương tiện di chuyện thích hợp và an toàn để tạo sự yên tâm cho các con.
Nếu cứ giam mình trong nhà, đúng như chị nói sẽ rất buồn và cô đơn. Ngoài ra, tôi xin gợi ý với chị vài chọn lựa như: chị có thể mở lớp dạy Anh ngữ ở nhà; tập thể dục; tham gia các hoạt động đoàn thể tại địa phương; đi du lịch, hành hương… Vừa có công việc ở nhà, vừa đi đây đó sẽ khiến đời sống chị cân bằng hơn.
Chúc chị vui, khỏe.
– Có nên cho người lớn tuổi dùng nhiều thịt bò không? Ba mẹ tôi năm nay trên 60. (Ngọc Diệp, Hà Nội)
– Tiến sĩ, bác sĩ Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy:
Chào bạn,
Ba mẹ bạn có thể dùng các món từ thịt bò vẫn tốt nếu không bị rối loạn chuyển hóa acid uric, không bị các bệnh lý như suy thận hay rối loạn chuyển hóa mỡ. Tuy nhiên, không nên ăn hàng ngày mà cần đa dạng thực phẩm, món ăn.
– Mẹ tôi cứ hay bị rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu, thường xuyên bị đầy hơi, trướng bụng, và táo bón. Tôi nên phân bổ thực đơn và mua những thực phẩm nào tốt cho sức khỏe của người lớn và không bị các triệu chứng nói trên nữa? (Hà Hương Điệp, Hồ Chí Minh)
– Bác sĩ Lưu Ngân Tâm:
Chào Điệp,
Bạn nên cho mẹ đi khám chuyên khoa Tiêu hóa vì có thể bác đang mắc bệnh lý ở dạ dày, ruột. Người lớn tuổi không nên ăn quá nhiều dầu mỡ (hạn chế chiên xào), kiêng thức ăn chua, cay, nhiều gia vị, hạn chế các thức ăn sinh hơi nhiều như thức uống có gas, bắp cải, các loại rau cải.
Không nên ăn một bữa quá no. Mỗi bữa ăn chừng mực, có thể các bữa chính và một hay hai bữa phụ.
– Tuổi 50 trở lên có phải rất dễ bị đột quỵ, tai biến? Nên ăn uống chế độ nhưng thế nào và những thực phẩm gì để ngăn ngừa chứng tai biến này? (HÀ THỊ THANH THƯ, Đà Nẵng)
– Bác sĩ Lưu Ngân Tâm:
Chào Thư,
Các bệnh lý tim mạch thường xuất hiện ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, để giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn cần có chế độ ăn như:
1. Không ăn quá no, ăn vừa đủ để tránh thừa cân, béo phì.
2. Hạn chế ăn những thức ăn chứa nhiều chất béo như giàu cholesterol, béo bão hòa (từ mỡ, magarine, mayonase hay thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều béo chuyển đổi).
3. Tăng cường ăn rau củ quả tươi.
4. Ăn nhạt.
5. Tập luyện thể chất đều đặn.
– Tôi nghe nói về già tâm trạng không tốt, thường xuyên chán nản, mệt mỏi… Điều này khiến người già dễ bị các bệnh về tim mạch và chứng mau quên có đúng không? Làm thế nào để sống an vui, tâm lý tốt khi bản thân đang nhận thấy mình thừa thải trong chính gia đình mình? (Lý thị Thận)
– Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai:
Chào chị,
Bất cứ ai mà trạng thái tinh thần không tốt, thì đều thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chán nản chứ không riêng gì người cao tuổi. Chị không cho biết hiện nay đang sống với ai nhưng chính cảm giác thừa thải trong gia đình cho biết chị đang khá nhàn rỗi. Trước hết, chị nên tạo cho mình những công việc yêu thích và phù hợp với sức khỏe như: chăm sóc cây cảnh, đọc sách, xem phim, gặp gỡ bạn bè, vui chơi với các cháu, hay chị có thể nấu những món ăn yêu thích cho cả gia đình… Chính những công việc này sẽ đẩy lùi cảm giác cô đơn, giúp khắc phục chứng hay quên ở người lớn tuổi.
Ngoài ra, chị đừng quên chăm sóc bản thân bằng chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp. Chúc chị mạnh khỏe và an vui.
|
Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai. Ảnh: Hà Mai. |
– Tôi 52 tuổi, thường xuyên bị nhức mỏi và đang bị cholesterol cao, người ta có chỉ tôi nấu lá mật gấu để uống sẽ giảm thì có đúng không? Tôi đang rất lo lắng, nhờ các chuyên gia và bác sĩ tư vấn giúp! (Nguyễn Thị Ngọc Phương, Hồ Chí Minh)
– Bác sĩ Lưu Ngân Tâm:
Chào bạn,
Bạn đang bị rối loạn chuyển hóa mỡ và có thể bị thoái hóa khớp hoặc loãng xương. Tốt nhất bạn nên đi khám để tìm nguyên nhân.
Tuy nhiên, trong điều trị tăng cholesterol thì không thể thiếu thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện. Có thể bác sĩ điều trị cho bạn dùng thuốc để giảm cholesterol máu.
Bạn nên ăn thịt nạc (bỏ da, bỏ mỡ), tránh ăn đồ lòng, hải sản, tăng cường rau củ quả…
Về việc lá mật gấu có giảm cholesterol hay không thì chưa được khoa học chứng minh.
– Nam giới ở độ tuổi 50 trở lên nên ăn uống gì để tăng cường sinh lực? Xin cám ơn. (Văn Minh, Hồ Chí Minh)
– Bác sĩ Lưu Ngân Tâm:
Chào bạn,
Có nhiều yếu tố tác động đến sinh lực ở nam giới, đó là tình trạng dinh dưỡng (không béo phì, không mắc bệnh lý (cao huyết áp, đái tháo đường, suy thận…), cuộc sống ít căng thẳng, hạn chế bia rượu, thuốc lá… Bạn cũng nên vận động thể chất đều đặn để duy trì sức khỏe.
– Tôi cũng lớn tuổi rồi, mới về hưu và đang phụ con gái giữ cháu. Nhưng việc giữ cháu khiến tôi và con có nhiều xích mích vì bất đồng quan niệm chăm trẻ, do vậy con tôi thường cáu bẳn và gắt gỏng, lớn tiếng khiến tôi cảm thấy rất buồn phiền và tủi thân, cảm giác thừa thải. Tôi nên nói chuyện với con mình như thế nào để con hiểu và cải thiện mối quan hệ của hai mẹ con? Mong chuyên gia tâm lý giúp đỡ. Xin cảm ơn (Nguyễn Thị Huyền Trang)
– Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai:
Chào chị,
Đây là tình trạng phổ biến trong các gia đình có ba thế hệ cùng chung sống. Tôi rất thông cảm khi chị chia sẻ công việc gia đình với con cái, cụ thể là trong việc chăm sóc cháu. Tuy nhiên, hai thế hệ sẽ có hai quan niệm nuôi dạy con trẻ khác nhau là điều bình thường.
Chúng ta nên tôn trọng các con, vì thế cần trao đổi và thống nhất, phân công rõ ràng phần nào của cha mẹ, phần nào bà sẽ chăm lo cho cháu để tránh mâu thuẫn không đáng có. Ví dụ, về chế độ ăn của trẻ, cần đến tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng; về giáo dục thì cần có các chuyên gia tâm lý, giáo dục. Khi biết lắng nghe nhau và đặt lợi ích nuôi dạy trẻ lên hàng đầu sẽ giúp chúng ta tránh được những bất đồng.
Ngoài ra, chị cần chú ý tới sức khỏe bản thân và các hoạt động giải trí để có tâm lý cân bằng. Chúc chị thành công.
– Bác sĩ cho tôi hỏi, ba mẹ tôi năm nay đã ngoài 50, hai người hay uống các thức uống từ các loại lá như khổ qua rừng, sa kê, trà dây (thường là nghe người ta đồn tốt rồi uống)… Liệu uống liên tục các loại thức uống như vậy liên tục thì có gặp vấn đề gì hay không? Và kết hợp với uống sữa trong ngày thì có ảnh hưởng sức khỏe hay không?
Xin cảm ơn! (Nguyễn Văn Phú , 35 tuổi, Q.10 Tp. HCM)
– Bác sĩ Lưu Ngân Tâm:
Chào bạn,
Các loại lá như bạn kể thường vô hại, có thể chứa một ít chất khoáng và vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, có cải thiện hay phòng bệnh hay không thì cần có những chứng cứ khoa học.
Bổ sung sữa dinh dưỡng trong ngày cho ba mẹ đã ngoài 50 là hợp lý nếu sữa đó giàu đạm, khoáng chất và cân đối vi chất.
– Ba tôi được chẩn đoán là có khả năng viêm đường tiết niệu, vậy nên chú trọng và để ý gì trong khâu dinh dưỡng để tránh bị viêm đường tiết niệu, đảm bảo sức khỏe tốt? Ba tôi 65 tuổi. Cám ơn bác sĩ. (Lê Thị Minh)
– Bác sĩ Lưu Ngân Tâm:
Chào bạn,
Với tình trạng bệnh lý như vậy thì ba bạn nên uống nhiều nước trong ngày (nếu không có suy thận) và nên uống thuốc theo toa.
Chế độ dinh dưỡng cũng không có gì đặc biệt trong bệnh lý này.
|
Bác sĩ Lưu Ngân Tâm. Ảnh: Hà Mai. |
– Tôi từ lúc nghỉ hưu đến nay cứ hay mất ngủ, mệt mỏi, khó tập trung, lo âu, hay quên, thay đổi tính tình và rất dễ tủi thân khi ai nói đến tuổi già hay bệnh tật của bản thân. Nhờ chuyên gia tư vấn cách để vui vẻ và sống ý nghĩa hơn. Cám ơn chương trình tư vấn. (Trần Từ Hồng Lam, TP.HCM, Quận Tân Bình)
– Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai:
Chào chị,
Ông bà mình có câu “trẻ khỏe, già yếu”, đối với người cao tuổi có những hiện tượng như chị nêu ở trên là điều tự nhiên. Tuy nhiên, chị cần chú ý những hiện tượng đang xảy ra chỉ có từ khi chị nghỉ hưu, phải chăng hiện nay chị đang khá nhàn rỗi. Vì thế, mỗi ngày chị nên có những hoạt động về thể chất như: tập thể dục, yoga, thiền; các hoạt động về trí lực: đọc một vài trang sách, xem một bộ phim hay, nghe bản nhạc yêu thích, viết hồi ký, tham gia các hoạt động thiện nguyện… để thấy mình may mắn.
Ý thức và chấp nhận những hạn chế của tuổi tác để chăm sóc bản thân thật tốt cũng là cách đẩy lùi những suy nghĩ tiêu cực.
Chúc chị bình an.
– Thưa chuyên gia Lý Thị Mai và bác sĩ Ngân Tâm, tôi năm nay 47 tuổi và hiện tại vẫn đang công tác. Gia đình tôi hạnh phúc, yên ổn, con lớn đã học xong đại học đi làm. Tuy nhiên, gần đây tôi thấy có nhiều dấu hiệu sức khỏe giảm sút, nhiều lúc tim đập nhanh, mệt mỏi không rõ nguyên nhân. Tinh thần cũng không còn được vui vẻ như trước mà dễ cáu bẳn. Đến lúc chồng con nhẹ nhàng góp ý là dạo này mẹ “khó tính”, bảo tôi nên nghỉ ngơi nhiều hơn, mua tặng đồ ăn ngon và sữa Ensure Gold cho uống, tôi mới nhận ra là mình thay đổi so với hồi mới chớm 40 tuổi thật. Không biết những dấu hiệu của tôi có phải là bình thường ở tuổi này hay cần đi khám vì là dấu hiệu bệnh lý? (Cô Lành, 47 tuổi)
– Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai:
Chào em,
Khi sắp bước sang tuổi 50, ai cũng có những thay đổi về thể chất và tâm lý rất đáng kể. Đặc biệt đối với phụ nữ, làn da đã bắt đầu xuất hiện những vết nám, đồi mồi. Cơ thể không còn săn chắc, gọn gàng, hay bị đau nhức cơ xương khớp, cao huyết áp, xuất hiện hội chứng tiền mãn kinh và mãn kinh… tạo nên những thay đổi về sinh hoạt, lối sống lại còn sắp phải đối mặt với tuổi về hưu, con cái trưởng thành đã ra riêng, tổ ấm gia đình ngày nào bây giờ là “tổ trống” chỉ còn hai vợ chồng nên rất dễ rơi vào trạng thái bi quan và chán nản.
Nếu giai đoạn tuổi 40 là lứa tuổi sung mãn tràn đầy sinh lưc và thành công thì tuổi 50 là lứa tuổi chuyển tiếp sang một giai đoạn mà tất cả đều suy giảm theo quy luật tự nhiên, vì vậy em cần phải chú ý nhiều hơn đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Nên có một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và luôn tập suy nghĩ lạc quan vui vẻ để sắp xếp cuộc sống được bình an, hạnh phúc.
Bác sĩ Lưu Ngân Tâm:
Chào chị,
Về mặt thể chất, cấu trúc cơ thể của người có tuổi có khuynh hướng giảm khối cơ xương, tăng khối mỡ và thiếu vi chất dinh dưỡng, gây ra các hiện tượng mệt mỏi, cảm cúm khi thời tiết thay đổi, ăn không ngon miệng. Để cải thiện hoặc tránh được tình trạng này chị nên ăn ít tinh bột lại, tăng lượng thịt, cá, đậu, đỗ. Ăn cá thường xuyên rất tốt cho sức khỏe, có thể ăn trung bình 5 lần mỗi tuần; bổ sung và chọn các loại thức ăn giàu canxi. Sữa ít béo cũng là một nguồn cung cấp canxi và đạm tốt. Ngoài ra, chị hãy tránh những thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ.
Song song với chế độ dinh dưỡng, chị nên vận động thường xuyên như đi bộ nhanh, đi xe đạp, thể dục dưỡng sinh hoặc tập tạ nhẹ.
– Tôi năm nay 61 tuổi còn bà xã 57. Hai vợ chồng tôi ở chung với con, con cái đi làm cả ngày. Trước đây tôi cứ nghĩ đến viễn cảnh hai vợ chồng cùng về hưu, nhàn hơn, không vướng bận công việc sẽ có nhiều thời gian để tận hưởng. Nhưng thực tế không như vậy, sau khi về hưu bà xã dạo này nhiều tâm sự và có phần buồn bã. Bản thân tôi cũng thấy chán nản mặc dù không nói ra. Hai vợ chồng hầu như không ra khỏi nhà vì không biết đi đâu, làm gì. Nhờ chuyên gia tâm lý và bác sĩ tư vấn cho vợ chồng tôi một số bí quyết để sống vui vẻ, yêu đời hơn. (Chú Nguyễn Văn T., 61 tuổi, Nha Trang)
– Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai:
Chào em,
Khi đã về hưu, thời gian rảnh rỗi nhiều hơn nhưng mối quan hệ xã hội lại dần thu hẹp nên thường phải đối mặt với “hội chứng cô đơn”, vì thế dễ nảy sinh những ý nghĩ tiêu cực, chểnh mảng trong sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ không hợp lý. Sức khỏe thể chất và tinh thần vì thế càng lúc càng trở nên suy yếu.
Ở nam giới tuy không có những thay đổi rõ rệt như phụ nữ nhưng sức khỏe và tinh thần cũng không còn độ sung mãn trong mọi lĩnh vực.
Vì thế, nhiều người bước vào tuổi như vợ chồng em dần dần trở nên ngại giao tiếp, dễ mặc cảm tự ti mình không còn hữu dụng. Để tránh tâm lý này ngoài công việc gia đình, các em nên tích cực tham gia vào hoạt động của các đoàn thể xã hội tại địa phương để có dịp đóng góp những kinh nghiệm đáng quý cho cuộc đời thêm tươi đẹp và ý nghĩa.
Bác sĩ Lưu Ngân Tâm:
Chào anh,
Anh chị có thể thay đổi thói quen ăn uống, dinh dưỡng và tập luyện để có sức khỏe tốt. Sức khỏe tốt cũng là một yếu tố giúp cho tinh thần thoải mái và tâm lý vui vẻ hơn ở độ tuổi anh. Người lớn tuổi có sự thay đổi so với thời trẻ như giảm khối cơ xương, tăng khối mỡ và thường thiếu vi chất dinh dưỡng. Để cải thiện tình trạng này, cần bớt lại lượng tinh bột, tăng lượng thịt, cá, đậu đỗ; ăn cá thường xuyên hơn: trung bình 5 lần trong tuần. Anh nên tránh thức ăn béo (dầu, mỡ), chọn thức ăn giàu canxi: loại cá nào xương nhỏ hoặc có thể ăn luôn xương… sữa giàu canxi, đạm.
Ngoài chế độ dinh dưỡng, anh chị nên kết hợp vận động như đi bộ nhanh, đi xe đạp, tập thể dục dưỡng sinh hay tập tạ nhẹ. Thời gian tập luyện tốt nhất là 20-30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần. Chúc vợ chồng anh khỏe mạnh và hạnh phúc.
– Tôi thấy ông bà tôi dễ mắc bệnh cảm, cúm, mất ngủ làm tăng huyết áp, giảm đề kháng… Nếu muốn tăng cường sức đề kháng thì cần phải tham gia các hoạt động thể thao thế nào và nên ăn gì? Tôi có mua quả óc chó về để ông bà ăn nhưng không biết nên ăn liều lượng thế nào? (Lê Thị Kim Liên)
– Bác sĩ Lưu Ngân Tâm:
Chào bạn,
Loại tập luyện phù hợp cho người lớn tuổi thường là đi bộ (tốc độ nhanh theo khả năng, đi xe đạp, tập yoga nhẹ), hoặc tập luyện đối kháng (dùng tạ nhẹ để tập cơ tay hay dụng cụ để tập cơ chân…). Ngoài việc tập luyện làm tăng sức đề kháng thì thức ăn như các loại trái cây giàu vitamin C, rau củ quả màu đậm (tự nhiên). Cũng không nên để bị suy dinh dưỡng (thường hay gặp ở người lớn tuổi) bằng chế độ ăn đầy đủ các chất, thay đổi thường xuyên thực phẩm và ăn thực phẩm sạch.
Quả óc chó chứa nhiều acid béo tốt, giúp phòng bệnh rối loạn chuyển hóa mỡ, giàu chất xơ và vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, không nên ăn nhiều, thường với một khẩu phần ăn trong ngày đã có chất béo (ví dụ từ dầu ăn) thì lượng quả óc chó có thể khoảng 3-5 quả trong ngày.
– Nhờ chuyên gia tư vấn giúp nên hạn chế ăn những thực phẩm hay liều lượng như thế nào để hạn chế nguy cơ tăng huyết áp và đột quỵ? (Nguyễn Thị Minh Tâm)
– Bác sĩ Lưu Ngân Tâm:
Chào bạn,
Để giảm nguy cơ cao huyết áp và đột quỵ thì bạn nên:
– Không để thừa cân, béo phì (đặc biệt béo bụng).
– Hạn chế ăn tối đa các thức ăn nhiều mỡ, giàu cholesterol như mỡ heo, mỡ bò, da gà… Thay vào đó dùng thường xuyên các loại dầu như dầu nành, dầu cải, dầu oliu với liều lượng vừa phải.
– Nên nêm thức ăn nhạt (không nên quá 6gr muối trong ngày, dưới 1 muỗng cà phê muối ăn). Hạn chế nêm mì chính, hạt nêm vì những gia vị này cũng chưa nhiều sodium (Natri). Bạn cũng không nên thường xuyên ăn các thức ăn nhanh, đồ hộp, mắm, khô.
– Nên tăng cường các loại rau củ quả tươi, trung bình trong ngày khoảng 400-500gr.
|
Toàn cảnh buổi tư vấn trực tuyến. Ảnh: Hà Mai. |
– Chào chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai. Tôi sinh năm 1954 và đã về hưu được 2 năm. Tôi vẫn còn sức khỏe nên vẫn muốn làm việc, không đặt nặng vấn đề kinh tế nhưng chủ yếu là để thấy bản thân có ích. Tuy nhiên những công việc chuyên môn thì phần nhiều lại dành cho người trẻ tuổi hơn (tôi là giảng viên bộ môn luật ở trường đại học). Theo chuyên gia, tôi nên làm công việc gì để cuộc sống có ý nghĩa mà không quá áp lực và ảnh hưởng đến sức khỏe? (Phạm Ngọc Kỳ, Hồ Chí Minh)
– Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai:
Chào anh,
Chúc mừng anh đã về hưu nhưng sức khỏe vẫn còn tốt. Là giảng viên đại học, có học vị và tâm huyết, tuy không còn đứng trên bục giảng nhưng anh vẫn có thể viết sách để truyền những kinh nghiệm cho thế hệ học trò; viết hồi ký, viết báo, tư vấn pháp luật cho cộng đồng… Ngoài ra, hoạt động thiện nguyện sẽ giúp anh có thêm những quan hệ xã hội. Anh cũng có thể tham gia các câu lạc bộ của người cao tuổi, câu lạc bộ dành cho giáo chức để tiếp tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và có cơ hội giao lưu với mọi người.
Một vài gợi ý, hy vọng anh sớm tìm được niềm vui, sự thanh thản khi thấy mình còn tiếp tục cống hiến những điều tốt đẹp cho cuộc đời.
– Đối với người già thì nhờ chuyên gia tư vấn nên chọn loại sữa nào phù hợp để uống kèm, hỗ trợ dinh dưỡng, bổ sung dưỡng chất?
Nên chọn loại sữa nước đóng chai hay sữa bột tốt hơn? Nếu mỗi ngày uống một cốc sữa dinh dưỡng như vậy thì khẩu phần ăn có nên hạn chế lại bớt các thực phẩm có quá nhiều dinh dưỡng không, vì tôi nghe nói người già thì khả năng lọc độc chất và thải các chất thừa yếu đi rất nhiều? (Nguyễn Thị Hạnh)
– Bác sĩ Lưu Ngân Tâm:
Chào Hạnh,
Người già thường có tình trạng teo cơ, thừa mỡ, thiếu chất khoáng (đặc biệt là canxi, magiê…), thiếu vi chất như vitamin, đồng thời cũng không ít người lại hay chán ăn do trong ngày phải uống quá nhiều thuốc cho nhiều loại bệnh lý. Do đó, việc bổ sung sữa thường là cần thiết nhằm cải thiện việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường sức khỏe.
Như vậy, bạn nên chọn loại sữa với nguồn năng lượng chuẩn (1ml = 1 kcal) hàm lượng đạm cao, chất béo với hàm lượng vừa đủ và loại chất béo tốt (như acid béo không bão hòa một hay nhiều nối đôi) ít cholesterol, đồng thời sữa đó phải chứa đầy đủ và cân đối các vi chất dinh dưỡng. Thông thường bạn có thể bổ sung cho cha mẹ hoặc ông bà 1-2 ly sữa trong ngày.
Nếu cùng một công thức dinh dưỡng, sữa nước hay sữa bột đều hiệu quả như nhau. Chỉ khác nhau về tính tiện lợi, đặc biệt rất có lợi cho người lớn tuổi có tình trạng mệt mỏi, việc chăm sóc từ gia đình cũng hạn chế.
Bổ sung sữa dinh dưỡng có chất lượng tốt sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe cho người lớn tuổi, trừ khi có mắc bệnh như suy thận.
– Chồng tôi thường xuyên cáu bẳn, nóng tính, hay nổi giận… và mệt mỏi, chán nản, ít nói. Năm nay chồng tôi 58 tuổi, liệu rằng việc này do tâm lý hay do sức khỏe? Tình trạng này bắt đầu từ cuối năm ngoái. Tôi có thể làm gì để chồng tôi trở lại vui vẻ bình thường? Tôi đã thuyết phục đi khám tổng quát nhưng không chịu và không chia sẻ thêm. (Lê Thị Lệ Minh, Quận 8)
– Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai:
Chào chị,
Ở tuổi 58, chồng chị có những hiện tượng như trên là do cả hai yếu tố tâm lý và sức khỏe. Chị thử kiểm tra lại chế độ dinh dưỡng của anh gần đây có phù hợp không, không ai có thể vui khi cơ thể không khỏe, ăn không ngon. Chị chịu khó thay đổi thực đơn phong phú và đa dạng để anh cảm thấy ngon miệng hơn.
Một vấn đề tế nhị nữa có thể xuất phát từ quan hệ chăn gối của hai vợ chồng. Xin hỏi nhỏ, chị có chểnh mảng hoặc từ chối nhu cầu chính đáng của chồng? Đôi khi, sự thiếu cân bằng trong hoạt động tình dục cũng dễ khiến nam giới có những biểu hiện như chị môt tả.
Ngoài ra, chị nên quan tâm, thủ thỉ chuyện trò nhiều hơn với anh, tăng cường chồng đâu vợ đó và đừng quên “con chăm cha không bằng bà chăm ông”.
– Mẹ tôi năm nay 53 tuổi, dạo này tôi thấy rụng tóc rất nhiều, đêm thì hay mất ngủ, ăn uống thì ít lại vì than không ngon miệng. Nhờ chuyên gia tư vấn nên bổ sung những thực phẩm nào vào chế độ ăn hàng ngày để giảm rụng tóc và ăn ngon miệng hơn?
Tôi được mọi người chỉ là mua sữa ong chúa tươi về để mỗi ngày ngậm 1 ngụm sẽ giúp ăn ngon miệng có đúng không? (Trần Thị Tâm)
– Bác sĩ Lưu Ngân Tâm:
Chào Tâm,
Tình trạng này có thể là do thiếu đạm, sắt và các vi chất khác như kẽm…
Bạn nên khuyên mẹ tăng cường thêm đạm trong khẩu phần ăn (thịt, cá, trứng, sữa) cùng với bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng (viên bổ sung vi chất). Nếu tình trạng kéo dài, bạn nên cho mẹ đi khám bệnh để tìm nguyên nhân.
– Ba mẹ tôi ăn chay trường cũng được 9 tháng nay, nhưng tôi đang lo là thiếu dưỡng chất vì ông bà cũng hơn 60 rồi. Nhờ chuyên gia gợi ý giúp nếu không có thịt, cá… trong bữa ăn hàng ngày thì ngoài rau xanh, đậu hủ thì nên dùng thêm các thực phẩm nào để bổ sung đạm và dưỡng chất để vẫn đảm bảo được sức khỏe khi ăn chay trường? (Nguyễn Văn Chiến)
– Bác sĩ Lưu Ngân Tâm:
Chào Chiến,
Ăn chay trường đầy đủ các chất vẫn tốt cho sức khỏe. Các thức ăn để tăng cường thêm đạm và dưỡng chất là các loại đậu, hạt (đậu phộng, hướng dương…) rất giàu đạm, khoáng chất và vi chất dinh dưỡng. Song, ăn chay trường dễ có nguy cơ thiếu máu, sắt.
Bạn cũng nên bổ sung sữa dinh dưỡng chất lượng tốt, là nguồn dinh dưỡng giàu các dưỡng chất như đạm, chất khoáng (canxi, magiê, sắt…), vitamin và vi lượng.
– Nên sử dụng phối hợp hạt chia, hạt macca và thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng cho người già như thế nào? Dùng cùng lúc nhiều thứ như vậy có tốt không?
Xin cám ơn. (Dương Thị Thủy)
– Bác sĩ Lưu Ngân Tâm:
Chào Thủy,
Các loại hat chia, macca… chứa nhiều acid béo thiết yếu, khoáng chất và vi chất, nên bổ sung cho người lớn tuổi vẫn tốt. Tuy nhiên, cũng không quên bữa ăn, khẩu phần ăn vẫn phải đầy đủ và cân đối các chất.
– Tôi nghe nói về già thì dạ dày và ruột sẽ bị teo đi, nên hạn chế bớt tinh bột như cơm và hạn chế ăn mặn và ăn thịt thì có đúng không? Nên ăn uống như thế nào thì hợp lý mà vẫn đảm bảo sức khỏe? (Nguyễn Thị Thanh Thảo)
– Bác sĩ Lưu Ngân Tâm:
Chào bạn,
Nếu không mắc bệnh lý dạ dày, ruột thì hệ thống này vẫn bình thường. Khẩu phần ăn nhìn chung cũng không thay đổi nhiều so với còn trẻ. Khẩu phần ăn giảm cơm (bún, phở…), béo… giúp tránh thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa mỡ, hạn chế ăn mặn, thịt là hợp lý cho người lớn tuổi (cả cho người trẻ), thay vào đó ăn nhạt hơn, thường xuyên ăn cá, đậu đỗ giúp phòng và điều trị các bệnh lý về tim mạch.
– Cha mẹ tôi hiện tại đã hơn 60 tuổi, tôi thấy hình như cả hai ông bà đều đổi tính tình, rất khó chịu và khó chiều. Tôi đi làm thường xuyên nên chỉ ở nhà vào cuối tuần nhưng thường không khí rất im lặng hoặc hai ông bà đụng chuyện gì cũng cáu gắt, gắt gỏng và hay tủi thân. Tôi nên làm gì để cha mẹ tôi không rơi vào trạng thái như trên nữa ạ? Cám ơn chương trình (Võ Thị Mỹ Hạnh, Hồ Chí Minh)
– Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai:
Chào em,
Cảm ơn em đã quan tâm đến đời sống của cha mẹ. Người xưa có câu “già bát canh, trẻ manh áo mới”, tuổi già phải tuân theo quy luật, sức khỏe ngày càng suy yếu, ăn thì hay nghẹn hay sặc nên cần có bát canh cho dễ nuốt. Người già hay tủi thân vì thấy mình trở nên vô dụng, giao tiếp cũng càng ngày càng hạn chế, trong mọi vấn đề đều cảm thấy lực bất tòng tâm… Họ cần được con cái quan tâm, nhưng con cái lại bận rộn với công việc mưu sinh. Hai bên đều có lý do của mình nhưng đã là đời sống gia đình thì phải chấp nhận và thấu hiểu cho nhau.
Cả tuần em vắng nhà, chắc hẳn cha mẹ cũng mong đợi gia đình đoàn tụ, trò chuyện vui vẻ. Cuối tuần em hãy chủ động gợi chuyện hoặc vào bếp nấu những món ăn mà bố mẹ ưa thích, tặng những món quà đơn giản mà tình cảm, thỉnh thoảng em cũng nên đưa bố mẹ ra ngoài thăm người quen, đi du lịch, tạo điều kiện cho bố mẹ tham gia các hoạt động của người cao tuổi tại địa phương… sẽ giúp bố mẹ cảm thấy khỏe mạnh, sống vui và có ích.
Chúc em thành công.
VnExpress
Nguồn: VnExpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…