Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, hay còn gọi là Đức Từ Cung, là bà hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn và của cả chế độ phong kiến Việt Nam. Cuộc đời bà đã trải qua nhiều biến cố cùng với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc.
Truyền thuyết ở làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế, kể rằng, một ông thầy địa lý đã nhìn mộ ông tri huyện Hoàng Trọng Tích và phán rằng “họ này sẽ phát hoàng hậu”, ai nghe cũng cười. Không ngờ, sau đó, con gái ông huyện trở thành Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn.
Đó chính là Đoan Huy Hoàng Thái hậu, vợ của vua Khải Định, mẹ đẻ vua Bảo Đại. Bà tên thật là Hoàng Thị Cúc, sinh năm 1890. Tuy có cha là quan Tri huyện nhưng bà Hoàng Thị Cúc đã sống cuộc sống cực nhọc, khó khăn.
Ông bà Tri huyện mất sớm, bà Cúc còn nhỏ tuổi nên phải sống nhờ gia đình người anh trai cả Hoàng Trọng Khanh. Tuy nhiên, Hoàng Trọng Khanh lại là người ham mê cờ bạc, có bao nhiêu tiền đều ném vào hết vào các chiếu bạc nên bà phải đi làm thuê kiếm tiền về cho gia đình từ rất sớm.
Sau này, khi người anh ngày càng bê tha cờ bạc, vì gia đình quá túng quẫn, Hoàng Thị Cúc đã bị đưa vào làm cung nữ hầu hạ bà Thánh Cung Hoàng hậu và Tiên Cung Hoàng hậu – hai người vợ của vua Đồng Khánh.
Câu chuyện về lời tiên tri nói trên xảy ra khi có một ông thầy địa lý tình cờ đi ngang qua làng Mỹ Lợi, nơi đặt mộ tri huyện Hoàng Trọng Tích. Ngắm thế đất ngôi mộ, ông phán: “Mộ này sẽ phát Hoàng hậu”. Khi nghe thầy phong thủy nói thế, nhiều người dân làng Mỹ Lợi chỉ cười, hoàn toàn không ngờ sau này lời phán đó sẽ linh ứng.
Câu chuyện tiếp diễn khi hoàng tử Bửu Đảo, lúc đó được phong là Phụng Hóa công, con trai vua Đồng Khánh và bà Tiên Cung Hoàng hậu, đã có quan hệ với cô thị nữ Hoàng Thị Cúc dẫn tới có mang. Có chuyện kể rằng sự việc diễn ra trong một lần hoàng tử say rượu đi chơi về khuya, cao hứng nên mới gọi cô Cúc để quan hệ.
Trong khi đó, nhiều tin đồn khác nói rằng hoàng tử Bửu Đảo vốn ít thích gần gũi phụ nữ, điển hình là khi đó Phụng Hóa Công đã có vợ là con gái của đại quan đầu triều Trương Như Cương tên là Trương Như Thị Tịnh, nhưng cả hai người sống với nhau lâu mà không có con.
Khi bụng người thị nữ ngày một to, bà Tiên Cung đã dùng mọi cách tra hỏi về tác giả của cái thai, nhưng bà Hoàng Thị Cúc một mực khai rằng, đó chính là Phụng Hóa Công.
Thậm chí, người trong cung đình kể lại, có lần bà Tiên Cung còn cho người đào lỗ dưới đất, ép bà phải nằm úp bụng bầu xuống lỗ và đánh, bắt bà phải khai đó là thai của ai, vì sao lại dám đặt điều cho Phụng Hóa Công, nhưng bà vẫn một mực khẳng định đây là con của ông hoàng. Kể từ đó bà mới được tha và hưởng thời kỳ dưỡng thai.
Vượt qua mọi sự nghi kỵ, ngày 22/10/1913, bà hạ sinh hoàng tử, được đặt tên là Vĩnh Thụy, tức vua Bảo Đại sau này. Đây là người con duy nhất của vua Khải Định. Sau này, mọi người trong hoàng tộc và người phục vụ trong cung đình đều công nhận, hoàng tử rất giống vua cha.
Năm 1916, vua Đồng Khánh mất, Phụng Hóa Công lên ngôi, đặt niên hiệu là Khải Định, bà Hoàng Thị Cúc được phong là Tam giai Huệ tần, đến năm 1918 thăng lên Nhị giai Huệ phi, đứng thứ 2 trong Hậu cung , sau bà Ân phi Hồ Thị Chỉ. Tước Hoàng quý phi, đứng đầu hậu cung được nhà vua dành tặng cho bà Trương Như Thị Tịnh, dù bà đã xuất gia đi tu và từ chối nhận phong.
Mặc dù sinh ra hoàng tử, nhưng bà Hoàng Thị Cúc cũng không được nuôi con. Hoàng tử Vĩnh Thụy được bà Tiên Cung Thái hậu đón về cung của mình, tự chăm sóc, nuôi nấng.
Tháng 2/1923, nhân Vĩnh Thụy được phong làm Thái tử, Huệ phi Hoàng Thị Cúc được thăng làm Nhất giai Hậu phi.
Năm 1925, vua Khải Định qua đời, hoàng tử Vĩnh Thụy đang học tập ở Pháp được đưa về nước chịu tang và lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Bảo Đại, tuy nhiên, ông quay lại Pháp học tập thêm 7 năm nữa, mãi đến năm 1932 mới “hồi loan” để điều hành đất nước.
Đến ngày 20/3/1933, vua Bảo Đại mới tôn phong cho mẹ mình làm Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, trong cung đình quen gọi bà là Từ Cung hoàng thái hậu hay giản gọi là Đức Từ Cung. Lúc này thì lời tiên tri của ông thầy địa lý thực sự linh nghiệm, vì triều Nguyễn giữ quy định không phong Hoàng hậu cho các bà vợ vua, chỉ mẹ của vua mới được phong Hoàng thái hậu.
Bà Từ Cung trải qua một cuộc sống rất nhiều thăng trầm cùng lịch sử đất nước. Sau năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị, ra Hà Nội làm cố vấn, rồi sang sống lưu vong tại Trung Quốc, Hong Kong. Khi đó, bà Từ Cung chuyển ra khỏi hoàng thành, sống tại cung An Định.
Năm 1950, người Pháp đưa Bảo Đại về nước làm Quốc trưởng nhưng đến năm 1954, khi ông đang ở Pháp thì bị Ngô Đình Diệm lật đổ, cuộc sống của bà Từ Cung bắt đầu gặp nhiều khó khăn. Bà đã sống đến khi đất nước thống nhất mà không gặp lại Bảo Đại. Năm 1980, bà qua đời, thọ 90 tuổi.
Video: Những lời Tiên tri trùng hợp Phương Tây & Phương Đông
Theo Lê Tiên Long (Khám phá)
Nguồn: ĐKN
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…