Sáng 25/12, trong một ngày Sài Gòn mưa tầm tã, lạnh buốt da thì sảnh tầng 6 của bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương TP.HCM vẫn ấm áp lạ thường. Không gian nơi đây được sưởi ấm bởi niềm tin, hy vọng dành cho những ông bố, bà mẹ có con nhỏ có cơ hội được hỗ trợ điều trị trong chương trình Phẫu thuật Nụ cười (Operation Smile). Ảnh: Thế Phương.
39 hồ sơ đăng ký tham dự chương trình là 39 gia đình nhỏ có niềm vui chưa vẹn, có nụ cười chưa tròn. Tất cả có cùng động lực để có mặt tại bệnh viện từ rất sớm: tìm nụ cười tròn cho con. Một gian phòng chờ vang lên tiếng khóc của những đứa trẻ mới vài tuần tuổi, cơ thể còn đỏ hỏn, nhưng lại mang trong mình dị tật sứt môi, hở hàm ếch bẩm sinh. Ảnh: Liêu Lãm.
Chị Phạm Thị Hương (Long Xuyên, An Giang, 34 tuổi) là một trong những người có mặt sớm nhất. Cả hai mẹ con chị từng trải qua phẫu thuật sứt môi từ khi bé Phạm Gia Vĩ (sinh năm 2007) mới 16 tháng tuổi. Nhiều năm trôi qua, đến nay bé Vĩ được 10 tuổi, chị mới có thể bước tiếp hành trình mang đến nụ cười vẹn tròn cho con. Ảnh: Liêu Lãm.
“Thằng nhỏ nó ngoan và dạn dĩ lắm. Nhưng khi đi học thì bị nói ngọng chữ h, nó phát âm không có được. Có mấy lần ở dưới quê, người ta kêu hát karaoke mà nó ngọng, nó không dám hát. Đợt này đi phẫu thuật về, chắc nó tự tin hát rồi”, chị Hương thành thật kể. Chị cũng muốn đưa con đi phẫu thuật nhiều lần nhưng em Vĩ rất sợ, không dám đi; đến bây giờ 10 tuổi thì em đòi được chữa hẳn bệnh. Ảnh: Liêu Lãm.
Không phải bà mẹ nào cũng có được sự lạc quan như chị Hương. Không nói thành lời nhưng nỗi buồn tủi trên gương mặt của các phụ huynh thì không khó để cảm nhận. Đa số bệnh nhân đều đến từ những tỉnh xa ở miền Tây như Cà Mau, Hậu Giang, An Giang; gác lại chuyện nhà để lên thành phố tìm kiếm hy vọng mới nên ai ai cũng mong mọi thứ suôn sẻ, con mình đủ điều kiện phẫu thuật. Ảnh: Liêu Lãm.
Bé Trần Hoàng Anh (16 tháng tuổi), con của chị Lê Thanh Thuý (Đầm Dơi, Cà Mau), may mắn được phẫu thuật môi từ khi đủ 6 tháng. Giữa những âm thanh ồn ã của trẻ thơ, cô bé vẫn điềm nhiên ngủ say bên cạnh người mẹ. Khi thức dậy, em lại vô tư chơi đùa với những món đồ chơi có sẵn ở bệnh viện, tuyệt nhiên không có tiếng quấy khóc nào. “Dạy nó ạ nó cũng ạ, dạy kêu ba cũng kêu, mà học nhanh lắm, dạy một lần một là biết à, hổng có dạy nhiều lần, nó ngoan”, chị Thuý tự hào. Ảnh: Liêu Lãm.
Vậy mà chỉ vài giây sau đó, khi nhắc đến dị tật đứa con phải mang lên mình, chị không kìm được nước mắt mà bật khóc. “Lúc sanh thấy nó mà mình khóc, muốn xỉu vậy đó. Bác sĩ không cho mình thấy rõ. Mà nó sứt hết trơn hàm tới lỗ mũi luôn. Rồi đó cũng buồn cũng khóc”, chị nghẹn ngào. Cuộc trò chuyện đứt đoạn bởi không ai nỡ cứa thêm nỗi đau của người mẹ. Giữa một góc nhỏ bệnh viện, người viết chỉ biết ngồi đó, nắm chặt tay chị Thuý như một nỗ lực tiếp thêm sức mạnh cho bà mẹ hai con nhỏ thó người. Ảnh: Liêu Lãm
Ngồi sát bên chị Lê Thanh Thuý là mẹ con chị Thị Xà Phal (Hậu Giang, sinh năm 1987). Bé Châu Hoàng Thiện mới được 6 tháng tuổi. So với cô bạn nhỏ Hoàng Anh, cậu bé Thiện dạn dĩ hơn hẳn. Em chưa biết đi, chỉ mới bò và lẫy, vô tư cười khanh khách, giòn giã khi ngồi chơi cùng mọi người. Để con ngồi vào lòng, chị Phal kể lại: “Hồi mới đầu buồn, khóc dữ lắm luôn. Hồi đó mình muốn xỉu trên bàn sanh luôn, sanh ra là bác sĩ che lại hổng cho mình thấy, sợ mình xỉu. Mà nói vậy chứ con mình mà, mình cũng muốn gặp liền, cũng phải ôm nó chút, rồi thì thấy”. Ảnh: Liêu Lãm.
Được bảo bọc bởi tình thương vô bờ của mẹ, cậu bé vô tư cười giỡn với mọi người. Dường như tất cả lắng lo, mọi xấu xa đau khổ của cuộc sống này, người làm cha làm mẹ đã gánh chịu thay con cả rồi. Dù vậy, người mẹ không may có con mắc dị tật vẫn chưa khỏi bàng hoàng mà kể lại: “Mình đâu từng trải qua mấy chuyện này, chỉ là thấy trên đài, người ta nói thôi chứ mình có gặp mấy chuyện này đâu, ở dưới quê ít lắm. Với hồi đó dưới quê nghe người ta nói may được mà không có biết, không thấy. Tới chừng lên đây bác sĩ nói cái này trị được mới thấy mừng”. Ảnh: Thế Phương.
Một em nhỏ bước vào lộ trình chữa dị tật bằng phương pháp điều trị băng ép môi và đeo khí cụ N.A.M (Nasal Alveolar Molding device) để thu hẹp khe hở môi – hàm ếch trước phẫu thuật khi chỉ mới vài tuần tuổi. Tiếng khóc của em vang khắp căn phòng còn thoảng mùi thuốc tẩy y tế, mùi bệnh viện. Ảnh: Liêu Lãm.
Bác sĩ Lê Trung Nghĩa, phụ trách khoa Vi phẫu và tạo hình hàm mặt, cho biết: “Những bệnh nhi được bước vào quá trình điều trị sớm vẫn là một điều may mắn. Bởi khi đó phần hàm của các bé chỉ mới là mô sụn, nên các phương pháp điều trị tiền phẫu thuật sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn”. Cũng theo bác sĩ Nghĩa, các nước khác đã triển khai mô hình điều trị dị tật sứt môi, hở hàm ếch toàn diện từ rất lâu rồi, nhưng do một số khó khăn về kinh phí tài trợ, điều kiện tổ chức mà bệnh viện Răm Hàm Mặt Trung Ương TP.HCM chỉ mới hợp tác với Operation Smile hỗ trợ điều trị toàn diện từ năm 2015. Ảnh: Liêu Lãm.
Đem đến niềm tin, hy vọng và cả khởi đầu mới trong những ngày cuối năm cho chị Hương, chị Thuý, chị Phal cùng nhiều gia đình khác nữa là nỗ lực của nhiều phía, trong đó có tổ chức Operation Smile. Trung bình mỗi năm có khoảng 20-30 chương trình phẫu thuật trên khắp cả nước, riêng TP.HCM và Hà Nội sẽ có đợt định kỳ hàng tháng. Chị Phạm Thị Xuân Hương, đại diện văn phòng Operation Smile miền Nam – người đã đồng hành với chương trình ý nghĩa này suốt 4 năm qua, cũng là người kể lại câu chuyện xúc động về cô bé Thanh. Ảnh: Liêu Lãm.
Nhớ lại những chuyện đã qua, chị Hương nhẹ giọng: “Suốt 9 năm đầu đời, mọi người trong làng đều gọi tên Thanh là ‘sứt’ – cái tên rất tệ khi gọi một đứa trẻ. Ngày đầu tiên đi học, em bị bạn bè chế giễu, không đến trường nữa, chỉ nấp sau cánh cửa nhìn các bạn đến trường, vui chơi. Cuộc sống của Thanh đúng nghĩa đứng sau cánh cửa đó. Operation Smile đã mang đến nụ cười cho em ấy bằng một chương trình phẫu thuật ở Vũng Tàu. Nhờ đó, Thanh đã lấy lại được nụ cười và bây giờ, người ta gọi em bằng Thanh chứ không ai gọi em ấy là ‘sứt’ nữa”. Điều ý nghĩa mà dự án Phẫu thuật Nụ cười đem lại không chỉ dành cho các em nhỏ mang còn mở ra một trang mới cho cả gia đình bé. Ảnh: Liêu Lãm.
Đồng hành cùng tổ chức Operation Smile và các bệnh viện trong hành trình đem lại “nụ cười tròn” cho các em nhỏ là các đơn vị tài trợ, trong đó có MobiFone. Suốt 9 năm nâng bước cho dự án ý nghĩa này, MobiFone đã trao tặng hơn 6 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật, tài liệu truyền thông, đầu số hotline: 090.488.555, đầu số ủng hộ 9250 cùng nhiều giờ tình nguyện. Phát biểu trước giờ khám bệnh tại TP.HCM, đại diện nhà mạng khẳng định MobiFone luôn chung tay mang đến những chương trình thiện nguyện giàu ý nghĩa cho xã hội. Ảnh: Thế Phương.
Kết thúc ngày khám bệnh của đợt phẫu thuật cuối cùng của năm 2017, có 29 em nhỏ trong tổng số 39 ca bệnh nộp hồ sơ đủ điều kiện tiến hành chữa trị tại bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương TP.HCM. Thời gian phẫu thuật sẽ kéo dài trong 4 ngày, từ 26/12 đến 29/12. Cũng trong chương trình do MobiFone tài trợ trước đó tại Hà Nội, khoảng 45 em nhỏ cũng đã được “tô lại” nụ cười. Ảnh: Thế Phương.
Giang Thư Quân
Nguồn: Zing
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…