Thuốc cổ truyền được chế biến từ cây cỏ nhiệt đới rất sẵn có.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Có những bệnh tây y không chữa được mà y học cổ truyền lại chữa được rất hiệu quả. Thuốc cổ truyền là sản phẩm được chế biến từ cây cỏ nhiệt đới rất sẵn có ở ta. Tuy nhiên, cho đến nay, nước ta đang phải nhập khẩu đến 80% dược liệu cổ truyền. Tại các cơ sở y tế cổ truyền vẫn còn rất vắng bóng người bệnh.
Gần đây, Bộ Y tế đã sửa đổi Thông tư 40 để làm sao tăng nhanh số lượng bệnh nhân BHYT tiếp cận đến các cơ sở y học cổ truyền. Bộ cũng đã làm việc với Học viện Phật giáo Trung ương, phân hiệu TP Hồ Chí Minh để lên kế hoạch hợp tác mở Khoa Y – dược cổ truyền tại đây.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp Học viện Phật giáo này có thể được đào tạo bổ sung tiếp tại các khoá đại học y dược cổ truyền của ngành y tế để có đủ điều kiện hành nghề tại các cơ sở y tế trên toàn quốc. Ý tưởng này được Hội phật giáo Việt Nam rất hoan nghênh và sẵn sàng hợp tác.
Bộ Y tế cũng đang triển khai đầu tư mở rộng, hiện đại hoá nhiều cơ sở y học cổ truyền trên toàn quốc để làm sao hấp dẫn người bệnh. Bộ cũng cấp giấy phép hành nghề cho 108 lương y hoạt động tại các chùa sau khi được đào tạo, qua thi cử.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, một trong những mấu chốt để thành công trong việc ứng dụng, phát huy y học cổ truyền là vấn đề chất lượng và số lượng dược liệu trong nước, mà mấu chốt của vấn đề này lại phụ thuộc chính vào nguồn nguyên liệu. Nếu thuốc giả, thuốc kém chất lượng, chữa không khỏi bệnh thì làm sao người dân tin vào loại hình chữa bệnh này nữa.
Đặc biệt, nhiều đại biểu còn cho biết, có không ít người vì lợi nhuận mà sẵn sàng làm những điều có hại cho người sử dụng phải các loại dược liệu, như phun tẩm chì vào tam thất cho có màu đẹp; dán keo vào nấm linh chi cho bắt mắt; tẩm diêm sinh vào các loại dược liệu khác để chống mốc…
Nhiều cơ sở còn trà trộn dược liệu liệu loại 2-3 vào với dược liệu loại 1 rồi bán với giá trên trời, khiến người bệnh vừa mất tiền oan mà bệnh rất lâu vẫn không khỏi.
Từ một nước nhập khẩu gạo nay chúng ta đứng thứ 3 xuất khẩu gạo trên thế giới. Vậy tại sao nay chúng ta cứ phải nhập khẩu đến 80% dược liệu mà không hướng tới tự đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất dược liệu cho mình rồi tiến đến xuất khẩu loại nguyên liệu này?
Để có thể đáp ứng đòi hỏi nói trên, theo Bộ trưởng, trước hết phải xây dựng cho được các tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất cũng như kiểm soát hàng hoá thật chuẩn mực, nghiêm ngặt. Ngoài ra, phải có cơ chế đặc thù trong đấu thầu dược liệu cổ truyền sao cho không thể ưu tiên giá rẻ để đảm bảo không lọt hàng kém chất lượng mà phải quan tâm đến tất cả mọi yếu tố cấu thành một sản phẩm tốt.
“Thông tư 03 của Bộ Y tế ra đời kiểm soát rất tốt việc nhập khẩu dược liệu chính ngạch, còn nhập khẩu tiểu ngạch thì sao?”. Đặt câu hỏi như vậy, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị tham mưu tiếp cho bộ kiểm soát tốt hơn nữa, kể cả thanh tra, kiểm tra phải tích cực hoạt động xử lý nghiêm minh hơn các vi phạm pháp luật.
Vấn đề nhân lực cho y học cổ truyền cũng rất đáng báo động khi hiện đang có rất ít người theo học chuyên khoa này. Cả nước chúng ta chỉ có một viện dược liệu và 2 viện kiểm nghiệm chủ yếu kiểm nghiệm thuốc tây là chính.
Vì thế cho nên trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các bộ phận tham mưu trong ngành phải nỗ lực hơn nữa trong việc đáp ứng nguồn nhân lực, vật lực cho sự nghiệp phát triển dược liệu này. Bộ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động trong việc tích cực hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới trong việc nuôi trồng, chế biến và sản xuất dược liệu.
Ngọc Kha
Nguồn: Đại đoàn kết
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…