Categories: Tin tức

Vì thiếu nước sạch, loài người có thể sẽ phải uống nước bồn cầu trong tương lai

Nghe qua thì thật không có gì hấp dẫn, phương án có tên “toilet-to-tap” này sẽ có thể trở thành cứu tinh cho những người không có để nước sạch để uống chứ chưa nói gì đến tắm giặt.

Cách đây tí ngày, các nhà khoa học đến từ Hà Lan đã đưa ra dự đoán về việc hơn 4 tỷ người trên thế giới sẽ phải sống trong cảnh không có nước sạch để dùng trong vòng 1 tháng. Vấn đề này sẽ lên đỉnh điểm trong vòng 1 thập kỷ tới, chính vì thế các nhà khoa học tại Australia đã hướng tới một phương án đó là tái chế nước thải từ bồn cầu thành nước sạch để sử dụng, cụ thể là uống.

Nghe qua thì thật không có gì hấp dẫn, phương án có tên “toilet-to-tap” này sẽ có thể trở thành cứu tinh cho những người không có để nước sạch để uống chứ chưa nói gì đến tắm giặt. Mặc dù vậy, nó đã được áp dụng ở một vài nơi trên thế giới theo một cách nhìn tổng quát như sau: nước thải đi qua các cống rãnh, bao gồm từ các toilet, đang được lọc và xử lý cho đến khi nó sạch như nước đóng chai tinh khiết, nếu không muốn nói là sạch hơn.

Kỹ sư môi trường Anas Ghadouani thuộc đại học Western Australia cho biết nước được tái chế rất an toàn và có mùi vị giống như tất cả những loại nước đóng chai hay lấy từ vòi ra, thậm chí nó còn có vị hơi ngọt dịu. Mặc dù vậy, chắc chắn không phải ai cũng vui vẻ khi biết được cốc nước họ cầm trên tay lại có nguồn từ thứ chứa đựng chất thải của họ hàng ngày.

Tuy nghiên, vấn đề biến đổi khí hậu gây hạn hán và dân số tăng cao khiến các nguồn nước sạch trên thế giới trở nên quá tải. Chính vì thế, nhiều thành phố đã bắt đầu áp dụng phương án “toilet-to-tap” để tái chế nước thải thành nước sạch. Việc tái chế nước thải không chỉ cần thiết mà nó còn quan trọng đối với việc duy trì nguồn cung nước sạch trong tương lai. Thậm chí, Anas Ghadouani đã lên tiếng cảnh báo rằng: “Không sớm thì muộn bạn sẽ phải uống nước thải tái chế. Đó không phải là chuyện viễn tưởng, đó là bối cảnh thực tế mà ai cũng phải đối mặt”.

Thêm vào đó, kỹ sư hóa học Peter Scales thuộc đại học Melbourne cũng bổ sung rằng: “Nước thải sinh hoạt tất nhiên là không chỉ bao gồm nước xả từ toilet. Hãy nghĩ tới những lượng nước đi xuống cống mỗi khi bạn rửa một trái táo hay rửa xe. Lượng nước này là một nguồn tài nguyên dồi dào chưa được sử dụng, hơn nữa chi phí sử dụng rẻ hơn rất nhiều và là nguồn tài nguyên luôn sẵn có. Trung bình mỗi thành phố thực hiện phương án tái chế lượng nước thải, nó có thể giảm nhu cầu nước xuống tới 60%”.

Thực tế, việc tái chế nước thải cho những nhu cầu sử dụng khác nhau không phải là quá mới mẻ. Thông thường, nước thải sẽ được tái chế lại cho việc tưới cây trong nông nghiệp và các vấn đề khác nhưng thường những sản phẩm này không thể uống được. Peter Scales nói rằng nó cũng giống công nghệ được sử dụng để xử lý các nguồn nước uống bị nhiễm khuẩn trước khi biến chúng thành nước sạch, và công nghệ này đã được sử dụng nhiều năm nay.

Giải thích thêm về quá trình xử lý nước thải, Peter Scales cho biết: “Đầu tiên, chúng ta phải lọc hết toàn bộ những chất ở dạng rắn trong nước. Sau đó, bạn sẽ áp dụng một quy trình gọi là thẩm thấu ngược nhằm lọc bỏ những hạt nhỏ nhất. Cuối cùng, nước được chiếu tia cực tím nhằm khử trùng các vi khuẩn gây bệnh. Thậm chí, phương pháp “toilet-to-tap” này có thể cung cấp một nguồn nước rất tinh khiết, tinh khiết hơn cả những gì các công ty nước sạch hiện nay có thể lấy từ sông hay từ các bể chứa“.

Quay lại vấn đề “ai sẽ uống nước có nguồn gốc từ toilet”, giáo sư tâm lý học Paul Rozin thuộc đại học Pennsylvania và các đồng nghiệp đã tiến hành khảo sát đối với khoảng 2000 người dân. Họ giới thiệu kỹ càng về phương pháp mới này và đặt câu hỏi rằng liệu người dân có dám uống thứ nước có nguồn gốc “ai cũng thấy tởm lợm” này hay không. Kết quả cho thấy dù 49% nói họ sẵn sàng sử dụng nguồn nước thải tái chế, vẫn có 13% từ chối và số còn lại nó họ chưa chắc. Đối với không ít người, cảm giác ghê tởm là quá khó để vượt qua, dù bạn muốn giải thích là nguồn nước này an toàn đến thế nào đi nữa.

Cách đây khoảng 10 năm, chính quyền thành phố Toowoomba (miền Đông Australia) đã tiến hành trưng cầu dân ý về vấn đề tái chế nước thải để sử dụng làm nước sinh hoạt. Ý tưởng này ngay lập tức bị vùi dập không thương tiếc khi có tới 62% người dân tại đây phản đối nó. “Tái chế nước thải để sử dụng là một ý tưởng rất hữu ích, mặc dù vậy nó thường bị những rào càn thông thường như chính trị ngăn chặn” – Peter Scales kể lại.

Bài học của Toowoomba đã trở thành lời cảnh tình cho nhiều nơi khác. Phát ngôn viên Clare Lugar của Water Corporation – công ty chịu trách nhiệm cấp nước cho miền Tây Australia, vốn là nơi chịu đựng hơn 15 hạn hán – cho biết: “Tình trạng thiếu nguồn nước đã đẩy những người lãnh đạo tại Toowoomba vào cảnh tuyệt vọng. Sau đó, họ đã tìm cách áp dụng việc tái chế nước thải mà không cho người dân đủ thời gian để tìm hiểu và làm quen với điều này”. Bản thân công ty này cũng đã bắt đầu cung cấp nước thải tái chế, nhưng họ muốn rút kinh nghiệm từ vụ Toowoomba và đang triển khai một cách từ tốn.

Ngoài ra, Anas Ghadouani cũng nói thêm về vấn đề thiếu hụt nước sạch tại miền Tây Australia: “Đây là một trong những nơi khô nhất trên Trái Đất, và tình trạng thay đổi khí hậu sẽ làm cho nơi này càng trở nên khắc nghiệt. Trong năm 2015, con đập lớn tại Perth chỉ thu được 72,4 tỷ lít nước, chưa bằng một phần ba so với nhu cầu thực tế”. Từ năm 2006, công ty Water Corporation đã sử dụng phương pháp lọc muối từ nước biển tại một số nhà máy nằm ngoài khơi Ấn Độ Dương. Quy trình khử muối cho dù khá tốn công và đắt đỏ nhưng lại tương đối hiệu quả. Hiện nay, nước được khử muối chiếm 39% tổng nguồn cung nước cho khu vực miền Tây Australia. Nguồn nước khai thác tại chỗ chiếm 43% và nước ở các bể chứa cung cấp cho phần còn lại.

Mặc dù vậy, tình trạng hạn hán kéo dài liên tục và dân số tăng không ngừng khiến cho ý tưởng tái chế nước thải trở nên thu hút nhiều sự chú ý nhờ chi phí thấp hơn cũng như hiệu quả không hề kém cạnh, thậm chí có phần nhỉnh hơn. Bản thân Water Corporation đã bắt đầu thử nghiệm quy trình tái chế nước thải mới tại khu vực Orange County, California. Họ sẽ bơm nước thải đã tái chế vào các tầng chứa nước, chúng sẽ đóng vai trò như các bồn chứa tự nhiên miễn phí và được coi như “vùng đệm về tâm lý” đối với người dùng khi họ uống nước ở đây mà không biết rằng đó chính là nước từ toilet của họ đã qua xử lý.

Năm 2012, Water Corporation đã hoàn thành cuộc thử nghiệm kéo dài ba năm tại Perth, với việc xử lý hàng triệu lít nước để thay đổi cách nhìn nhận về toàn bộ quy trình. Ngoài ra, họ đã xây dựng một chương trình tham quan dành cho những người muốn tận mắt chứng kiến quy trình lọc nước diễn ra như thế nào tại các nhà máy xử lý. Đại diện công ty này cũng có những buổi tiếp xúc với với chính quyền, các cộng đồng dân cư và các nhóm thổ dân địa phương.

Phương án tiếp cận này có vẻ như đang phát huy tác dụng, thể hiện qua việc các cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ ủng hộ phương án “toilet-to-tap” lên tới 70%. Hiện tại, công ty Water Corporation đang tăng cường trữ lượng nước của mình với 10 tỷ lít nước tại Perth được xử lý trong 2 năm 2013 và 2014. Theo dự tính, họ sẽ cho ra mắt một nhà máy quy mô lớn có khả năng tái chế 14 tỷ lít nước mỗi năm, và thậm chí tăng lên 28 tỷ nếu cần trong năm 2017. Cuối cùng, lượng nước thải đã tái chế có thể chiếm 20% tổng nguồn cung cấp nước cho Perth và người dân tại thành phố này đã có thể “nói lời tạm biệt” đối với vấn đề khô hạn nhức nhối bao nhiêu năm qua.

Thêm vào đó, Peter Scales nhấn mạnh các tiếp cận vấn đề từ nhiều hướng khác nhau là rất quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung nước sạch cho tương lai. Ví dụ, một trong các nguồn nước chưa được khai thác khác là nước mưa, nếu chúng ta tái chế nước thải và thu thập lượng nước mưa đã ngấm vào đất thì việc cung cấp nước cho cả một thành phố sẽ không phải vấn đề quá lớn. “Nhưng vấn đề là thời gian để khiến cho mọi người chấp nhận việc sử dụng nước thải tái chế hay xây dựng cơ sở hạ tầng để thu thập nguồn nước mưa này sẽ có thể tốn nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên”, Peter Scales khẳng định.

Bên cạnh Australia, rất nhiều nơi khác trên thế giới đã bắt đầu triển khai chương trình tái chế nước thải đặc biệt này: Singapore, Bỉ, Namibia, Mỹ… khi thiếu nước sạch đã trở thành vấn nạn toàn cầu. Mọi nỗ lực hay phương pháp hiện này bên cạnh “toilet-to-tap” đều hướng tới một mục tiêu duy nhất: Nước sạch cho tất cả mọi người.

Tham khảo BBC

Nguồn: GenK

adminyhoc

Recent Posts

Cảnh báo những nguy cơ lây nhiễm viêm gan B

Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…

9 hours ago

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

3 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

3 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

6 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

6 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

1 week ago