Việc chuyển đổi tội danh của lái xe máy tông chết Trung tá CSGT từ hành vi ‘Chống người thi hành công vụ’ sang ‘Giết người’ là dựa theo lời khai và các tài liệu điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra.
Liên quan đến việc lái xe máy tông chết Trung tá CSGT, ngày 18/12, Công an TP Thái Nguyên đã thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Hoàng Văn Trường (SN 1993, ở xóm Nhất Trí, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên), từ hành vi “Chống người thi hành công vụ” sang hành vi “Giết người”.
Tối 19/12, trả lời với PV báo VTC News, một lãnh đạo Công an TP Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi dựa trên hai căn cứ để chuyển đổi tội danh của đối tượng tông chết Trung tá CSGT trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên.
Thứ nhất, căn cứ theo lời khai của đối tượng. Thứ hai, chúng tôi căn cứ vào các tài liệu điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Nguyên xác định hành vi của đối tượng không phải hành vi “Chống người thi hành công vụ” nữa mà đây là hành vi “Giết người” nên chúng tôi chuyển đổi tội danh”.
Hiện trường vụ tài xế tông chết CSGT.
Trước đó, ngày 3/12, trả lời với PV báo VTC News, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, tội danh này chưa đúng với hành vi, hậu quả mà tài xế Trường gây ra.
“Sau khi xem xét toàn bộ thông tin, tình tiết vụ việc mà cơ quan công an cung cấp cho báo chí, tôi thấy việc truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ” là quá nhẹ và không sát so với hành vi và hậu quả mà tài xế xe máy gây ra.
Trường hợp này, tài xế đang điều khiển phương tiện giao thông bị lực lượng CSGT ra hiệu dừng xe nhưng không dừng còn cố tình đâm vào chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ thì đây không phải tội “Chống người thi hành công vụ”, luật sư Ứng cho biết.
Theo phân tích của luật sư Ứng, việc tài xế lái xe máy đâm CSGT cần xem xét ở 2 trường hợp.
Thứ nhất, nếu chứng minh được tài xế biết rằng tông xe vào lực lượng CSGT có thể khiến người bị tông nguy hiểm đến tính mạng mà vẫn cố tình thực hiện hành vi dẫn đến chết người thì cần xử lý về tội “Giết người” được quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự.
Trường hợp thứ 2, nếu không chứng minh được lỗi cố tình đâm mà chỉ là dọa đâm, nhưng chiến sĩ CSGT không tránh kịp dẫn đến chết người thì xử lý tội “Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông” được quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự.
Đối tượng Hoàng Văn Trường (áo xanh) thực nghiệm tại hiện trường đâm Trung tá CSGT tử vong trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên.
Theo luật sư Ứng, trong vụ việc cụ thể này, mặc dù là đường cao tốc cấm phương tiện thô sơ nhưng tài xế xe máy lại ngang nhiên đi vào là coi thường pháp luật.
Nếu CSGT không ngăn chặn hành vi này thì có thể sẽ gây tai nạn cho các phương tiện khác.
“Khi bị CSGT chặn, dù đường cao tốc rất rộng, có nhiều chỗ để tránh CSGT nhưng tài xế vẫn chọn cách tông thẳng vào chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ, đó là hành vi của tội “Giết người”.
Đặc biệt, tài xế này chưa được xóa án tích vì mới ra tù mà tiếp tục tái phạm thì thêm tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết định khung hình phạt”, luật sư Ứng nêu quan điểm.
Đồng quan điểm với luật sư Ứng, luật sư Nguyễn Hương Giang (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, nam thanh niên lái xe máy tông chết chiến sĩ CSGT là hành động táo tợn, coi thường mạng sống của người khác, cần phải được pháp luật xử lý nghiêm minh.
Theo quan điểm của luật sư Giang, nếu Cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ hành vi của lái xe khi cố tình đâm vào lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ thì có thể kết luận đây là hành vi cố tình sử dụng phương tiện, nguồn nguy hiểm cao độ để giết người. Hành vi này có thể xử lý mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Như báo VTC News đưa tin, khoảng 9h ngày 30/11, khi đang làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 3 mới (đoạn tránh TP Thái Nguyên hướng đường tròn Tân Long – Hà Nội), Thiếu tá Trần Văn Vang (SN 1975, Đội CSGT số 2, Phòng 10, Cục CSGT, Bộ Công an) phát hiện xe máy đi vào đường cấm nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.
Tuy nhiên, tài xế xe máy không tuân hiệu lệnh dừng mà tăng tốc tông thẳng vào Thiếu tá Vang.
Cú đâm bất ngờ khiến Thiếu tá Vang bị thương rất nặng, được đưa vào bệnh viện cấp cứu và hy sinh vào 16h50 ngày 30/11.
Quá khứ bất hảo của kẻ tông chết Trung tá Trần Văn Vang trên đường cao tốc
Tội giết người theo quy định tại điều 93 Bộ luật Hình Sự
Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
Theo VTC
Nguồn: ĐKN
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…