“Chỉ có thể nói là thần phục”, bác sĩ nguyên giám đốc một bệnh viện lớn tại TP HCM, nay ngoài 70 tuổi khi hồi tưởng về giáo sư Tâm đã lắng lòng bày tỏ. Dù có cơ hội được tiếp xúc nhiều hay ít với người thầy lỗi lạc, trong ký ức của nhiều bác sĩ thời ấy đều dành vẹn nguyên những xúc cảm ngưỡng mộ đáng kính.
Giáo sư Phạm Biểu Tâm giảng dạy y khoa cho học trò. Ảnh tư liệu.
Gốc miền Nam nhưng chào đời năm 1913 tại Huế trong gia đình nho học và khoa bảng, giáo sư Phạm Biểu Tâm hấp thu nền giáo dục đất cố đô trước khi ra Hà Nội theo nghiệp y khoa. Năm 1947 ông sang Pháp học chuyên môn giải phẫu, đậu bằng thạc sĩ y khoa, cùng với giáo sư Trần Quang Đệ trở thành một trong hai người Việt đầu tiên đạt học vị danh giá này. Trở về nước ông giảng dạy tại Đại học Y khoa Hà Nội, làm Giám đốc Bệnh viện Yersin, Phó giám đốc Trường Quân y trước khi cùng gia đình vào Nam năm 1954. Tại đây giáo sư Tâm trở thành giám đốc kiêm Trưởng khoa Ngoại khi Bệnh viện Bình Dân thành lập và là khoa trưởng người Việt đầu tiên của Trường Đại học Y khoa Sài Gòn.
Thời gian đảm nhiệm chức vụ khoa trưởng, mọi người lan truyền chuyện năm 1963, con của cố vấn Tổng thống Ngô Đình Nhu là Ngô Đình Lệ Thủy không đỗ trong kỳ thi tuyển sinh Đại học Y khoa Sài Gòn. Dù có sự can thiệp của Bộ trưởng Giáo dục theo ý nguyện của ông Nhu, giáo sư Phạm Biểu Tâm vẫn nhất mực từ chối cho Lệ Thủy vào học.
Nhiều ý kiến cho rằng cô gái Ngô Đình Lệ Thủy chưa bao giờ thi hoặc học ngành y mà theo học tại khoa Văn chương Pháp, Đại học Văn khoa Sài Gòn nên không có chuyện bị giáo sư Biểu Tâm từ chối. Dẫu còn nhiều tranh cãi nhưng các bác sĩ đều nhận định: “Giả sử nếu con gái cố vấn tổng thống không đủ điểm mà muốn theo học thì thầy Tâm nhất định cũng sẽ ứng xử kiên quyết vậy thôi”.
Ảnh cố giáo sư Phạm Biểu Tâm được treo trang trọng trong phòng làm việc của học trò là giáo sư Văn Tần tại Bệnh viện Bình Dân. Ảnh: Lê Phương.
Là một trong những cánh chim đầu ngành ngoại khoa Việt Nam, nhiều học trò của giáo sư Tâm đã trở thành những bác sĩ giỏi giang nổi tiếng. Hiện nay trong phòng làm việc của giáo sư Văn Tần, nguyên phó giám đốc, hiện là cố vấn khối ngoại Bệnh viện Bình Dân, hình ảnh của giáo sư Biểu Tâm được treo một góc trang trọng. Dù phòng làm việc thay nơi đổi chỗ nhiều lần thì bức ảnh ấy vẫn luôn được ông kính cẩn mang theo. “May mắn lớn của tôi là đã được gặp thầy và được dẫn dắt từ thuở mới vào nghề”, giáo sư Văn Tần nói.
Trong hồi ức vị giáo sư gần tuổi 80, thầy Biểu Tâm gắn liền với hình ảnh ngày ngày tự chạy xe đến bệnh viện, nghiêm túc say mê công việc từ sáng sớm đến tận tối mịt. Rất khiêm nhường, kiệm lời, ít khi chia sẻ cuộc sống riêng tư nhưng với kiến thức chuyên môn, thầy luôn truyền dạy học trò một cách thấu đáo. Cách đào tạo sát sao, kỹ lưỡng của người thầy đức độ khả kính đã giúp nhiều bác sĩ vững vàng tay nghề, đề cao y đức. Vì thương bệnh nhân mà vết mổ của thầy bao giờ cũng ngắn nhất, chỉ đủ để hoàn tất cuộc mổ một cách mỹ mãn.
Với sinh viên y khoa, thầy từng có lời căn dặn nổi tiếng: “Nghề y là một nghề đặc biệt, nếu chúng ta muốn nó cao quý thì nó sẽ cao quý. Nếu chúng ta muốn nó hạ tiện thì nó sẽ hạ tiện. Hạ tiện hay cao quý là sự lựa chọn của chúng ta chứ không phải của nghề nghiệp chúng ta”.
Cùng với người vợ thuộc dòng dõi hoàng tộc đất Huế, giáo sư Biểu Tâm sinh hạ được ba trai hai gái. Một đời gắn mình với ngoại khoa, 5 đứa con của thầy được gọi tên ở nhà theo dụng cụ phòng mổ là Kim, Chỉ, Bông, Băng, Gạc. Ngôi nhà trên đường Ngô Thời Nhiệm trở thành nơi tiếp đón các vị khách quốc tế, đồng nghiệp, học trò thân thiết. Niềm vui đời thường của thầy lúc sinh thời là xem bóng đá và thỉnh thoảng có mặt nơi khán đài bình dân tại sân banh Tao Đàn.
“Ở vị trí quyền cao chức trọng như vậy, nếu muốn mưu cầu lợi ích bản thân thì quá dễ dàng nhưng thầy Tâm vẫn hết mực liêm chính, sống thanh bạch, khiêm tốn”, một bác sĩ chia sẻ. Theo giáo sư Ngô Gia Hy thì giáo sư Phạm Biểu Tâm còn là người con mẫu mực hiếu thảo. Là giáo sư nhưng mỗi khi về Huế, thầy vẫn mặc áo the thâm hầu hạ phụ thân đã cao tuổi như một người con nhỏ. Đối với những thầy cũ của mình, bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào, thầy Tâm vẫn tỏ lòng kính trọng, lắng nghe.
Năm 1984, giáo sư Tâm bị tai biến mạch máu não. Các học trò khắp nơi tình nguyện chia nhau chăm sóc tại bệnh viện và về tận nhà giúp đỡ thầy trong quá trình tập vật lý trị liệu. Năm 1989, giáo sư sang Mỹ đoàn tụ cùng con cháu và tiếp tục chữa trị. Ngày 11/12/1999, vị bác sĩ được đồng nghiệp ví “Tài nối Hoa Đà, Đức noi Khổng Tử” tạ thế tại Mỹ, hưởng thọ 86 tuổi.
Lê Phương
* Bài viết sử dụng hình ảnh, tư liệu từ nhiều nguồn
Nguồn: VnExpress
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…