Tăng giá viện phí liệu có tăng chất lượng dịch vụ? (Ảnh: Trần Ngọc Kha).
Hơn 1.800 dịch vụ kỹ thuật y tế gồm giá khám bệnh (theo hạng bệnh viện), giá ngày giường bệnh (theo hạng và theo chuyên khoa) và giá các dịch vụ kỹ thuật (áp dụng chung cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) sẽ được thay đổi. Theo đó, từ ngày 1/3, bình quân mức giá thực (gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù) sẽ tăng bình quân khoảng 30%, từ ngày 1/7 (khi tính tiền lương vào thì giá) sẽ tăng khoảng 50% so với hiện nay. Thông tư cũng bổ sung thêm giá nhiều dịch vụ mới mà người bệnh có bảo hiểm y tế được thanh toán.
Như vậy đối với các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20%, chi phí KCB BHYT có bị ảnh hưởng nhưng mức độ không nhiều. Theo ông Nguyễn Nam Liên- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), trước đây, khi chưa tính đủ giá dịch vụ, người bệnh thường phải trả thêm một số khoản chi phí. Nay giá viện phí BHYT được tính đủ hơn, họ sẽ không phải trả thêm khoản chi phí nào khác nữa ngoài khoản BHYT đồng chi trả với nhà nước. Mặt khác, từ 1/1/2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi KCB đúng tuyến và khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.
Việc tăng giá này trước mắt chỉ áp dụng thanh toán BHYT nên chưa ảnh hưởng đối với người không có thẻ BHYT (khoảng 25% dân số). Đối với người có thẻ BHYT thì mức độ tác động đến các nhóm có khác nhau. Cụ thể, đối với khoảng 23,7 triệu người là người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT như người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, sẽ không bị ảnh hưởng do khi đi KCB được BHYT thanh toán 100% (trước đây chỉ được thanh toán 95%, đồng chi trả 5%, trừ trẻ em dưới 6 tuổi đã dược thanh toán 100%). Họ cũng sẽ không phải chi trả thêm một số chi phí dịch vụ mà trước đây chưa kết cấu vào giá.
Đối với đối tượng người cận nghèo được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn vốn khác và Bộ Y tế cũng đã huy động một số dự án ODA để hỗ trợ thêm cho họ, để tới đây sẽ đạt 100% tham gia BHYT. Khi đi KCB, đối tượng này được BHYT thanh toán 95% chi phí. Số đồng chi trả 5% còn lại (trước đây tỷ lệ này là 80-20) nên mức độ tác động sẽ không nhiều.
Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn việc triển khai thực hiện Thông tư nói trên. Theo đó, đối với dịch vụ khám bệnh, trường hợp trong cùng một ngày, tại cùng một cơ sở y tế, người bệnh có thẻ BHYT sau khi khám một chuyên khoa cần phải khám thêm các chuyên khoa khác thì từ lần khám thứ 2 trở đi chỉ tính 30% mức giá của 1 lần khám bệnh và mức thanh toán tối đa chi phí khám bệnh một ngày không quá 2 lần mức giá của 1 lần khám bệnh. Trường hợp người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh sau đó được chuyển vào điều trị nội trú theo yêu cầu chuyên môn thì được thanh toán là một lần khám bệnh. |
Đối với cơ sở y tế, khi giá được tính đủ tiền lương và chi phí trực tiếp, nguồn thu từ cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo đó sẽ tăng nên các đơn vị này có điều kiện mua thêm các loại thuốc, vật tư, hóa chất, test, kit xét nghiệm đáp ứng yêu cầu chuyên môn và phục vụ người bệnh tốt hơn. BV cũng có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị, nhà cửa kéo dài thời gian sử dụng, triển khai các dịch vụ theo đúng chất lượng, quy chuẩn do Bộ Y tế quy định, bảo toàn và phát triển được tài sản nhà nước giao, là tiền đề để thực hiện việc hạch toán, chuyển đổi mô hình hoạt động của các bệnh viện công cho hiệu quả.
Giá dịch vụ được tính đủ chi phí, trong đó có tiền lương sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, buộc họ phải thay đổi nhận thức, phục vụ tốt thì mới có nguồn thu để hoạt động và trả lương cho cán bộ, viên chức đơn vị mình.
Các BV sẽ phải chú trọng tuyển dụng viên chức theo đúng định mức nhân lực, để đảm bảo phục vụ, chăm sóc người bệnh được tốt hơn. Khi điều chỉnh giá vậy, dù muốn hay không các BV công lập cũng bắt buộc phải tự giác nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Nếu không, trong cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt này, chính họ sẽ không hấp dẫn người bệnh hoặc sẽ không được cơ quan BHXH ký hợp đồng hợp tác.
Đương nhiên điều này sẽ ảnh hưởng sống còn đến sự tồn tại và phát triển của đơn vị. Không những thế, việc điều chỉnh giá lần này sẽ thúc đẩy làm cho các dịch vụ hoạt động xã hội hóa y tế, dịch vụ hoạt động của các BV ngoài công lập hướng tới việc nâng cao chất lượng dịch vụ.
Khi đó các hoạt động xã hội hóa y tế và các thành phần y tế trong xã hội trong đó có y tế tư nhân sẽ được khuyến khích phát triển trong môi trường cạnh tranh quyết liệt và lành mạnh, công bằng hơn. Cả BV công và BV tư do vậy, sẽ đều phải nâng cao chất lượng dịch vụ thì mới thu hút được người bệnh.
Việc ban hành mức giá cụ thể này sẽ giảm bớt thủ tục hành chính, các đơn vị, địa phương không phải xây dựng, ban hành định mức, tính lại giá để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện một mức giá chung sẽ khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới phát triển kỹ thuật, người dân sẽ được sử dụng dịch vụ và được BHYT thanh toán ngay tại địa bàn. Y tế cơ sở gồm tuyến huyện và xã sẽ có điều kiện để phát triển, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn tuyến dưới.
Trần Ngọc Kha
Nguồn: Đại đoàn kết
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…