Thôn Thiều (Đồng Lạc, Bắc Giang) những ngày qua đang tổ chức đón hài cốt liệt sĩ Lê Minh Hiến được đưa về quê từ Long An. Trong tiết trời lạnh căm, cụ Trịnh Thị Tít (85 tuổi) như được tiếp thêm sức mạnh để chờ đón thêm tin về một người con khác của bà cũng chưa biết đang nằm lại nơi đâu.
“Mới đưa về được thằng em, còn thằng anh tên Hiền không biết đang nơi đâu. Lá thư cuối nó gửi về viết: Con từ Pathet Lào di chuyển xuống đồng bằng sông Cửu Long. Tiểu đội con đổi một áo cổ lọ và một mũ cối lấy một con gà cho 7 người ăn trước khi ra trận”, bà cụ Tít thều thào cho biết.
Cụ Tít có hai đời chồng đều là liệt sĩ. Đau đớn chồng chất khi năm 1974 cụ lần lượt nhận thêm hai giấy báo tử. Ở tuổi gần đất xa trời, cụ mong đưa phần mộ của hai con về quê. Gia đình đã liên lạc với những đồng đội từng chôn cất hai liệt sĩ, đào bới 50 m rừng cao su nhưng không có kết quả. Chỉ khi nhờ cựu chiến binh Cao Việt Đức, một trong 2 liệt sĩ đã được về nhà.
Ông Đức bàn giao hài cốt liệt sĩ Hiến cho mẹ già. Ảnh: Phan Dương.
Trong 10 năm qua, ông Cao Việt Đức (Đồng Kỳ, Yên Thế) đã đưa 500 phần mộ liệt sĩ về với người thân. Thời chiến tranh, ông Đức là bộ đội đặc công, tới lúc hòa bình ông là giảng viên trong trường Sĩ quan 600. Đồng lương ít ỏi nên ông xin phục viên. Mô hình trang trại vườn đồi của ông đã cho thành quả. Ông Đức là người đầu tiên làm nên thương hiệu gà đồi Yên Thế.
Nhà ông Đức nằm trên quả đồi quanh năm cây trái xum xuê. Ngoài các chuồng nuôi lợn giống, ông còn có trang trại gà, mỗi lứa nuôi 2.000 con. Nhà cửa khang trang, con cái đã yên bề gia thất nhưng không hiểu sao từ mùa xuân năm 2004 ông Đức mất ngủ triền miên. Trong cơn mê man, những ký ức chiến tranh lại hiện về. Nơi ấy – cửa khẩu Xa Mát – tháng 6/1977, 17 đồng đội đã chết trong trận đấu ác liệt. Ông nhủ mình: “Thân được nằm chăn ấm đệm êm, còn những đồng đội không biết giờ đang nằm nơi lạnh lẽo nào…”.
“Một ngày đầu tháng 4/2004, tôi nói dối vợ con là về quê ở Vĩnh Phúc. Tôi mang theo 10 triệu đồng, gửi xe ở thành phố Bắc Giang lên tàu vào TP HCM rồi đi Tây Ninh”, ông kể. Đến nơi ông mới ngỡ ngàng dấu tích chiến tranh chỉ còn trong ký ức, thay vào đó là màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng cao su. Đồng đội của ông đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành (Tây Ninh). Đợt ấy, ông đưa được mộ đồng đội về gia đình. Ông cũng ghi lại toàn bộ mộ liệt sĩ ở miền Bắc và gửi khoảng 4.000 lá thư đến Ban thường vụ cựu chiến binh cấp xã/huyện thông tin cho thân nhân liệt sĩ.
Cũng từ đó, người cựu chiến binh này tách mình khỏi công việc gia đình, ít ăn, ít ngủ để dồn toàn tâm sức tìm mộ liệt sĩ.
Liệt sĩ Hiến được tổ chức lễ an táng trang trọng tại quê nhà. Còn người anh là liệt sĩ Hiền, được xác định hy sinh ở Bố Lá (Bình Dương), vẫn chưa tìm được. Ông Đức hứa sẽ tìm giúp gia đình. Ảnh: Phan Dương.
Vừa đưa mộ liệt sĩ Hiến về quê, ông Đức lại lao vào giải mã những phần mộ khác. Gần 2h sáng, ông vẫn miệt mài nghiên cứu các tập hồ sơ. Lúc ăn, lúc ngủ, ông luôn trăn trở: “Mộ liệt sĩ này đang nằm ở đâu?”.
Với ông Đức, chìa khóa tìm được mộ liệt sĩ là giấy báo tử bởi trên đó có ký hiệu hoặc mã hiệu đơn vị cuối cùng chiến sĩ hy sinh. Mất khoảng 3 năm, ông mới thông thạo cách đọc những thông tin đó. Không chỉ thế, ông Đức cũng phải tìm hiểu cặn kẽ về các trận đánh, đường tiến quân, giai đoạn chuyển quân hay nhiệm vụ của các đơn vị binh chủng…
Năm ngoái, gia đình liệt sĩ Đào Như Hiền (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đã 4 lần nhờ các nhà ngoại cảm tìm mộ và tất cả đều chỉ ra nghĩa trang A Lưới nhưng khi giám định ADN đều không phải.
Khi đó, ông Đức đang trong hành trình xác minh 13 mộ liệt sĩ từ Lào về A Lưới. Xem qua hồ sơ, ông Đức biết liệt sĩ Hiền thuộc đoàn 675BKH (đơn vị của bộ Tư lệnh Công binh bổ sung cho quân khu Thừa Thiên Huế, đoàn A đánh Lào, đoàn B đánh Huế).
“Tôi điện về Bộ Tư lệnh Công binh được báo có 4 liệt sĩ Đào Như Hiền, Trần Văn Kền, Nguyễn Thế Hùng và Nguyễn Văn Thi cùng hy sinh ngày 23/2/1968 đang an táng tại km 16, đường 73, Hồng Hạ, A Lưới”, ông Đức cho biết. Tuy nhiên, 4 phần mộ vô danh và qua Tết, Cục Người có công tổ sẽ tổ chức giám định danh tính cho 4 liệt sĩ.
10 năm nay, cựu chiến binh Cao Việt Đức hy sinh mọi nhu cầu cá nhân để đi tìm mộ liệt sĩ. Ảnh: Phan Dương.
Đôi khi có được thông tin, thậm chí tọa độ nhưng vẫn không thể xác định được mộ. Khi đi tìm hài cốt liệt sĩ Vũ Như Linh (Nga Sơn, Thanh Hóa), ông Đức đã phải nhờ đến kỹ sư nông nghiệp Quảng Ngãi vẽ bản đồ và định vị thì mới xác định được vị trí chôn ông Linh trên đỉnh núi Cao Muôn.
“Lần đó, chúng tôi đào rộng bằng chiếc giường, sâu 80 cm nhưng không thấy gì. Đúng lúc buồn bực nhất, em liệt sĩ Linh mới cầm xà beng chọc thẳng ở giữa hố thì một khúc xương văng lên. Ông ấy sung sướng reo: Em tìm được anh rồi”, ông Đức nhớ lại.
Hài cốt liệt sĩ Hoàng Văn Ái được đưa từ nghĩa trang biên giới Việt – Lào về gia đình ở Yên Thế ngày 16/8. Ảnh: NVCC.
Am hiểu chiến tranh và có óc phán đoán, nhất là có tâm huyết với đồng đội, ông Đức không chỉ giúp các gia đình nhờ tìm mà còn chủ động chuyển thông tin phần mộ đến với thân nhân liệt sĩ. Ông luôn tâm niệm, đưa liệt sĩ này phải đưa cả những liệt sĩ khác.
10 năm ông Cao Việt Đức tìm mộ liệt sĩ
Phan Dương
Nguồn: VnExpress
Theo thống kê của Bộ Y Tế có đến khoảng 10-20% dân số cả nước…
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…